VOV.VN - Giới quan sát cho rằng các cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng đáng lo ngại.
Dẫn thông tin trên Stars and Stripes, trang thông tin của quân đội Mỹ, ngày 30/7, Press TV cho biết, bằng việc gửi máy bay đến một loạt nước như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và Australia, Không quân Mỹ đang “hiện thực hóa” kế hoạch mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự của mình ở Thái Bình Dương trong năm nay".
Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Ustda.gov) |
Trả lời phỏng vấn của Press TV ngày 2/8, ông Gordon Duff, một biên tập viên cao cấp của Veterans Today cho rằng, việc mở rộng quân sự của Mỹ, đặc biệt là không quân, ở Thái Bình Dương đã được lên kế hoạch trong vòng 2-3 năm. Có thể coi kế hoạch đó là một “phản ứng trực tiếp” cho những gì người Mỹ nhìn thấy và coi là hành động khiêu khích của Trung Quốc".
Mới đây, Thượng viện Mỹ cũng đã ra Nghị quyết “tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp về quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với lãnh hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” sau khi có tin tàu Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) thuộc quyền quản lý của Nhật Bản.
Ông Gordon Duff cho rằng “các cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên đáng lo ngại”.
Trước đó, Mỹ đã thông báo kế hoạch tăng viện trợ quân sự hàng năm cho Philippines lên 50 triệu USD vào năm tài chính tới. Đây được xem là mức hỗ trợ quân sự lớn nhất của Mỹ đối với Philippines kể từ khi quân đội Mỹ quay trở lại Philippines từ năm 2000. Kể từ năm 2002 đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Philippines các khoản hỗ trợ quân sự trị giá 312 triệu USD cùng các loại trang thiết bị quân sự khác.
Bên cạnh đó, Washington cũng gia tăng các cuộc tập trận chung với Philippines và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận quân sự là một phần trong chính sách “xoay trục châu Á” của chính quyền Obama có liên quan đến việc tái thiết lập lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như tăng cường sức mạnh cho các đồng minh quân sự và các đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực này.
Giới quan sát cho rằng những nỗ lực của Mỹ trong việc tăng sự hiện diện của mình trong khu vực là nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, đang nổi lên như một mối đe dọa lớn nhất đối với quyền bá chủ của Mỹ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét