Tân Hoa Xã ngày 3/8 đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đang ở thăm Thái Lan hôm qua 2/8 đã đưa ra 3 giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời nhấn mạnh 3 cách này có thể tiến hành đồng thời cùng một lúc.
Tuyên bố trên được ông Nghị đưa ra trong cuộc họp với cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Surukiat Sathirathai, hiện là Chủ tịch Hội đồng Hòa giải và hòa bình châu Á.
Đầu tiên, ông Nghị cho rằng cách giải quyết tranh chấp Biển Đông là đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn và “đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan”. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh đây là cách cơ bản và là cách duy nhất có thể dẫn đến giải pháp cuối cùng.
Ông Nghị nói rằng Trung Quốc luôn mở cửa để đối thoại với tất cả các bên tranh chấp.
“Cáo buộc rằng đàm phán song phương không thể tiến triển là không đúng sự thật và vô căn cứ”, Vương Nghị nói, ý muốn đề cập tới tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines “kiệt sức” sau 17 năm nỗ lực đàm phán với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, cách thứ 2 giải quyết tranh chấp Biển Đông là tiếp tục thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trong khi dần thúc đẩy tham vấn về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Vương Nghị cho rằng cả DOC và COC không phải là giải pháp cho cách tranh chấp nhưng có ý nghĩa bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đồng thời ông Nghị cáo buộc, COC bị gián đoạn “bởi hành vi của một số cá nhân và Trung Quốc không muốn thấy điều đó xảy ra một lần nữa.
Cách thứ 3, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng đó là tìm cách khai thác chung. Ông cho rằng cần phải mất thời gian để tìm một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp biển Đông, trước khi đạt được điều đó các bên liên quan nên cùng nhau tìm cách khai thác chung trên cơ sở cùng có lợi, mang lại lợi ích cho nhau.
Ông Nghị nói thêm, khai thác chung không chỉ là vấn đề kinh tế mà có thể gửi những tín hiệu đến cộng đồng quốc tế rằng các bên tranh chấp trong khu vực sẵn sàng giải quyết tranh chấp theo hướng hợp tác.
Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế.
Trong 3 giải pháp ông Nghị nêu ra, đáng chú ý có giải pháp thứ nhất khi trật tự câu từ có sự thay đổi so với trước, thay vì “đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan”, ông đưa ra phương án “đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp”.
Điều này có thể hiểu, thay vì đàm phán tay đôi với từng nước như quan điểm Trung Quốc vẫn kiên trì, có thể Bắc Kinh đã chấp nhận đàm phán với ASEAN, hoặc chí ít là với cả 4 nước 5 bên còn lại trong tranh chấp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Về giải pháp thứ 2, tiếp tục thực hiện DOC và trong khi tham vấn COC là biện pháp duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng mang ý nghĩa tích cực.
Nhưng cần lưu ý rằng trên thực tế có nhiều dấu hiệu khiến dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ thành ý thực sự của Trung Quốc trong việc tuân thủ DOC, đặc biệt là thiện chí đàm phán ký kết COC.
Giải pháp thứ 3, hợp tác cùng khai thác ở Biển Đông có lẽ không phải là một biện pháp khả thi trong bối cảnh ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc chiều 30/7 vừa qua đưa ra cái gọi là “phương châm” đàm phán hợp tác không thể chấp nhận: “Chủ quyền thuộc về Trung Quốc, gác lại tranh chấp cùng nhau hợp tác”.
Những nỗ lực của ông Nghị về mặt ngoại giao là đáng hoan nghênh và ghi nhận, nhưng để biến nỗ lực ấy thành thực tế, người ta cần thấy thiện chí thực sự của Trung Quốc bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói.
Đặc biệt, muốn các hoạt động đàm phán đưa đến kết quả các bên có thể chấp nhận được thì điều kiện tiên quyết là phải bỏ mệnh đề tiên quyết “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” mà Bắc Kinh đang giăng ra trước đàm phán.
(BGD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét