CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                                  TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ                    CHUYỆN LẠ              WEB                                    

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Thục Phi Văn Tú– người duy nhất ly hôn với hoàng đế

Việc Hoàng phi Văn Tú đệ đơn ly hôn với Hoàng đế Phổ Nghi có thể nói là một sự kiện hy hữu trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử hơn 3000 năm của chế độ phong kiến Trung Quốc, chưa từng có vị hoàng hậu hay hoàng phi nào lại dám đề nghị ly hôn với hoàng đế. Văn Tú là người đầu tiên đưa ra đề nghị ly hôn, đồng thời cũng là người duy nhất thành công…
Văn Tú tên thật là Ngạch Nhĩ Đức Đắc Văn Tú, còn có tên là Phó Ngọc Phương, sinh ra trong một gia đình quý tộc quan lại thuộc Tương Hoàng Kỳ của Mãn Châu. Ông nội của Văn Tú là Tích Chân từng làm quan tới chức Sử bộ Thượng thư, để lại cho con cháu không ít sản nghiệp.


Tuy nhiên, đến đời cha ruột của Văn Tú là Đoan Cung lại thi rất nhiều lần nhưng không đỗ. Vợ cả của Đoan Cung có với ông một người con gái nhưng không may chết sớm.
Đoan Cung lấy người vợ thứ hai – Tưởng thị là một cô tiểu thư trong một gia đình danh giá người Hán, không những xinh đẹp mà còn tính tình cũng rất ôn hòa, rất biết kính trên nhường dưới, được mọi người trong dòng tộc Ngạch Nhĩ Đức Đắc rất yêu mến.
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, Tưởng thị lần lượt sinh cho Đoan Cung 2 cô con gái là Văn Tú, Văn Sách nhưng lại không sinh được đứa con trai nào.
Điều đáng nói là sau khi Tưởng thị sinh cô con gái thứ hai là Văn Sách không được bao lâu thì Đoan Cung mắc bệnh qua đời. Không còn cách nào khác, Tưởng thị đành phải một mình nuôi dưỡng 2 cô con gái cộng thêm cô con gái của người vợ trước.
Ban đầu, do cuộc sống khó khăn, bốn mẹ con Tưởng thị thường phải đến nhờ vả nhà em trai của Đoan Cung là Hoa Kham, lúc bấy giờ đang là Sử bộ Thượng thư. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào ngày 12 tháng 3 năm 1912, Phổ Nghi thoái vị, nhà Thanh chính thức sụp đổ, Hoa Kham cũng mất chức vị, đành phải đóng cửa ở nhà, bắt đầu niệm kinh lễ Phật.
Không còn quan chức và bổng lộc từ triều đình, gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đắc bắt đầu trở nên sa sút khi việc tiêu phí cho cuộc sống gần như không hề thay đổi so với trước. Cuối cùng, Hoa Kham cũng tới lúc không thể cáng đáng nổi việc chăm lo cho gia đình Đoan Cung, đành phải chia tài sản cho mọi người rồi mỗi người mỗi ngả.
Hoàng phi Văn Tú và Hoàng đế Phổ Nghi
Hoàng phi Văn Tú và Hoàng đế Phổ Nghi
Trong cuộc phân chia tài sản đó, gia đình Tưởng thị chỉ được phân vài món đồ cũ và một số tiền rất ít ỏi. Tưởng thị ban đầu mang theo ba cô con gái chuyển đến phố Hoa Thị ở Bắc Kinh thuê nhà để ở. Mặc dù là con nhà quý tộc tuy nhiên, Tưởng thị không hề ngại gian khổ, làm đủ mọi nghề để nuôi sống gia đình 4 miệng ăn và lo tiền học hành cho 3 đứa con.
Đầu tháng 9 năm 1916, Tưởng thị gửi đứa con gái 8 tuổi Văn Tú của mình tới trường tiểu học Hoa Thị để theo học. Kể từ khi bắt đầu đi học, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương. Ngọc Phương tỏ ra là một cô bé có tư chất.
Ở trường, bất kể là môn học nào, từ quốc văn, toán học, tự nhiên, vẽ tranh cho tới âm nhạc môn nào Ngọc Phương cũng học rất giỏi. Không những vậy, Ngọc Phương còn là một cô gái rất biết điều và yêu thương mẹ.
Mỗi khi có thời gian ở nhà, Ngọc Phương đều giúp mẹ làm việc nhà, thêu tranh để bán lấy tiền đóng học phí. Vì vậy, vào năm Ngọc Phương 13 tuổi, cô bé đã chín chắn như một cô gái trưởng thành. Không những vậy, càng lớn lên, Ngọc Phương càng trở nên sinh đẹp, vóc dáng cao ráo, mắt to, da mặt trắng như trứng gà bóc, có thể nói là một bậc giai nhân tuyệt thế đương thời.
Năm 1921, Phổ Nghi tròn 16 tuổi, hoàng thất nhà Thanh khi đó vẫn ở trong hoàng cung ở Bắc Kinh đã bàn bạc và quyết định phải chọn cho Phổ Nghi một hoàng hậu.
Chú của Phó Ngọc Phương là Hoa Kham nghe tin này cho rằng đây là một cơ hội ngàn năm có một để giúp dòng họ Ngạch Nhĩ Đức Đắc lấy lại vinh quang ngày nào, bèn dùng bức ảnh của Phó Ngọc Phương, lấy lại tên cũ là Văn Tú rồi gửi vào phủ nội vụ của hoàng thất nhà Thanh cùng với những bức ảnh tham gia tuyển chọn hoàng hậu khác.
Sau khi các thái phi và tông thất bàn bạc, lựa chọn, những bức ảnh của các mỹ nữ xuất sắc nhất được gửi tới cho Phổ Nghi tự mình lựa chọn. Kết quả, Uyển Dung khi đó 17 tuổi được lựa chọn làm hoàng hậu còn Văn Tú mới chỉ 14 tuổi được lựa chọn làm hoàng phi.
Sau khi Văn Tú được lựa chọn làm hậu phi, Phổ Nghi yêu cầu phủ nội vụ của hoàng thất đón mẹ con Văn Tú về sống tại một căn nhà lớn ở gần hoàng cung đồng thời ban tặng rất nhiều đồ đạc. Sự “can thiệp” của Phổ Nghi và hoàng thất Thanh triều khiến cho cuộc sống của gia đình Văn Tú thay đổi hẳn.
Văn Tú mới đi học được 5 năm giờ phải nghỉ hẳn học, cả ngày ở nhà nghe chú Hoa Kham giảng giải về lễ nghĩa quân thần, các quy tắc cơ bản trong hậu cung,… Cái tên Phó Ngọc Phương dùng khi đi học cũng phải bỏ, cái tên Văn Tú bắt đầu được dùng trở lại.
Vào ngày 30/11/1922, Văn Tú được đưa vào hoàng cung trước hoàng hậu Uyển Dung một ngày. Trong hoàng cung người ta gọi Văn Tú là Thục phi. Hôm đó, tại dưỡng tâm điện, Văn Tú lần đầu tiên được gặp Phổ Nghi. Sau khi tiến hành các nghi lễ, Phổ Nghi lạnh lùng nói với cô: “Về nghỉ ngơi đi!”
Trong đêm tân hôn, Phổ Nghi cũng không ở cùng phòng với Văn Tú. Sáng sớm ngày hôm sau, Phổ Nghi tổ chức hôn lễ với hoàng hậu Uyển Dung nhưng cũng không ở cùng phòng với Uyển Dung. Một mình Phổ Nghi cứ như vậy ở trong Dưỡng Tâm Điện.
Văn Tú bắt đầu vào hoàng cung làm Thục phi thì cũng là bắt đầu cuộc đời đầy bi kịch của mình. Tại đây, cô không những không được hưởng thụ sự sung sướng, giàu có của một hoàng phi mà còn bị chính cung hoàng hậu là Uyển Dung ganh ghét, đố kỵ.
Uyển Dung được chọn làm hoàng hậu, do vậy, cho rằng mình đẹp hơn Văn Tú vì vậy thường lấy thân phận là vợ cả để lấn lướt, tranh đoạt sủng ái của Phổ Nghi với Văn Tú. Uyển Dung chủ trương chỉ có một vợ một chồng, do vậy cực lực phản đối chuyện hoàng đế lấy vợ bé.
Vì thế, Uyển Dung thường xuyên tỏ thái độ coi khinh Văn Tú. Văn Tú dù mang tiếng là hoàng phi, song chỉ là vợ bé, chỉ đành ngậm ngùi một mình sống tại Cung Trường Xuân, thậm chí ngay cả ăn cơm cũng chỉ có một mình.
May mắn sau đó, Phổ Nghi cũng động lòng với hoàn cảnh của Văn Tú vì vậy đã mời một giáo viên nước ngoài tới dạy tiếng Anh cho cô. Văn Tú học rất chăm, tiến bộ rất nhanh, tư tưởng cũng theo thời gian cô học tiếng Anh mà bắt đầu trở nên cởi mở hơn.
Văn Tú cũng bắt đầu yêu thích văn học, các loại sách văn học trở thành người bạn của cô trong những tháng ngày phải cô độc trong hoàng cung nhà Thanh.
Tuy nhiên, thời gian tươi đẹp đó của Văn Tú cũng không kéo dài được lâu. Vào ngày 5/11/1924, Văn Tú cũng như hoàng thất nhà Thanh bị quân phiệt Phùng Ngọc Tường ép phải rời khỏi hoàng cung.
Hôm đó, Tổng tư lệnh cảnh bị Bắc Kinh là Lộc Trung Lân mang theo Giám đốc Cảnh sát Bắc Kinh là Trương Bích theo lệnh của Phùng Ngọc Tường xông vào hậu cung yêu cầu Phổ Nghi cùng toàn bộ hậu phi phải lập tức rời khỏi hoàng cung đến sống tại Thuần Vương Phủ.
Sau khi nhiều lần thương thảo, thuyết phục, Lộc Trung Lân mới đồng ý để Phổ Nghi mang số bạc được giấu trong đại nội – nặng hơn 3 tấn tới ngân hàng đổi thành tiền của Viên Thế Khải làm tiền sinh hoạt phí cho gia đình mình.
Uyển Dung, Văn Tú cùng các hoàng thái phi cũng được lệnh đem toàn bộ những đồ dùng sinh hoạt ra khỏi cung. Trong cuộc vận chuyển này, rất nhiều vàng bạc châu báu, đồ trang sức quý cũng như những vật phẩm có giá trị được chuyển ra khỏi cung. Phổ Nghi và hoàng thất nhà Thanh toàn bộ tới Thuần Vương Phủ sống tạm.
Phổ Nghi và hoàng thất bị buộc phải rời khỏi hoàng cung, do vậy, những danh hiệu như hoàng đế, hoàng hậu, hoàng phi cũng tự nhiên chẳng còn tác dụng. Lúc này, Phổ Nghi suy nghĩ rất nhiều về tương lai của bản thân.
Văn Tú vốn có tư tưởng bình đẳng, nên nhiều lần đưa ra lời khuyên cho Phổ Nghi nhằm thay đổi thân phận là hoàng đế mà phải phụ thuộc vào người khác. Tuy nhiên, chỉ hơn 20 ngày sau khi Trương Tác Lâm dẫn quân tiến vào Bắc Kinh đuổi đánh Phùng Ngọc Tường, Phổ Nghi cũng bắt đầu được tự do.
Khi Trương Tác Lâm mới vào Bắc Kinh Trịnh Hiếu Tư, từng làm chức Hồ Nam Bố Chánh sứ đã nói với Phổ Nghi rằng: “Nếu muốn khôi phục đế nghiệp thì chỉ còn cách là nhờ vào sự giúp đỡ của Nhật Bản”. Văn Tú biết chuyện đã khuyên Phổ Nghi rằng:
“Quân Nhật không thể tin được, hoàng thượng không thể nghe theo lời của họ Trịnh mà dẫn sói vào nhà. Nếu không tương lai sẽ cực kỳ bi thảm”. Tuy nhiên, một lòng chỉ muốn lấy lại những ngày tháng vinh quang đã mất, Phổ Nghi không hề quan tâm tới lời khuyên của Văn Tú.
Ngược lại, vào ngày 29/11/1924, do Trịnh Hiếu Tư sắp đặt, Phổ Nghi lén chuyển tới đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. Cả gia đình Phổ Nghi được một phen lo lắng nghĩ rằng hoàng đế của mình mất tích.
Vài ngày sau, Phổ Nghi đề nghị Uyển Dung và Văn Tú chuyển tới đại sứ quán Nhật Bản để sống cùng với mình. Tại đây, Phổ Nghi cùng với một số phần tử thân Nhật bắt đầu xúc tiến kế hoạch mượn lực lượng của Nhật để phục hưng vương nghiệp nhà Thanh.
Ít lâu sau đó, theo đề nghị của Trịnh Hiếu Tư, Phổ Nghi và toàn bộ gia đình lại chuyển tới đại sứ quán Nhật Bản tại Thiên Tân. Tận mắt chứng kiến Phổ Nghi đi từ sai lầm này tới sai lầm khác, Văn Tú nhiều lần khuyên can nhưng Phổ Nghi nhất định không nghe, thậm chí còn bắt đầu cảm thấy ghét Văn Tú và bắt đầu lạnh nhạt với cô.
Lúc này, Phổ Nghi cả ngày chỉ ở cùng Uyển Dung, đi ra phố cũng chỉ mang theo một mình Uyển Dung, ngay cả lúc ăn cơm cũng không cho Văn Tú ngồi cùng bàn. Khi phải tiếp khác, Phổ Nghi cũng chỉ cho Uyển Dung đi theo.
Ngay cả những ngày lễ tết, Phổ Nghi cũng chỉ ban thưởng cho Uyển Dung chứ không tới phần của Văn Tú. Những người hầu, thái giám thấy Văn Tú thất sủng cũng bắt đầu coi khinh cô ra mặt. Văn Tú bị ghẻ lạnh, cảm thấy không thể sống nổi trong gia đình hoàng thất này nữa nên bắt đầu nghĩ cách rời đi.
Đúng lúc Văn Tú không thể chịu đựng hơn cuộc sống tại Tịnh Viên ở Thiên Tân thì xuất hiện một người tên là Ngọc Phần làm thay đổi cuộc đời của Văn Tú. Ngọc Phần vốn là con gái của một người anh họ của Văn Tú, xét về vai vế thì thuộc hàng cháu của Văn Tú song về tuổi tác thì lớn hơn cô tới mấy tuổi.
Sau khi Ngọc Phần nghe chuyện Văn Tú bị Phổ Nghi bạc đãi đã nói với cô rằng: “Hiện nay là thời đại Dân quốc rồi, pháp luật viết rõ nam nữ bình đẳng. Phổ Nghi cũng bị đuổi ra khỏi cung, không còn là tiểu hoàng thượng nữa rồi, ông ta cũng phải tuân thủ theo pháp luật, đối xử bình đẳng với người khác.
Cô hãy tìm luật sư, viết đơn kiện ông ta ngược đãi mình, đòi ly hôn với ông ta và yêu cầu phải có tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Chính những lời nói này của Ngọc Phần đã khiến Văn Tú bắt đầu này ra ý tưởng ly hôn với Phổ Nghi.
Ngày 25/8/1931, nhân một lần được Phổ Nghi cho phép ra ngoài chơi cùng với em gái là Văn Sách, Văn Tú lệnh cho thái giám để mình lại và ra về kèm theo lời nhắn với Phổ Nghi rằng: “Văn Tú sẽ lên tòa kiện hoàng thượng, quyết định ly hôn với ông ta”.
Phổ Nghi nghe tin lệnh cho thái giám quay lại chỗ cũ bắt Văn Tú về bằng được. Tuy nhiên, lúc này, Văn Tú và em gái Văn Sách đã biến mất từ lâu. Sau đó, dưới sự giúp sức của Ngọc Phần và Văn Sách, Văn Tú đã thuê 3 vị luật sư nộp đơn lên tòa với nội dung:
“Kiện Phổ Nghi ngược đãi Văn Tú, không thể chịu đựng hơn được nữa. Phổ Nghi mắc bệnh sinh lý, ở cùng nhau 9 năm mà chưa từng sủng hạnh Văn Tú lần nào. Vì thế, Văn Tú quyết định ly hôn và yêu cầu mỗi tháng Phổ Nghi cung cấp 500 ngàn tiền sinh hoạt phí”.
Đơn kiện của Văn Tú khiến Phổ Nghi vừa giận vừa thẹn, cho rằng, nó làm tổn thương tới sĩ diện của hoàng thất triều Thanh, tổn thương tới thân phận “hoàng thượng” của mình.
Tuy nhiên, mặc cho thái độ của Phổ Nghi ra sao, các tờ báo tại Nam Kinh và Thiên Tân liên tục cho đăng tải các thông tin liên quan tới việc Văn Tú đòi ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi, gọi cô là một “hoàng phi cách mạng”.
Những người ủng hộ Văn Tú cũng rất đông khiến Phổ Nghi càng bị đẩy vào cảnh khó xử. Không còn cách nào khác, Phổ Nghi cũng đành thuê 2 luật sư thay mặt mình tới giải quyết vụ kiện với Văn Tú.
Ngày 22/10/1931, sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng, Phổ Nghi và Văn Tú cũng ký vào tờ giấy ly hôn gồm 3 điều: Một là, sau khi ly hôn, Phổ Nghi phải cung cấp cho Văn Tú 550 ngàn tiền sinh hoạt phí. Hai là, Phổ Nghi phải đồng ý để Văn Tú mang theo những đồ dùng và quần áo thường ngày của mình. Ba là, sau khi Văn Tú về Bắc Bình sống nhất định không được làm việc gì ảnh hưởng tới danh dự của Phổ Nghi.
Việc Văn Tú và Phổ Nghi ly hôn có thể nói là một sự kiện chấn động cả Trung Quốc thời bấy giờ. Gia tộc Ái Tân Giác La thống trị Trung Quốc hơn 300 năm, chưa từng có vị hoàng hậu hay hoàng phi nào lại dám đề nghị ly hôn với hoàng đế.
Văn Tú là người đầu tiên đưa ra đề nghị ly hôn, đồng thời cũng là người duy nhất thành công. Để giữ thể diện cho mình, ngay sau ngày ký thỏa thuận ly hôn, Phổ Nghi ra một “chỉ dụ” với nội dung phế bỏ Thục phi Văn Tú làm thứ dân.
Sau khi ly hôn, Văn Tú về Bắc Bình, những mong được đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, khi về Bắc Bình, Văn Tú mới biết rằng, mẹ mình đã qua đời từ lâu. Cô chị cả cùng cha khác mẹ đã lấy chồng ở xa từ lâu. Căn nhà cũ ngày xưa cũng bị người ta bán mất.
Văn Tú và cô em Văn Sách khi đó cũng vừa ly hôn thuê nhà để sống. Khoản tiền sinh hoạt phí do Phổ Nghi cấp cho, một phần trả cho luật sư, một phần trả cho tòa án, cuối cùng lại bị Ngọc Phần lừa lấy mất một khoản lớn, thành ra số tiền còn lại chẳng đáng bao nhiêu.
Năm 1932, Văn Tú đổi lại tên là Phó Ngọc Phương, xin vào làm giáo viên tiểu học tại một trường tiểu học ở Bắc Bình, dạy môn quốc ngữ và vẽ. Do Văn Tú ham thích văn học, từ nhỏ lại vẽ rất đẹp nên rất được các học sinh yêu quý.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, người ta phát hiện ra cô giáo họ Phó chính là Thục phi Văn Tú, người vừa ly hôn với cựu hoàng Phổ Nghi. Một đồn mười, mười đồn trăm, những người dân Bắc Bình không ít người tìm tới trường để tận mắt một hoàng phi của triều Thanh. Báo chí cũng chạy tới gặp gỡ, phỏng vấn rồi đưa tin.
Điều này khiến Văn Tú vô cùng khó xử và bối rối vì thế chỉ được một năm sau, cô đành phải xin nghỉ nghề giáo viên. Do thân phận “hoàng phi” bị lộ, căn nhà thuê ở Bắc Bình cũng không thể ở được nữa, vì thế, Văn Tú quyết định dùng lại số tiền cuối cùng của mình mua một căn nhà mới ở ngõ Lưu Hải, Bắc Bình sống một cuộc sống xa lánh người đời.
Sau đó, em gái Văn Sách tái hôn, dọn đến ở nhà mới, Văn Tú chỉ sống một mình nên dành hết tâm sức cho việc học vẽ tranh. Không lâu sau đó, một số sĩ quan quân đội cũng như thương nhân cho rằng, cựu hoàng phi là một món hàng tìm được vì vậy tranh nhau cầu hôn Văn Tú. Tuy nhiên, trước sau Văn Tú đều từ chối nhất định không nhận lời ai.
Năm 1945, cuộc chiến tranh với Nhật kết thúc, Quốc dân dảng thống trị Bắc Bình. Nhờ một người bạn giới thiệu, Văn Tú tới báo Nhật Báo Hoa Bắc làm nhân viên soát lỗi. Do Văn Tú làm việc chăm chỉ, lại là một phụ nữ tài hoa, do vậy được tổng biên tập của tờ báo này là Trương Minh Vỹ rất quý trọng.
Trương Minh Vỹ rất đồng cảm với cuộc đời nhiều thăng trầm của Văn Tú vì thế rất quan tâm đến cuộc sống của cô. Sau khi biết, Văn Tú tới nay vẫn sống một mình, Trương Minh Vỹ quyết định giới thiệu cô với Lưu Chấn Đông.
Lưu Chấn Đông là một thiếu tá trong quân đội Quốc dân đảng. Lưu là người thẳng thắn, ít gây chuyện thị phi nhưng tới năm 40 tuổi mà vẫn chưa có gia đình. Sau nửa năm tìm hiểu, vào năm 1947, Văn Tú quyết định kết hôn với Lưu Chấn Đông.
Cuộc sống của Văn Tú và Lưu Chấn Đông sau hôn nhân khá hạnh phúc và hòa thuận. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau sóng gió lại ập tới.
Năm 1949, nội chiến kết thúc, chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản Bắc Bình. Lúc bấy giờ, chính quyền Đảng Cộng sản yêu cầu, những người từng có liên quan tới Quốc dân đảng còn ở lại Bắc Bình phải tới gặp chính quyền để đăng ký.
Do Văn Tú khuyên, Lưu Chấn Đông quyết định tới đăng ký. Chính quyền Đảng Cộng sản không bắt giam cũng không xử phạt Lưu Chấn Đông, chỉ tuyên bố Lưu có lịch sử phản cách mạng rồi giao về cho nhân dân và địa phương giám sát và quản chế.
Tới năm 1951, nhờ có biểu hiện tốt nên Lưu Chấn Đông được bỏ án quản chế đồng thời được phân tới làm công nhân vệ sinh tại khu vực phía Tây Bắc Kinh. Nhờ có công việc để kiếm tiền, đời sống gia đình của Lưu Chấn Đông và Văn Tú cũng được cải thiện dần.
Hai vợ chồng Văn Tú cũng chuyển tới sống ở gần nơi ở của đội vệ sinh. Chính trong căn nhà chỉ 10 mét vuông ấy, vào ngày 18/9/1953, Văn Tú, vị hoàng phi cuối cùng của Trung Quốc, cũng là hoàng phi duy nhất trong lịch sử dám ly hôn với Hoàng đế đã qua đời. Năm đó, Văn Tú chỉ mới 45 tuổi.
  • Phong Nguyệt
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét