Là một vị vua nổi tiếng trong thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của phương Bắc, giành độc lập dân tộc nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược về thân thế, sự nghiệp của Việt vương Triệu Quang Phục, chính vì vậy không mấy người được rõ về một câu chuyện tình duyên đặc biệt của ông.
Xuất xứ biệt danh Dạ Trạch Vương
Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, hào trưởng huyện Chu Diên (nay là vùng tiếp giáp giữa Sơn Tây và Vĩnh Phúc). Năm Nhâm Tuất (542), khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, hai cha con ông đem quân hưởng ứng và có đóng góp tích cực trong cuộc chiến lật đổ ách đô hộ của giặc Lương cũng như lập nhiều công lớn.
Năm Giáp Tý (544), khi nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Bí lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế) đã sắc phong cho Triệu Quang Phục chức Tả tướng quân...
Tháng 5 năm Ất Tị (545), quân Lương do tướng Trần Bá Tiên và Dương Phiêu chỉ huy lại kéo xâm lược nước Vạn Xuân, muốn tái lập ách đô hộ của chúng.
Thế giặc rất mạnh, Lý Nam Đế giao chiến bất lợi, đến giữa năm Bính Dần (546), sau trận kịch chiến ở hồ Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) với giặc Lương, lực lượng của Lý Nam Đế bị thiệt hại nặng, vua liền giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục và rút vào vùng động Khuất Lão (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ) rồi sau lâm bệnh mất ở đó.
Được Lý Nam Đế tin tưởng uỷ thác trọng trách chống giặc, Triệu Quang Phục đưa một bộ phận quân lính vào đóng ở đầm Dạ Trạch từ tháng giêng năm Đinh Mão (547) để cố thủ và đánh tiêu hao sinh lực địch, gây cho chúng nhiều phen khốn đốn.
Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, hào trưởng huyện Chu Diên (nay là vùng tiếp giáp giữa Sơn Tây và Vĩnh Phúc). |
Đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) gắn liền với sự tích về mối duyên kỳ ngộ giữa nàng công chúa Tiên Dung, con gái của vua Hùng thứ 18 với chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử.
Đầm này rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được, nếu không quen biết đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết.
Triệu Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, dùng chiến thuật du kích, ban ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Lương, cướp lương thực vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều, lấy đó làm kế cầm cự lâu dài.
Năm Mậu Thìn (548), khi nghe tin Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên làm vua xưng là Triệu Việt Vương nhưng nhân dân vẫn quen gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Chủ tướng giặc là Trần Bá Tiên nhiều lần tấn công vào đầm nhưng đều không đánh được, không còn cách nào khác, chúng đành mưu tính cầm cự lâu ngày để làm cho Triệu Việt Vương lương hết, quân mệt mỏi thì có thể phá được.
Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về dẹp loạn, ủy quyền cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Chớp cơ hội đó, Triệu Việt Vương tung quân ra đánh, giành được thắng lợi, quân Lương thua to rút chạy về nước.
Sử chép rằng: “Canh Ngọ (550)… Mùa xuân, tháng giêng, nhà Lương cho Trần Bá Tiên làm Uy minh tướng quân Giao Châu thứ sử. Bá Tiên lại mưu tính cầm cự lâu ngày khiến cho vua lương hết quân mỏi thì có thể phá được.
Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Bá Tiên về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn đánh nhau với vua. Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong sử sách, Triệu Quang Phục thường được gọi là Việt Vương, nhưng Dạ Trạch Vương (vua đầm một đêm) vẫn là cách gọi gần gũi trong giai thoại dân gian của ông. Làm vua đến năm Canh Dần (570), Triệu Việt Vương bị thông gia của mình là Lý Phật Tử, em họ của Lý Nam Đế phụ lời thề giao kết, bất ngờ đem quân đánh.
Ông thế yếu không thể chống được, bèn đem con gái Cảo Nương chạy về phía Nam, tìm nơi đất hiểm để ẩn náu, nhưng đến đâu cũng bị quân của Lý Phật Tử đuổi theo sát gót. Khi hai cha con cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha thì bị nước chắn, cùng đường, Triệu Việt Vương rút gươm chém con gái rồi nhảy xuống biển tự vẫn.
Nhiều nơi thuộc khu vực ven biển các tỉnh Ninh Bình, Nam Định đã lập đền thờ phụng vua, trong đó đền chính được dựng ở cửa biển Đại Nha (còn có tên khác là Đại Ác, sau đổi là Đại An), nay là cửa Liêu (cửa sông Đáy).
Từ một giấc mơ gặp được người trong mộng
Giống như các bậc vua chúa khác, Triệu Việt Vương cũng có nhiều vợ nhưng để lại dấu ấn lớn nhất đối với ông chính là Đệ tứ cung phi Ngọc Nương, một người mà tình duyên của họ đến từ trong giấc mộng.
Theo dã sử và thần tích xã Trâm Nhị (nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên) thì Ngọc Nương tên thật là Nguyễn Thị Ngọc, sinh ngày 15 tháng 7 năm Đinh Tỵ, cha là Nguyễn Bộ, vốn dòng dõi hào trưởng ở trang Bảo Đài, huyện Lôi Dương, châu Ái (nay thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), mẹ là Đặng Thị Châu (thường gọi là Châu Nương), quê ở giáp Đường, trang Đặng Xá, huyện Đường Hào, xứ Đông Hải (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
Tương truyền rằng một đêm bà Châu Nương nằm ngủ, mộng thấy bay lên trời, đến cung Quảng bẻ được một cành quế đỏ và hái được một bông hoa lan, giật mình tỉnh dậy biết là nằm mộng, sau đó có thai rồi sinh được một người con trai tướng mạo hùng vĩ, khác thường đặt tên là Nguyễn Chiêu (thường gọi là Chiêu Công).
2 năm sau, bà Châu Nương lại có mang, trước khi chuyển dạ chợt thấy một con chim xanh bay vào trong phòng màu sắc sặc sỡ, kêu lên 3 tiếng rồi bay mất, kế đó sinh ra một bé gái xinh xắn, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc (thường gọi là Ngọc Nương).
Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, Chiêu Công đã nổi tiếng văn hay, võ giỏi, nhiều người theo phục; còn Ngọc Nương thông minh học một biết mười, đức hạnh và nữ công không gì không có, là một thiếu nữ nhan sắc khuynh thành.
Lại nói về Triệu Việt Vương, sau khi quét sạch giặc ngoại xâm, ông đi thăm một số vùng miền để tìm hiểu đời sống dân chúng. Một hôm xa giá ngự đến huyện Đường Hào thì dừng lại nghỉ ngơi, đêm ấy, vua nằm mơ thấy có một nam, một nữ đến nói là hai anh em ruột quê ở Bảo Đài đến xin giúp nước, anh tên là Chiêu, em tên là Ngọc.
Sáng hôm sau, Triệu Việt Vương đến giáp Đường, trang Đặng Xá thì người dân kéo đến đầy đường để bái chào và xem mặt vua, Ngọc Nương cũng tò mò ra xem. Trong đám đông ấy, vua bất chợt nhìn thấy một cô gái dung mạo giống hệt người trong mộng đêm trước bèn gọi đến hỏi chuyện.
Khi Ngọc Nương trả lời cho biết tên họ, quê quán, Triệu Việt Vương vừa vui mừng vừa kinh ngạc không rõ đây có phải là cô gái trong giấc mơ của mình không, ông liền hỏi: “Phải chăng nhà nàng còn có một người anh tên là Chiêu?”.
Lúc này thì đến lượt Ngọc Nương ngạc nhiên trả lời đúng là có người anh như vậy, nhà vua liền cho truyền gọi Chiêu Công đến thì thấy giống hệt người thanh niên trong mộng. Cho là điềm báo tốt lành, Triệu Việt Vương ban thưởng cho dân trang Đặng Xá 3.000 quan tiền và nói với mọi người rằng:
“Chiêu Công, Ngọc Nương thực là thần nhân chốn nhân gian, được trời cho giáng xuống ở đất này, nay trẫm ban thưởng cho dân chúng được làm hộ nhi nơi Chiêu Công ở”.
Sau đó, vua cho 2 người đi theo về kinh rồi phong Chiêu Công làm Quản lĩnh thủy bộ tướng quân, còn Ngọc Nương được phong làm Đệ tứ cung phi, mỹ hiệu là Xuân Hoa.
Trước khi theo vua, 2 anh em về nhà lạy tạ cha mẹ, sửa sang nhà cửa, ban tặng vàng bạc cho người dân xây dựng một hành cung để có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi trở lại thăm quê.
Mấy năm sau, giặc Lương cho quân xâm lấn biên cương, Triệu Việt Vương tin tưởng phong cho Chiêu Công chức Thái úy đứng đầu quan võ và kiêm chức Nguyên soái bình Lương đại tướng quân đem binh tướng chống giặc.
Tại địa đầu biên giới, Chiêu Công chỉ huy quân lính đánh bại quân xâm lược, hơn 10 tướng giặc bị chém rơi đầu, hàng nghìn tên giặc phải bỏ mạng; còn Ngọc Nương vừa hầu hạ vua nơi màn trướng lại vừa động viên các họ tộc Lê, Nguyễn, Trần, Vũ, Trịnh, Phạm, Đỗ, Đặng, Hoàng, Đinh ở trang Đặng Xá đưa con em mình tòng quân giữ nước.
Sau chiến thắng, vì lập công to, Chiêu Công được Triệu Việt Vương phong tước Triết Gia quân công.
Ngoại xâm bị dẹp chưa được bao lâu thì nội chiến xảy ra, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, một người trong họ của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đem quân đánh Triệu Việt Vương để giành ngôi vua về cho họ Lý.
Hai bên hỗn chiến giao tranh hàng năm trời không phân thắng bại, nhưng rồi nhờ quân hùng và có các tướng giỏi như Chiêu Công, Trương Hống, Trương Hát…, lại có móng rồng thần diệu mà Triệu Việt Vương chiếm ưu thế.
Biết không thể thắng, Lý Phật Tử bèn dùng mưu, cho quân mang lễ vật đến xin hòa và muốn kết tình thông. Biết được ý đồ đó, Chiêu Công can vua rằng:
“Nay 2 bên tranh nước, long hổ giành nhau, họ bỗng đem cống vật đến cầu hòa, sự này không thể tin được!”, các quan tướng trong triều cũng khuyên vua nên đề phòng, nhưng Triệu Việt Vương không nghe vẫn quyết định gả con gái Cảo Nương cho con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang.
Buồn phiền, Chiêu Công bèn xin cáo quan về quê dành thời gian chăm sóc cha mẹ cho đến khi khuất núi, lại nghĩ đời có thịnh, có suy, xét thấy vua thì nhân từ ái mực còn Lý Phật Tử nhiều mưu mô, tất có ngày binh đao xảy ra, vì thế ông bỏ tiền của chiêu mộ gia thần, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực phòng khi nước có biến sẽ dốc sức cứu giúp.
Còn Ngọc Nương, sống trong cung cấm, được vua sủng ái nhưng suốt 10 năm liền nhưng không sinh được người con nào bèn xin xuất gia tu Phật, Triệu Việt Vương biết khó giữ được người đẹp đành đồng ý cho nàng về quê gốc ở trang Bảo Đài, huyện Lôi Dương, châu Ái tu hành tại một ngôi chùa.
Ít lâu sau, vua lại cấp tiền bạc cho Ngọc Nương sửa sang ngôi chùa ở giáp Đường, trang Đặng Xá để làm nơi tu hành, lại còn truyền đặt pháp hiệu là Diệu Phương, tên tự là Pháp Tuân.
Năm Canh Dần (570), Triệu Việt Vương do chủ quan không phòng bị, khi quân của Lý Phật Tử tiến đánh đã thua trận nhanh chóng, ông chạy đến cửa biển Đại Nha thì tự tử.
Bấy giờ Chiêu Công nghe tin vua thua trận vội vã dẫn gần 2000 quân binh đến cứu giá, tới nơi thì nghe tin Triệu Việt Vương đã mất lại bị số đông quân của Lý Phật Tử bao vây, thế lực yếu không thể chống đỡ nổi, Chiêu Công liền gieo mình xuống sông Hồng tuẫn tiết. Cảm động về vị trung thần tiết nghĩa, sau này, nhân dân đã lập đền thờ Chiêu Công nay tại nơi ông mất.
Còn Ngọc Nương, dù ở chốn cửa thiền, xa rời cuộc sống trần tục nhưng bà vẫn quan tâm đến tình hình đất nước, nghe tin chồng rồi anh đều mất, lòng đau xót vô cùng bèn tắm gội sạch sẽ, ngồi tụng kinh niệm Phật sau đó uống thuốc độc tự vẫn mà chết, người dân giáp Đường thương tiếc người phụ nữ trung trinh đã tổ chức an táng chu đáo, lại dựng miếu thờ cúng.
Đến thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân có làm lễ khấn tại nơi thờ anh em Chiêu Công, Ngọc Nương xin âm phù thắng trận thấy linh ứng.
Sau khi nhà Đinh thành lập, tướng Đinh Điền dâng sớ tâu xin phong mỹ tự cho 2 thần, vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong cho Chiêu Công làm Thượng đẳng phúc thần, hiệu là Phong Hiển linh ứng thông, Chiêu Thánh đô úy khang tiết đại vương; Ngọc Nương là Đoan Trinh quảng đức Diệu Phương, Pháp Tuấn từ bi Xuân Hoa công chúa”.
- Lê Thái Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét