Hậu chủ của triều Nam Đường (937 - 975) Lý Dục vốn không muốn làm hoàng đế. Họ Lý chỉ muốn làm một tài tử phong lưu, nay đây mai đó để thỏa cái chí nghệ sĩ của mình.
Lý Dục giỏi hội họa, tinh thông âm luật, nổi tiếng viết chữ đẹp. Thư pháp của Lý Dục họ theo nhà thư pháp nổi tiếng Liễu Công Quyền, cực kỳ tinh diệu, thơ văn đều không phải tầm thường.
Đặc biệt những bài từ của Lý Dục đạt tới trình độ rất cao, hiếm có người nào cùng thời có thể so sánh được. Có thể nói rằng, nếu không sinh ra trong gia đình hoàng gia thì có lẽ cuộc đời của Lý Dục ắt sẽ hạnh phúc và vui vẻ hơn rất nhiều.
Tạo hóa vốn thường hay tạo ra những nghịch cảnh oái oăm, một con người nghệ sĩ và tài hoa như Lý Dục lại được đặt lên ngai vàng của hoàng đế. Thực tế thì xét về thứ tự, ngai vàng nhà Nam Đường vốn không tới lượt Lý Dục.
Lý Dục là con thứ 6 của Nam Đường trung chủ Lý Cảnh. Tuy nhiên, số mệnh vốn là thứ không thể dự đoán trước được. Người anh trai đầu của Lý Dục do quá muốn làm hoàng đế nên giở đủ mọi thủ đoạn. Cuối cùng, ngôi báu chẳng thấy đâu, ngược lại bị chính cha mình giết chết.
Những người anh khác có vẻ như đều nhìn thấy trước được viễn cảnh chẳng mấy tốt đẹp của quốc gia, nhất định không chịu lên ngai vàng hoàng đế, lần lượt tìm cách từ giã cõi đời. Năm người anh, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng còn ai. Tới lúc này, Lý Dục có muốn không làm hoàng đế cũng không được, chỉ đành phải giơ đầu chịu báng.
Lý Dục là con thứ 6 của Nam Đường trung chủ Lý Cảnh. |
Tuy nhiên, ngai vàng hoàng đế của triều Nam Đường cũng chẳng lấy gì làm vinh dự, thậm chí có thể nói là một ngai vàng mà chẳng ai muốn ngồi vào. Ở phía Bắc, triều đình nhà Tống đang lên như mặt trời giữa trưa.
Triệu Khuông Dận hùng tài đại lược, khiến thế lực nhà Tống ngày một bành trướng, tới mức không gì có thể cản được nữa. Tới lúc này, thực chất nhà Nam Đường chỉ còn như là một thần quốc của triều Tống.
Để biểu thị lòng trung thành của mình với nhà Tống, Lý Dục đã bỏ quốc hiệu Nam Đường, đổi thành “Giang Nam Quốc Chủ”. Quốc khố đã trống rỗng, lại còn phải tập hợp rất nhiều của cải để tiến cống cho triều Tống.
Nhưng cũng chẳng thể nào trách được Lý Dục, đây là “sản nghiệp” mà cha ông để lại, một mình Lý Dục không thể thay đổi được. Tuy nhiên, Lý Dục không đến mức như Lưu A Đẩu – Lưu Hậu Chủ thời Tam Quốc xưa chẳng thèm quan tâm tới nhân tình thế thái.
Ngược lại, vốn mang tâm hồn nghệ sĩ, Lý Dục vô cùng mẫn cảm với sự đau khổ, sự nhục nhã mà triều đình do mình đứng đầu đang phải chịu đựng. Nhưng đau khổ, nhục nhã thì có thể làm được gì? Cả triều đình, từ quân tới thần chỉ biết cúi đầu nhìn nhau mà thở dài ngao ngán.
Tuy nhiên, vốn là kẻ phong lưu, Lý Dục biết cách để an ủi tinh thần của mình. Họ Lý tập hợp xung quanh mình bạt ngàn những mỹ nữ để hàng ngày vui đùa, hưởng lạc nhằm quên đi nỗi buồn của nhân thế. Cũng may là, dù không có cơ hội thể hiện tài năng trên chính trường nhưng trên tình trường, Lý Dục lại là kẻ có được không ít cơ hội may mắn.
Lý Dục trước sau có 2 bà hoàng hậu, tức Đại Chu hậu và Tiểu Chu hậu. Điều đặc biệt là hai vị hoàng hậu này lại là hai chị em ruột của nhau. Đại Chu hậu tên là Tường, tên thật mật là Nga Hoàng. Tiểu Chu hậu thì tên là Vy. Cha của hai chị em họ Chu này là quan Đại tư đồ Chu Tông, vốn là một trọng thần của Nam Triều.
Khi còn nhỏ Nga Hoàng thường xuyên theo cha vào cung chơi. Nga Hoàng không chỉ có dung mạo xinh đẹp hơn hẳn những cô gái bình thường mà còn tinh thông âm luật, giỏi múa hát, đọc thông sử sách, diễn kịch, đánh cờ, không có môn nào là không thạo.
Trung chủ Lý Cảnh nhìn thấy Nga Hoàng đã thích ngay nên quyết định làm chủ hôn, hỏi cưới Nga Hoàng cho thái tử Lý Dục. Năm 19 tuổi, Nga Hoàng kết hôn với Lý Dục. Sau đó ít lâu, Lý Dục lên ngôi hoàng đế, lập Nga Hoàng làm hoàng hậu.
Tài năng âm nhạc của Nga Hoàng vô cùng xuất chúng, đặc biệt là khả năng đánh đàn tì bà. Chính Nga Hoàng là người đã khôi phục lại ca khúc nổi tiếng “Nghê Thường Vũ Y Khúc”, được người đời ca ngợi là một nhà âm nhạc.
“Nghê Thường Vũ Y Khúc” vốn là một ca khúc du nhập từ Tây Lương vào vùng Trung nguyên, sau khi được Đường Huyền Tông Lý Long Cơ nhuận sắc, trở thành một vũ khúc được lưu truyền rất rộng rãi.
Lúc trước, Dương Quý phi có được sự sủng ái của Đường Huyền Tông, ngoại trừ sự xinh đẹp thì việc Dương Quý phi rất giỏi múa khúc “Nghê Thường Vũ Y Khúc” là một trong những nguyên nhân quan trọng. Sau loạn An – Sử, vũ khúc này bị thất truyền.
Cho tới thời Ngũ Đại Thập Quốc, vũ khúc này chỉ còn lưu lại những nhạc phổ rất rời rạc. Lúc bấy giờ, một số người sáng tác nhạc trong cung đình cũng như dân gian đã cố gắng khôi phục lại vũ khúc này, tuy nhiên đều không thành công.
Mãi tới khi Lý Dục có được một phần của nhạc phổ, họ Lý đã cùng với Nga Hoàng khôi phục lại vũ khúc đã thất truyền này. Sau khi đã khôi phục lại nhạc phổ, hai người căn cứ theo nhạc, soạn điệu múa cho phù hợp.
Sau khi xong xuôi, họ lại cho tập hợp các cung nữ để Nga Hoàng dạy tập múa. Sau đó, Nga Hoàng thường xuyên tổ chức các buổi vũ hội lớn, biểu diễn ca khúc này.
Ở bên cạnh một mỹ nhân lại là tri âm tri kỷ như Nga Hoàng, Lý Dục dường như rất hạnh phúc, hoặc cũng có thể, cuộc sống vui vẻ ấy khiến Lý Dục bớt cảm thấy đau đớn và sỉ nhục. Đáng tiếc, cuộc sống hạnh phúc của Lý Dục không kéo dài được lâu.
Khi Lý Dục tại vị được 4 năm, Nga Hoàng mắc bệnh nặng, nằm liệt trên giường. Con trai của họ khi đó mới 4 tuổi nhưng đã tỏ ra rất hiếu thuận. Sau khi thăm bệnh mẹ cũng bắt chước tới Phật Đường để cầu chúc mẹ mình mau khỏe và sống lâu.
Ai ngờ, đứa trẻ không để ý đã trượt ngã từ trên ghế xuống đất và chết. Người ta nói, “họa vô đơn chí” quả thực chẳng sai chút nào. Vì cái chết của đứa con hiếu thuận, bệnh tình của Nga Hoàng lại càng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, những rắc rối tìm đến không chỉ dừng lại ở đó.
Sự nghiêm trọng của vấn đề nằm ở chỗ, trong thời gian Nga Hoàng nằm liệt giường vì bệnh tật, Lý Hoàng và người em vợ là Chu Vy bắt đầu yêu nhau. Lý Dục còn viết nhiều bài thơ bày tỏ tình yêu vô cùng lãng mạn đối với Chu Vy.
Tuy nhiên, sự việc cuối cùng vẫn tới được tai Nga Hoàng. Phần “Hậu phi truyện” của sách “Nam Đường Thư” có nói: “Hoàng hậu bị bệnh nên Tiểu Chu hậu đã được đưa vào cung. Hoàng hậu biết chuyện, hỏi: "Em vào đây từ khi nào".
Tiểu Chu hậu do còn nhỏ nên không để ý tới thái độ của chị, nói luôn: ‘Đã vào được mấy ngày rồi’. Hoàng hậu giận quá, tới tận lúc chết vẫn không chịu quay mặt ra ngoài”.
Nga Hoàng chết, Lý Dục vô cùng đau khổ, viết rất nhiều thơ, từ tưởng niệm Nga Hoàng. Sau này, dù Nga Hoàng chết đã nhiều năm, Lý Dục vẫn không thôi buồn bã. Tuy nhiên, thương nhớ là chuyện của thương nhớ, còn chuyện tìm kiếm người tình mới thì Lý Dục cũng không thể quên.
Năm thứ 3 kể từ khi Nga Hoàng chết, Lý Dục lập Chu Vy làm hoàng hậu, sử gọi là Tiểu Chu hậu. Không hề kém chị, Tiểu Chu hậu cũng rất xinh đẹp. Tuy nhiên, có lẽ là người đến sau nên từ tình cảm cho tới cuộc sống đều không được Lý Dục cưng chiều như Nga Hoàng.
Tới năm 975, Kim Lăng bị phá. Lý Dục bị bắt vì là hoàng đế. Cuộc sống bị xỉ nhục, nỗi đau mất nước, những việc xưa cũ dồn dập trở lại, vì thế, những tác phẩm thơ văn đỉnh cảo nhất trong sự nghiệp của Lý Dục đều được ra đời trong khoảng thời gian này. Ở tuổi 42, Lý Dục đã viết nên bài từ “Lãng đào sa lệnh” nổi tiếng:
Liêm ngoại vũ sàn sàn,
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.
Tạm dịch:
Rả rích mưa tuôn,
Lòng những bàn hoàn,
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang san,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man.
Lòng những bàn hoàn,
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang san,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man.
Bài từ này được truyền tới tai Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa. Những tình cảm dành cho giang sơn của Lý Dục khiến Triệu Quang Nghĩa rất tức giận. Lập tức, Triệu Quang Nghĩa ban cho Lý Dục một chén rượu, bên trong rượu có bỏ độc.
Tối hôm đó, Lý Dục chết. Sau khi Lý Dục chết không lâu, Tiểu Chu hậu cũng tự sát chết theo. Nhiều người nói rằng, cái chết của Tiểu Chu hậu có liên quan tới Triệu Quang Nghĩa. Biết Lý Dục có một người vợ xinh đẹp, Triệu Quang Nghĩa đã ra lệnh cho Tiểu Chu hậu vào cung.
Hoàng đế cho gọi phụ nữ vào cung thì ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có lẽ, Tiểu Chu hậu không chịu được sự nhục nhã nên mới quyết định tự sát cho trọn tình với Hậu chủ Lý Dục.
- Phong Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét