CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                                  TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ                    CHUYỆN LẠ              WEB                                    

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Bí mật động trời của ông vua đầu tiên triều Nam Tống

 Sau khi triều Bắc Tống bị diệt, hai hoàng đế Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông cùng toàn bộ những người phụ nữ trong hoàng thất bị lưu lạc, trong đó có Vỹ thị - mẹ của Tống Cao Tông Triệu Cấu sau này. Trong suốt 16 năm lưu lạc ở nước Kim, Vỹ thị ban đầu bị đẩy vào lầu xanh, sau đó lại được gả cho một đại vương của nước Kim, chịu đủ mọi nhục nhã.


Sau khi sáng lập nhà Nam Tống, Tống Cao Tông tìm cách cứu mẹ mình trở về. Tuy nhiên, vì muốn che giấu những chuyện “ô nhục” đã xảy ra với mẹ mình ở phương Bắc, Tống Cao Tông và Vỹ thị đã không từ bất cứ thủ đoạn nào…
Mùa xuân năm Tĩnh Khang thứ 2, tức năm 1127, người Kim đem quân tấn công Biện Kinh, tức Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, nhà Bắc Tống bị diệt vong. Nước đã mất thì nhà làm sao có thể yên ấm được?
Tiếp sau sự sụp đổ của triều đình nhà Tống, là một cuộc giết chóc và tàn phá đối với con người và văn hóa của người Hán. Ngoài việc cướp bóc vàng ngọc, người Kim còn lùng bắt tất cả các những người phụ nữ trong hoàng thất, từ hoàng hậu, hoàng phi, vương hậu, vương phi cho tới các phi tần, quận chúa,…
Sau đó, quân Kim đem tên tuổi, hộ khẩu, quan chức, phong hiệu của tất cả những người này ghi chép lại, phân loại ra một cách rõ ràng rồi áp giải tất tật về nước. Vỹ thị, mẹ ruột của Triệu Cấu, người sau này đã sáng lập nên triều đình Nam Tống cũng là một trong số những người phụ nữ trong hoàng thất bị đưa về nước Kim lần đó.
Về độ tuổi của Vỹ thị khi bị quân Kim bắt, trong “Khai Phong phủ trạng” có ghi rõ rằng: “Kiều Quý phi 42 tuổi… Vỹ Hiền phi 38 tuổi…” Như vậy, Vỹ thị sinh vào khoảng năm Thiên Hưu thứ 5, tức năm 1090, năm Tĩnh Khang thứ 2, 1127 là vừa tròn 38 tuổi.
Chân dung Tống Cao Tông hoàng đế
Chân dung Tống Cao Tông hoàng đế.
Tuy nhiên, trong phần “Vỹ Hiền phi truyện” thuộc “Tống Sử” lại nói rằng: “Năm Thiệu Hưng thứ 19, thái hậu (Vỹ thị) 70,… Năm Thiệu Hưng 29, thái hậu 80… Tháng 9 năm đó, mắc bệnh, băng ở Từ Ninh Cung, thụy hiệu là Hiển Nhân”.
Niên hiệu Thụy Hưng nhà Nam Tống được dùng từ năm 1131 – tới năm 1162. Như vậy, năm Thiệu Hưng thứ 29, tức năm 1150, năm đó, Vỹ thị 70 tuổi. Theo đó mà suy ra thì Vỹ thị phải sinh vào năm 1080, năm Tĩnh Khang thứ 2, tức năm 1127, Vỹ thị đã 58 tuổi. Hai cuốn sử liệu nhưng lại ghi chép về độ tuổi của Vỹ thị hoàn toàn khác nhau, chênh lệch tới 10 tuổi.
“Khai Phong phủ trạng” là công văn qua lại giữa phủ nguyên soái quân Kim và phủ Khai Phong, mang tính chất chính thống. Nội dung mà nó ghi chép có thể được kiểm chứng bằng những sử liệu khác, giá trị sử liệu có thể nói tương đương với quốc sử, rất đáng tin cậy.
Trong khi đó, là một bộ chính sử, “Tống Sử” là văn hiến quan phương và chính thống ghi chép những sự kiện lớn, những nhân vật quan trọng của triều đình Tống. Với  những người nghiên cứu sử học, tính xác thực của nó là không cần phải bàn cãi.
Vậy, trong việc ghi chép tuổi tác của Vỹ thị, giữa “Khai Phong phủ trạng” và “Tống Sử” ai sai, ai đúng? Thực tế, ẩn đằng sau sự sai chệch tới 10 tuổi của Vỹ thái hậu là một bí mật động trời của Tống Cao Tông Triệu Cấu.
Lần giở một cách kỹ lưỡng những trang sử liệu thời Tống, chúng ta có thể biết vì sao ông vua sáng lập triều Nam Tống lại làm như vậy.
Phần “Kiều Quý phi truyện” của sách “Tống Sử” có đoạn chép: “Kiều Quý phi, ban đầu cùng với mẹ ruột của Cao Tông là Vỹ thị cùng hầu hạ Trịnh Hoàng hậu, từng kết làm chị em”. Trịnh Hoàng hậu mà “Tống Sử” đề cập tới ở đây, ban đầu vốn là thị nữ của Hướng Thái hậu.
Tới năm Nguyên Phù thứ 3, tức năm 1100, Tống Huy Tông tức vị, Hướng thái hậu đã thưởng Trịnh thị cho ông. Tới năm Chính Hòa thứ nhất, Trịnh thị được lập làm hoàng hậu. Tuy nhiên, ở đây có một điểm rất đáng để đặt ra nghi vấn.
Thứ nhất, Trịnh thị vốn xuất thân là thị nữ, do vậy không thể có người hầu nữ riêng của mình nữa. Thứ hai, khi Trịnh thị được gả cho Tống Huy Tông, Vỹ thị đã 21 tuổi (nếu tính là sinh năm 1080 theo Tống Sử). Điều này là không hợp lý, bởi lẽ, những cô gái được tuyển vào cung làm thị nữ thường độ tuổi đều dưới 20.
Bên cạnh đó, phần “Vỹ Hiền phi truyện” của “Tống Sử” cũng có đoạn chép “Năm Thiệu Hưng thứ 12, thái hậu (Vỹ thị) đã 60”. Tuy nhiên, đoạn này lại có sai lệch so với đoạn sau đó: “Năm Thiệu Hưng thứ 19, thái hậu 70,… Năm thứ 29, thái hậu 80”.
Nếu như năm thứ 12, Vỹ Thái hậu 60 thì tới năm thứ 19, mới chỉ 67 và năm thứ 29 cũng mới chỉ 77 chứ không phải là 80. Có thể thấy thấy rõ, ngay đoạn trước với đoạn sau “Tống Sử” đã có mâu thuẫn. Từ đó mà suy thì rõ ràng sách “Tống Sử” có điều gì đó “khuất tất” trong việc ghi chép về tuổi tác của Vỹ Thái hậu.
Vỹ thị là mẹ ruột của Triệu Cấu, được phong làm thái hậu, có thể nói là một nhân vật quan trọng. Việc ghi chép sử sách về một nhân vật như Vỹ thị phải hết sức cẩn trọng. Do vậy, không thể dễ dàng có sự sai sót một cách dễ dàng như vậy.
Trừ phi người ta cố tình viết sai. Tuy nhiên, ai cũng biết, những người chép sử trong triều đình phong kiến thà chết không chịu chép sai sự thực chứ đừng nói đến chuyện họ chủ động viết sai. Nói cách khác, người duy nhất có thể khiến tác giả của “Tống Sử” viết sai chỉ có thể là Tống Huy Tông Triệu Cấu.
Nếu giả thuyết này là đúng thì vì sao Tống Huy Tông trong “Tống Sử” lại cố ý tăng số tuổi của Vỹ thị lên tới 10 tuổi? Nguyên nhân có lẽ phải bắt đầu từ “loạn Tĩnh Khang”.
Sau khi Vỹ thị bị bắt về Kim đã phải chịu rất nhiều khổ nhục giống như những người dân thường triều Tống khác. Đàn ông thì bị đánh đạp, bị giết chóc còn phụ nữ thì bị là nhục và cưỡng bức.
Sách “Yến nhân chủ” có chép rằng, người Kim đã bắt không dưới 200 ngàn người dân nước Tống… phụ nữ nhất loạt bị bán làm gái lầu xanh, rất nhiều người không chịu được đã tự sát. Có thể thấy rằng, những người phụ nữ bình thường còn như vậy huống chi là những người phụ nữ trong hoàng thất, tự cho mình là thân phận cao quý.
Những người phụ nữ 38 tuổi, nếu biết giữ gìn thì vẫn có thể rất xinh đẹp. Với một người phụ nữ được tuyển vào hậu cung như Vỹ thị, đương nhiên ở độ tuổi đó vẫn còn rất hấp dẫn. Hơn nữa, nên nhớ rằng, Vỹ thị là người phụ nữ được Tống Huy Tông chọn làm phi, nghĩa là nhan sắc không phải hạng xoàng.
Sách “Tống phù ký” có đoạn chép: Sau khi Vỹ thị bị bắt, “ngày hôm sau khởi hành về phương bắc, rồi bị đưa vào khu giặt đồ”. Về mặt danh nghĩa thì nhiệm vụ của “khu giặt đồ” chỉ là giặt quần áo.
Tuy nhiên, thực chất nó là nơi bọn quan lại quý tộc của nước Kim dâm loạn, chẳng khác gì chốn lầu xanh. Bị đẩy vào một nơi như vậy, Vỹ thị dù muốn, dù không cũng không thể giữ mình được bao lâu.
Năm Thiên Hội thứ 8, tức năm 1130, Kim Thái Tông hạ lệnh, đem “mẹ của Triệu Cấu là Vỹ thị, vợ là Hình thị, Khương thị, tổng cộng 19 người gả cho con cái nhà lành”. Sau khi được rời khỏi khu giặt đồ, Vỹ thị được gả cho Cái Thiên Đại Vương của nước Kim là Hoàn Nhan Tông Hiền làm vợ.
Việc Vỹ thị được gả cho Hoàn Nhan Tông Hiền có thể kiểm chứng trong nhiều sử liệu khác nhau. Sách “Thiết phẫn lục” của Tân Khí Tật có đoạn chép: “Hồi lâu, từ sau nhà bước ra một người, Tống Khâm Tông nhìn lên thì hóa ra là Vỹ phi.
Tống Huy Tông cúi đầu, Vỹ phi cũng cúi đầu, không dám nhìn. Sau đó, Cái Thiên Đại Vương lệnh cho người hầu ban rượu cho hai vị hoàng đế và thái hậu”. Trong sách “Diễm sử 18 triều thời Tống” cũng có ghi chép về việc Vỹ thị cải giá như sau:
“Một ngày, vua Kim nổi giận ra lệnh giết hoàng hậu họ Triệu rồi ra lệnh xử tử những người trong hoàng tộc nhà Tống đã ban làm vợ các quan ở Yến Kinh. Vỹ thị cũng bị liên lụy, ban tội chết. Tuy nhiên, nhờ có Cái Thiên Đại Vương yêu mến, hết sức nói với vua Kim:
Phế hậu họ Triệu, vợ tôi họ Vỹ, chẳng liên quan gì vì sao lại phải chịu liên lụy? Vua Kim không còn cách nào khác đành phải tha chết cho Vỹ thị”. Mặc dù đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên, việc Cái Thiên Đại Vương Hoàn Nhan Tông Hiền gọi Vỹ thị là “vợ tôi” thì có lẽ không thể là chuyện bịa đặt ra được.
Sử sách chép rằng, trong thời gian chung sống với Hoàn Nhan Tông Hiền, Vỹ thị sinh được một người con trai (cũng có sách nói là hai). Vì thế, Kim Thái Tông từng hai lần thưởng cho Tống Huy Tông và Tống Cao Tông.
Tháng 7 năm Thiên Hội thứ 8, tức năm 1139, Kim Thái Tông có chiếu chỉ: “Vỹ thị và Hình thị được sủng hạnh, đã có thai, tên nô tài phản loạn Triệu Cát được hưởng phúc, xóa tội, miễn làm thứ dân”.
Tới tháng 4 năm Thiên Hội thứ 9, tức năm 1131, Kim Thái Tông lại ra chiếu chỉ: “Vỹ thị và Hình thị ngày 23 và ngày 26 tháng này lần lượt sinh con trai.
Nhớ công lao mang thai và sinh nở khó nhọc, lệnh ban thưởng cho 10 đĩnh vàng. Triệu Cát (Tống Huy Tông) và Triệu Cấu (Tống Cao Tông) nhường người đẹp không chiếm, được ban thưởng hai bộ quần áo mới”.
Ngoài ra, sách “Thiết phẫn lục” của Tân Khí Tật cũng chép: “Từ xa, Tống Khâm Tông nhìn thấy Vỹ Phi cùng đi trong đoàn người. Bên cạnh Vỹ Phi là một đứa bé 3-4 tuổi, mặc trang phục người Kim và luôn miệng gọi Vỹ Phi là mẹ.
Vì thế Tống Khâm Tông biết rằng, Vỹ Phi đã sinh cho Cái Thiên Đại Vương một đứa con”. Xét theo tình thế được miêu tả trong sách của Tân Khí Tật thì đứa trẻ 3-4 tuổi kia chắc chắn là con trai do Vỹ thị sinh ra.
Đứa con này có phải là đứa con khác mà Vỹ thị sinh cho Cái Thiên Đại Vương Hoàn Nhan Tông Hiền hay không thì không dám chắc. Tuy nhiên, từ những ghi chép trên đây, có thể khẳng định một điều rằng, việc Vỹ thị sinh con cho Hoàn Nhan Tông Hiền là điều không phải nghi ngờ gì.
Vỹ thị sống ở nước Kim trong suốt 16 năm vì thế những gì xảy đến với Vỹ thị đương nhiên được truyền ra ngoài không ít. Vì thế, sau khi Vỹ thị được trả về cho triều Nam Tống, để che giấu những chuyện không hay liên quan tới người mẹ ruột của mình, Tống Cao Tông đã quyết định gian lận số tuổi của Vỹ thị, đẩy số tuổi của Vỹ thị lên 10 tuổi so với số tuổi thực.
Đặc biệt, từ năm Thiệu Hưng thứ 10, tức năm 1140, mỗi khi đến dịp ngày sinh của Vỹ thị, Tống Cao Tông đều tổ chức yến tiệc chúc mừng rất linh đình rồi cho các sử quan ghi chép tỉ mỉ vào sử sách.
Trong rất nhiều sử liệu, Tống Cao Tông còn nói rõ: “Vỹ hậu khi bị bắt về phương Bắc, tuổi đã gần 50, làm sao có chuyện cải giá với bọn giặc Kim? Bọn giặc Kim đâu thiếu những người vợ trẻ đẹp, lấy một người phụ nữ đã 50 để làm gì?”
Có thể thấy, việc Tống Cao Tông nâng độ tuổi của Vỹ thị lên tận 10 là nhằm nhấn mạnh rằng, khi bị bắt, mẹ mình đã 50 tuổi, đã hết tuổi sinh nở vì vậy chuyện Vỹ thị cải giá, sinh con cho người Kim chỉ là chuyện người Kim “bịa đặt ra để sỉ nhục người Tống mà thôi”.
Để củng cố “sự thực” là khi bị bắt về Kim, Vỹ thị đã “48 tuổi”, ông vua sáng lập triều Nam Tống còn đem chuyện “chị em” giữa Vỹ thị và Kiều Quý phi đảo ngược lại, biến Vỹ thị trở thành chị của Kiều Quý phi, người vốn lớn hơn bản thân mình tới 4 tuổi.
Trong sách “Tống Sử” có đoạn chép: “Hai hoàng đế bị bắt về phương Bắc, Kiều Quý phi và Vỹ thị cũng bị bắt theo. Đến khi Vỹ Phi trở về, Kiều Quý phi dùng 50 lạng vàng tặng cho Vỹ Phi làm lộ phí nói:
“Vật mọn không đủ làm lễ, nguyện tặng cho chị để làm lộ phí về Giang Nam” Nói rồi nâng rượu mời Vỹ Phi, nước mắt chan chứa: “Chị cố gắng bảo trọng, trở về thì có thể làm hoàng thái hậu. Em vẫn còn chẳng biết khi nào mới được về, có lẽ sẽ chết ở nơi đây thôi!” Rõ ràng, Vỹ thị không thể nhiều tuổi hơn Kiều thị, nếu như kết thành chị em, Vỹ thị chắc chắn không thể làm chị được.
Vì thế, mục đích Tống Cao Tông đưa câu chuyện tặng vàng lúc chia tay này ra không ngoài mục đích nào khác là làm cho người đọc rối tinh lên mà không biết đâu là số tuổi thật của Vỹ thị.
Cùng với việc bịa ra chuyện chị em giữa Vỹ thị và Kiều thị, Tống Cao Tông còn hư cấu cả chuyện Vỹ thị từng là thị nữ của Trịnh Hoàng hậu. Như đã nói, nếu theo như “Tống Sử” thì Vỹ thị được đưa vào cung làm thị nữ lúc đã 21 tuổi.
Đây là độ tuổi không bao giờ có thể được tuyển vào cung làm thị nữ. Vì vậy, việc Vỹ thị làm thị nữ cho Trịnh Hoàng hậu rõ ràng là không có thực.
Theo lộ trình nghị hòa của Tống Cao Tông với nước Kim, vào tháng 8 năm Thiệu Hưng thứ 12, tức năm 1142, Vỹ thị mang theo quan tài của Tống Huy Tông về tới Giang Nam.
Sách “Tống Sử” chép, sau khi về nước, Vỹ thị không những không nhắc tới những gì mình đã trải qua ở nước Kim ngược lại còn lu loa với Tống Cao Tông rằng: “Giữa hai mẹ con chúng ta phải thường xuyên liên hệ, trao đổi, nếu không sẽ có kẻ tiểu nhân buông lời rèm pha, tìm cách ly gián”.
Không làm việc sai trái việc gì lại phải sợ hãi, câu nói này của Vỹ thị không khỏi khiến người ta cả thấy kỳ quái, giống như người đóng tấm biển “nơi đây không chôn vàng” ở trên khó báu của mình vậy.
Câu nói này của Vỹ thị chứng tỏ, bà ta cố gắng để che giấu những chuyện đã xảy ra ở nước Kim, để bảo vệ hình ảnh một hoàng thái hậu. Có lẽ, Tống Cao Tông bị ảnh hưởng bởi người mẹ ruột của mình nên mới quyết định tìm cách che giấu và bưng bít chuyện Vỹ thị đã cải giá và sinh con với người Kim chăng?
Tuy nhiên, nếu như Tống Huy Tông chỉ vì muốn che giấu những chuyện đã xảy ra với Vỹ thị để bảo toàn danh dự cho gia tộc mình mà sửa đổi cả chính sử thì vẫn có thể thông cảm được. Song, ông vua sáng lập triều Nam Tống vì che giấu sự thật, đã giết cả người em cùng cha khác mẹ của mình là Nhu Phúc Đế Cơ.
Sau khi triều Bắc Tống bị diệt vong, Nhu Phúc Đế Cơ cùng với Vỹ thị bị bắt vào khu giặt đồ của người Kim sau đó được thưởng về cho Cái Thiên Đại Vương Hoàn Nhan Tông Hiền. Như vậy, có thể nói Vỹ thị cùng với Nhu Phúc đều từng làm kỹ nữ rồi sau đó lại cùng thờ một chồng là Hoàn Nhan Tông Hiền.
Sau đó, Nhu Phúc tìm được cơ hội trốn về Nam Tống. Tống Cao Tông và những người già trong cung xác nhận đúng là Nhu Phúc. Tuy nhiên, sau khi Vỹ thị trở về nước, lại nói rằng, “Nhu Phúc đã chết ở sa mạc từ lâu rồi”. Câu nói này của Vỹ thị đã khiến Nhu Phúc bị Tống Cao Tông ra lệnh đánh cho tới chết.
Về chuyện này, sách “Tùy viên tùy bút” có xác nhận “Nhu Phúc đúng là công chúa thực, Vỹ Thái hậu ghét nên đặt chuyện vu cho Nhu Phúc giả mạo vì thế Nhu Phúc bị giết chết”. Vì sao Vỹ Thái hậu lại cố ý đặt chuyện để giết chết Nhu Phúc?
Thực tế, nguyên nhân chính là vì Nhu Phúc đã từng ở khu giặt đồ đồng thời lại cùng trở thành thê thiếp của Hoàn Nhan Tông Hiền. Vỹ thị sợ rằng Nhu Phúc tiết lộ chuyện của mình ở nước Kim nên mới vu khống Nhu Phúc là giả mạo. Bởi lẽ một khi Nhu Phúc là kẻ giả mạo thì dù Nhu Phúc có nói gì về Vỹ thị đi nữa, người ta cũng không tin đó là sự thật.
Thực tế, Nhu Phúc không phải là nạn nhân duy nhất. Bất cứ người nào biết chi tiết về Vỹ thị, đặc biệt là thời gian Vỹ thị ở nước Kim thì đều không có kết cục tốt đẹp. Chẳng hạn như Hồng Hạo, bị bắt về nước Kim suốt 15 năm, được Tống Cao Tông xưng là một trung thần, dù bị bắt đi suốt 15 năm nhưng vẫn không quên vua, quên nước.
Tuy nhiên, sau đó chẳng bao lâu, Hồng Hạo bị ghép tội “bịa đặt những lời hoang đường, mê hoặc người dân” rồi lưu đày xuống Lĩnh Nam. Hai người trợ thủ của Hồng Hạo là Trương Thiệu và Chu Biện cũng bị hại.
Tiếp đến là Bạch Ngạc, người đã cùng với Vỹ thị từ nước Kim trở về cũng vì mắc tội “nói những điều bịa đặt” nên bị giết chết. Ngay cả Vương Thứ Ông, vốn là đại sứ thường xuyên sang nước Kim và tiếp xúc với Hoàn Nhan Tông Hiền cũng bị giết chết.
Ngoài việc loại bỏ những người “biết chuyện”, Tống Cao Tông còn hạ chiếu “cấm chỉ việc sáng tác dã sử, có thể tố cáo lĩnh thưởng”. Chiếu chỉ này của Tống Cao Tông được thực hiện một cách nghiêm ngặt trong phạm vi toàn quốc, nghiêm cấp các văn nhân sửa lại chính sử, kêu gọi tố giác những hành vi này để lĩnh thưởng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của chiếu chỉ này chính là ngăn chặn những thông tin xấu về Vỹ thị khi ở nước Kim bị lộ ra ngoài và lưu truyền trong dân gian qua các câu chuyện dã sử do bọn văn nhân viết ra.
Thực tế thì những việc làm của Tống Cao Tông và Vỹ thị không những không ngăn chặn được những chuyện Vỹ thị đã làm ở nước Kim bị lộ ra ngoài ngược lại nó còn khiến người ta cảm thấy tò mò và tìm mọi cách để tìm hiểu.
Câu chuyện của Vỹ thị bị ép làm gái lầu xanh rồi lại được gả cho một đại vương của nước Kim chính vì vậy vẫn được lưu truyền một cách rộng rãi trong dân chúng.
  • Phong Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét