Chu Ôn là người huyện Đãng Sơn, Tống Châu thời nhà Đường. Cha của Ôn vốn là một thầy giáo làng, nhà lại đông anh em, nên sau khi cha Ôn là Chu Thành chết, Ôn cùng mẹ và hai anh trai của mình đến làm thuê cho một gia đình giàu có ở huyện Tiêu. Trong hoàn cảnh sống của tầng lớp đáy cùng xã hội, Ôn không những biến thành một kẻ nhút nhát, sợ sệt mà ngược lại y biến thành một kẻ vô cùng gian trá, xảo quyệt.
Lại thêm người anh thứ của Ôn là Chu Tồn là một kẻ rất hung bạo và thô lỗ nên chúng thường xuyên gây chuyện thị phi. Dân huyện Tiêu không ai nghe tiếng anh em họ Chu mà không ghét tới mức phải nhổ nước bọt. Ông chủ của nhà họ Chu là Lưu Sùng thấy đầy tớ của mình suốt ngày ra đường gây chuyện, cũng quát mắng luôn.
Thế nhưng, mẹ của Lưu Sùng vốn là một Phật tử cực kỳ ngoan đạo lại ra sức bệnh vực Ôn, nói: “Chu Ôn không phải là một người bình thường, phải đối đãi cho tốt”. Vì vậy, mặc cho mọi người có nói thế nào, bà chủ họ Lưu vẫn một mực đối xử với Chu Ôn như một thượng khách của nhà họ Lưu.
Cho tới năm 877, Chu Ôn 25 tuổi nhưng vẫn chưa có nghề ngỗng gì nên quyết định tham gia nghĩa quân của Hoàng Sào để kiếm cơm ăn. Do bản tính gian xảo, nịnh bợ nên Ôn ngày một leo cao hơn. Ít lâu sau đó, Ôn trở thành đại tướng dưới quyền của Hoàng Sào tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đường.
Năm 880, quân của Hoàng Sào vượt qua sông Hoài, chiếm được Lạc Dương. Năm 881, tiến vào kinh đô Trường An, vua Đường Hi Tông phải bỏ chạy sang Thành Đô, Tứ Xuyên. Hoàng Sào lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Tề và niên hiệu là Kim Thống. Chu Ôn vì thế cũng được phong làm Đồng Châu Phòng ngự sứ, dẫn quân Hà Trung. Tuy nhiên, sau nhiều trận thất bại liên tiếp, sợ bị Hoàng Sào trách tội, giết chết. Ôn quyết định quay lại hàng nhà Đường.
Được sự tin dùng của Đường Hỷ Tông, Chu Ôn nhận chức đại tướng quân, quay lại tấn công quân đội của nhà Tề. Nhờ lập được công to trong việc “dẹp giặc” Hoàng Sào nên sau khi Đường Hỷ Tông trở lại ngôi báu đã phong cho Ôn làm Ngụy Vương, đổi tên Ôn thành Toàn Trung.
Vào thời điểm lúc bấy giờ, mặc dù đã tiêu diệt được nghĩa quân của Hoàng Sào, song triều Đường đã tới hồi mạt vận, các cánh quân ở khắp nơi nổi lên, xưng hùng xưng bá, đánh giết lẫn nhau tranh giành địa bàn và của cải, Hoàng đế Đại Đường gần như chẳng còn chút thực quyền nào.
Trong cuộc chiến “quần ngư tranh thực” ấy, Chu Ôn dần trở thành thế lực mạnh nhất. Vào năm Thiên Hựu thứ 4 đời Đường Thiệu Tông, tức năm 907, Chu Ôn dẫn quân tiêu diệt nhà Đường, rồi tự mình xưng đế, lấy tên nước là Hậu Lương, người đời sau gọi Ôn là Lương Thái Tổ.
Mặc dù Ôn đã diệt nhà Đường, lập nên nhà Hậu Lương song địa bàn thống trị thì gần như không được mở rộng. Trong khi đó, những đối thủ trước kia lép vế trước thế lực của Ôn nay mượn cớ “trừ gian tặc, khôi phục nhà Đường” nổi dậy đòi giết “phản tặc” Chu Ôn bằng được. Trong số này, Tấn vương Lý Khắc Dụng là người cầm đầu lực lượng chống đối Hậu Lương. Kỳ vương Lý Mậu Trinh cũng dựng lá cờ “phản Lương, phục Đường” để kêu gọi “anh hùng thiên hạ” tiêu diệt Chu Ôn.
Thục vương Vương Kiến thì không thèm “dựng cờ” mà bắt chước Ôn, tự mình xưng đế. Cũng bắt đầu từ đây, Trung Quốc bước vào thời kỳ vô cùng loạn lạc mà lịch sử gọi là Ngũ đại thập quốc. Thành ra, các sử gia Trung Quốc đều nói rằng, việc đưa Trung Quốc bước vào thời kỳ loạn lạc suốt hàng trăm năm tất cả đều do “công lao” của vị Lương Thái Tổ họ Chu.
Trên thực tế, việc Chu Ôn ngồi lên được chiếc ngai vàng Hoàng đế hoàn toàn dựa vào hai người. Một là quân sư của Ôn tên là Kính Tường, người còn lại là vợ của Ôn: Trương Huệ. Sử sách Trung Quốc ghi chép về Trương Huệ không nhiều, tuy nhiên, từ những sự kiện được ghi chép lại, có thể thấy Trương Huệ có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đoạt ngôi báu của Ôn.
Trương Huệ vốn là người cùng quê với Ôn, đều là người huyện Đãng Sơn. Tuy nhiên, khác với Ôn, Huệ là con gái nhà danh gia vọng tộc. Cha của Huệ từng làm tới chức Thích sử Tống Châu. Do sinh trong gia đình gia giáo, nên dù là phận gái, Trương Huệ vẫn là một người hiểu các mưu lược chính trị và quân sự. Nhờ vậy, Trương Huệ thường xuyên đưa ra những mưu kế mà một kẻ gian xảo nhưng ít học như Ôn phải dập đầu thán phục. Chính vì vậy, phàm là việc gì quan trọng không thể tự quyết được, Ôn đều hỏi vợ mình. Và mọi phân tích, dự liệu của Trương Huệ đều đúng y như những gì xảy ra sau đó.
Vì thế, mặc dù là kẻ vô học và thô lỗ song đối với Trương Huệ, Ôn rất mực kính trọng và khâm phục. Người ta kể rằng, có lần, Ôn dẫn quân xuất chinh, giữa đường thì bị Trương Huệ sai người đuổi theo nói rằng: “Vâng lệnh Trương phu nhân đến nói với chúa công rằng, thế trận không có lợi, mời chúa công quay trở về doanh trại”. Ngay lập tức, Ôn ngoan ngoãn cho quân rút lui quay về doanh trại theo đúng “ý chỉ” của Trương Huệ. Điều đó đủ thấy, Ôn tin tưởng và kính trọng vợ mình đến mức nào.
Chu Ôn bản tính giảo quyệt nên cũng hay đa nghi. Ngoài ra, thời điểm lúc bấy giờ, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, các chư hầu luôn tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, thành ra Chu Ôn rất hay nghi ngờ lòng trung thành của thuộc hạ. Mà cứ hễ nghi ngờ, là Ôn không nề hà gì tới chuyện công trạng hay thân phận đều sai người lôi ra chém đầu ngay tức khắc.
Sự nghi ngờ và giết người bừa bãi của Ôn sẽ gây ra mất đoàn kết trong nội bộ, điều này một người cơ mưu như Trương Huệ hiểu rất rõ. Chính vì vậy, Trương Huệ luôn tìm cách để kiềm chế hành vi của Chu Ôn. Vì kính nể Trương Huệ và mọi việc đều nhất nhất tuân theo ý vợ nên Trương Huệ đã giúp Ôn giữ được không ít tướng tài.
Ngoài giảo quyệt và đa nghi, Ôn còn mắc một “căn bệnh” mang tính “di truyền” của các bậc đế vương, là háo sắc. Trong thời gian Trương Huệ còn sống, Ôn luôn bị Huệ kìm kẹp, giám sát rất chặt chẽ, vì vậy, bao nhiêu sự phóng túng ham muốn, Ôn đều phải đem chôn chặt vào tận đáy lòng. Có lẽ chính vì vậy mà đến khi Trương Huệ mất, Ôn lại đã yên vị trên chiếc ngai vàng triều Hậu Lương, vị Hoàng đế nhà Hậu Lương này được dịp thỏa sức phóng túng hưởng thụ.
Những thành tích trong việc hưởng lạc và bản tính háo sắc của Chu Ôn có thể nói là khó có vị Hoàng đế nào trong lịch sử Trung Quốc có thể bì kịp. Bởi lẽ, đối tượng mà Ôn dùng để thỏa mãn bản tính háo sắc của mình không phải ai khác mà chính là vợ của các quan đại thần, thậm chí là vợ những đứa con của mình.
Sử chép, năm Càn Hóa thứ 2, tức năm 912, Chu Ôn thua trận, trên đường rút chạy trở về thì bị bệnh. Để trị bệnh, sau khi về tới Lạc Dương, Chu Ôn đến ở trong khu vườn Hội Tiết của một quan đại thần trong triều là Trương Toàn Nghĩa để tránh nắng nóng. Thời gian Ôn ở tại vườn Hội Tiết vỏn vẹn có 10 ngày, tuy nhiên, thê thiếp của họ Trương, tất thảy đều bị Ôn gọi vào “hầu ngủ”, dâm loạn cả ngày, không hề chú ý gì tới đạo quân thần.
Ngay cả người vợ bé của Trương Toàn Nghĩa, dù tuổi đã cao, song vẫn còn một chút nhan sắc, Ôn cũng không tha, nhất định cho gọi vào bằng được rồi ép phải hầu hạ phục vụ mình. Chứng kiến hành động của Chu Ôn, con trai của Trương Toàn Nghĩa giận đến mức không thể chịu đựng được nữa, cầm đao định xông vào giết chết Chu Ôn. Tuy nhiên, may mắn cho Chu Ôn, Trương Toàn Nghĩa vì quan cao lộc hậu, đã xông ra đòi sống đòi chết không cho con trai mình phạm tội tày trời.
Thành tích “đáng nể” nhất của Chu Ôn phải nói là chuyện “sủng hạnh” các cô con dâu của mình. Ôn vốn có 7 người con trai, con cả là Hữu Dụ, con thứ lần lượt là Hữu Khuê, Hữu Chương, Hữu Trinh, Hữu Ung, Hữu Huy, Hữu Tư và Hữu Kính. Hữu Dụ chết sớm, được truy phong là Sâm Vương, Hữu Khuê là Sính Vương, Hữu Chương là Phúc Vương, Hữu Trinh là Quân Vương, Hữu Ung là Hạ Vương,… Hữu Kính còn nhỏ nên chưa phong vương tước.
Ngoài 7 đứa con trai, Chu Ôn còn nhận thêm một người con nuôi, tên là Chu Hữu Văn. Chu Hữu Văn vốn họ Khang, tên là Cần. Khang Cần từ nhỏ đã khôi ngô, tuấn tú lại là kẻ thông minh mồm mép nên Ôn nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hữu Văn và phong cho làm Bác Vương.
Mặc dù cả con nuôi lẫn con đẻ, Ôn có tới tám người con khác nhau. Tuy nhiên, từ khi xưng đế vào năm 907, dù tuổi tác đã cao, song Ôn vẫn quyết không lập Thái tử. Tự cho mình sức lực hơn người, Ôn cho rằng mình còn có thể sống nhiều chục năm nữa để hưởng thụ, vì vậy, nếu như lập Thái tử ngay, chẳng hóa ra là lo sợ mình chết sớm hay sao? Tuy nhiên, Chu Ôn dù có sức lực hơn người đến mấy thì cũng không thể tránh được lúc già yếu và chết vì vậy, những đứa con của Ôn vẫn không ngừng nuôi hy vọng sẽ có ngày được lựa chọn trở thành người kế thừa ngai báu.
Trong số 8 người con của Chu Ôn thì Hữu Dụ là con trưởng, vì vậy, ngôi Thái tử vốn thuộc về Dụ. Tuy nhiên, Dụ lại chết quá sớm. Theo lý thì khi con cả là Dụ chết, con thứ là Hữu Khuê đương nhiên trở thành con trưởng và là người kế vị. Tuy nhiên, Khuê lại là một kẻ bất tài và gian xảo không kém vì cha mình, hoàn toàn không có đủ năng lực để trở thành người kế thừa ngai vàng.
Trong số những người con còn lại, Chu Ôn có phần nghiêng về người con nuôi Chu Hữu Văn. Có lẽ vì là con nuôi chứ không phải con ruột nên cả tài năng lẫn phẩm hạnh, Hữu Văn vượt trội hơn so với những Hoàng tử khác. Tuy nhiên, tài năng bao nhiêu thì Hữu Văn vẫn là con nuôi, và việc Ôn thiên vị Hữu Văn đã gặp phản sự phản đối quyết liệt của những người con đẻ. Điều này khiến Ôn đâm ra do dự. Từ đó dẫn đến một cuộc cạnh tranh để giành ngôi vị Thái tử mà hai đối thủ chính là Chu Hữu Văn và Chu Hữu Khuê.
Vợ của Văn và Khuê vì cũng muốn được ngồi lên ngôi mẫu nghi thiên hạ trong tương lai nên chẳng nề hà gì, ra sức tìm cách quyến rũ ông bố chồng háo sắc của mình. Bản tính hoang dâm vô độ, nay mồi ngon lại dâng tới tận miệng, Chu Ôn làm sao từ chối cho đặng. Vì vậy, hai cô vợ của hai người con lần lượt được Ôn triệu vào hậu cung để “hầu ngủ”.
Vì ngôi Thiên tử trong tương lai, Chu Hữu Văn và Chu Hữu Khuê không những không cảm thấy tức giận vì chuyện loạn luân của cha mình, ngược lại, còn lợi dụng chuyện đó để mưu lợi cho mình. Sau mỗi lần ân ái với vị cha chồng hoang dâm, hai cô con dâu lăng loàn có nhiệm vụ là thủ thỉ nói tốt về chồng mình, để một ngày nào đó, chồng của mình được kế thừa ngôi báu. Những tưởng chuyện quái lạ trong thiên hạ cũng chỉ đến mức như vậy mà thôi.
Trong cuộc chạy đua vào vị trí Thái tử, đứa con nuôi Chu Hữu Văn lại chiếm ưu thế. Lý do rất đơn giản: Vợ của Chu Hữu Văn là Vương thị rất xinh đẹp, có thể nói là một trang tuyệt sắc giai nhân. Vì vậy mà Chu Ôn chết mê chết mệt, thường xuyên cho gọi Vương thị vào hậu cung “hầu ngủ”.
Và sau rất nhiều lần được cha chồng “sủng hạnh” như vậy, cuối cùng, Vương thị cũng đã thuyết phục được Chu Ôn nhường ngôi lại cho chồng mình là Chu Hữu Văn. Vợ của Khuê là Trương thị tuy cũng thường xuyên được Chu Ôn “sủng hạnh”, song nhan sắc lẫn công phu trên long sàng vẫn kém Vương thị một bậc thành ra, trong cuộc chạy đua “hối lộ tình dục” này, người con nuôi Chu Hữu Văn lại trở thành kẻ chiến thắng.
Năm 912, Chu Ôn ốm nặng, bệnh tình ngày một nguy kịch, ngai vàng buộc phải lựa chọn người kế vị, Ôn mới nói với Vương thị thông báo cho Chu Hữu Văn vào gặp để dặn dò chuyện hậu sự.
Vương thị vừa đi, Ôn nói với tể tướng Kính Tường rằng: “Hữu Văn kế thừa ngôi báu, các Hoàng tử khác ta không lo, chỉ lo một mình Hữu Khuê”. Kính Tường là quân sư của Ôn từ thời còn chinh chiến trên chiến trường, vì vậy, ông rất hiểu Hoàng tử Hữu Khuê chẳng thua kém gì cha mình về sự gian xảo và phản trắc. Giờ đây, cách duy nhất để Hữu Khuê không có cơ hội “giở trò” là phong cho Khuê làm Thích sử Thái Châu, một vùng đất cách rất xa kinh thành Lạc Dương. Ông nghe nói vậy, cho rằng là phải, sai người lập tức thảo Chỉ dụ.
Tuy nhiên, cả Chu Ôn lẫn Kính Tường đều đã tính sai. Khi Vương thị vui vẻ đi tìm Hữu Văn thì vợ của Chu Hữu Khuê là Trương thị cũng biết được việc này và nhanh chóng sai người báo với Khuê, thúc giục Khuê phải hành động ngay.
Nhận được tin vợ, Khuê thực sự cảm thấy bất mãn. Có phải lão già bệnh nặng quá mà hồ đồ rồi không? Chu Hữu Văn chỉ là con nuôi, còn mình là con đẻ, vì sao lại truyền ngôi cho hắn mà không truyền ngôi cho mình? Giờ lại phong cho mình làm Thích sử ở vùng Thái Châu xa xôi, rõ ràng là có ý đề phòng mình. Nếu mình ngoan ngoãn nghe theo, chắc chắn sẽ bị giết chết. Nếu như cha mình không giết thì sau này khi tên Hữu Văn lên ngôi cũng chẳng tha cho mình. Chi bằng phải liều một phen.
Nghĩ vậy, Chu Hữu Khuê quyết định lợi dụng đội quân cấm vệ bảo vệ Hoàng cung cùng với quân đội của những tay chân thân tín của mình phát động chính biến. Đêm ngày 18/7/912, khi bệnh tình Chu Ôn đang trở nên nguy cấp thì cậu con trai Chu Hữu Khuê cùng tay chân của mình xông vào bên trong. Chu Ôn giật mình tỉnh dậy, hỏi: “Kẻ nào làm phản?”. Chu Hữu Khuê nói: “Ông đoán xem!”. Chu Ôn nghe thấy giọng của Chu Hữu Khuê, quát: “Quả là mày. Thằng súc sinh, mày giết cha, trời đất khó dung!”.Khuê nổi giận đùng đùng, còn quát to hơn: “Lão tặc đáng phải băm vằm thành trăm mảnh!”. Lúc này, Chu Ôn biết mình gặp nguy, bệnh tình cũng bay biến đâu mất hết, lồm cồm bò dậy bỏ chạy. Không ngờ, chưa kịp chạy bao xa đã bị một thuộc hạ của Chu Hữu Khuê đuổi kịp đâm một đao ngay giữa bụng, chết ngay tại chỗ. Chu Hữu Khuê lệnh cho thuộc hạ lấy thảm bọc thi thể của cha mình rồi đem chôn ngay dưới nền của hậu cung.
Chu Hữu Khuê còn làm giả Chiếu chỉ, ra lệnh cho quân lính đóng ở Đông Đô dưới sự chỉ huy của Quân Vương Hữu Chinh đem quân tiêu diệt Hữu Văn. Chu Hữu Chinh không biết thật giả, lập tức đem quân đến bắt Hữu Văn rồi giết ngay tức khắc. Vợ của Hữu văn là Vương thị chưa kịp tìm gặp chồng, đã bị quân của Hữu Khuê giết nốt.
Sau khi mọi việc đã xong xuôi, Hữu Khuê ra lệnh cho quan hầu cận của Hoàng đế thảo một bức chiếu thư giả nói: “Ta trải qua ba mươi năm chinh chiến mới giành được thiên hạ, nay mới yên vị trên ngai vàng được vỏn vẹn 6 năm, thiên hạ thái bình. Thế mà tên con nuôi Chu Hữu Văn lại muốn làm phản. Tối qua, y cho thích khách vào hậu cung ám sát ta. May có Hữu Khuê phát hiện kịp thời, giết chết thích khách rồi diệt luôn Chu Hữu Văn, bảo vệ cho ta. Tuy nhiên, lần ám sát này khiến ta cảm thấy lo lắng nên bệnh ngày một nặng thêm. Nay ta giao lại tất cả công việc của triều đình cho con trai ta là Chu Hữu Khuê”.
Tuy nhiên, con giết chết cha chưa phải là tấn thảm kịch duy nhất mà sự dâm loạn của Chu Ôn gây ra. Chỉ ít lâu sau đó, gia tộc họ Chu lại phải gánh thêm một bi kịch khác: em giết chết anh để đoạt ngôi báu.
Chu Hữu Khuê giết chết cha mình rồi lên ngôi. Tuy nhiên, những người anh em của Khuê biết hành động của y, cảm thấy không phục, đặc biệt là Quân Vương Hữu Trinh, người đã bị Khuê lừa giết chết Hữu Văn. Vì vậy, ít lâu sau đó, Hữu Trinh mượn cớ “diệt nghịch tặc, báo thù lớn”, kết hợp với quân đội của Dương Sư Hậu nổi dậy chống lại Hữu Khuê.
Khuê vốn không phải là kẻ tài năng đức độ, lại là kẻ giết chết cha ruột của mình để cướp ngôi nên không được lòng binh lính. Chu Hữu Trinh đã lợi dụng điều này, mua chuộc được lực lượng cấm vệ quân bảo vệ hoàng cung. Vì vậy, khi quân của Hữu Trinh tấn công vào kinh thành, trong ngoài phối hợp đã nhanh chóng tiêu diệt Chu Hữu Khuê.
Sau khi giết chết người anh của mình, đến lượt Chu Hữu Trinh lên ngôi báu. Tuy nhiên, Trinh cũng chẳng khá hơn cha và anh mình là bao nhiêu. Sau khi lên ngôi, Trinh trọng dụng Triệu Nham, người có công giúp mình đoạt được ngôi báu.
Tuy nhiên, Nham là kẻ chẳng có tài cán gì ngoài việc ăn của đút lót và gây bè kéo cánh. Kết quả, các quan triều đình hoành hành bá đạo, gây khổ cho dân, từ đó dẫn tới cuộc khởi nghĩa của nông dân Trần Châu. Cuộc khởi nghĩa Trần Châu mặc dù không thành, tuy nhiên, nó chứng tỏ triều đình Hậu Lương của ông Vua háo sắc Chu Ôn đã tới hồi kết thúc. Và quả thực, chỉ vài năm sau đó, nhà Hậu Lương bị diệt vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét