HÀN TÍN CHỊU NHỤC CHUI QUA HÁNG
Nhà Tần vào thế kỷ 2 trước công nguyên là triều đại phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Vạn lý trường thành Trung Quốc bắt đầu có quy mô là từ triều đại này. Nhưng vì hai bố con nhà vua thi hành chế độ hà khắc, nên nhà Tần chỉ duy trì thời gian thống trị 15 năm. Cuối đời Tần, phong trào khởi nghĩa nông dân được dấy lên, nhiều nhân vật anh hùng xuất hiện, Hàn Tín là một trong những thống soái quân sự nổi tiếng thời đó.
Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng cổ đại Trung Quốc, ông xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, thuở nhỏ bố mẹ mất. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, ở nhà cũng không có tài sản gì, ông sống cuộc sống bần cùng và bị kỳ thị, thường đứng trước tình hình có bữa này không có bữa kia. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên ông thường đến nhà quan chức này ăn trực, thấy vậy, vợ viên quan rất ghét Hàn Tín, bèn cố tình ăn cơm sớm, khi Hàn Tín đến, không còn cơm cho ông ăn, Hàn Tín bực tức lắm, không đi lại với viên quan này nữa.
Để sống còn, Hàn Tín đành phải đi câu cá ở sông Hoài địa phương, một bà già giặt quần áo ở bờ sông Hoài nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bác.” Bà già tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông, không nuôi sống nổi mình, bác thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp bác.” Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên sự nghiệp.
Ở thành phố Hoài Âm quê của Hàn Tín, một số thanh niên coi khinh Hàn Tín, một hôm, một thiếu niên nhìn thấy Hàn Tín có vóc dáng to lớn lại thường đeo gươm, cho ông là kẻ hèn nhát, bèn ngăn ông ở phố sá sầm uất, nói: “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đâm tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết thiếu niên đó cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, họ không biết Hàn Tín sẽ đối xử thế nào. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, chui qua háng tay thiếu niên đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, không dũng cảm. Từ đó, câu chuyện “Cái nhục dưới háng” lưu truyền đến đời sau.
Thực ra, Hàn Tín là một người có mưu lược. Ông nhìn thấy xã hội lúc đó đang đứng trước tình hình thay đổi triều đại, bèn chăm chỉ nghiên cứu phép dùng binh, luyện tập võ nghệ, ông tin rằng mình sẽ có cơ hội ngóc đầu dậy. Năm 209 trước công nguyên, phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại sự thống trị của nhà Tần bùng nổ khắp nơi trong cả nước, Hàn Tín tham gia một đạo quân khá mạnh. Thủ lĩnh đạo quân này là Lưu Bang, nhà vua lập triều đại mới sau này. Ban đầu, Hàn Tín chỉ là một quan chức nhỏ phụ trách vận tải lương thực và cỏ ngựa, rất không đắc chí. Sau đó ông quen biết ông Tiêu Hà, mưu sĩ của Lưu Bang, hai người thường thảo luận thời sự và quân sự, Tiêu Hà biết Hàn Tín là
một người rất có tài, bèn cực lực giới thiệu với Lưu Bang, nhưng Lưu Bang vẫn không chịu trọng dụng Hàn Tín.
Một hôm, Hàn Tín chán nản lặng lẽ rời khỏi quân đội Lưu Bang, đi nhờ vả quân khởi nghĩa khác. Nhận được tin Hàn Tín bỏ đi, Tiêu Hà chưa kịp báo cáo với Lưu Bang, đã cưỡi ngựa vội vã đi đuổi theo Hàn Tín. Lưu Bang được biết tin này, nghĩ là hai người chạy trốn. Hai ngày sau, Tiêu Hà và Hàn Tín trở về, Lưu Bang vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, trách quở và chất vấn Tiêu Hà. Tiêu Hà nói: “Thưa ông, tôi đi đuổi theo Hàn Tín là vì ông.” Lưu Bang không hiểu và hỏi tiếp: “Trước kia có mấy chục tướng lĩnh chạy trốn, nhà ngươi chưa bao giờ đi đuổi theo, tại sao chỉ đi đuổi theo Hàn Tín nhỉ?” Tiêu Hà nói: “Thưa ông, những tướng lĩnh chạy trốn trước kia đều là người tầm thường, dễ tìm được, còn Hàn Tín có tài ba lỗi lạc hiếm thấy. Nếu ông muốn tranh giành thiên hạ, ngoài Hàn Tín ra, ông không thể tìm được người có thể bàn thảo việc nước với ông nữa.” Lưu Bang nói: “Thế thì cho Hàn Tín làm một tướng lĩnh thuộc nhà ngươi quản lý.” Tiêu Hà trả lời: “Thưa ông, nếu chỉ cho Hàn Tín làm một tướng lĩnh bình thường, Hàn Tín chưa chắc chịu lưu lại ở đây.” Lưu Bang nói: “Thế thì cho Hàn Tín làm một thống soái quân sự.” Từ đó, Hàn Tín từ một viên quan nhỏ phụ trách vận tải lương thực và cỏ ngựa trở thành một tướng quân. Sau đó, trong quá trình giúp đỡ Lưu Bang xây dựng cơ nghiệp, Hàn Tín đánh đâu thắng đấy, lập nên công lao hiển hách.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét