VOV.VN - Dư luận không mấy lạc quan về triển vọng Hiệp ước hòa bình có thể được ký kết trong vòng 9 tháng.
Cuối tuần qua, Israel và Palestine nhất trí sẽ tiếp tục gặp nhau vào giữa tháng 8 để bắt đầu các cuộc thương lượng, thực chất với mục tiêu ký kết được một hiệp định hòa bình trong vòng 9 tháng. Đây có thể là những tín hiệu tích cực của tiến trình hòa bình Trung Đông vừa được nối lại sau gần 3 năm bế tắc. Tuy nhiên, với những bất đồng vẫn còn chưa được hóa giải, dư luận cũng không mấy lạc quan về triển vọng Hiệp ước hòa bình có thể sớm được kí kết.
Khu định cư Maaleh Adumim của Israel ở Bờ Tây (Ảnh: Press TV) |
Israel và Palestine đã bắt đầu nối lại các cuộc đối thoại hòa bình tại Mỹ vào cuối tuần trước. Người Mỹ đã chuẩn bị cho cuộc gặp một cách khá cẩn trọng nhằm tạo ra một bầu không khí ban đầu thuận lợi: Không có các vấn đề phức tạp bấy lâu nay giữa Israel và Palestine như qui chế của Đông Jerusalem. Kết quả cuộc gặp được coi là khá tích cực và điều quan trọng nhất là hai bên quyết định sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, hiện vẫn còn quá sớm để có thể lạc quan như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Hiệp ước hòa bình có thể được ký kết trong vòng 9 tháng.
Chuyên gia phân tích về Israel của Viện Nghiên cứu Phương Đông tại Nga Dmitry Mariyasis nhận định, hòa bình đang tiến gần đến người dân Israel và Palestine hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã chứng minh rằng điều này hoàn toàn không dễ dàng. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng cho rằng, Israel và Palestine có thể kí một hiệp ước hòa bình vào năm 2000 nhưng 13 năm đã trôi qua mà điều đó vẫn chưa xảy ra.
Theo ông Mariyasis, không có nhiều hy vọng cho việc hòa bình có thể sớm đến với người dân Israel và Palestine. Trưởng đoàn đàm phán của Israel trong các cuộc đối thoại với Palestine, ông Tzipi Livni cũng cho rằng, sự chân thành và nghiêm túc của các bên quan trọng hơn việc đặt ra hạn chót cho các cuộc đàm phán.
Ông Livni nêu rõ: “Chúng tôi cần hòa bình với người Palestine vì điều đó nằm trong lợi ích của Israel. Chúng tôi đang đặt mọi phương án lên bàn đàm phán nên cần phải có thời gian. Mọi thứ đều rất phức tạp và cần phải đưa ra các quyết định khó khăn. Vấn đề không phải là thời gian biểu, mà quan trọng hơn là sự nghiêm túc và chân thành của cả hai bên trong các cuộc đàm phán”.
Chuyên gia phân tích Sergei Seregichev của Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) cho rằng, hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng và chưa có bất cứ cách tiếp cận mới nào để giải quyết. Vấn đề của một nhà nước Palestine đó là người tị nạn và lãnh thổ. Nếu một đất nước Palestine tách biệt được thành lập họ sẽ làm gì với hàng triệu người Arab đang sinh sống trên lãnh thổ Israel? Vấn đề thứ 2 là quy chế của Jerusalem. Thành phố này có được chia cho người Palestine để họ lập thủ đô hay không và nếu có, sẽ chia như thế nào và vào thời điểm nào?
Thực tế là Israel đã sẵn sàng nhất trí thành lập một nhà nước Palestine độc lập nhưng không kèm theo các điều kiện tiên quyết và không bao gồm khu vực mà nước này đang chiếm đóng. Trong khi đó, người Palestine muốn lấy lại những khu vực đang bị Israel chiếm đóng, thành lập một nhà nước với đường biên giới năm 1967.
Thực tế là Israel đã sẵn sàng nhất trí thành lập một nhà nước Palestine độc lập nhưng không kèm theo các điều kiện tiên quyết và không bao gồm khu vực mà nước này đang chiếm đóng. Trong khi đó, người Palestine muốn lấy lại những khu vực đang bị Israel chiếm đóng, thành lập một nhà nước với đường biên giới năm 1967.
Chính quyền Palestine cũng cam kết rằng bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong các cuộc đối thoại với Israel cũng sẽ được đưa ra tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Phong trào vũ trang Hamas hiện đang kiểm soát dải Gaza thì không mấy ủng hộ các cuộc đối thoại hòa bình Israel và Palestine. Do đó, chính phủ Palestine khó có thể nhận được sự ủng hộ của toàn bộ người dân.
Dự kiến Israel và Palestine sẽ có cuộc gặp trong vòng tuần thứ 2 của tháng 8 tại Israel. Israel sẽ thông qua việc thả 104 tù nhân Palestine nhằm tạo không khí tích cực cho các cuộc đàm phán trước khi đối thoại diễn ra.
Để có thể tạo nên những bước đột phá giúp phá vỡ những bế tắc về hòa bình Trung Đông bấy lâu nay là một điều hoàn toàn không dễ dàng nhưng việc Israel và Palestine cùng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sau nhiều năm đình trệ cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với hòa bình Trung Đông./.
Để có thể tạo nên những bước đột phá giúp phá vỡ những bế tắc về hòa bình Trung Đông bấy lâu nay là một điều hoàn toàn không dễ dàng nhưng việc Israel và Palestine cùng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán sau nhiều năm đình trệ cũng là một tín hiệu đáng mừng đối với hòa bình Trung Đông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét