“Pháo tự hành diệt tăng BTR-60PB”
Trong cuộc duyệt binh cách đây vài năm, Quân đội Cuba lần đầu trình làng pháo tự hành diệt tăng “thế hệ mới” sử dụng khung gầm cơ sở xe bọc thép chở quân BTR-60PB nhưng lại dùng tháp pháo cải tiến từ xe tăng T-54/55. Không rõ Cuba định danh loại phương tiện này là gì, nên nó tạm thời dùng luôn cái tên khung gầm cơ sở, BTR-60PB.
Ngoài ra, cũng không rõ liệu đây là sản phẩm mà Cuba tự sản xuất, cải tiến hay là nhờ sự giúp đỡ của quốc gia thứ 3 nào đó. Tuy nhiên, với sự kiện tàu Triều Tiên chở vũ khí Cuba bị bắt giữ tại Panama, có thể đoán định có khả năng đây là sản phẩm kết hợp có “bàn tay Triều Tiên”.
Triều Tiên này khá nổi tiếng trong việc cải tiến, lai ghép trang bị với nhau, đặc biệt là trong kỹ thuật pháo binh. Nước này đã lắp nhiều loại pháo kéo lên khung gầm xe bánh xích biến nó trở thành pháo tự hành đem lại tính cơ động cao.
Pháo tự hành diệt tăng BTR-60PB "bất đắc dĩ". |
Pháo tự hành diệt tăng BTR-60PB được thiết kế với khung gầm được cải tiến với các cửa ở 2 bên hông xe bị gỡ bỏ. Tháp pháo 14,5mm cũ bị loại bỏ và thay thế bằng tháp pháo cải tiến từ xe tăng T-54A. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống pháo, súng và hệ thống điều khiển bên trong có lẽ vẫn giữ nguyên.
Các chuyên gia quân sự thế giới cho rằng, giáp tháp pháo mỏng hơn, nhưng loại xe chiến đầu này thường không đòi hỏi trang bị giáp hạng nặng. Phần phía sau tháp pháo kéo dài có thể để chứa đồ hoặc đạn dược.
Về hỏa lực, tháp pháo trang bị một khẩu pháo nòng xoắn cỡ 100mm có tầm bắn hiệu quả khoảng 1,5-2km chống lại tất cả các loại xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, công sự phòng ngự, bộ binh và thậm chí là cả xe tăng. Không rõ liệu tháp pháo có thể quay 360 độ hoạt động ổn định không?
Việc nạp đạn có lẽ vẫn phải thực hiện bằng tay, cơ số đạn khoảng 35-40 viên. Vũ khí phụ gồm một súng máy hạng nặng 12,7mm đặt trên nóc tháp pháo và súng máy đồng trục 7,62mm. Kiểu bố trí tương tự trên xe tăng T-54A.
Về phần động cơ xe, không rõ phía Cuba có thay thế động cơ xăng cũ của BTR-60PB bằng động cơ diesel khỏe hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn không?
Do việc gắn tháp pháo mới làm tăng đáng kể trọng lượng của xe (khoảng 18 tấn) nên khả năng lội nước tuyệt vời của BTR-60PB nguyên bản không còn. Theo quan sát, bộ phận chân vịt ở sau xe bị loại bỏ hoàn toàn.
Xe chiến đấu bộ binh bánh lốp BTR-60PB lai BMP-1. |
Ngoài việc trang bị tháp pháo T-54 cho BTR-60PB, trong một số hình ảnh duyệt binh Cuba còn lắp tháp pháo xe chiến đấu bộ binh BMP-1 lên khung gầm cơ sở BTR-60PB.
Cách thiết kế có lẽ tương tự việc gắn tháp pháo T-54, tháp pháo BMP-1 trang bị pháo nòng trơn cỡ 73mm (cơ số 40 viên đạn), lắp súng máy đồng trục 7,62mm. Trên tháp pháo có bệ phóng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển 9M14 Malyutka (NATO định danh là AT-3).
Cách “lai ghép” này tạo ra dòng xe chiến đấu bộ binh bánh lốp BTR-60PB.
Pháo phòng không tự hành lắp pháo 23mm. |
Không dừng lại ở đó, Cuba còn dùng khung gầm xe bọc thép chở quân BTR-60PB lắp pháo phòng không ZU-23-2 hay 37mm biến nó thành pháo phòng không tự hành.
Cách lai ghép này tuy đem lại khả năng cơ động nhưng nhìn chung hệ thống vận hành vẫn bằng con người là chủ yếu, ngoài ra việc ngắm bắn có lẽ vẫn bằng phương tiện quang học và không có radar hỗ trợ.
Biến tàu đánh cá thành tàu tên lửa
Hải quân Cuba hiện nay được trang bị hết sức lạc hậu, việc bảo vệ vùng biển nước này phụ thuộc vào hơn 10 tàu chiến đấu mặt nước, trong đó chỉ có 6 tàu tên lửa cỡ nhỏ có lượng giãn nước khoảng 200 tấn.
Nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bảo vệ vùng biển rộng lớn, Cuba đã quyết định thực hiện kế hoạch rất táo bạo cải tiến tàu đánh cá cỡ lớn mua của Tây Ban Nha thành tàu “hộ vệ tên lửa lớp Rio Damuji”.
Hộ vệ tên lửa Rio Damuji cải tiến từ tàu đánh cá. |
Theo đó, boong trước của tàu (phía sau là đài chỉ huy) được trang bị 2 bệ phóng tên lửa hành trình chống tàu P-15 Termit (tầm phóng 80km) được lấy từ tàu tên lửa lớp Osa II. Ngoài ra, tàu còn lắp thêm tháp pháo cỡ 57mm để phòng không và chống mục tiêu mặt nước tầm gần. Tác chiến phòng không được “phó thác” cho pháo 57mm và 2 pháo 25mm.
Ở đuôi tàu được thiết kế sân đỗ trực thăng lớn đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của mọi loại trực thăng mà Không quân Cuba đang sở hữu.
Với kích cỡ rất lớn, ngoài vai trò là tàu tên lửa, “tàu hộ vệ” lớp Rio Damuji còn có thể chở quân đổ bộ hoặc làm tàu vận tải khi cần. Đây thực sự là sự kết hợp cực kỳ độc đáo đem lại khả năng chiến đấu đa năng.
“Gắn bánh xe” cho bệ phóng tên lửa phòng không
Các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao chiến lược S-75 Dvina hay S-125 Pechora của Cuba đều đặt cố định, trong công tác thu hồi hoặc triển khai mất rất nhiều thời gian. Mà trong bối cảnh tác chiến hiện đại thì yếu tố cơ động đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm tránh đối phương phản đòn.
Bệ phóng tên lửa S-75 đặt trên khung gầm xe tăng T-54. |
Vì lẽ đó, Cuba đã cố gắng tăng cường tính cơ động hơn nữa của hệ thống S-75/125. Họ đã sử dụng khung gầm cơ sở xe tăng T-54 để lắp bệ phóng đồ sộ của S-75 và S-125 đem lại tính cơ động cao.
Không rõ liệu các đài radar điều khiển của hệ thống S-75 và S-125 có được triển khai hay không. Nhưng ít nhiều việc cải tiến này góp phần vào công tác triển khai, thu hồi tên lửa diễn ra nhanh chóng hơn.
Hoàng Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét