Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều điều động những tiêm kích hiện đại nhất của mình đến khu vực biên giới còn tranh chấp giữa 2 nước. Trước đó, Ấn Độ đã điều động tiêm kích hiện đại nhất của nước này là Su-30MKI đến khu vực gần biên giới, đáp lại Trung Quốc đã điều động tiêm kích J-11 (sao chép công nghệ mẫu Su-27SK Nga) tới một số căn cứ ở Tây Tạng.
Dư luận khu vực đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về khả năng “ai sẽ thắng ai” trong một cuộc không chiến giữa 2 loại tiêm kích đại diện cho sức mạnh của 2 quốc gia hàng đầu châu Á này. Tuy rằng mỗi chiếc tiêm kích mang một nét riêng theo đường lối quốc phòng của từng quốc gia, nhưng cả hai có cùng một “cha đẻ” là Tập đoàn máy bay Sukhoi của Nga.
J-11 (trên) hay Su-30MKI (phải): ai sẽ giành phần thắng nếu một cuộc chiến xảy ra? |
Khả năng cơ động
Không cần phải bàn cãi khi nói rằng Su-30MKI chính là biến thể mạnh nhất của gia đình Su-30 mà Sukhoi từng chế tạo. Ấn Độ là đối tác chiến lược đặc biệt quan trọng của Nga nên không có gì ngạc nhiên khi họ dành cho New Delhi những ưu đãi đặc biệt.
Su-30MKI được phát triển trên cơ sở bộ khung của Su-27, tiêm kích này chia sẻ đến 85% phần cứng với tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 hiện đại nhất của Nga. Su-30MKI sử dụng phần lớn hệ thống điện tử do Ấn Độ sản xuất, biến thể nâng cấp về sau sử dụng hệ thống điện tử hỗn hợp Nga – Pháp - Ấn Độ - Israel biến nó thành tiêm kích đa quốc tịch.
Xét khả năng cơ động, với cánh mũi, động cơ phụt chỉnh hướng, rõ ràng Su-30MKI vượt trội hơn J-11. |
Điểm mạnh của Su-30MKI về phần khí động học là được trang bị bổ sung cánh mũi giúp tiêm kích này cơ động hơn trong các tình huống không chiến tầm gần. Bên cạnh đó, Su-30MKI còn được trang bị động cơ AL-31FP có khả năng phụt chỉnh hướng. Nghĩa là, vòi phun của động cơ có khả năng di chuyển lên xuống trong mặt phẳng ±15 độ (động cơ này là tiền thân của động cơ kiểm soát vector lực đẩy đa chiều).
Sự kết hợp của cánh mũi cùng với động cơ phụt chỉnh hướng làm cho Su-30MKI trở nên vượt trội trong các tình huống không chiến. Trong khi đó, J-11 không có cánh mũi, mặc dù nó thừa hưởng đặc tính khí động học ưu việt của gia đình Su-27 nhưng không thể cơ động bằng Su-30MKI.
Mặt khác, J-11 chỉ được trang bị động cơ AL-31F không có khả năng phụt chỉnh hướng, với những chiếc được trang bị động cơ WS-10A do Trung Quốc sản xuất thì còn tệ hơn. Xét về khả năng cơ động, Su-30MKI vượt trội hơn nhiều so với J-11.
Hệ thống điện tử
Su-30MKI được trang bị hệ thống điện tử đa quốc tịch (Nga, Pháp, Ấn Độ và Israel), trong khi đó J-11 được trang bị hệ thống điện tử chủ yếu do Trung Quốc sản xuất.
“Trái tim” của Su-30MKI là radar quét mạng pha điện tử bị động N011M Bars, đây là loại radar đa chế độ với băng tần kép kỹ thuật số.
N011M Bars cung cấp chế độ giám sát không đối không, đối hải, đối đất cùng lúc. Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 400km, theo dõi mục tiêu ở cự ly 200km ở bán cầu trước và 60km ở bán cầu sau. N011M có khả năng theo dõi 15 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.
Trợ giúp cho radar N011M Bars là trạm định vị laser quang học OLS-30, đây là một sự kết hợp giữa hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST và hệ thống chỉ thị mục tiêu laser. Phạm vi phát hiện mục tiêu của OLS-30 lên đến 90km, mục tiêu được hiển thị lên màn hình LCD trong buồng lái tương tự như radar.
"Mắt thần" của Su-30MKI (trên) mạnh hơn về mọi mặt so với loại của J-11B (dưới). |
Trong khi đó, J-11 được trang bị radar N001V với bộ xử lý TS101M chỉ có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và dẫn hướng tên lửa diệt một mục tiêu duy nhất. Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu có diện tích phản hồi radar 3m2 đạt tầm 100km ở bán cầu trước và 40km ở bán cầu sau, phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa là 240km.
Biến thể cải tiến J-11B được trang bị radar N001VE với bộ vi xử lý mới có khả năng dẫn hướng tên lửa tấn công đồng thời 2 mục tiêu. Hỗ trợ cho radar N001V/VE là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại OLS-27 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa là 70km.
Về hệ thống điện tử Su-30MKI tiếp tục vượt trội so với J-11, biến thể nâng cấp Su-30MKI Super Sukhoi sẽ được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động radar AESA Zhuk-EA còn mạnh hơn nữa.
Vũ khí
Cơ bản, tải trọng vũ khí của Su-30MKI và J-11 là tương đương nhau (8 tấn). Tuy nhiên, Su-30MKI lại được trang bị những vũ khí mà có nằm mơ J-11 cũng không có được. Một trong những vũ khí “độc” của Su-30MKI là tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.Với tầm bắn 300km, BrahMos thực sự là “cơn ác mộng” cho bất kỳ mục tiêu mặt đất/mặt biển nào.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch tích hợp tên lửa hành trình Nirbhay với tầm bắn 1.000km cho Su-30MKI. Ấn Độ cũng đã đề nghị với Tập đoàn MBDA (châu Âu) để tích hợp “sát thủ diệt tăng” Brimstone cho tiêm kích Su-30MKI.
Trong khi đó, vũ khí tấn công mặt đất mạnh và uy lực nhất mà J-11 có thể sử dụng là tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-59 đạt tầm bắn 115km, cùng với đó là tên lửa chống radar Kh-31P.Xét về khả năng đối đất, J-11 bị lép vế rất nhiều so với Su-30MKI.
Su-30MKI có thể mang nhiều loại vũ khí mà J-11 không thể nào có được như tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos, tên lửa đối không Novator K-100. |
Về vũ khí không đối không, ngoài các tên lửa chủ lực như R-73, R-27, R-77 mà cả Su-30MKI và J-11 đều được trang bị thì Su-30MKI có một vũ khí hàng “khủng” khác mà J-11 không có là tên lửa không đối không tầm siêu xa Novator K-100.
Novator K-100 có tầm bắn lên đến 300km, đây là thiết kế chuyên dùng để tiêu diệt các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm đường không của đối phương (AWACS). Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã đề nghị Tập đoàn MBDA giúp tích hợp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor đạt tầm bắn 100km cho Su-30MKI. Với vũ khí không đối không, Su-30MKI tiếp tục vượt trội so với J-11.
Xét ở khía cạnh thông số kỹ thuật đơn thuần thì Su-30MKI hoàn toàn vượt trội J-11 ở tất cả các chỉ số. Tuy nhiên, ai sẽ thắng ai trong một cuộc không chiến thực tế nếu có còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét