Khi Lưu Khải còn là thái tử, Bạc Thái hậu, bà nội của Lưu Khải vì muốn tăng cường thế lực chính trị của gia tộc họ Bạc mới chọn một cô gái trong dòng họ Bạc của mình để làm chính phi của thái tử. Trong xã hội phong kiến, chuyện hôn nhân đều phải tuân thủ nguyên tắc:
“Lệnh của cha mẹ, lời của bà mối”, tất cả mọi người đều phải như vậy và hoàng đế cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, Lưu Khải mặc dù là thái tử, dưới một hai người nhưng trên vạn người, tuy nhiên, đối với chuyện hôn nhân đại sự thì Lưu Khải không thể tự do thoải mái như những thanh niên thời nay được.
Cũng may, số mệnh con người là hữu hạn, ngay cả thiên tử, thái hậu cũng không có ngoại lệ. Thái tử Lưu Khải chỉ việc nhẫn nại chờ đợi, rồi cũng sẽ tới lúc ông thoải mái thực hiện “tự do hôn nhân”.
Vì thế, xét ra, trong xã hội phong kiến, Lưu Khải còn sung sướng hơn những người bình thường gấp nhiều lần. Tới khi cha của Lưu Khải – Hán Văn Đế băng hà, Lưu Khải lên ngôi vua, sử gọi là Hán Cảnh Đế.
Lúc bấy giờ, Bạc Thái hậu sức khỏe vẫn rất tốt, tiến thêm một bậc, trở thành thái hoàng thái hậu. Triều đình nhà Hán lấy đức hiếu mà trị thiên hạ, do vậy, lời nói của thái hoàng thái hậu càng trở nên có trọng lượng hơn.
Vì thế, Bạc phi cho chính tay thái hậu lựa chọn nay danh chính ngôn thuận trở thành Bạc Hoàng hậu. Tuy nhiên, lịch sử ghi chép rằng, vị Bạc Hoàng hậu này không được sủng ái, cũng không có con. Danh phận là một chuyện, tình cảm là một chuyện, không thể ép uổng được! Tới năm Hán Cảnh Đế thứ 2, tức năm 155 trước Công nguyên, Bạc Thái hoàng Thái hậu qua đời, Bạc Hoàng hậu mất đi chỗ dựa.
Hán Cảnh Đế Lưu Khải trên phim |
Bạc Hoàng hậu vốn đã không có con, không được sủng hạnh, nay lại mất đi chỗ dựa vững chắc là Bạc Thái hoàng Thái hậu đương nhiên địa vị sẽ lung lay. Ai cũng biết chuyện phế ngôi hoàng hậu có lẽ chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai.
Tuy nhiên, vốn lấy chữ hiếu làm đầu, Hán Cảnh Đế vẫn quyết tâm nhẫn nại chờ đợi đủ 3 năm để tang cha mới phế bở Bạc Hoàng hậu. Bạc Hoàng hậu không có con, vì thế, những phi tần sinh được con đương nhiên sẽ có hy vọng.
Trong xã hội phong kiến, mẹ sang nhờ con, con sang nhờ mẹ, số phận của mẹ và con gắn chặt với nhau. Chuyện này càng đúng hơn trong chốn cung đình. Vì thế, những phi tần trong hậu cung của Hán Cảnh Đế bắt đầu sôi động vì những cuộc tranh chấp, chạy đua vào ngôi vị hoàng hậu.
Tới năm Hán Cảnh Đế thứ 4, tức năm 153 trước Công nguyên, dù hoàng hậu chưa bị phế, song Hán Cảnh Đế vẫn quyết định lập con dòng thứ là Lưu Vinh làm thái tử. Theo quy định của triều đình phong kiến, con do hoàng hậu sinh ra thì được gọi là dòng đích còn con của phi tần sinh ra thì gọi là dòng thứ.
Bạc Hoàng hậu không có con vì thế, tất cả những đứa con do các phi tần khác sinh ra đều là con dòng thứ. Lưu Vinh là đứa con lớn nhất trong dòng thứ này vì thế được lập làm thái tử. Việc con trai được lập làm thái tử cũng mở ra cho Lịch phu nhân, mẹ ruột của Lưu Vinh một tiền đồ xán lạn.
Lịch Phu nhân trở thành người có nhiều lợi thế nhất trong cuộc chạy đua vào ngôi vị hoàng hậu của triều Đại Hán. Tuy nhiên, khi Lịch Phu nhân vẫn chưa được lập làm hoàng hậu thì các phi tần khác vẫn còn có cơ hội.
Có một người biết nắm cơ hội như vậy đã phá vỡ cục diện thanh bình của chốn hậu cung nhà Hán. Điều đáng nói là người này tuy là người ở bên ngoài cung cấm, song lại là người có ảnh hưởng rất lớn tới những sự vụ trong nội cung.
Người đó chính là chị gái của Hán Cảnh Đế, công chúa trưởng Lưu Phiếu. Đậu Thái hậu, mẹ ruột của Hán Cảnh Đế sinh được 1 con gái và 2 con trai. Một cô con gái trưởng, lớn nhất chính là Trưởng Công chúa Lưu Phiếu. Con trai trưởng tức Hán Cảnh Đế, con trai thứ là Lương Vương Lưu Vũ.
Lưu Phiếu sau này được phong ấp tại Quán Đào, vì thế, sử sách thường gọi là Quán Đào Công chúa hoặc Quán Đào Trưởng công chúa. Quán Đào Công chúa được gả cho Đường Ấp Hầu Trần Ngọ, cháu trai của công thần nhà Hán là Trần Anh. Hai người có với nhau một cậu con trai và một cô con gái. Cô con gái có tên là Trần A Kiều.
Theo tâm lý thông thường, cha mẹ bao giờ cũng muốn con cái mình có quyền có thế, tiền thì càng nhiều càng tốt. Lưu Phiếu là một cô công chúa sống trong nhung lụa, càng ý thức rõ hơn về việc này. Vì vậy, khi thấy Lưu Vinh đã được Hán Cảnh Đế phong làm thái tử, Lưu Phiếu không thể ngồi yên được nữa, lập tức hành động ngay.
Lưu Phiếu tới nhà mẹ ruột của Lưu Vinh là Lịch Phu nhân, đề nghị gả con gái của mình là A Kiều cho thái tử. Một ngày chuyện thành thân thành công, Trần A Kiều tương lai sẽ trở thành hoàng hậu, bản thân Lưu Phiếu cũng sẽ trở thành “nhạc mẫu nương nương” của hoàng đế thì còn gì vinh dự cho bằng?
Theo cách nhìn của người hiện đại thì Lưu Vinh và Trần A Kiều là hai chị em họ, không nên lấy nhau. Tuy nhiên, người thời xưa thì không quan tâm tới chuyện cận huyết hay không, ngược lại, với họ, việc tác thành cho hai người có quan hệ gần gũi về mặt huyết thống là một chuyện cực kỳ đáng mừng.
Vì thế, nếu như Lịch Phu nhân có chút kiến thức hoặc một chút đầu óc chính trị thì nên đồng ý ngay lời cầu thân này. Vì một lẽ rằng, dù tiền đồ của Lịch Phu nhân rất tươi sáng, tuy nhiên, bên trong sự tươi sáng cũng có những chỗ tăm tối:
Thân phận của con trai không thể hoàn toàn đồng nhất với mẹ được, Lịch Phu nhân vẫn chưa được phong làm hoàng hậu, do vậy, tương lai ra sao vẫn chưa thể nói chắc chắn được. Nếu như bây giờ có thêm sự trợ giúp của Lưu Phiếu Công chúa thì chắc chắn mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Công chúa không chỉ là chị ruột của hoàng đế mà còn là con gái yêu của Đậu thái hậu vì thế, trên thực tế, Lưu Phiếu là người có ảnh hưởng rất lớn tới cả hoàng đế lẫn thái hậu. Hai người một khi kết thân với nhau, lập tức sẽ trở thành người cùng hội cùng thuyền, phải giúp đỡ lẫn nhau.
Lịch Phu nhân có được một người thông gia có quyền lực như Lưu Phiếu, sợ gì không thể ngồi lên ngai hoàng hậu? Ngược lại, nếu như Lưu Phiếu Công chúa kết làm thông gia với một phi tần nào khác thì chắc chắn con đường tới ngôi hoàng hậu của Lịch Phu nhân sẽ gặp không ít trở ngại.
Trên chính trường, hôn nhân chính là một con bài cực kỳ quan trọng và có tác dụng to lớn. Điều này từ lâu đã trở thành một quy tắc ngầm mà ai cũng hiểu. Có kiến thức, hiểu quy tắc thì chắc chắn sẽ không phải chịu thiệt thòi.
Tuy nhiên, là người được Hán Cảnh Đế sủng ái, thiết nghĩ chắc chắn Lịch Phu nhân hẳn phải rất xinh đẹp, tuy nhiên, Lịch Phu nhân không những không có kiến thức lại cũng chẳng hiểu quy tắc. Trước đây, Lịch thị vốn đã không ưa Công chúa Lưu Phiếu, vì thế, khi công chúa vừa đưa ra đề nghị cầu thân, Lịch Phu nhân liệt gạt phắt đi, nhất định không đồng ý.
Vì sao Lịch Phu nhân lại không ưa Công chúa Lưu Phiếu? Nguyên nhân khá đơn giản là vì, Lưu Phiếu là người đã liên tục đưa các mỹ nữ vào cung cho Hán Cảnh Đế khiến các đối thủ tranh giành sủng ái với Lịch Phu nhân càng nhiều hơn.
Điều này khiến Lịch Phu nhân hận công chúa tới thấu xương. Vấn đề là ở chỗ, tại sao trong chốn hậu cung không thiếu gì mỹ nữ của hoàng đế, Lưu Phiếu công chúa vẫn phải không ngừng đưa mỹ nữ vào cho Hán Cảnh Đế?
Người ta kể rằng, khi còn là thái tử, Hán Cảnh Đế không thích Bạc phi do bà nội chọn lựa. Tuy nhiên, bản thân là thái tử, để an toàn và cũng là giữ danh tiếng, Hán Cảnh Đế không thể ra khỏi cung để tìm mỹ nữ được.
Nỗi khổ này đương nhiên Hán Cảnh Đế không thể nói với những cận thần thân tín của mình được. May mắn, Hán Cảnh Đế lại có người chị gái rất hiểu tâm ý người khác.
Lưu Phiếu biết hoàn cảnh của em trai nên thường xuyên tuyển chọn các mỹ nữ trong dân gian, đưa về phủ công chúa, dạy đàn ca múa hát, đợi tới khi Hán Cảnh Đế qua phủ của mình thì cho những mỹ nữ này ra múa hát, hầu hạ để Hán Cảnh Đế quan sát và tự chọn những mỹ nữ mình thích.
Sau khi Hán Cảnh Đế tức vị, Lưu Phiếu trở thành trưởng công chúa, việc tuyển chọn mỹ nữ không chính thức ở phủ công chúa vẫn được tiến hành như xưa. Lịch Phu nhân biết chuyện Lưu Phiếu Công chúa bí mật lựa chọ mỹ nữ đưa vào cung cho Hán Cảnh Đế, sợ ngôi vị số 1 của mình bị đe dọa, làm sao không uất giận cho được.
Tuy nhiên, Lịch Phu nhân không hề biết rằng, việc mình từ chối hôn sự mà công chúa Lưu Phiếu đề nghị là mầm mống gây ra mọi bị kịch sau này của mình và con trai.
Trưởng công chúa Lưu Phiếu ban đầu vốn không có ý đối địch với Lịch Phu nhân, tuy nhiên, vì tiền đồ của con gái và cũng là của chính mình, chỗ của Lịch Phu nhân đã không được, bắt buộc, Lưu Phiếu phải tìm tới một nơi khác.
Vì thế, Lưu Phiếu Công chúa tìm kiếm một người chỉ kém thái tử hoăc tương lai phát triển sẽ không kém gì thái tử để chọn cho con gái mình. Không giống như Lịch Phu nhân, Lưu Phiếu Công chúa là người có đồng óc và tham vọng chính trị, tất cả mọi việc bà ta làm đều được tính toán kỹ lưỡng.
Với con mắt tinh tường, biết nhìn xa trông rộng ấy, sau khi tìm kiếm một hồi, Lưu Phiếu Công chúa đã tìm được một ứng cử viên xuất sắc không kém gì thái tử. Đó chính là một hoàng tử do Vương Phu nhân, một sủng phi khác của Hán Cảnh Đế sinh ra: Đông Giao Vương Lưu Triệt.
Trưởng công chúa Lưu Phiếu và Vương Phu nhân vốn là chỗ quen biết cũ. Bởi lẽ, Vương phu nhân chính là một mỹ nữ được đưa vào cung từ phủ của Lưu Phiếu Công chúa. Tuy nhiên, việc Lưu Phiếu Công chúa lựa chọn Vương Phu nhân làm “đối tác” hoàn toàn không liên quan gì tới chỗ quen biết cũ ấy.
Cha của Vương phu nhân tên thật là Vương Trọng, còn mẹ là Tang Nhi, nhà ở Trường An. Tang Nhi có thân thế không hề đơn giản. Ông nội của Tang Nhi là Tang Trà vốn là hậu duệ của quý tộc nước Yên.
Vào cuối thời Tần, Tang Trà khởi binh ở đất Yên theo Hạng Vũ chống lại nhà Tần vì thế khi Hạng Vũ chủ trì phân phong đã phong cho Tang Trà làm Yên Vương. Trong cuộc chiến giữa Sở và Hán, Yên Vương Tang Trà lại theo về phía Lưu Bang vì thế, sau khi Lưu Bang có được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, tước vị Yên Vương của họ Tang vẫn được giữ nguyên như cũ.
Sau đó, vào năm 202, Yên Vương Tang Trà nổi loạn chống lại triều Hán. Tang Trà bị Lưu Bang bắt được và xử tội chết. Từ đó về sau, nhà họ Tang trở thành một dòng họ bình thường, không còn bất cứ chút tước vị nào nữa.
Theo đó thì dù Tang Nhi xuất thân bình dân, song cũng là một gia tộc có truyền thống chính trị. Tang Nhi sau khi được gả cho Vương Trọng, sinh được một con trai là Vương Tín và hai con gái. Sau khi Vương Trọng chết, Tang Nhi lại được gả cho họ Điền ở Trường Lăng, sinh được 2 con trai là Điền Giới và Điền Thắng.
Đứa con gái lớn của Tang Nhi và Vương Trọng được gả cho Kim Vương Tôn ở Trường Lăng, sinh được một con gái. Kim Vương Tôn mặc dù tên là “vương tôn”, song thực tế chỉ là một người dân thường. Sau này, một lần đi bốc quẻ, thầy bói nói với Tang Nhi rằng, hai người con gái mà bà sinh với Vương Trọng, sau này nhất định sẽ được hiển quý tột bậc.
Tang Nhi trong lòng nghĩ, vợ giàu sang theo chồng, Kim Vương Tôn chỉ là một người dân bình thường, làm sao mà con gái có thể được hiển quý được đây? Nghĩ tới đây, thiên bẩm chính trị trong người của Tang Nhi bắt đầu phát huy tác dụng.
Tang Nhi quyết định bắt con gái của mình ly hôn với Kim Vương Tôn, tìm một nơi khác để gả hy vọng có thể đổi đời. Tuy nhiên, Kim Vương Tôn tuy là gia đình bình thường nhưng con gái Tang Nhi từ ngày được đưa về nhà họ Kim sống rất hạnh phúc, lại sinh được một cô con gái. Một gia đình như vậy, làm sao lại bắt người ta bỗng dưng ly hôn cho được?
Vì thế, Kim Vương Tôn sống chết cũng không ly hôn. Tuy nhiên, Tang Nhi đã được quẻ bói chỉ dẫn, quyết tâm đã hạ, nhất định không thể nhượng bộ. Thấy Kim Vương Tôn không chịu ly hôn, Tang Nhi quyết định sử dụng biện pháp mạnh.
Sau khi nghe tin trưởng công chúa Lưu Phiếu tuyển chọn mỹ nữ cho thái tử ngay trong phủ, Tang Nhi đã dùng tiền mua chuộc tổng quản trong phủ công chúa, lên kế hoạch để cả hai cô con gái của mình với Vương Trọng được đưa vào phủ công chúa.
Đương nhiên, việc cô con gái đầu đã kết hôn và có con được giữ kín. Nhờ mua chuộc tổng quản phủ công chúa, hai cô con gái của Tang Nhi đều được đưa vào phủ của công chúa một cách thuận lợi.
Và rồi dường như quẻ bói linh nghiệm, thái tử Lưu Khải vừa nhìn thấy hai chị em họ Vương đã thích ngay, đem cả hai người về cung thái tử làm phi tần. Do hậu cung của thái tử Lưu Khải và sau đó là hậu cung của hoàng đế đều cách biệt so với bên ngoài.
Vì thế, Hán Cảnh Đế cả đời cũng không biết được rằng mình đã lấy một người phụ nữ đã hai đời chồng và 4 đứa con. Ngược lại, Hán Cảnh Đế rất sủng ái hai chị em họ Vương, đặc biệt là cô chị cả vốn đã lấy chồng và có cực kỳ nhiều kinh nghiệm chốn phòng the. Cô chị cả này không ai khác chính là Vương Phu nhân.
Sau khi Vương Phu nhân được đưa vào cung, sinh cho thái tử Lưu Khải 3 nữ và một nam. Một nam chính là Giao Đông Vương Lưu Triệt. Sử sách nói rằng, khi Vương Phu nhân mang thai Lưu Triệt, từng nằm mơ thấy mặt trời bay vào trong bụng mình.
Khi tỉnh dậy, Vương Phu nhân kể lại giấc mơ cho Lưu Khải nghe, thái tử nói: “Đây chính là điềm báo đứa trẻ trong bụng sẽ có tương lai hiển quý”. Các sử gia phong kiến xưa nay có truyền thống viết những câu chuyện trực tiếp, do vậy việc này có lẽ không phải là bịa đặt.
Tuy nhiên, việc nằm mơ thế nào thì chỉ có người nằm mơ mới biết. Vương Phu nhân là người có thể giữ kín chuyện mình bên ngoài đã có hai đời chồng, 4 đứa con, tới mức Lưu Khải không những không biết mà còn hết sức sủng ái Vương thị thì việc Vương thị có nói dối một chút rằng mình mơ thấy điều này điều khác để làm lợi cho con trai của mình hẳn cũng không thể không có.
Huống hồ, mẹ của Vương thị là Tang Nhi xuất thân trong một gia đình có truyền thống, hẳn quan niệm việc nằm mơ thấy mặt trời là điềm lành Vương Phu nhân không thể không nắm rõ như lòng bàn tay. Hơn nữa, lúc bấy giờ, chính phi của thái tử Lưu Khải là Bạc thị lại không có con việc các phi tần khác tìm mọi cách để tranh đoạt ngôi vị chính phi của thái tử hẳn cũng không có gì là lạ.
Trong thời gian Vương Phu nhân mang thai Lưu Triệt, Hán Văn Đế băng hà. Thái tử Lưu Khải đăng cơ trở thành Hán Cảnh Đế. Không lâu sau đó, Lưu Triệt chào đời. Do có giấc mộng mặt trời của Vương Phu nhân, Hán Cảnh Đế nhìn Lưu Triệt bằng con mắt khác hẳn so với các hoàng tử khác.
Chẳng hạn, Hán Cảnh Đế phong vương cho các hoàng tử khác song mãi vẫn chưa phong vương cho Lưu Vinh và Lưu Triệt. Lưu Vinh sau đó được phong làm thái tử. Cùng ngày hôm đó, Lưu Triệt được phong làm Đông Giao Vương.
Điều này cho thấy, việc lựa chọn Lưu Vinh hay Lưu Triệt làm thái tử đã khiến Hán Cảnh Đế phải đắn đo. Chính vì thế, khi Lưu Phiếu Công chúa cầu thân cho con gái với Lưu Vinh không thành mới quyết định chọn sang Đông Giao Vương Lưu Triệt.
Theo sách “Hán Vũ cố sự” thì Lưu Triệt khi còn nhỏ, trưởng công chúa Lưu Phiếu mới bế Lưu Triệt đặt ngồi lên đùi mình hỏi: “Con có muốn có vợ không?” Lưu Triệt nói: “Có muốn”. Lưu Phiếu chỉ vào hơn một trăm cung nữ ở phía bên tay phải mình, hỏi Lưu Triệt muốn lấy ai làm vợ, Lưu Triệt nhất định không muốn.
Cuối cùng, Lưu Phiếu chỉ vào con gái của mình là Trần A Kiều hỏi Lưu Triệt: “A Kiều có được không?” Lưu Triệt lúc này cười nói: “Nếu như có được A Kiều thì con sẽ xây nhà vàng cho nàng ở”. “Hán Vũ cố sự” vốn không phải là một cuốn chính sử, tuy nhiên, cuốn sách này vốn được đề tên tác giả là Ban Cố, một sử gia nổi tiếng, do vậy, rất nhiều chuyện ghi chép trong sách này vẫn được người ta cho là sự thật.
Các sử gia sau này đã chứng minh, cuốn sách này là do một người thời Nam Tề tên là Vương Kiệm viết ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mặc dù là do Vương Kiệm viết ra cũng không thể loại bỏ giá trị lịch sử của những ghi chép trong cuốn sách này.
Vì thế, câu chuyện “xây nhà vàng cho người đẹp” của Lưu Triệt nói trên không hề xuất hiện trong bất cứ cuốn sử chính thức nào, song vẫn được lưu truyền rất rộng rãi vì kịch tính của nó.
Các chính sử chỉ chép rằng, Lưu Phiếu Công chúa đề nghị với Vương Phu nhân gả con gái của mình cho Lưu Triệt, Vương Phu nhân không ngần ngại mà đồng ý ngay. Cũng chính vì thế, trong cuộc đấu tranh giành sự sủng ái trong hậu cung của Hán Cảnh Đế, Lưu Phiếu Công chúa quyết định đứng về phía của Vương Phu nhân.
Đây chính là nguyên nhân dẫn tới bi kịch của thái tử Lưu Vinh cũng như Lịch Phu nhân sau này.
(Còn nữa)
- Đại Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét