Trái ngược với phong tục tại một số quốc gia khác, của hồi môn mà gia đình cô dâu phải đưa tới gia đình chú rể là một thực trạng xã hội đã tồn tại khá lâu ở Ấn Độ. Chú rể thường yêu cầu của hồi môn trong đó bao gồm một khoản tiền lớn, các vật nuôi, đồ nội thất, và các thiết bị điện tử, dẫn tới một thực tế ngày càng nhiều cô gái ở Ấn Độ khó lấy chồng. Đây được xem là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với những cô gái không có hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu của vị hôn phu hoặc nhà trai của họ.
Nếu bạn nghĩ nguy cơ bị hủy hôn là nỗi lo ngại cao nhất, thì bạn đã nhầm. Thực tế tàn khốc hơn gấp bội. Hầu hết các sự cố mà cô dâu gặp phải nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về của hồi môn của nhà trai thường được báo cáo là bị bỏng ở trong bếp hoặc được ngụy trang thành một vụ tự tử. Đây là một bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của các định kiến có nguồn gốc sâu xa đối với phụ nữ Ấn Độ.
Mặc dù đã bị cấm theo luật pháp từ năm 1961, nhưng việc “đào mỏ” của hồi môn từ gia đình cô dâu trước khi kết hôn vẫn thường xảy ra. Khi số lượng của hồi môn không đủ theo yêu cầu, cô dâu thường bị quấy rối, bị lạm dụng và phải sống rất khổ sở. Việc hành hạ cô dâu có thể lên tới đỉnh điểm khi người chồng tương lai hoặc gia đình nhà chồng thiêu sống cô dâu. Thường thì họ dùng dầu hỏa đổ lên khắp người cô gái rồi bật lửa thiêu cháy. Và trong những trường hợp như vậy, hiếm cô dâu nào có thể sống sót được.
Trên thực tế, số lượng các vụ giết người vì thiếu của hồi môn ngày càng tăng lên. Vào năm 1988, có khoảng 2.209 phụ nữ bị giết chết trong những vụ thảm sát có liên quan tới của hồi môn và con số ấy vào năm 1990 là 4.835. Lưu ý rằng, đây mới chỉ là những vụ việc chính thức được gia đình nạn nhân báo cáo rằng đó là một vụ giết người, còn những cái chết thảm không được báo cáo hoặc báo cáo như một rủi ro thông thường khác chưa hề có số liệu thống kê.
Tuy nhiên, giới chức địa phương hiếm khi xác nhận những vụ việc như vậy xảy ra, bởi vì “hung thủ” thường lấp liếm báo cáo lên rằng đó là một vụ tai nạn hoặc một vụ tự tử mà thôi. Ở Delhi, gần như cứ 12 giờ lại có một phụ nữ bị thiêu chết.
Một thực tế đáng buồn là tại Delhi, có tới 90% các trường hợp phụ nữ bị thiêu sống tới chết được báo cáo là gặp tai nạn, 5% được báo cáo là tự tử và chỉ có 5% còn lại được xem là một vụ giết người.
Theo thống kê của chính phủ, có tổng cộng 5.377 ca tử vong trong năm 1993 và con số này tăng 12% so với năm 1992. Mặc dù luật pháp ở Ấn Độ trừng phạt rất nghiêm khắc những kẻ giết người vì của hồi môn, tuy nhiên, hiếm khi có người bị kết án do thẩm phán (thường là nam giới) thường không quan tâm tới vụ việc hoặc dễ bị hối lộ.
Hiện tại, tỷ lệ phụ nữ đã có chồng bị sát hại do của hồi môn ở các huyện Hamirpur, Mandi và Bilaspur của tỉnh Himachal Pradesh đang ở trong tình trạng báo động.
(HTCS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét