Chu Bang Ngạn tự là Mỹ Thành, hiệu là Thanh Chân Cư Sĩ, sinh năm 1056 sau Công nguyên, là người Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cùng với Tô Thức, Tân Khí Tật và Khương Quỳ, Chu Bang Ngạn được người đời tôn xưng là “Tống từ tứ đại gia” (Bốn tác gia lớn trong thể loại từ đời Tống).
Trong số 4 “đại gia” của thể loại Tống từ này, Chu Bang Ngạn chỉ đứng thứ hai, sau Tô Thức và xếp trước Tân Khí Tật lẫn Khương Quỳ. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, danh tiếng của Chu Bang Ngạn không thể so sánh được với hai họ Tân và Khương chứ đừng nói tới việc so sánh với đại văn hào Tô Thức.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, Chu Bang Ngạn chỉ là loại “tác giả hạng hai”. Đương nhiên, đây chỉ là cách nhìn của những người hiện đại.
Vào thời bấy giờ, trên văn đàn thời Tống, Chu Bang Ngạn được coi là tập đại thành của “phái uyển ước” và là người sáng lập của “phái cách luật”, đồng thời là người đặt nền móng cho “trường phái từ thuần nhã” thời Nam Tống sau này.
Có thể nói, Chu Bang Ngạn có những cống hiến cực kỳ to lớn đối với Tống từ đồng thời tác phẩm của ông cũng được người đời lưu truyền rất rộng rãi. Ngày nay người ta thường biết các bài từ của Liễu Vĩnh và cho rằng, các tác phẩm của Liễu Vĩnh được lưu truyền rất rộng.
Hoàng đế Tống Huy Tông trên phim |
Thậm chí, trong dân gian còn có câu rằng: “Nơi đâu có giếng nước nơi đó người ta hát từ của họ Liễu”. Tuy nhiên, thực tế thì từ của Liễu Vĩnh chỉ được những người dân thuộc tầng lớp dưới yêu thích, còn các bậc “đại sĩ phu” không nhiều người biết tới họ Liễu.
Trong khi đó, từ của Chu Bang Ngạn lại được cả hai giới đặc biệt yêu thích. Bất kể là “quý nhân, học sĩ cho tới người dân áo vải, thậm chí là kỹ nữ” không ai không yêu thích từ của họ Chu. Có thể khẳng định rằng, vào thời nhà Tống, từ của Chu Bang Ngạn hoàn toàn vượt xa so với các sáng tác từ của Liễu Vĩnh.
Năm Nguyên Phong thứ 7 đời Bắc Tống, khi mới 27 tuổi và đang còn là một thái học sinh ở trường thái học, nhờ việc dâng bài “Biện Đô Phú”, danh tiếng của Chu Bang Ngạn đã nổi như cồn đồng thời còn được triều đình phong làm thái học chính (chức vụ giữ gìn quy định trật tự, nền nếp trong trường thái học).
Chuyện kể rằng, bài “Biện Đô Phú” của Chu Bang Ngạn không chỉ văn từ hoa lệ, dẫn dụng nhiều kinh điển mà còn có rất nhiều sử dụng rất nhiều chữ hiếm, tới mức nhiều đại thần trong triều đọc không hiểu, chỉ biết đoán chừng.
Chỉ riêng điều này cũng đủ thấy, học vấn của Chu Bang Ngạn uyên thâm tới mức nào. Sau khi thi đỗ làm quan, Chu Bang Ngạn trải qua 3 đời vua từ Thần Tông, Triết Tông cho tới Huy Tông. Mặc dù quan chức không cao nhưng đường thăng tiến tương đối thuận lợi.
Trước sau, Chu Bang Ngạn từng làm qua các chức thái học chính, huyện lệnh huyện Lật Thủy, giám thuế Phủ Khai Phong, chính tự ở Bí thư tỉnh, bí thư giám,…
Tài năng là vậy, cống hiến là vậy, tuy nhiên, câu chuyện khiến người đời sau nhớ tới Chu Bang Ngạn nhiều nhất có lẽ lại là câu chuyện tình tay ba giữa Chu Bang Ngạn với cô kỹ nữ nổi danh thời Tống – Lý Sư Sư và vị Hoàng đế nghệ sĩ Tống Huy Tông Triệu Cát.
Thế nhưng, không giống với Giả Dịch, kẻ tình địch đã bị Tống Huy Tông đày đi biệt xứ vì dám viết thơ chế giễu mình, Chu Bang Ngạn lại thắng được vị Hoàng đế quyền lực, giành được trọn vẹn tình cảm của cô kỹ nữ Lý Sư Sư.
Chuyện kể rằng, khi Chu Bang Ngạn giữ chức quan giám thuế ở phủ Khai Phong đã qua lại rất thân mật với kỹ nữ Lý Sư Sư. Một lần, khi hai người đang ân ân ái ái trong phòng thì đột nhiên có người tới báo: Đương kim thánh thượng Tống Huy Tông tới.
Hóa ra, từ lâu, ông vua nghệ sĩ Tống Huy Tông cũng đã nghe tới tiếng của Lý Sư Sư và thường xuyên tìm tới. Làm thế nào đây? Nếu như để Tống Huy Tông biết rằng mình có tình địch, đương nhiên, kẻ tình địch ấy sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì.
Giả Dịch chẳng phải là một tấm gương đó sao? Dẫu sao ông ta cũng là hoàng đế, tránh voi chẳng xấu mặt nào, Chu Bang Ngạn đành phải tìm chỗ trốn.
Tuy nhiên, trong căn phòng nhỏ ở chốn lầu xanh, biết trốn ở đâu mà tiếng chân của Tống Huy Tống thì đã sát tới nơi. Trong lúc luống cuống, Chu Bang Ngạn chẳng còn cách nào khác đành phải chui vào trốn dưới gầm dường của Lý Sư Sư.
Sau khi Tống Huy Tống tới vẫn không hề biết rằng Chu Bang Ngạn đang ở dưới gầm giường, nên vẫn tâm tình với Lý Sư Sư như thường. Sau đó, Tống Huy Tông còn mang cho Lý Sư Sư một quả cam tươi từ vùng Giang Nam vừa tiến công cho triều đình để Lý Sư Sư thưởng thức.
Lý Sư Sư cũng rất vui, vừa bổ cam ăn, vừa cười đùa với Tống Huy Tông, vô cùng thân thiết. Tất cả những gì hai người nói và làm với nhau, Chu Bang Ngạn dưới gầm giường đều nghe thấy rõ mồn một.
Khi Tống Huy Tống rời đi, Chu Bang Ngạn bò từ gầm giường ra, phần vì giận, phần vì xấu hổ, Chu Bang Ngạn đem mọi chuyện mình vừa được chứng kiến viết thành một bài từ đặt tên là “Thiếu niên du”.
Lý Sư Sư đọc xong rất thích bài từ “Thiếu niên du” này, vì thế hát đi hát lại mãi. Vài ngày sau, Tống Huy Tống lại quay trở lại tìm Lý Sư Sư.
Khi nghe Lý Sư Sư hát bài “Thiếu niên du”, Tống Huy Tông đột nhiên giật mình, cảm thấy nội dung bài từ rất giống với lần gặp giữa hai người hôm trước, đặc biệt là cuộc đối thoại trong bài từ giống hệt với những gì hai người đã nói với nhau, không sai một chữ.
Tống Huy Tông hỏi: “Bài từ này ai viết vậy?” Lý Sư Sư cảm thấy không giấu được nữa, bèn khai thật mọi chuyện. Tống Huy Tông nghe chuyện Chu Bang Ngạn dám nghe trộm chuyện tâm tình riêng tư của mình thì giận dữ vô cùng, khoát tay mà đi.
Khi về tới hậu cung, Tống Huy Tông vẫn chưa nguôi giận, lập tức cho gọi tể tướng Thái Kinh tới nói: “Ta nghe nói ở Phủ Khai Phong có một tên quan giám thuế tên là Chu Bang Ngạn gian lận trong việc nộp thuế lên trên. Ngươi phái người đi kiểm tra, trừng trị nghiêm cho ta”.
Thái Kinh nghe lệnh cũng chẳng hiểu mô tê gì lập tức phái người đi điều tra Chu Bang Ngạn. Tuy nhiên, người kiểm tra trở về báo lại rằng, trong số các quan thu thuế trong thành chỉ có một mình Chu Bang Ngạn là nộp đủ các khoản thuế lên trên không thiếu một xu nào, hơn nữa, năm sau còn nộp nhiều hơn năm trước.
Thái Kinh vốn là kẻ gian xảo, lập tức hiểu ngay ra vấn đề nhưng vẫn không hiểu tên họ Chu làm gì đắc tội với hoàng đế để tới mức này. Tuy nhiên, để làm vừa lòng hoàng đế, Thái Kinh tìm cớ cách chức của Chu Bang Ngạn và đuổi ra khỏi kinh thành.
Lý Sư Sư nghe nói Chu Bang Ngạn vì bài từ “Thiếu niên du” mà bị cách chức, đuổi ra khỏi kinh thành vô cùng thương tâm bèn tới gặp để tiễn Chu Bang Ngạn.
Tới ngày hôm sau, Tống Huy Tông lại tìm tới chỗ của Lý Sư Sư, đắc ý hỏi Lý Sư Sư rằng: “Hôm nay nàng có bài từ nào mới không, hát ta nghe”. Lý Sư Sư mắt ngấn lệ hát một bài “Lan Lăng Vương”.
Bài “Lan Lăng Vương” tả cảnh hai người yêu nhau mà phải ly biệt, vô cùng thương tâm, cảm động lòng người. Tống Huy Tông nghe xong cũng phải xúc động, mắt ngấn lệ. Khi hỏi người làm bài từ này là ai, Lý Sư Sư nói rằng, đây là bài từ mà Chu Bang Ngạn làm khi mình đến tiễn ông rời kinh thành.
Tống Huy Tông tuy là ông vua bất tài, nhưng lại là một nghệ sĩ thiên tài, nghe thấy vậy liền thở dài nói: “Tên Chu Bang Ngạn này quả thực là một thiên tài”. Vì thế, Tống Huy Tông lập tức hạ chỉ cho gọi Chu Bang Ngạn về kinh, phong cho chức lạc chính trong Đại Thạnh phủ, chuyên lo việc âm nhạc của hoàng gia.
Vì một bài từ, Chu Bang Ngạn bị cách chức, đuổi khỏi kinh thành nhưng cũng nhờ một bài từ, Chu Bang Ngạn lại được thăng chức, trở thành ông quan đầu triều về âm nhạc.
Tuy nhiên, nếu như không có Lý Sư Sư, không có cuộc tình tay ba với tình địch là Hoàng đế Tống Huy Tông, Chu Bang Ngạn đã không có được cái may mắn “nhờ họa mà được phúc” như vậy. Chính vì thế, người ta gọi họ Chu là vị khách làng chơi “thành công nhất” trong lịch sử Trung Quốc.
- Phong Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét