GiadinhNet - Mùa khô năm 1978, Ba Chúc chìm trong nạn diệt chủng, hàng ngàn người dân vô tội đã ngã xuống trước lưỡi lê, họng súng của những tên sát nhân khát máu.
Những cái chết đau thương của người dân vô tội Ba Chúc.
|
35 năm sau, ông Ba Lê - chứng nhân của nạn thảm nạn đen tối nhất lịch sử loài người ấy vẫn âm thầm nén nỗi đau, gượng dậy để sống. Trong số 3.157 oan hồn ở Ba Chúc, dòng họ ông có 150 người, riêng ông phải tận mắt chứng kiến 8 người thân của mình phải vùi xác trong hang.
Đi giữa vùng “đất chết”
Ba Chúc (An Giang) đang thay da đổi thịt từng ngày. Ngôi làng từng được ví là “địa danh chết choc” hơn 3 thập kỷ trước giờ đã thành thị trấn. Phần đa, người dân nơi đây theo đạo “Tứ ân hiếu nghĩa”, với nét đặc trưng đàn ông mang áo dài đen, tóc búi củ hành sau gáy. Họ lấy việc tu nhân, thờ cúng ông bà tổ tiên làm nền tảng sống. Cũng chính đạo này đã ăn sâu vào tư tưởng của những con người nơi đây, mách bảo bọ luôn yêu thương, sống hiền hòa và tương trợ lẫn nhau. Đi giữa Ba Chúc giờ đây, cảnh tượng êm đềm đến nao lòng, như thể chưa từng có máu, xương và nước mắt trên mảnh đất vùng biên viễn này.
Thế nhưng, ít ai biết một thời Ba Chúc từng là nắm mồ khổng lồ, là ngôi làng chết đâu đâu cũng chỉ có thây người. Thời gian trôi, ngôi nhà mồ xây cất bằng công sức của chính người dân để làm chứng tích căm thù, chất đầy xương bị bể, gãy do chày nện, búa đập vẫn còn nằm đó. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả đúng bản chất tội ác của đoàn quân diệt chủng Pol Pot ngoài hai chữ man rợ. Câu chuyện của một thời đau thương ngày nay ở Ba Chúc vẫn được người già kể lại người trẻ, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, để không ai được phép quên đi quá khứ tăm tối trên quê hương mình.
Hành trình tìm lại những nhân chứng sống trong thảm nạn năm 1978 của chúng tôi không kém phần gian nan. Bởi những nhân chứng sống sót hầu hết đã qua đời hoặc là lưu lạc nơi đâu không tung tích. Phải mất rất nhiều ngày liên hệ qua ban ngành chức năng tại Ba Chúc, chúng tôi mới may mắn gặp được ông Bùi Văn Lê (thường gọi là Ba Lê, 69 tuổi ấp Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc), một nhân chứng sống còn sót lại trong thảm nạn năm ấy. Giờ đây, tên ông cũng dành đặt cho một cửa hang trên ngọn núi Dài. Nhà ông dựng lên ở ngay nơi ông tận mắt chứng kiến 8 người thân bị giết, giờ cũng là phòng thuốc cho người nghèo. Ông bảo, sau thảm nạn năm 1978, cũng như bao nhiêu người dân mất người thân ở ngôi làng này, ông phải chôn quá khứ để gượng sống. Vốn là thầy đờn (dạy đàn) nổi tiếng vui tính và nhiệt huyết trong vùng, sau thảm nạn ông Ba Lê trầm tư ít nói, tiếng đờn cũng nặng trĩu những cung bậc ai oán. Giờ mỗi khi ngược quá khứ, nỗi đau lại hiện về như mới ngày hôm qua.
Ông Ba Lê kể lại ký ức đau thương.
|
Ông bảo, những gì đã qua mỗi khi nhắc lại như vết dao cứa lòng, nhưng đó là lịch sử, có một phần máu xương của vợ con ông. Vì thế là người trong cuộc, bản thân ông thấy cần phải kể lại cho thế hệ mai sau biết: “Đó là những ngày đen tối của quê hương tôi, đâu đâu cũng thấy cảnh chết chóc”. Theo như những gì ông Ba Lê kể, vào đầu năm 1978, bọn phản động chính quyền cách mạng Campuchia là tập đoàn Pol Pot Ieng Sary đã tăng cường cho quân đánh phá sang biên giới nước ta. Cho đến tháng 4/ 1978, chúng cho quân vượt biên cải trang thành dân thường, bí mật trà trộn sang huyện Tri Tôn giết những người đi làm đồng.
Ngày 16/4 định mệnh, chúng cho quân đội bố ráp bao vây làng Ba Chúc, cắt đứt toàn bộ mọi ngã đường. Do quá bất ngờ nên người dân không chạy kịp, toàn bộ dân chúng bị cô lập với bên ngoài. Từng toán lính Pol Pot được trang bị súng, lưỡi lê, búa, gậy, gộc… bắt đầu thực hiện chiến dịch tàn sát. Ông Ba Lê còn nhớ như in những cảnh người dân bị bọn khát máu sát hại hết sức man rợ. “Ngày qua ngày, bọn chúng đều hành quân lùng bắt người để giết, hiếp, đốt nhà, bắn chết trâu bò. Những cảnh giết vô cùng man rợ diễn ra khi chúng dùng súng bắn, dùng lưỡi lê đâm, dùng búa, vồ đập vào đầu cho vỡ sọ. Đàn bà chúng hãm hiếp, dùng gậy tre đóng vào “cửa mình”, trẻ con chúng đập đầu vào tường, cột nhà, xé chân tay… cho đến chết”.
Tàn ác hơn, khi dân chúng sợ hãi chạy vào chùa để trốn với hi vọng, nhờ cửa chùa che chở, bọn diệt chủng cũng không tha. Tại chùa Tam Bảo (tổ đình của đạo Tứ ân hiếu nghĩa), bọn diệt chủng bắt hơn 800 người đủ mọi lứa tuổi, tịch thu hết vàng bạc, đồ vật có giá trị. Những ai thuộc phái nữ, bị buộc đi về hướng kênh Năm Xã, phái nam bị áp giải về hướng Cầu Sắt- Vĩnh Thông và giồng Ông Tướng. Đoàn người vô tội năm ấy đã bị tàn sát phơi thây ngoài đồng, chỉ có 2 người sống sót trở về. Còn tại chùa Phi Lai, ngày 20/4 biết dân chúng vào núp, quân Pol Pot tràn vào bắn xối xả, tung lựu đạn giết chết tại chỗ hơn 80 người. Những người dân hốt hoảng tháo chạy ra cửa, chúng dùng gậy đập vào đầu hoặc bắn chết hơn 100 người nữa. 40 người đang ẩn trốn dưới bàn Phật, cũng bị chúng tung lựu đạn làm 39 người chết, chỉ một phụ nữ còn sống sót nhờ nép trong góc và nhờ những xác người che chắn. Tại chùa Phi Lai, hiện nay vẫn còn ngấn máu đọng lại trên tường.
Sống sót hi hữu
Trong dòng ký ức đau thương, ông Lê bảo chỉ có ai sống trong hoàn cảnh đó mới có thể cảm nhận được tội ác man rợ của bọn sát nhân. Trong vùng có ngọn núi Dài nhiều hang, người dân đều phải bỏ nhà cửa chui vào hang núi trốn. Bọn Pol Pot lại mang súng, lựu đạn, dẫn theo chó luồn hang xẻ núi lùng sục. Hễ phát hiện bên trong có người thì hoặc là chúng cho họng súng vào xả hoặc là ném lựa đạn vào hang để giết người bằng hết, trong đó có gia đình ông Ba Lê. Nhà ông Ba Lê ở ngay chân núi Dài. Hồi kháng chiến, ông và người chú ruột dành để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi thảm nạn Pol Pot diễn ra, ông cũng mang vợ con lên nấp nhưng vẫn không trốn thoát. Chiếc hang ấy là nơi chứa hương hồn của vợ ông, cùng 5 người con và 2 cô em họ ông giờ đã mang tên ông, bịt kín miệng đặt một bia thờ.
Dẫn chúng tôi lên hang, ông Ba Lê thắp nén hương, giọng trĩu nặng nhớ lại: “Năm ấy, cả gia gia đình 8 người trốn ở đây, ngày chúng tôi trong hang, chiều tối bí mật rời hang đi lấy nước và thức ăn. Nhưng đến ngày 23 âm lịch, một toán lính Pol Pot gồm 4 tên dẫn chó đến lùng sục thì phát hiện ra. Chúng thị uy, yêu cầu gia đình ông ra không được bèn chĩa họng súng vào hang xả đạn. Ông Ba Lê né người sang một bên ngách hang nên an toàn. Ông nghĩ, nếu cứ cố thủ rồi cũng chết, chi bằng chờ cơ lao thẳng ra ngoài chạy trốn.
Nín lặng hồi lâu thấy bặt tiếng súng, nghĩ rằng bọn chúng đã hết đạn, ông quyết định lao ra khỏi hang. Không ngờ, 3 tên núp sẵn dương súng bắn một tràng liên tục. Trong phút chốc, ông nhoài người lăn vào vào bụi rồi chạy thục mạng mới thoát. Nhưng ngay sau đó, 2 tiếng nổ khô khốc vang lên làm tim ông như đau nhói, ông biết rằng bọn sát nhân đã ném lựu đạn vào hang sát hại vợ con mình. Khoảng 2 giờ sau khi bọn sát nhân bỏ đi, ông quay lại thì cảnh tượng trước mắt làm ông chết sững, toàn bộ 8 người trong hang không còn một ai sống sót. Ông đành nuốt nước mắt khênh đá lấp lại miệng hang, rồi tiếp tục chạy trốn.
Ông Ba Lê kể rằng, cuộc sống sau những ngày đen tối năm 1978 ấy rất bi thảm. Thây người chất khắp nơi, bên vệ đường, ngoài kênh mương, ngoài đồng, dưới giếng… đến ngụm nước sạch cũng không có uống, gạo không có ăn, nhà bị đốt, phá. Mọi người phải lên núi tìm củ khoai rừng để ăn, chia nhau mảnh chiếu để đắp. “Hết nạn thảm sát, mọi người trở về, ngôi làng như một nghĩa địa khổng lồ, cảnh tượng ảm đạm không thể nói hết. Mọi người chỉ lo kiếm cái ăn để sống, việc thu gom xác đành gác lại cho đến hết mùa mưa năm ấy. Khi tình hình tạm ổn, thì chính quyền và dân làng họp lại quyết định làm nhà Mồ để tưởng niệm những người ngã xuống”.
Việc thu gom xác cũng không ít mất mát, nhiều người đã chết vì đụng phải mìn. Ông Ba Lê là người chứng kiến những ngày tháng bi thương ấy. Sau khi bọn Pol Pot sát hại người dân, chúng gài rất nhiều mìn dưới thây, khi người dân lật thây lên thì động kíp khiến mìn nổ, nhiều người thương tật hoặc chết. Do đó, công tác thu nhặt xác phải tiến hành hai năm sau đó mới xong. Năm 1980 thì khu nhà mồ khánh thành với bao công sức của người dân và chính quyền nơi đây.
Ký ức đau thương còn nguyên vẹn
Tại Ba Chúc, chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể lại những câu chuyện hết sức thương tâm. Rằng, trong những ngày đại nạn, tại hang Đồ Đá Dựng (núi Tượng) có 72 người ẩn trốn. Do có nhiều em nhỏ, lâu ngày bị thiếu ăn, khát nước, bệnh tật… nên khóc thét. Khi quân Pol Pot lùng sục sắp đến miệng hang, những người bên trong sợ tiếng khóc trẻ con sẽ làm bọn Pol Pot phát hiện. Mọi người càng bịt miệng, trẻ càng sợ và khóc to hơn. Tình thế không còn cách nào khác, buộc mọi người bàn tính đến chuyện hi sinh các cháu để cứu số đông. Trong số đó có ông Hai Tỏ, ông Hai Khế, ông Tư Đức lần lượt phải bóp mũi 3 người cháu nội. Những nhân chứng ấy tại Ba Chúc hiện đã qua đời.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét