Bộ phim "Lincoln" đã "làm mưa làm gió" tại khắp các giải thưởng điện ảnh năm 2012. Nhắc đến cố Tổng thống Lincoln không thể không nhắc đến vụ ám sát kinh hoàng. Nhìn lại lịch sử những vụ ám sát tổng thống, người ta đã tìm thấy những câu chuyện kỳ lạ...
Lịch sử Mỹ đã tìm ra những điều kỳ lạ khó giải thích trong 2 vụ ám sát Tổng thống, Tổng thống Abraham Lincoln và Tổng thống John Kennedy. Hai kẻ sát nhân trong hai vụ ám sát có những điểm tương đồng, giống nhau để kỳ lạ.
Tổng thống Abraham Lincoln – Tổng thống John F. Kennedy
Kẻ ám sát Lincoln là John Wilkes Booth. Kẻ ám sát Kennedy là Lee Harvey Oswald. John Wilkes Booth sinh năm 1839. Lee Harvey Oswald sinh năm 1939 (100 năm sau). Cả hai đều gây án khi đang ở độ tuổi ngoài 20, Booth gây án khi 26 tuổi, Oswald gây án khi 24 tuổi.
Lincoln bị Booth bắn khi đang trong nhà hát Ford còn Kennedy bị Oswald bắn khi đang ngồi trên chiếc xe hiệu Lincoln được sản xuất bởi hãng Ford.
Booth - kẻ ám sát Lincoln - bắn Lincoln trong nhà hát rồi tới trốn trong một nhà kho. Oswald - kẻ ám sát Kennedy - nấp trong nhà kho để bắn rồi chạy tới nhà hát để trốn.
Cả hai kẻ ám sát đều bị bắt bởi hai nhân viên cảnh sát có họ là Baker. Trung úy Luther Baker bắt John Booth. Cảnh sát Marion Baker bắt Lee Oswald.
Cả hai tên đều bị giết trước khi đem ra tòa xét xử và đều chết bởi một phát súng chí mạng duy nhất.
Cả hai tên Booth và Oswald đều gây án vào ngày thứ 6.
Đối với hành động của cả Booth và Oswald người ta đều nghi ngờ đằng sau hai kẻ giết người là những tổ chức lớn với những âm mưu chính trị.
Trước khi gây án, cả Booth và Oswald đều từng bị bắt. Năm 1863, Booth bị bắt giữ vì có những bình luận miệt thị chính quyền. Tuy vậy, hắn nhanh chóng được thả ra sau khi chấp nhận nộp tiền phạt. Năm 1963 (100 năm sau), Oswald bị bắt vì tội ẩu đả trên phố. Sau khi nộp tiền bảo lãnh, Oswald cũng nhanh chóng được thả.
Cả Booth và Oswald đều là người miền Nam, có quan điểm chính trị cực đoan. Ở thời của Booth, người Mỹ đang tranh cãi về sự tồn tại của chế độ nô lệ. Booth có viết một bài diễn văn về vấn đề này. Ở thời của Oswald, vấn đề người ta quan tâm là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Oswald cũng viết một bài diễn văn về vấn đề này. Cả hai bài đều là những bản viết tay đầy lỗi sai chính tả và chúng đều không bao giờ được chủ nhân diễn thuyết trước đám đông một lần nào.
Khi còn làm việc trong nhà hát, Booth từng có lần lau khẩu súng ngắn cho ông giám đốc nhà hát, hắn để ý thấy có dấu hiệu nòng súng bị gỉ. Khi đang cạo chỗ gỉ ra bằng một con dao nhíp thì khẩu súng bị cướp cò và một viên đạn bắn vào đùi Booth, chỉ một chút nữa là trúng động mạch. Booth phải mất vài tuần mới bình phục sau tai nạn đó. Khi còn trong lực lượng lính thủy đánh bộ, Oswald cũng từng vô ý tự bắn vào cánh tay trái của mình bởi khẩu súng ngắn hắn cầm trong tay lúc đó bị cướp cò. Tuy vậy, khẩu súng này không nằm trong danh sách quân dụng của quân đội. Nó đã khiến Oswald phải ra tòa án binh để chịu hình thức kỷ luật.
John Wilkes Booth (kẻ ám sát Lincoln) và Lee Harvey Oswald (kẻ ám sát Kennedy)
Kẻ ám sát Lincoln là John Wilkes Booth. Kẻ ám sát Kennedy là Lee Harvey Oswald. Tên của hai kẻ sát nhân đều có 15 chữ cái và được chia làm 3 từ, trong đó tên đệm (ở giữa) cùng có 6 chữ cái và đặt theo tên của một người họ hàng.
Cả hai kẻ tội phạm này đều có sẹo ở cổ. Booth từng có một cái bướu ở cổ, sau khi cắt nó đi, hắn có một vết sẹo. Oswald cũng từng trải qua một ca phẫu thuật từ khi còn nhỏ và có một vết sẹo trên cổ.
Cả hai đều là anh lớn trong gia đình có 3 anh em trai. Booth có một cậu em trai đặt tên là Junius, theo tên cha. Oswald cũng có một em trai tên là Robert, đặt theo tên cha.
Cả Booth và Oswald đều không thành công bằng những người em trai của mình. Hai em trai của Booth là những diễn viên kịch nói thành công hơn Booth. Hai em trai của Oswald đều là những quân nhân tài giỏi hơn Oswald.
Booth có một cậu em trai tên là Junius nhưng mọi người trong gia đình thường gọi tắt là June. Con gái lớn của Oswald cũng tên là June.
Cha của cả hai kẻ sát nhân đều qua đời từ khi họ còn nhỏ. Mẹ là người nuôi họ trưởng thành. Cả hai đều thích đi du lịch và đã đi khá nhiều nơi trước khi gây ra hai vụ ám sát kinh hoàng.
Những điều trùng hợp này không đưa tới bất cứ một kết luận khoa học nào, nó chỉ cho thấy sự thú vị của việc nghiên cứu lịch sử. Với những sự trùng hợp không thể lý giải này, tấm màn lịch sử như bí ẩn hơn và thách thức con người trong quá trình khám phá.
Bích Ngọc/Theo Dân trí