CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                                  TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ                    CHUYỆN LẠ              WEB                                    

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Hòa đàm Trung Đông: Đầu xuôi, đuôi khó lọt

Hòa đàm Trung Đông: Đầu xuôi, đuôi khó lọt
Các nhà đàm phán Israel và Palestine đã có một sự khởi đầu thuận lợi, vui vẻ và nhẹ nhàng tại tư dinh của ông Kerry ở thủ đô Washington.


Ngày 31/7, cuộc “đàm phán mở đường cho đàm phán” giữa Palestine và Israel đã hoàn thành tại Washington với việc hai bên nhất trí sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng trong vòng 9 tháng.
Nếu xét đến lịch sử xung đột đẫm máu kéo dài hàng chục năm qua ở Trung Đông, xét đến thực tế bế tắc nhiều năm nay trong tiến trình hòa đàm này và bản chất khác biệt quá lớn giữa các bên trong những vấn đề cốt lõi thì thời gian 9 tháng xem ra là một mục tiêu quá tham vọng, cho dù đang nhận được sự cổ vũ và những nỗ lực rất lớn từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một bước tiến “vạn sự khởi đầu nan” khi lần đầu tiên các nhà thương thuyết cứng rắn của hai bên đã chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán sau gần 3 năm gián đoạn nhờ những nỗ lực không ngừng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Cuộc đàm phán diễn ra không lâu sau lễ tuyên bố long trọng của ông John Kerry tại Jordan hôm 20/7 trong tràng pháo tay chúc mừng không ngớt của toàn bộ nhân viên ngoại giao có mặt. Đây đúng là một sự kiện đáng chúc mừng đối với ông Kerry khi mà ông đã làm được điều mà nhiều nhà phân tích trước đó cho là vô vọng, nếu nhớ lại những lần “dã tràng xe cát” của nhiều nhà ngoại giao khác.
Nhớ lại, cách đây chỉ khoảng 3 tháng, khi đề cập đến việc nối lại hòa đàm, chính quyền Palestine luôn kiên quyết yêu cầu Israel phải chấm dứt hoàn toàn việc xây mới các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và dải Gaza, đồng thời phải trả tự do cho các tù nhân Palestine theo đúng tinh thần của thỏa thuận Oslo ký năm 1993. Ông Abbas nói: “Palestine sẽ chỉ trở lại bàn đàm phán với Israel để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông như đề nghị của Mỹ chừng nào những điều kiện tiên quyết trên được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ”. Trong khi đó, phía Israel kiên quyết không chấp nhận đàm phán có điều kiện và công khai từ chối ngừng hoạt động xây dựng khu định cư.
Nhưng với 6 chuyến công du đến Trung Đông trong vòng 5 tháng với nhiều giờ đồng hồ đàm phán và thảo luận căng thẳng, Ngoại trưởng Kerry đã chạm tay tới thành công bước đầu khi thuyết phục được cả Israel và Palestine cùng chấp nhận “lùi một bước” để tạo điều kiện khởi động lại tiến trình đàm phán tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài hơn 6 thập kỷ qua ở Trung Đông. Thành công này như càng được củng cố thêm khi ngay trước thềm cuộc đàm phán đầu tiên, Thủ tướng Israel Netanyahu đã đồng ý trả tự do cho 104 tù nhân Palestine bị giam giữ từ trước năm 1993. Palestine cũng chấp nhận ngồi lại vào bàn đàm phán chỉ với một điều kiện đáp ứng.
Không thể phủ nhận đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng từ phía Ngoại trưởng Kerry, nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa những nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn có liên quan đến tình hình phức tạp ở khu vực thời gian qua, hay những tính toán của các bên.
Tại khu vực Trung Đông, Syria tiếp tục sa lầy trong cuộc nội chiến đẫm máu chưa có lối thoát, Ai Cập rối ren sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống dân bầu Mohammed Morsi, còn Iraq đứng trước nguy cơ rơi trở lại vòng xoáy xung đột sắc tộc với hàng chục vụ đánh bom mỗi ngày…. Tất cả những diễn biến này đã vô tình đưa câu chuyện Israel – Palestine xuống hàng thứ yếu trong mức độ quan tâm của cộng đồng thế giới và cũng vì thế đã tạo điều kiện cho những nỗ lực của ông Kerry “đơm hoa kết trái”.
Bên cạnh những yếu tố ngoại cảnh nói trên, sự tiến triển trong việc nối lại tiến trình hòa đàm Trung Đông trên thực tế phụ thuộc rất lớn vào những toan tính sâu xa của hai trực tiếp tham gia đàm phán. Đối với Israel, một cơ chế đối thoại thường xuyên với sự can dự của Mỹ sẽ giúp trì hoãn việc Palestine tìm kiếm quy chế quốc gia chính thức tại Liên hợp quốc. Nối lại hòa đàm cũng sẽ giúp Nhà nước Do Thái giảm bớt sức ép của cộng đồng quốc tế và tìm kiếm sự ủng hộ trong nỗ lực đối phó với Iran, đối thủ chính của Israel trong khu vực.
Trong khi đó về phía Palestine, việc đồng ý đàm phán có một phần cám dỗ từ gói viện trợ tài chính mà ông Kerry cam kết ở mức 4 tỷ USD.
Rõ ràng, cả Israel và Palestine đều tìm thấy lợi ích trong việc khôi phục hòa đàm, một ưu tiên hàng đầu mà ông Kerry đang theo đuổi. Vì thế, họ chẳng thể quay lưng lại với những nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ suốt 5 tháng qua, khiến những chuyến công cán “lao tâm, khổ tứ” của ông Kerry cuối cùng cũng được đền đáp.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của “những quân cờ chính” trên bàn đàm phán ở tư dinh của ông Kerry hôm 29/7 vừa qua vẫn chưa thể giúp cộng đồng quốc tế và giới phân tích rũ bỏ hoài nghi về nguy cơ lặp lại “gót chân Achin” của các vòng đàm phán trước. Liệu đây là một khởi đầu thuận lợi cho giấc mơ hòa bình ở Trung Đông, hay chỉ là sự lặp lại của một kịch bản đã cũ khi mà thành phần đàm phán của Palestine vẫn là hai gương mặt quen thuộc từ cả chục năm nay Saeb Erakat và Nabil Abu Rudeineh; còn từ Israel là Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni nổi tiếng cứng rắn và Isaac Molho, luật sư thân cận của Thủ tướng Netanyahu. 
Hòa đàm Trung Đông: Đầu xuôi, đuôi khó lọt
Liệu trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat và Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni có mở ra chương mới trong lịch sử Trung Đông hay không đến nay vẫn là một câu hỏi lớn.
Trong suốt 20 năm kể từ khi tiến trình hòa bình Oslo được triển khai, chưa bao giờ có những tia hy vọng lạc quan khi dự báo về vòng đàm phán hòa bình Trung Đông kế tiếp. Bản thân Ngoại trưởng Kerry trong phát biểu ngày 29/7 cũng thừa nhận đây là một tiến trình cực kỳ khó khăn và phức tạp, bởi “nếu dễ dàng, thì nó đã không kéo dài ngần ấy thời gian”.
Quả vậy, sóng gió đã bắt đầu nổi lên ngay trước khi hòa đàm đượcnối lại khi quyết định trả tự do cho các tù nhân Palestine đã gây chia rẽ nghiêm trọng nội các của Thủ tướng Netanyahu. Các đảng ủng hộ tái định cư cho người Do Thái đe dọa sẽ rút khỏi chính phủ nếu Thủ tướng Netanyahu tiếp tục thỏa hiệp về lãnh thổ. Một số bộ trưởng theo đường lối cứng rắn còn công khai phản đối việc thành lập Nhà nước Palestine và tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các khu định cư trên phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Bên phía Palestine, hố sâu ngăn cách giữa Tổng thống Mahmoud Abbas và phong trào Hamas đang kiểm soát dải Gaza cũng ngày càng mở rộng. Ngay sau khi Ngoại trưởng Kerry tuyên bố nối lại hòa đàm, phong trào Hamas đã lên tiếng bác bỏ việc quay trở lại các cuộc đàm phán Israel - Palestine. Người phát ngôn phong trào này tuyên bố quyết định nối lại đàm phán của chính quyền Palestine là hành vi “đi ngược với sự đồng thuận dân tộc”. Theo Hamas, Tổng thống Abbas không có quyền hợp pháp để thương lượng thay cho người dân Palestine.
Ngay cả khi gạt sang một bên yếu tố mâu thuẫn và bất đổng nội bộ của các bên, viễn cảnh hòa đàm Trung Đông cũng chẳng mấy sáng sủa hơn. Phát biểu chỉ vài giờ trước cuộc gặp Israel – Palestine công khai đầu tiên kể từ tháng 9/2010, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh; “Tôi cho rằng nhượng bộ một cách hợp lý sẽ là trụ cột chính để các bên hiện thực hóa nỗ lực này”. Vấn đề đặt ra là dường như chẳng bên nào sẵn sàng nhượng bộ để thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Đến nay, Palestin vẫn bám giữ 3 điều kiện tiên quyết liên quan đến số phận của tù nhân và người tị nạn Palestine, về đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và vấn đề định cư ở nơi sẽ đặt thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lại. Đáp lại, Israel nói rằng những điều kiện mà Palestine đưa ra sẽ được cân nhắc vào giai đoạn cuối, chứ không phải trước khi khởi động hòa đàm.
Hai ngày đàm phán tại Washington có thể được coi là sự khởi đầu thuận lợi cho một tiến trình hòa bình đang làm nhức nhối Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng mọi dấu hiệu đến nay vẫn cho thấy mục tiêu đạt được quy chế cuối cùng giữa Israel và Palestine dường như vẫn rất xa vờiMọi bất đồng liên quan đến lợi ích cốt lõi có thể khiến hòa đàm có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào và đưa những nỗ lực của ông Kerry trở về con số 0, tương tự như cuộc đàm phán tháng 9/2010.
Nói cách khác, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni và nhà đàm phán hàng đầu của Palestine Saeb Erekat vẫn mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực chất. Và do đó, tất cả những hy vọng và ngờ vực vẫn cần phải chờ đến các vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào giữa tháng này.
Trần Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét