Những bình luận về họ Phùng khá mâu thuẫn: có người gọi Phùng là “nguyên lão 10 triều”, “bất đảo ông” trên quan trường. Cũng lại có người nói, Phùng là kẻ xương sống mềm, là “Hán gian” tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, dù là chính diện hay phản diện, là tốt hay xấu thì không ai có thể phủ nhận rằng, Phùng Đạo là ông quan kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử của Trung Quốc…
Điều kỳ lạ đầu tiên của Phùng Đạo chính là việc họ Phùng trải qua 5 đời, 10 hoàng đế, là vị “nguyên lão 10 triều” duy nhất trong lịch sử. Nếu những người quen đọc lịch sử sẽ thường nghe rằng, một người nào đó từng là “nguyên lão 3 triều”, uy tín vô cùng lớn.
Như vậy, so với loại “nguyên lão 3 triều” này, Phùng Đạo gấp 3 lần cộng thêm một triều, tổng cộng là 10 triều. Trong cuộc đời mình, Phùng Đạo trải qua 10 đời vua:
Kiệt Yên Hoàng đế Lưu Thủ Quang, Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Húc, Hậu Đường Minh Tông Lý Từ Nguyên, Hậu Đường Mẫn Đế Lý Tùng Nguyên, Hậu Đường Mạt Đế Lý Tùng Kha, Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường, Hậu Tấn Xuất Đế Thạch Trọng Quý, Liêu Thái Tông Gia Luật Đức Quang, Hậu Hán Cao Tổ Lưu Tri Viễn và cuối cùng là Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy.
Tượng Phùng Đạo |
Điều đáng nói là ở triều vua nào, Phùng Đạo cũng được trọng dụng, giữ chức vụ cao trong triều đình. Vì thế, người ta gọi Phùng là “ông bất đảo” cũng chẳng có gì sai.
Điểm kỳ lạ thứ hai là mặc dù liên tục đổi “minh chủ”, song Phùng Đạo không hề bị coi là “Hán gian”. Khí tiết của Phùng Đạo có thể so sánh với những ngọn cỏ mọc trên tường, có thể nghiêng theo chiều gió thổi. Ai mạnh, ai có thế lực thì Phùng theo về với người đó, không cần biết khí tiết, trung thành là gì.
Khi Phùng Đạo theo về với Khiết Đan đã từng nói một câu rằng: “Nam triều là con, Bắc triều là cha, làm quan ở hai triều thì đâu có sự phân biệt gì?” Nhờ câu nói này, Phùng Đạo trở thành quan Thái Phó của Gia Luật Đức Quang.
Điều này khiến những người có một chút liêm sỉ phải tròn mắt vì kinh ngạc. Điều kỳ quái nữa là, sau này, dù Hậu Hán Cao Tổ Lưu Tri Viễn, Hậu Chu Thái Tổ Quách Uy không vì thế mà xem thường Phùng Đạo, ngược lại còn phong cho Phùng chức thái sư, một chức vị rất cao trong triều đình lúc bấy giờ.
Mặc dù là một kẻ chẳng coi khí tiết ra gì song Phùng Đạo lại là một con mọt sách, đó là điều kỳ lạ thứ 3. Thời bấy giờ, họ Phùng thậm chí còn nổi tiếng là một người chỉ biết cắm đầu vào sách vở.
Phùng Đạo chạy khắp nơi tìm mua sách, giống như là một kẻ sắp chết đói tơi nơi. Phùng Đạo xuất thân nghèo hèn, tổ tiên có lúc làm nông, có lúc dạy học. Do ảnh hưởng từ cha, Phùng Đạo từ nhỏ đã thích đọc sách học hành, còn những chuyện như ăn uống, trang phục thì gần như không quan tâm tới.
Dù trời tuyết lớn, chặn cả cửa ra vào, Phùng Đạo cũng không quên việc học làm trọng nhờ vậy mà khi lớn lên, họ Phùng bụng đầy văn chương. Lại thêm tiếng lành đồn xa vì vậy, danh tiếng của Phùng Đạo nổi khắp vùng Giang Nam.
Vì thế, dù là triều đại nào lên nắm quyền cũng muốn thu nạp Phùng Đạo làm quan để phô trương. Khi Phùng Đạo còn làm quan ở Bắc Triều, vua Khiết Đan ở phía Bắc nghe tên Phùng Đạo định bắt cóc Phùng về nước mình. Tuy nhiên, do quân lính ở biên giới phòng bị quá nghiêm ngặt nên kế hoạch này mới không thành công.
Phùng Đạo mặc dù chẳng có khí tiết, đổi chủ như thay áo nhưng tuyệt đối không phải là kẻ tham quan, đó là điều kỳ lạ thứ 4. Nhiều người cho rằng, họ Phùng thay chủ, đổi chúa, có sẵn cái cốt nô bộc trong người thì tất sẽ bóc lột dân chúng đến tận xương tận tủy để làm giàu cho mình.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra ngược lại. Họ Phùng giữ nghiêm gia quy, quan tâm tới sự thống khổ của người dân, có thể coi là một vị quan tốt. Khi quê của Phùng gặp nạn đói, Phùng không tiếc đem toàn bộ tài sản trong nhà ra cứu tế người dân còn bản thân mình thì sống ở trong một túp lều tranh.
Khi Phùng ở quê thọ tang cha, không hề khoe khoang chức tước của mình trước mặt người dân ngược lại tự mình ra ruộng, lên núi lấy củi, giúp đỡ những hộ gia đình thiếu nhân lực.
Trong thời kỳ chiến tranh Nam Bắc nhiễu loạn, Phùng Đạo từ phía Bắc trốn về, trên đường thấy một phụ nữ Trung Nguyên bị bắt, không nhịn được bèn bán hết đồ đạc của mình đi lấy tiền chuộc người phụ nữ này về.
Điều quan trọng hơn nữa là, họ Phùng không phải là kẻ háo sắc. Lúc bấy giờ Hậu Đường và Hậu Lương giao chiến với nhau, có một vị võ tướng mang một mỹ nữ cướp được tới dâng cho Phùng. Phùng cho người xây nhà cho cô gái này ở rồi tìm gia đình cô và đưa cô về nhà.
Trong di chúc Phùng để lại cho con cháu, nói rất rõ rằng, sau khi mình chết thì chỉ cần tìm một mảnh đất không ai dùng tới để chôn là được rồi, cũng không cần phải ngậm châu, ngậm ngọc giống như người khác.
Trong những lời can gián các bậc quân vương của mình, Phùng Đạo cũng thường xuyên khuyên họ nên tiết kiệm, làm một đấng minh quân chứ không làm một tên bạo chúa. Từ đó, có thể thấy, Phùng Đạo không phải là kẻ tự tư, chỉ biết nghĩ tới lợi ích của riêng mình.
Số lượng chức quan của Phùng Đạo có thể nói là đứng đầu trong lịch sử Trung Quốc. Phùng Đạo làm đủ các chức quan, từ địa phương tới trung ương, từ U Châu Tiết Độ Sứ Tuần Quan, Hà Đông Tiết Độ Sứ Tuần Quan, Chưởng Thư Ký, Nhiếp U Phủ Tham Quân, Thí Đại Lý Bình Sự, Hàn Lâm Học Sĩ, Hình Bộ Thượng Thư, Hữu Bốc Xạ, Tư Không,…
Ngoài chức vụ thông thường dành cho một văn nhân, Phùng Đạo cũng từng nhậm các chức võ quan, từ Trụ Quốc tới Thượng Trụ Quốc. Tước vị của Phùng Đạo cũng không ít, từ Khai Quốc Nam Tước, Khai Quốc Công, Lỗ Quốc Công, Tần Quốc Công, Lương Quốc Công, Yên Quốc Công, Tề Quốc Công. Thực ấp của Phùng Đạo từ 300 hộ tới 11 ngàn hộ.
Điều kỳ lạ cuối cùng về Phùng Đạo lại là một sự đối nghịch với số lượng chức quan mà Phùng đã giữ. Mặc dù làm qua rất nhiều quan chức khác nhau, tuy nhiên, Phùng Đạo không để lại bất cứ một thành tích nào trên chính trường.
Phùng Đạo là một văn nhân có tài, đọc rộng, hiểu nhiều, tuy nhiên, không phải là một người tướng giỏi, có khả năng “định giang sơn” trong thời kỳ loạn lạc, cũng không phải là một năng thần có thể giúp đỡ quân vương cai trị đất nước.
Mặc dù quan chức và tước vị đều rất cao, nhưng tuyệt nhiên, người ta không thể tìm ra bất cứ sử liệu nào làm bằng cớ chứng tỏ rằng, trong những biến động to lớn của thời kỳ này, Phùng Đạo đóng một vai trò nào đó hay đơn giản là việc giữa họ Phùng và những sự kiện lớn, đặc biệt quan trọng trong thời kỳ này có chút gì đó liên quan tới nhau.
Có thể nói, Phùng Đạo là một công quan “chuyên nghiệp”, chỉ biết công việc của mình chứ không phải là một chính trị gia năng động. Có lẽ chính vì nguyên nhân này nên sau này khi Âu Dương Tu biên tập lại “Tân Ngũ Đại Sử” đã bỏ phần viết về Phùng Đạo trong “Cựu Ngũ Đại Sử”. Ngoài ra, phần “Phùng Đạo Truyện” vốn được viết gần 5.000 chữ cũng bị cắt bỏ xuống chỉ còn 2.000 chữ.
Phùng Đạo tự xưng mình là “ông già không tài, không đức, ngu muội”. Phùng cũng cho rằng, mình ngộ ra được đạo làm quan từ thuyết vô vi của Đạo Gia. Có lẽ đây chính là lý do, Phùng Đạo chỉ muốn an phận làm quan và chỉ cần giữ được quan chức ấy của mình chứ không cần biết “trên đầu có ai”.
- PNTD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét