Một chiều cuối tháng 3, sân bay Gia Lâm lại sôi động với hoạt động huấn luyện bay trên những chiếc máy bay tuần tra biển C-212-400 mới có mặt trong đội hình máy bay của Trung đoàn 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân).
Tháng 8/2012, chiếc C-212-400 thứ nhất được tiếp thu tại sân bay Gia Lâm. Và đến tháng 1/2013, chiếc C-212-400 thứ hai đã về đến Việt Nam. Đây là những máy bay được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
C-212-400 là máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân, với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Thiết kế máy bay nhỏ gọn, có sải cánh 20,2m, chiều dài 16,1m, cao 6,5m.
Vệ sinh kính khoang lái máy bay C-212-400 trước khi đưa máy bay ra đường băng. |
Nó có thể đạt tốc độ bay hành trình 360km/giờ, tầm bay đạt 1.800km, trọng tải cất cánh đạt 8,1 tấn. Loại máy bay này có thể hoạt động ở các sân bay dã chiến với thiết kế mô-đun.
Đảm bảo cho các nhiệm vụ tuần tra, C-212-400 được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày, đêm. Mục tiêu chủ yếu của C-212-400 là trinh sát, phát hiện tàu chiến, tàu ngầm của đối phương. Ngoài ra, nó dễ dàng phát hiện các loại tàu khác.
Với những chiếc máy bay C-212-400 này, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được tăng cường thêm sức mạnh cũng như khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp nhận máy bay C-212-400, một bộ phận cán bộ, trong đó có các phi công của Trung đoàn 918 đã sang nước bạn, huấn luyện chuyển loại trên loại máy bay này.
Máy bay tuần tra biển C-212-400 sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. |
Thượng tá Hà Sỹ Sơn cũng cho biết thêm, 100% phi công của Trung đoàn 918 đã được đào tạo bay biển, đây là tiền đề quan trọng để phi đội C-212-400 huấn luyện bay biển đạt kết quả cao. Hiện, Trung đoàn 918 đang nghiên cứu xây dựng giáo trình bay của máy bay C-212-400.
Sau khi được kéo dắt từ khu vòm để máy bay ra sân đỗ, bộ phận nhân viên kỹ thuật kiểm tra tình trạng kỹ thuật của máy bay trước khi mở máy. Các sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành thao tác trên các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ trinh sát, được đặt trên máy bay.
Trước khi lên khoang lái thực hành huấn luyện, phi công Cao Bá Giang, người đã được huấn luyện chuyển loại trên máy bay C-212-400 tại nước bạn chia sẻ: Khác với dòng máy bay trung đoàn hiện có trong biên chế, C-212-400 sử dụng thiết bị điện tử, với ngôn ngữ tiếng Anh. Do vậy, muốn khai thác hiệu quả loại máy bay này, đòi hỏi phi công phải có trình độ tiếng Anh nhất định.
Ngoài ra, theo phi công Cao Bá Giang, việc chuyển loại máy bay C-212-400 trong nước có những khó khăn nhất định, đơn cử như phi công của ta không được các phi công của nước ngoài giàu kinh nghiệm đào tạo. Bởi thế, theo anh, muốn chuyển loại đạt kết quả cao, phi công phải tích cực học tập tiếng Anh, tập trung nghiên cứu tài liệu sử dụng máy bay C-212-400. Và để nhanh chóng làm chủ kỹ thuật lái đối với loại máy bay này, phi công cần coi trọng việc huấn luyện mặt đất và tích lũy kinh nghiệm qua từng chuyến bay.
Với hàng chục giờ bay trên C-212-400 trong quá trình chuyển loại tại nước bạn, cộng với kinh nghiệm bay tích lũy trên các loại máy bay hiện có của Trung đoàn 918, nhất là kinh nghiệm bay trên biển, các phi công thuộc phi đội C-212-400 khẳng định sẽ sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ bay tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét