Tuy nhiên, bản thân cô lại bị người đời chửi rủa là dâm ô, là gian xảo, là kẻ trọng phạm giết người,… Cuộc đời thăng trầm với quá nhiều sự đối nghịch khiến cho tới nay người ta vẫn tranh cãi không ngớt về cô kỹ nữ họ Ngư này….
Cuộc đời trầm luân của kỹ nữ tài danh
Ngư Huyền Cơ vốn có một cái tên vô cùng nữ tính là Ngư Ấu Vi, hay còn gọi là Huệ Lan. Ngư Huyền Cơ sinh năm 844 tại kinh đô Trường An của nhà Đường.
Cha cô là một trí thức, từng ôm mộng công danh nhưng không thành, vì thế, bao nhiêu tâm huyết họ Ngư đều dồn hết cho cô con gái độc nhất của mình. Ngay từ nhỏ, Huyền Cơ đã được cha dạy viết chữ, làm thơ.
Tuy nhiên, khi Huyền Cơ chưa đầy 10 tuổi, cha cô đã qua đời. Để kiếm sống, Huyền Cơ phải đến một kỹ viện giặt quần áo thuê. Dù vậy, khi lớn lên Huyền Cơ không chỉ có dung mạo nghiêng nước nghiêng thành mà còn là 1 cô gái thông minh, mẫn tiệp.
Danh tiếng Huyền Cơ vì thế cả kinh thành Trường An không ai không biết. Năm Huyền Cơ vừa tròn 15 tuổi, Lý Ức, trạng nguyên trong kỳ thi năm ấy đã đến kỹ viện hỏi cưới cô về làm thiếp. Từ đó, Huyền Cơ về sống trong 1 căn lầu độc lập của quan trạng họ Lý.
Vợ cả của Lý Ức là Bùi thị vốn xuất thân danh gia vọng tộc ở vùng Sơn Tây, quê của Lý Ức. Vào lúc bấy giờ, quan niệm về dòng dõi còn rất nặng nề, một người xuất thân con nhà nghèo như Huyền Cơ không có cách gì có thể tranh chấp với Bùi thị. Do vậy, Huyền Cơ đành cam phận làm thiếp và chỉ mong mỏi có thể sống vui vẻ thuận hòa, tình đầu ý hợp với Lý Ức.
Trong thời gian mới kết hôn, Lý Ức và Huyền Cơ quả thực đã có những ngày tháng vui vẻ thuận hòa. Tuy nhiên, với thân phận là vợ bé, Ngư Huyền Cơ nhanh chóng cảm thấy vị trí của mình luôn bấp bênh. Sự thực đã chứng minh, những lo lắng của Huyền Cơ không phải là không có lý.
Chỉ sau 4 năm kể từ khi về làm thiếp của Lý Ức, do Bùi thị gây chuyện, Huyền Cơ buộc phải rời khỏi Trường An trong đủ lời hứa hẹn của Lý Ức. Không còn cách nào khác, Huyền Cơ đành phải về Giang Lăng sống nhờ nhà họ hàng.
Thật khó có thể tưởng tượng nổi 1 cô gái mới chỉ 19 tuổi chỉ mang theo 1 người hầu gái, trong thời buổi giao thông đi lại còn cực kỳ khó khăn như vậy mà có thể vượt qua hàng ngàn dặm đường núi, từ Thiểm Tây tới Hà Nam rồi từ Hà Nam tới Tương Dương của Hồ Bắc.
Từ Tương Dương lại phải đi đường thủy, ngồi thuyền xuôi dòng xuống Vũ Xương rồi cuối cùng mới tới được Giang Lăng.
Thời gian trôi qua nhưng Lý Ức không thực hiện đúng như lời hẹn tới Giang Lăng để đoàn tụ cùng Huyền Cơ. Người thiếu phụ trẻ tuổi lại lo lắng rồi lặn lội chừng ấy dặm đường từ Giang Lăng trở lại Trường An. Tuy nhiên, cái mà cô nhận được lại chỉ là sự chia ly vĩnh viễn.
Vì bị vợ chính nhiếc móc, bức ép, Lý Ức không còn cách nào khác là phải lựa chọn rời bỏ Huyền Cơ. Cuộc đời của Huyền Cơ bị đẩy vào giai đoạn khó khăn và sóng gió hơn gấp nhiều lần những ngày còn làm vợ bé của họ Lý.
Ngư Huyền Cơ |
Một kẻ sợ vợ như Lý Ức đương nhiên không bao giờ để lại cho Huyền Cơ đủ tiền để chi dùng cho cuộc sống. Hai mươi tuổi, cô gái họ Ngư buộc phải tính toán cho cuộc sống và tương lai của mình.
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, phương pháp tốt nhất đối với Huyền Cơ đương nhiên là tìm cho mình 1 người đàn ông có thể nương tựa. Người đầu tiên mà Huyền Cơ nghĩ tới chính là Lý Trình, người hàng xóm giỏi thơ ca của mình. Lúc bấy giờ, Lý Trình đã 47 tuổi và cũng đã vợ con đề huề. Tuy nhiên, không may cho Huyền Cơ mối quan hệ vợ chồng của người đàn ông 39 tuổi mới lấy vợ này lại rất tốt đẹp.
Năm 40 tuổi, khi đỗ trạng nguyên, Lý Trình đã viết thư về báo tin và cảm ơn vợ vì đã nhọc công lo lắng cho mình để có được ngày đỗ đạt. Thành danh, đỗ đạt mà không quên những ngày tháng còn cực khổ, không quên người vợ đã cùng mình vượt qua những ngày tháng ấy, Lý Trình đáng mặt là tấm gương cho đàn ông mọi thời đại.
Không chỉ vậy, Lý Trình còn rất ghét chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp, kiên quyết không chịu cưới vợ bé ngay cả khi vợ mình đồng ý. Vì vậy, khi Huyền Cơ viết liền một lúc 2 bài thơ, tỏ rõ tình ý của mình gửi tới, Lý Trình đã tránh né không trả lời trực tiếp. Trong bài thơ đáp lại Huyền Cơ, họ Lý chỉ nói những lời an ủi chứ tuyệt nhiên khắc nhắc tới chuyện tình cảm.
Sau khi bị Lý Trình từ chối khéo, một thời gian sau đó không hiểu vì lý do gì, Ngư Huyền Cơ quyết định xuất gia làm đạo sĩ.
Nữ đạo sĩ thì từ thời xa xưa đã có, tuy nhiên, nữ đạo sĩ ở thời Đường thì lại rất khác. Một số người xuất gia làm đạo sĩ là vì muốn tu hành, tuy nhiên, một số khác mà số này thường là phần đông, lại lấy việc xuất gia làm cái cớ để họ có một cuộc sống tự do và thoải mái hơn.
Những nữ đạo sỹ loại này vì thế không giống như những người kỹ nữ cũng chẳng giống những cô gái khuê các thông thường, họ là sự tổng hợp của cả hai kiểu người nói trên.
Năm 864, Ngư Huyền Cơ xuất gia tại Hàm Nghi Quán do công chúa Hàm Nghi lập ra. Huyền Cơ chính là đạo hiệu kể từ khi thiếu phụ họ Ngư xuất gia. Huyền Cơ rất thích thú với thân phận và cuộc sống mới. Điều này được thể hiện trong rất nhiều bài thơ của Huyền Cơ.
Tuy nhiên, cũng qua những bài thơ ấy, không khó để phát hiện ra rằng, trong suốt chuỗi ngày trai tu này, Huyền Cơ luôn cảm thấy nặng nề và nhạt nhẽo. Với tâm trạng ấy, đương nhiên, cuộc sống thanh tịnh của Huyền Cơ sẽ không kéo dài được bao lâu.
Sau khi xuất gia tu đạo không bao lâu, Huyền Cơ gặp được 1 “người đàn ông hào hiệp” khiến cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi. Một văn nhân đời Đường tên là Hoàng Phủ Mai có ghi lại giai đoạn này của Huyền Cơ rằng: “Nhờ sự chu cấp của người đàn ông hào hiệp, Huyền Cơ du ngoạn khắp nơi. Đồ trang sức quý hiếm thì không hề thiếu.
Lại suốt ngày đánh đàn, làm thơ, suốt ngày quấn quýt, vui vẻ”. “Người đàn ông hào hiệp” khiến cuộc sống nữ đạo sĩ của Huyền Cơ thay đổi 180 độ này là thần thánh phương nào, Hoàng Phủ Mai không hề nói rõ. Người đời sau căn cứ vào những bài thơ của Huyền Cơ dự đoán rằng, người đàn ông bí ẩn này chính là Hà Đông Tiết Độ Sứ Lưu Đồng.
Vào thời nhà Đường, Tiết Độ Sứ nắm giữ rất nhiều binh quyền, có thể coi như ông vua của một địa phương, ngay cả Hoàng đế cũng phải nể nang vài phần. Được 1 người có quyền lực như vậy che chở khiến tên tuổi của Ngư Huyền Cơ càng thêm lan rộng.
Ôn Đình Quân |
Những kẻ đọc sách và ôm mộng công danh, trước khi về kinh khảo thí không ai là không quen biết với Ngư Huyền Cơ. Cũng theo thuyết này thì khi Lưu Đồng được phong làm Tiết Độ Sứ tại Tây Xuyên đã đề nghị mang Ngư Huyền Cơ đi theo nhưng bị nữ đạo sĩ này từ chối.
Lúc bấy giờ, danh tiếng cũng như sự tự tin của Ngư Huyền Cơ đã lên đến đỉnh điểm. Tới mức, khi xem danh sách các tiến sĩ tân khoa, Ngư Huyền Cơ còn bĩu môi nói rằng, nếu như mình có thể đổi phận làm trai thì việc đứng tên trong bảng vàng chỉ là chuyện nhỏ.
Thường ngày, Ngư Huyền Cơ vẫn qua lại với các những người tiến sĩ, vừa là tình nhân lại vừa là bạn xướng họa thi văn.
Thậm chí, Huyền Cơ còn treo 1 tấm biển “Ngư Huyền Cơ dạy làm thơ văn” trước cửa của Hàm Nghi Quán. Sự thực của chuyện này ra sao thì người đời sau mỗi người nói một phách. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thơ của Ngư Huyền Cơ khi đó rất được người đời tán thưởng.
Xuất gia nhiều năm và trải qua hàng trăm mối tình khác nhau, cuối cùng, Huyền Cơ cũng tìm được người tri âm của mình. Người đàn ông đó chính là Tả Danh Trường. Họ Tả vốn là người cùng quê với Lý Ức, người chồng đầu tiên của Ngư Huyền Cơ, cũng là chỗ quen biết cũ của Ngư thị.
Tuy nhiên, mãi tới mùa thu năm 867, khi Tả Danh Trường tới Trường An dự thi và ở trọ ở gần Hàm Nghi Quán thì Ngư Huyền Cơ mới biết rằng họ Tả đã mất vợ và đang độc thân.
Huyền Cơ vui mừng tìm tới gặp Tả Danh Trường. Ít lâu sau đó, hai người chìm đắm trong cuộc tình say đắm, mãnh liệt. Ngư Huyền Cơ đã làm không ít những bài thơ “táo bạo” kể về cuộc tình hạnh phúc này của mình.
Tuy nhiên, “hồng nhan bạc mệnh”, câu nói của người xưa quả thực không sai. Đúng vào thời điểm Ngư Huyền Cơ hạnh phúc nhất thì cũng là lúc tai họa ập đến.
Chuyện kể rằng, tì nữ của Huyền Cơ là Lục Kiều vốn cũng là 1 cô gái thông minh và có nhan sắc, đã đi theo hầu hạ Huyền Cơ trong nhiều năm. Tới một hôm, Lục Kiều bỗng nhiên mất tích. Khi những người xung quanh dò hỏi, Huyền Cơ chỉ nói rằng, Lục Kiều tự ý bỏ đi, bản thân mình cũng không biết Lục Kiều đi đâu.
Cho tới một hôm, Huyền Cơ mở tiệc đãi khách tại nhà. Một người khách ra phía vườn sau để đi vệ sinh thì thấy trên một khoảnh đất ở cuối vườn có hàng chục con nhặng xanh bay lởn vởn, xua chúng đi một lúc chúng lại quay lại. Vị khách này mới bước lại gần để nhìn cho kỹ thì phát hiện trên đất có vết máu.
Sau khi rời khỏi nhà Huyền Cơ, vị khách này mới nói lại những gì mình nhìn thấy với người hầu của mình. Người hầu này sau khi về nhà lại nói lại với anh trai của anh ta. Người anh này là nha lại ở phủ Kinh Triệu đồng thời lại có thù với Ngư Huyền Cơ vì nhiều lần dọa dẫm Huyền Cơ để ăn tiền mà không được.
Vì thế, nhân cơ hội này, anh ta báo những gì người em trai nói với mình lên quan phủ sau đó dẫn lính xông vào nhà Huyền Cơ. Bọn nha lại đào bới một hồi thì phát hiện ra 1 cái xác được chôn ở góc cuối vườn nhà Huyền Cơ. Cái xác đó không ai khác chính là Lục Kiều. Ngư Huyền Cơ bị bắt nhốt vào ngục vì tội giết người.
Sau đó, Ngư Huyền Cơ có khai rằng, hôm đó, cô có việc ra ngoài gặp bạn, trước khi đi, Huyền Cơ dặn dò Lục Kiều nói: “Nếu như có khách tới tìm thì nói cho ông ấy biết là ta đã đi đâu”.
Ngày hôm đó, vì người bạn giữ chân, mãi tới tối muộn mới trở về đạo quán. Lúc bấy giờ Lục Kiều đến nói: “Hôm nay có người khách tới tìm vì chủ nhân không có nhà nên ông ấy đã ra về luôn”.
Huyền Cơ nghe thấy vậy thì rất lấy làm kỳ quái, vị khách mà cô đợi hôm đó lần nào đến cũng đợi cô về mới thôi chứ không bao giờ lại bỏ về nhưu vậy. Linh tính của người phụ nữ khiến Huyền Cơ sinh nghi, bèn ngầm quan sát kỹ Lục Kiều, thấy Lục Kiều thần sắc cho tới lời nói cử chỉ có vẻ khác thường.
Thế là Huyền Cơ mười phần đã rõ chín, cô bèn gọi Lục Kiều vào phòng riêng, bắt Lục Kiều bỏ hết xiêm y để kiểm tra. Mặc dù Lục Kiều ra sức chối, nhưng những vết móng tay trên ngực của cô ta lại khẳng định nghi ngờ của Huyền Cơ là đúng. Cơn ghen bùng lên khiến Huyền Cơ cả giận giật roi đánh Lục Kiều một trận tả tơi.
Lục Kiều thấy hết đường chối cãi, lại bị đánh đau quá bèn lớn tiếng mạt sát lại tội “phong tình” của chủ nhân. Huyền Cơ đã giận lại càng giận hơn, xông đến bóp cổ Lục Kiều, đến khi thấy Lục Kiều thân người mềm nhũn oặt xuống thì Huyền Cơ mới phát hiện cô ta đã chết. Sợ bị tội, Huyền Cơ nhân đêm tối đem xác Lục Kiều ra chôn ở sau vườn để phi tang.
Câu chuyện này sau đó được lưu truyền rất rộng rãi và hầu hết mọi người đều tin rằng nó là thật. Vì thế, dù tài thơ trác tuyệt nhưng tội giết nữ tỳ đã khiến Huyền Cơ để lại tiếng xấu trong những câu chuyện của người đời.
Mãi tới hơn 1.000 năm sau, một học giả thời cận đại mới đưa ra một giả thuyết mới về cái chết của Lục Kiều. Cái chết của cô tỳ nữ họ Lục thực tế chỉ là cái cớ để viên nha lại vốn có thù oán với Huyền Cơ giá họa cho cô.
Chính vì thế, trong khi bị giam trọng ngục tối, Huyền Cơ đã viết nhiều bài thơ bày tỏ nỗi oan ức của bản thân mình.
Song dẫu vì lý do gì thì kết cục của Ngư Huyền Cơ chỉ có một. Năm 870, khi mới vỏn vẹn 26 tuổi, khi cả nhan sắc và tài năng đang ở độ chín muồi, Ngư Huyền Cơ bị xử tử hình. Cuộc đời một tài nữ đa tình kết thúc trong thảm kịch.
Và mối tình bi kịch với “thầy giáo” dạy thơ
Trong cuộc đời của mình, Ngư Huyền Cơ qua lại với rất nhiều người đàn ông, trăng hoa thì nhiều nhưng đá vàng cũng không hề ít. Tuy nhiên, có lẽ mối tình được nhiều người nhắc tới nhất chính là câu chuyện tình nhiều nước mắt giữa Huyền Cơ và Ôn Đình Quân, người bạn vong niên đồng thời cũng là người thầy dạy thơ của cô.
Ôn Đình Quân tự là Phi Khanh, là một văn nhân nổi tiếng thời Vãn Đường. Ôn Đình Quân là tiến sĩ đỗ cùng khoa thi với Lý Ức, tuy nhiên, do làm loạn chốn trường thi trước đó nên trong khi họ Lý được làm quan to thì Ôn Đình Quân lại mãi long đong lận đận trên con đường công danh.
Tuy nhiên, dù hoạn lộ chẳng mấy hanh thông, song văn tài của Ôn Đình Quân lại vang khắp xa gần, không ai có thể đè nén nổi. Chỉ khổ một nỗi, tướng mạo của Ôn Đình Quân lại không mấy khôi ngô nếu không muốn nói là xấu xí.
Người đương thời thậm chí còn đặt cho Ôn biệt hiệu là “Ôn Chung Quỳ” (Chung Quỳ là một vị thần có tướng mạo rất xấu xí). Diện mạo xấu xí đó đã ảnh hưởng tới cả cuộc đời của Ôn Đình Quân, thậm chí cả đời con cháu. Chuyện kể rằng, Ôn Đình Quân có 1 đứa cháu trai, tướng mạo giống hệt như ông nội, vô cùng xấu xí, tuy nhiên lại là một người có tài vẽ rất đẹp.
Sau đó, người cháu này rời nhà tới Tứ Xuyên định dùng tài năng vẽ tranh của mình xin tới làm môn khách của quan châu mục. Không ngờ, quan châu mục ở Tứ Xuyên thẳng thừng từ chối vì lý do anh ta quá giống ông nội mình và quá xấu xí.
Điều thú vị là ở chỗ, dù xấu xí, dù không hiển đạt nhưng Ôn Đình Quân lại rất phong lưu và đào hoa, thậm chí với phụ nữ họ Ôn lại có một sức hấp dẫn rất đặc biệt. Mối quan hệ giữa Ôn Đình Quân và Ngư Huyền Cơ cũng bắt đầu từ sự quyến rũ đặc biệt ấy ở ông.
Là 1 nhà thơ phong lưu, nên dù xấu xí Ôn Đình Quân thường xuyên vẫn là khách quen của các kỹ viện, được các kỹ nữ, tài nữ khắp nơi yêu thích, chiều chuộng.
Ông Đình Quân gặp Ngư Huyền Cơ lần đầu tiên khi Huyền Cơ còn đang giặt quần áo cho một kỹ viện ở thành Trường An. Lúc bấy giờ, Ngư Huyền Cơ chỉ mới 11-12 tuổi.
Ôn Đình Quân thấy Huyền Cơ còn nhỏ mà thông minh lanh lợi nên nhận Huyền Cơ làm đệ tử, dạy Huyền Cơ làm thơ, viết chữ, đồng thời giúp tiền bạc cho mẹ con cô sinh sống. Khi ấy, Huyền Cơ nhận sự chăm sóc của Ôn Đình Quân như một người thầy, một ân nhân của mẹ con mình.
Tuy nhiên, chuỗi ngày hạnh phúc ấy cũng nhanh chóng kết thúc. Tới năm Ôn Đình Quân 60 tuổi, ông đỗ tiến sĩ nhưng do làm loạn trong trường thi nên chỉ được bổ nhiệm một chức huyện úy nhỏ bé ở tận vùng Hồ Bắc. Dù tuổi đã cao mà chức quan lại nhỏ nhưng Ôn Đình Quân vẫn đầy hoài bão rời khỏi Trường An, lên đường nhậm chức.
Lúc bấy giờ Huyền Cơ đã bước vào độ tuổi 14-15, độ tuổi của những cô gái mới lớn và bắt đầu biết cảm giác yêu đương. Khi ở cạnh nhau, cùng nhau xướng họa, làm thơ thì dường như không cảm thấy thì thế nhưng khi Ôn Đình Quân sắp lên đường thì Huyền Cơ cảm thấy hụt hẫng vô cùng.
Tới lúc bấy giờ, Huyền Cơ mới biết cô đã yêu người thầy của mình tự khi nào. Vì thế, trước khi Ôn Đình Quân lên đường, Huyền Cơ liên tục gửi thư bày tỏ tình cảm của mình.
Ông Đình Quân mặc dù là kẻ phong lưu, song thời bấy giờ, giới hạn thầy trò là điều gì đó cực kỳ linh thiêng và nghiêm khắc. Lại thêm, Ôn Đình Quân khi cũng đã vợ con đề huề, lại sắp phải lên đường đi xa, lấy thêm vợ bé lúc này hoàn toàn không tiện.
Làm thế nào để có thể từ chối được cô thiếu nữ si tình mà không làm cô đau đớn, buồn tủi? Sau khi suy nghĩ rất lâu, Ôn Đình Quân quyết định giới thiệu Ngư Huyền Cơ cho người bạn đỗ trạng nguyên cùng khoa thi với mình nhưng trẻ tuổi hơn rất nhiều. Người đó không ai khác chính là Lý Ức. Ít lâu sau thì Lý Ức đến hỏi Huyền Cơ về làm thiếp.
Mặc dù giới thiệu Huyền Cơ cho Lý Ức nhưng thực tình thì Ôn Đình Quân vẫn dành tình cảm cho cô học trò tài năng của mình. Vì vậy, khi Huyền Cơ bị vướng vào vụ án giết tỳ nữ Lục Kiều, Ôn Đình Quân vẫn đang làm quan ở nơi xa, nghe được tin này vẫn đau đớn rụng rời.
Những năm tháng sau đó của Ôn Đình Quân, người ta vẫn thấy ông long đong lận đận trên đường công danh. Bị điều đi hết nơi này nơi khác, nhưng đều làm chức quan rất nhỏ, có tiếng mà chẳng có miếng. Nhưng Ôn Đình Quân thì luôn bất cần.
Đi tới đâu, ông cũng không kiêng nể, tiếc rẻ thanh danh của mình, lúc nào cũng quấn quýt làm thơ với những cô ca nữ nơi kỹ viện. Người ta nói rằng, sở dĩ Ôn Đình Quân “bất đắc chí” như vậy, một phần cũng là vì ông luôn tự trách mình thay vì thu nhận Huyền Cơ ông đã đẩy cô học trò mà mình yêu thương vào tấn bi kịch thảm thương.
- Phong Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét