Nhìn từ góc độ lịch sử, việc đặt thủ đô ở Bắc Kinh là một lựa chọn tất yếu phù hợp với sự phát triển của lịch sử.
Kể từ ngày 10/10/1644, triều đình nhà Thanh đã chính thức định đô tại Bắc Kinh. Và hơn 300 năm sau, khi cách mạng Trung Quốc (TQ) giành được thắng lợi cuối cùng, Bắc Kinh được chọn làm thủ đô của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới ra đời…
Lựa chọn Bắc Kinh làm thủ đô là có nhiều lý do và căn cứ. Hơn thế nữa, với tầm nhìn và tri thức vĩ đại, Mao Trạch Đông đã đưa ra được tác dụng tối quan trọng đối với việc lựa chọn thủ đô của nước TQ mới.
Việc Bắc Kinh đóng vai trò thống nhất toàn quốc trong lịch sử TQ là nhờ bối cảnh lịch sử mà những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã xem xét. Mao Trạch Đông thông hiểu lịch sử TQ, lịch sử Bắc Kinh và nhìn từ góc độ lịch sử, việc đặt thủ đô ở Bắc Kinh là một lựa chọn tất yếu phù hợp với sự phát triển của lịch sử.
Bắc Kinh luôn đóng vai trò dẫn đầu trong tiến trình cách mạng TQ. Đó là một nguyên nhân để Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo trung ương ĐCS TQ xem xét và quyết định đặt thủ đô ở đây.
Năm 1919, phong trào Ngũ Tứ nổ ra tại Thiên An Môn đã mở ra trang đầu tiên cho lịch sử của cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới của TQ. Vì vậy Bắc Kinh được xem là nơi khởi phát của cách mạng TQ. Ngày 25/3/1949, Mao Trạch Đông tiến vào thành Bắc Bình và sau đó đi tàu hỏa đến Thanh Hoa viên. Khi tàu chạy qua tường thành Bắc Bình (tên cũ của Bắc Kinh), Mao Trạch Đông đã nhắc lại những cảm xúc thời gian 31 năm trước ông đã từng đến đây trong quá trình tìm kiếm chân lý cứu nước cứu dân. Ngày trở về Bắc Kinh, Mao Trạch Đông đã cảm khái thốt lên: “Đã 30 năm rồi” và nhớ lại thời gian còn làm nhân viên quản lý thư viện tại Bắc Đại (Trường đại học Bắc Kinh).
Mao Trạch Đông khẳng định: “Tưởng Giới Thạch đặt thủ đô tại Nam Kinh dựa vào cơ sở là giới tư bản Chiết Giang. Chúng ta đặt thủ đô tại Bắc Bình và cũng sẽ tìm được chỗ dựa cho chính quyền tại Bắc Bình. Đó chính là giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng lao động”.
Chính là do truyền thống cách mạng của Bắc Kinh đã mang lại những biến đổi lịch sử. Tại đây đã xuất hiện biến pháp Mậu Tuất (1898), khởi nghĩa Thâm Châu (1911) chống đế quốc và phong kiến, là nơi khởi nguồn của những phong trào văn hóa mới có ảnh hưởng sâu rộng như phong trào Ngũ Tứ và mảnh đất tư tưởng để xây dựng ĐCS TQ cũng chính là Bắc Kinh. Vì vậy đặt thủ đô của nước TQ mới ở Bắc Kinh chính là kết quả hợp lý với sự phát triển của cách mạng.
Tất nhiên nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến quyết định chọn Bắc Kinh là thủ đô chính là suy xét từ góc độ chính trị. Chính quyền phản nhân dân của Tưởng Giới Thạch đặt thủ đô tại Nam Kinh còn Mao Trạch Đông đặt thủ đô của chính quyền nhân dân tại Bắc Kinh. Lựa chọn này phản ánh cá tính của Mao Trạch Đông và cũng thể hiện sự đối lập căn bản của hai chính quyền khác nhau.
Xem xét việc định đô tại Bắc Kinh từ góc độ chính trị, Mao Trạch Đông đã suy nghĩ rất sâu xa. Ngày 8/9/1948, Trung ương ĐCS TQ đã tổ chức “Hội nghị tháng 9″ tại Tây Bách Pha. Đây là lần hội nghị đông đại biểu tham gia nhất kể từ khi Nhật Bản đầu hàng. Tại hội nghị này, căn cứ tiến trình của cách mạng TQ, Mao Trạch Đông đã đưa ra lộ trình khoảng 5 năm (tính từ tháng 7/1946) để đánh bại hoàn toàn chính quyền Quốc dân đảng.
Đối với vấn đề TQ sẽ xây dựng chính quyền nhà nước mới như thế nào sau khi đánh bại tận gốc chính quyền Quốc dân đảng, Mao Trạch Đông đã khẳng định: “Chúng ta muốn xây dựng chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo với nền tảng là liên minh công nông. Chính quyền này không chỉ là chính quyền công nông mà còn bao gồm giai cấp tiểu tư sản, bao gồm các đảng phái dân chủ, bao gồm những phần tử thuộc giai cấp tư sản thoát ly khỏi Tưởng Giới Thạch. Chế độ chính quyền đó lựa chọn thể chế tập trung dân chủ tức là thể chế Quốc hội của đại biểu nhân dân chứ không lựa chọn thể chế Quốc hội của đại biểu giai cấp tư sản. Chính quyền các cấp đều phải gắn liền với hai từ “nhân dân’”, cơ quan chính phủ các cấp cũng phải gắn với hai từ “nhân dân” như Tòa án nhân dân, Giải phóng quân nhân dân để thể hiện sự đối lập căn bản với chính quyền Tưởng Giới Thạch”.
Chính quyền nhà nước của chuyên chính dân chủ nhân dân không giống với chính quyền nhà nước của chuyên chế độc tài do Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Vì vậy cần phải lựa chọn thủ đô của nước cộng hòa nhân dân khác với thủ đô Nam Kinh của Trung Hoa dân quốc.
Trong cuộc hội nghị này, Mao Trạch Đông đã nói chuyện với Từ Hướng Tiền khi đó chỉ huy một binh đoàn Giải phóng quân tác chiến tại khu vực Thái Nguyên. Trong cuộc nói chuyện đó, Mao Trạch Đông đã tiết lộ mong muốn có thể giải phóng Thái Nguyên bằng biện pháp hòa bình. Mao Trạch Đông đã nói: “Không thể tấn công quân sự vào Bắc Bình”. “Không đánh Bắc Bình” – điều này có thể hiện mục đích bảo đảm cho Bắc Bình được nguyên vẹn để trở thành thủ đô của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tương lai.
Để thực hiện mục tiêu giải phóng Bắc Bình một cách hòa bình, Mao Trạch Đông đã chỉ thị tập trung tất cả lực lượng tích cực thực hiện công tác vận động lực lượng quân đội Quốc dân đảng bảo vệ Bắc Bình. Dưới ưu thế về quân sự và chính trị mạnh mẽ của ĐCS, ngày 30/1/1949, chỉ huy lực lượng phòng vệ thành Bắc Bình đã tuyên bố chuyển giao chính quyền trong hòa bình. Bắc Bình được giải phóng trong hòa bình và được bảo vệ nguyên vẹn. Tất cả các di tích của Bắc Bình không bị hư hại gì và đời sống của người dân Bắc Bình vẫn giữ được như bình thường. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng để Mao Trạch Đông và Trung ương ĐCS TQ quyết định đặt thủ đô tại Bắc Bình.
Quyết định chính thức về việc đặt thủ đô tại Bắc Bình được đưa ra tại kỳ họp toàn thể lần thứ 2 của Trung ương ĐCS TQ khóa 7 ngày 5/3/1949. Mao Trạch Đông đã phát biểu: “Tôi hy vọng sẽ chiếm được Nam Kinh trong tháng 4 hoặc tháng 5, sau đó triệu tập Hội nghị hiệp thương chính trị tại Bắc Bình, thành lập chính phủ liên hiệp và đặt thủ đô tại Bắc Bình”.
Thành lập chính quyền trung ương tại Bắc Bình cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều nhân sĩ dân chủ lúc đó. Sau khi Thị trưởng đầu tiên của Bắc Kinh là Diệp Kiếm Anh đã báo cáo tình hình giải phóng thành Bắc Bình trong hòa bình, rất nhiều nhân sĩ dân chủ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ ĐCS và hy vọng ĐCS TQ sẽ thành lập chính phủ trung ương ngay tại Bắc Bình. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về việc đặt thủ đô tại Bắc Bình còn phải chờ ý kiến của Hội nghị Hiệp thương chính trị.
Đặt thủ đô tại Bắc Bình còn có một nguyên nhân quan trọng khác đó là một sự lựa chọn tất yếu xuất phát từ cục diện an ninh và chính trị thế giới. Những ý kiến của các nhà lãnh đạo trung ương Đảng khác đều cho rằng Bắc Bình là khu vực lý tưởng để đặt thủ đô của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa tương lai. Nguyên nhân là Bắc Bình nằm gần với Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Mông Cổ nên mặc dù đường biên giới dài nhưng không bị nguy cơ chiến tranh đe dọa. Các hoàng đế phong kiến đều đã chọn Tây An hoặc Khai Phong làm kinh đô còn Nam Kinh quá gần với Macao, Hongkong và Đài Loan.
Đặt thủ đô tại Bắc Bình còn phù hợp với phương châm cơ bản mà ĐCS TQ theo đuổi khi đó là “dựa một bên”: nhờ vào sự trợ giúp của Liên Xô. Việc đặt thủ đô tại Bắc Bình cũng đã được trao đổi ý kiến với lãnh đạo Liên Xô và cũng nhận được sự ủng hộ của Stalin.
Đương nhiên việc đặt thủ đô của nước TQ mới ở Bắc Bình không phải là một việc dễ dàng. Chính quyền mới sẽ đứng trước một vấn đề là làm thế nào để biến một đế đô phong kiến thành thủ đô của nhân dân. Đây cũng là một thử thách mới đối với cách mạng TQ.
Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Trung ương ĐCS TQ khóa 7 đã quyết định, để phù hợp với sự thay đổi trọng tâm công tác và chào đón sự ra đời của nước TQ mới, Trung ương Đảng sẽ chuyển địa điểm làm việc từ Tây Bắc Pha về thành Bắc Bình. Ngày 23/3/1949, toàn bộ trung ương ĐCS TQ gồm Mao Trạch Đông, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đã lên đường rời khỏi Tây Bách Pha về Bắc Bình. Chiều ngày 25/3/1949, Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo Trung ương Đảng đã có mặt tại sân bay Tây Uyển gặp mặt hơn 1.000 nhân sĩ các giới ở Bắc Bình và tổ chức một buổi lễ duyệt binh quy mô.
Ngày 27/9/1949, Hội nghị toàn thể của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân TQ khóa 1 đã nhất trí thông qua quyết định đặt thủ đô của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Bắc Bình và cũng từ ngày đó đổi tên Bắc Bình thành Bắc Kinh. Hội nghị này cũng thông qua các quyết định quan trọng trong đó có việc chọn bài hát “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (Hành khúc quân nhân anh dũng) làm quốc ca tạm thời và chọn “Ngũ tinh kỳ” (Cờ năm sao) làm Quốc kỳ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
(KHKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét