Số những kẻ xuất thân từ “dân đen” có thể gia nhập vào tập đoàn thống trị phong kiến cũng hiếm hoi như những ngôi sao buổi sớm.
Chu Nguyên Chương |
Trong bối cảnh chung ấy, Chu Nguyên Chương là một trường hợp đặc biệt. Từ 1 hòa thượng, không dòng dõi, không gia thế nhưng cuối cùng Chu Nguyên Chương lại trở thành kẻ cuối cùng giành chiến thắng, trở thành ông Vua sáng lập triều đại nhà Minh…
Chân long xuất thế
Theo gia phả của họ Chu, các đời cụ, kỵ của Chu Nguyên Chương là Chu Bách Lục và Chu Tứ Cửu trước sống ở huyện Bố, tỉnh Giang Tô, nay là huyện Bố, Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Cho tới đời ông nội của Chu Nguyên Chương, toàn bộ gia đình họ Chu mới chuyển từ huyện Bố tới huyện Câu Dung cùng thuộc tỉnh Giang Tô, nay là huyện Câu Dung thuộc thành phố Nam Kinh.
Vào cuối thời kỳ nhà Nguyên, gia tầng thống trị ngày 1 tàn bạo và hủ bại. Thêm vào đó, hiện tượng chiếm đất đai của tầng lớp thống trị diễn ra ngày 1 nghiêm trọng khiến cuộc sống của nông dân ngày một khó khăn hơn.
Nhà họ Chu của Chu Nguyên Chương nhiều đời chỉ là nông dân theo đó cũng ngày một sa sút hơn.
Ông nội của Chu Nguyên Chương là Chu Sơ Nhất không thể chịu đựng được sưu cao thuế nặng đã chết trong đói rét.
Cha của Chu Nguyên Chương là Chu Ngũ Tứ trong tình thế “cực chẳng đã” bỏ nhà ra đi, lưu lạc tới Linh Bích, Hồng Huyện rồi sau đó tới Chung Li Đông làm tá điền cho địa chủ để kiếm sống qua ngày.
Trước khi tới Chung Li Đông, Chu Ngũ Tứ đã có 4 người con trai và 1 người con gái.
Sau khi chuyển tới đây, Chu Ngũ Tứ lại sinh thêm 1 người con trai nữa. Theo trình tự đặt tên của nhà họ Chu, đứa con này được đặt tên là Chu Trọng Bát. Chu Trọng Bát chính là Hoàng đế Chu Nguyên Chương sau này.
Vì sao trong 1 gia đình tá điền, đến cơm ăn không đủ bữa chứ đừng nói gì tới việc học hành như vậy lại có thể sinh ra một “chân mệnh thiên tử” như Chu Nguyên Chương?
Nhiều người nói rằng, ấy là do thời thế xoay vần, Chu Nguyên Chương trở thành Hoàng đế là do gặp thời. Tuy nhiên, các nhà phong thủy thì lại tin rằng, điều đó có liên quan mật thiết tới những bí ẩn phong thủy của dòng họ Chu.
Câu chuyện phải bắt đầu từ đời ông của Chu Nguyên Chương – Chu Sơ Nhất. Chuyện kể rằng, tại mảnh đầu tiên mà Chu Sơ Nhất canh tác ở Tứ Châu có một cái gò, bên dưới gò là một hang đất.
Một ngày, sau khi làm việc suốt buổi sáng, quá trưa, Chu Sơ Nhất nằm trên cái gò này nghỉ ngơi. Đang lúc nằm nghỉ thì bỗng từ đâu xuất hiện 2 thầy trò đạo sĩ đi ngang qua.
Vị sư phụ chỉ vị trí nơi Chu Sơ Nhất đang nằm và nói với người đệ tử đi sau mình rằng: “Nếu như một người sau khi chết được chôn ở đây thì con cháu nhất định sẽ có người trở thành thiên tử”. Đệ tử ngạc nhiên hỏi: “Vì sao thưa thầy?”
Vị sư phụ trả lời: “Nơi đây có khí ấm, là sinh khí. Không tin con thử cầm 1 cành cây khô cắm xuống đó sẽ thấy. Chỉ 10 ngày sau cây nhất định sẽ đâm chồi nảy lộc. Đây chính là long huyệt, một nơi có địa thế phong thủy rất đẹp”.
Chu Sơ Nhất nằm nghỉ ngay cạnh chiếc gò kia, nghe rõ từng câu từng chữ của vị đạo sĩ, cảm thấy bán tín bán nghi.
10 ngày sau, Chu Sơ Nhất lại tới cái gò xem cành cây khô mà người đạo sĩ cắm xuống có thực sự đâm chồi nảy lộc như ông ta nói hay không thì thấy rằng quả thực cành cây khô giờ đã biến thành 1 cây con rất tươi tốt.
Chu Sơ Nhất mừng lắm, nghĩ rằng, nếu cành cây khô có thể đâm chồi nảy lộc từ nơi đây thì chắc chắn cái gò này chính là long huyệt như lời vị đạo sĩ kia nói.
Tuy nhiên, nơi đây là chốn đất hoang, bất cứ ai cũng có thể chọn nơi này làm huyệt mộ của mình. Do vậy, phải tuyệt đối giữ bí mật, không thể để ai biết nơi đây chính là long huyệt.
Vì thế, Chu Sơ Nhất lấy những lá cây khô phủ lên toàn bộ hang đất rồi nhổ cây con mới mọc và cắm vào đó 1 cành cây khô khác.
Mấy ngày sau, 2 thầy trò vị đạo sĩ nọ trở lại nơi hôm trước đã cắm cành cây khô để kiểm chứng thì phát hiện cành cây khô không hề đâm chồi nảy lộc như thầy mình nói. Người đệ tử quay lại hỏi thầy: “Sao con không thầy cành cây đâm chồi như thầy nói”.
Vị đạo sĩ chỉ vào Chu Sơ Nhất nói: “Nhất định là do người này nhổ đi”. Lúc này, Chu Sơ Nhất chỉ đành thừa nhận rằng chính mình nhổ cây đi vì không muốn ai biết đây là long huyệt.
Vị đạo sĩ nọ nhìn Chu Sơ Nhất, không những không oán trách, ngược lại nói với Chu rằng: “Ngươi có phúc, sau khi chết hãy nhớ dặn con cháu chôn ở đây. Gia đình người sau này chắc chắn sẽ có người trở thành thiên tử”.
Chu Sơ Nhất từ đó luôn ghi nhớ lời dặn của vị đạo sĩ. Sau khi ông ta chết đã dặn dò con cháu đem mình chôn cất tại hang đất dưới cái gò nọ.
Chu Ngũ Tứ, cha của Chu Nguyên Chương y theo lời cha dặn, chôn cất Chu Sơ Nhất dưới hang đất. Nơi đây hiện tại chính là Hy Tổ Lăng, nằm ở huyện Hu Di, bên bờ sông Tần Hoài, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Khảo sát Hy Tổ Lăng thì thấy nơi đây quả thực là một nơi có phong thủy rất đẹp. Phía sau của Hy Tổ Lăng về phía xa là rất nhiều ngọn núi.
Phía trước của Hy Tổ Lăng là một khoảng đất bằng rộng rãi, có thể nhìn ra rất xa, xung quanh Hy Tổ Lăng được bao bọc bởi bởi 9 con sông lớn nhỏ khác nhau.
Đó là một địa thế lý tưởng để lựa chọn âm trạch theo quan niệm phong thủy truyền thống. Long mạch của Hy Tổ Lăng bắt nguồn từ ngọn Trung Điều Sơn, vương khí tập trung, nước thì từ Ngự Kiều chảy vào sông Biện Hà, phía trước là thành Tứ Châu, có chiếc tháp khóa chặt thủy khẩu.
Với địa thế đó, Hy Tổ Lăng trở thành mảnh đất sinh ra bậc Đế vương cũng không có gì là lạ.
Sau khi Chu Sơ Nhất chết được nửa năm, Vợ của Chu Ngũ Tứ là Trần thị mang thai. 10 tháng sau sinh ra 1 đứa con trai. Đứa con đó chính là Chu Trọng Bát – Chu Nguyên Chương.
Câu chuyện Chu Nguyên Chương ra đời cũng được lưu truyền với rất nhiều truyền thuyết khác nhau.
Chuyện kể rằng vào 18 tháng 10 năm Thiên Lịch thứ nhất, tức năm 1328, Trần thị, mẹ của Chu Chu Nguyên Chương đang ngồi trên bờ ruộng lúa mạch thì có một đạo sĩ từ phía Tây đi tới.
Vị đạo sĩ này có bộ râu dài, bạc trắng như cước, đầu đội mũ trâm, người mặc bộ quần áo màu đỏ, tay cầm gậy trúc. Khi đi đến ruộng lúa mạch, vị đạo sĩ này cũng ngồi xuống nghỉ ngơi.
Ngồi 1 lát, vị đạo sĩ lấy ra một viên thuốc màu trắng. Trần thị ngồi ở gần đây thấy viên thuốc màu trắng kỳ lạ thì buột miệng hỏi: “Đây là thứ gì vậy?” Vị đạo sĩ cười đáp: “Đây là tiên dược. Nếu cô muốn ta cho cô 1 viên”.
Trần thị đưa tay lấy viên thuốc rồi như ma xui quỷ khiến đưa viên thuốc vào miệng nuốt luôn. Viên thuốc vừa xuống bụng, Trần thị ngay lập tức cảm thấy bụng đau nhói.
Đúng lúc đó, vị đạo sĩ biến mất từ lúc nào. Buổi tối hôm đó, một luồng khí màu trắng từ phía Đông Nam bay thẳng vào trong phòng của vợ chồng Chu Ngũ Tứ. Sau đó ít lâu, Trần thị sinh ra Chu Nguyên Chương.
Người ta còn kể rằng, khi Chu Nguyên Chương sắp chào đời, một vầng hào quang không biết từ đâu chiếu rọi khiến cả phòng sáng bừng lên đồng thời một mùi hương thơm ngát lan tỏa khắp căn nhà nghèo nàn rách rưới của Chu Ngũ Tứ.
Lúc đó trời tối, hàng xóm đều nhìn thấy nhà họ Chu sáng rực lên, ban đầu cứ ngỡ là có cháy. Sáng sớm ngày hôm sau hỏi thăm thì mới biến Trần thị lâm bồn sinh ra Chu Nguyên Chương.
--
Câu chuyện Chu Nguyên Chương được sinh ra trong ánh sáng đỏ rực khắp cả phòng được người trong vùng truyền tai nhau, nói rằng đó là điềm báo của Thiên tử ra đời. Truyền thuyết này lúc bấy giờ đã mang tai họa tới cho Chu Nguyên Chương lẫn gia đình họ Chu.
Hoàng đế nhà Nguyên nghe thiên hạ đồn có dấu hiệu Thiên tử xuất hiện bèn ra lệnh cho những đạo sĩ giỏi nhất của mình tính toán xem Thiên tử giáng thế ở phương nào.
Sau khi các đạo sĩ và nhà phong thủy tính toán, bẩm báo lại với Hoàng đế rằng: “Chân long thiên tử ra đời ở khu vực Hào Châu”.
Nguyên Đế ra lệnh cho người truy tìm và giết thiên tử trước khi nó có thể gây họa cho triều đình bằng cách giết sạch trẻ em mới được sinh ra ở vùng Hào Châu.
Một ngày, quan binh tìm tới nhà họ Chu đòi đem Chu Nguyên Chương giết đi. Tuy nhiên, Trần thị do thương con, khóc lóc van xin, quyết chết chứ không giao đứa con nhỏ cho bọn quan binh.
Quan binh nhà Nguyên thấy mặt mũi Chu Nguyên Chương xấu xí, lại thấy gia đình nhà họ Chu nghèo rớt mùng tới, đến miếng ăn còn không đủ, làm sao mà có thể sinh ra Thiên tử được, vì vậy mới động lòng trắc ẩn, tha không giết Chu Nguyên Chương.
Sau khi ra sắc lệnh tàn bạo cho giết hết trẻ em ở Hào Châu, Hoàng đế nhà Nguyên nghĩ rằng mọi việc đã được giải quyết.
Thế nhưng, 7 năm sau đó, các đạo sĩ vẫn báo rằng ở Hào Châu vẫn còn khí của chân long. Nguyên Đế lại một lần nữa ra lệnh cho quân lính giết chết “chân long Thiên tử”.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Chu Nguyên Chương do nhà quá đói kém đã trở thành một kẻ ăn xin nay đây mai đó. Tướng mạo xấu xí và bộ dạng rách rưới một lần nữa lại cứu sống Chu Nguyên Chương.
Những câu chuyện được kể trên đây hầu hết đều là ghi chép của dã sử, thực hư ra sao vẫn chư ai kiểm chứng được.
Tuy nhiên, căn cứ theo tính toán của những bậc thầy phong thủy tướng số đời sau, thì quả thực mệnh số của Chu Nguyên Chương là mệnh số giàu sang, phú quý.
Vào năm 1343, Hào Châu gặp hạn hán nặng nề, mùa màng thất bát. Đến năm sau đó, lại gặp dịch châu chấu, tàn phá nghiêm trọng mùa màng. Cuộc sống đói kém lại thêm bệnh dịch hoành hành, khiến người dân chết đầy đường.
Gia đình Chu Nguyên Chương vốn đã nghèo khó nay càng thêm nghèo khó hơn. Cha, mẹ và các anh của Chu Nguyên Chương vì thế lần lượt qua đời.
Thế nhưng do nhà quá nghèo, cha, mẹ và các anh của Chu Nguyên Chương chết đều không có quan tài chôn. Nhiều người đến cả đât chôn cũng không có. Điều này được ghi chép rất cụ thể trong sử sách chứ không phải là dã sử hay bịa đặt.
Sau khi cha, mẹ và các anh đều qua đời, cuộc sống của Chu Nguyên Chương cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, vẫn nghèo đói, rách rưới, ăn bữa nay lo bữa mai.
Đến lúc cùng đường, không biết cách nào kiếm cơm ăn, Chu Nguyên Chương đành phải đến 1 ngôi chùa làm hòa thượng, ăn xin nởi cửa Phật.
Chính vì thế, sau này Chu Nguyên Chương mới có biệt hiệu là Hoàng đế hòa thượng.
Ngôi chùa mà Chu Nguyên Chương tới tu hành lúc bấy giờ gọi là chùa Ô Hoàng, sau này lại đổi thành chùa Hoàng Giác. Ban đầu Chu Nguyên Chương xin vào chùa làm một chân tạp dịch.
Công việc hàng ngày của Chu Nguyên Chương là quét chùa, thắm hương, đánh chuông, nấu cơm giặt đồ và nghe sư thầy trách mắng vì sự vô loài, bất kính thần phật của mình. Chu Nguyên Chương không phải là kẻ có lòng tin Phật, do vậy, cuộc sống ở chùa Ô Hoàng với họ Chu thực sự rất buồn tẻ.
Vì vậy, trong những lúc nhàn rỗi, Chu Nguyên Chương nghĩ ra đủ trò quậy phá.
Ngôi chùa mà Chu Nguyên Chương tới tu hành lúc bấy giờ gọi là chùa Ô Hoàng. |
Chuyện kể rằng, mỗi khi Chu Nguyên Chương quét chùa rất ghét những chiếc chân tượng thò ra trên sân, gây khó khăn cho công việc của mình. Vì thế, một lần, Chu Nguyên Chương cáu quá mới buột miệng quát: “Thu chân vào!”.
Không ngờ, chân của tượng phật dần dần thu gọn vào đúng y theo lời của Chu Nguyên Chương. Lại một lần, Chu Nguyên Chương phát hiện có con chuột ăn vụng nến thơm trên ban thờ.
Chu Nguyên Chương cho rằng, vị Phật ngồi trên ban thờ kia biết rõ chuột ăn vụng nến thơm của chùa mà không làm gì, thật là chẳng được việc gì.
Vì thế, Chu Nguyên Chương mới viết dòng chữ: “Đuổi ra khỏi nơi này 3 ngàn dặm” lên một miếng giấy rồi lén dán lên lưng tượng. Kết quả là, đêm hôm đó, tất cả các hòa thượng trong chùa, từ sư trụ trì cho tới các hòa thượng đều mơ thấy vị Phật nọ đến từ biệt họ.
Trong mơ, vị Phật này nói với họ rằng, ông chủ trên dương gian ra lệnh đuổi ông ta ra khỏi chùa đày tới nơi cách xa 3 ngàn dặm.
Ngày hôm sau, mọi người phát hiện ra miếng giấy có hàng chữ của Chu Nguyên Chương mới tìm đến Chu Nguyên Chương để hỏi chuyện Chu Nguyên. Chu Nguyên Chương nghe xong chuyện nói: “Đó là ta đùa với ông ta thôi.
Vậy bây giờ miễn tội cho ông ta, không phải đi đày nữa”. Kết quả là tối hôm đó, mọi người lại mơ thấy vị Phật nọ tìm tới nói rằng, ông ta không phải đi nữa rồi cảm ơn mọi người đã nói giúp mình.
Tuy nhiên, cuộc sống thanh bình của Chu Nguyên Chương ở chùa Ô Hoàng cũng không kéo dài được bao lâu khi sự đói kém cũng bắt đầu tấn công vào cuộc sống của ngôi chùa.
Đời sống nhân dân đói kém, cơm không đủ ăn, người dân cũng không còn bao nhiêu tiền của để thờ phụng Phật pháp nữa. Hoàng thượng trong chùa dù chỉ ăn chay nhưng cũng không còn được ăn đủ no nữa.
Không còn cách nào khác, sư trụ trì đã cho Chu Nguyên Chương ra bên ngoài khất thực, hóa duyên. Chu Nguyên Chương lang thang khắp nơi, dựa vào của bố thí của người dân đối với đệ tử đức Phật mà sống quá ngày.
Vị Hoàng đế tương lai đi rất nhiều nơi, từ Hào Châu xuôi xuống phía Nam tới Hợp Phì, sau đó quay theo hướng Tây vào Hà Nam, tới Cố Thủy, Tín Dương rồi quay về phương Bắc tới Nhữ Châu, Trần Châu,… Cứ như vậy, Chu Nguyên Chương lang thang khất thực suốt 3 năm, tới năm 1347, Chu Nguyên Chương trở về chùa Ô Hoàng.
3 năm đó là chuỗi ngày cực khổ và khó khăn nhất trong tuổi trẻ của Chu Nguyên Chương, tuy nhiên cũng là 3 năm quan trọng nhất với Chu Nguyên Chương.
Trong 3 năm đó, Chu Nguyên Chương đã đi được rất nhiều nơi, mở rộng tầm mắt, tích lũy không ít kinh nghiệm cuộc sống, rèn luyện cho mình bản lĩnh trong cuộc sống.
Trong 3 năm này cũng là thời kỳ những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi lên ở khắp nơi. Xã hội động loạn, hào kiệt các nơi nổi lên.
Chu Nguyên Chương ngao du đây đó, được nghe không ít những lời tuyên truyền về sự phản kháng lại chế độ bạo ngược của triều đình nhà Nguyên.
Chính vì thế, Chu Nguyên Chương cũng bắt đầu hình thành ý nghĩ xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng. Sau khi trở về chùa Ô Hoàng, Chu Nguyên Chương bắt đầu cố gắng học hành.
Ngoại trừ kinh Phật, Chu Nguyên Chương cũng đọc các loại kinh sách tư tưởng khác.
Đồng thời, Chu Nguyên Chương bắt đầu tìm cơ hội kết bạn với những hào kiệt trong vùng, xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ xã hội cho mình.
Những năm tháng đó, trở thành những năm tháng tích lũy quan trọng trong cuộc đời Chu Nguyên Chương.
Lại thêm 3 năm nữa trôi qua, chùa Ô Hoàng cũng bắt đầu bị kéo vào guồng xoáy của những cuộc khởi nghĩa. Bắt đầu từ nơi đây, vận mệnh của Chu Nguyên Chương đã rẽ sang một con đường mới, con đường trở thành vị Hoàng đế của triều đại nhà Minh.
Năm Chí Chính thứ 12 (tức năm 1352), Quách Tử Hưng lãnh đạo nông dân khởi nghĩa được goi là cuộc khởi nghĩa Hồng Cân (khăn đỏ). Chu Nguyên Chương quyết định bỏ áo cà sa đi theo quân khởi nghĩa của họ Quách.
Vì gan dạ và có đầu óc thông minh hơn người, cho nên chẳng bao lâu sau Chu Nguyên Chương đã trở thành một nhân vật xuất sắc trên chiến trường của quân khởi nghĩa.
Được Tử Hưng tin cậy, nhậm chức Tả phó Nguyên soái nghĩa quân.
Năm 1355 là năm có tính chất quyết định đối với thành công của Chu Nguyên Chương. Ông đem quân vượt qua Trường Giang, tiến xuống Giang Nam là một vùng kinh tế trù phú. Vì các tướng của ông phần lớn là người Giang Bắc không nỡ rời xa quê cũ cho nên thời gian hành quân bị kéo dài.
Để dứt tâm tình ấy của họ, Chu Nguyên Chương bèn sai cắt đứt hết dây neo thuyền, đẩy tất cả thuyền chìm xuống sông.
Các tướng sỹ thấy không còn đường nào về nữa, cho nên đều dũng cảm lao về phía trước, đánh 1 trận chiếm được Nam Kinh.
Vì chủ tướng của triều đình nhà Nguyên đã chết trận, cho nên những kẻ sống sót của quân Nguyên đều đầu hàng.
Chu Nguyên Chương bèn lấy Nam Kinh làm căn cứ địa, định ra chiến lược “Đắp tường cao, tích trữ nhiều lương thực, chưa vội vàng xưng vương”, sau đó ông đi khuếch trương thế lực, củng cố bàn đạp ổn định và xây dựng căn cứ vững chắc.
Nhờ chiến thắng này, năm Chí Chính thứ 16 (tức năm 1356), được Tiểu Minh vương Hàn Lâm Nhi tiến phong làm Ngô Quốc công.
Chính vì lý do này, sau này khi nhà Minh xâm lược Việt Nam, người ta mới gọi chúng là giặc Ngô chứ không phải giặc Minh.
Năm 1368, Chu Nguyên Chương sau khi củng cố lực lượng, Chu Nguyên Chương bắt đầu thôn tính các lực lượng khác nhằm chuẩn bị cho mục tiêu thống nhất thiên hạ của mình.
Đầu tiên, Chu Nguyên Chương tiến đánh Trần Hữu Lượng vùng Hoa Nam đồng thời công khai công bố cắt đứt quan hệ với quân Hồng Cân.
Ông phái người đi đón Tiểu Minh Vương Hàn Lâm Nhi, nhưng thừa lúc Hàn Lâm Nhi không phòng bị, Chu Nguyên Chương đã dìm hắn chết đuối dưới đáy sông, sau đó lại bình định được Chương Sĩ Thành, đánh bại được Phương Cúc Trân cát cứ miền Đông Chiết Giang, rồi phái binh đánh xuống phía Nam, tiêu diệt Trần Hữu Định cát cứ vùng Phúc Kiến, cuối cùng thu phục được toàn bộ Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
Sau các trận chiến kể trên, thực lực của Chu Nguyên Chương đã đem 25 vạn đại quân tiến lên phía Bắc tiến đánh Bắc Kinh.
Sau 8 tháng chiến đấu gian khổ, Bắc Kinh thất thủ. Thuận Đế nhà Nguyên bỏ chạy, nhà Nguyên bị diệt vong. Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Minh, trở thành Minh Thái Tổ, ông vua khai quốc của triều đại nhà Minh.
- Hải Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét