Mỹ đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan tại Ai Cập. Ảnh: Internet.
|
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại Ai Cập trong suốt một thời gian dài vừa qua cho thấy dường như Washington không hề có một kịch bản dựng sẵn để sớm ổn định tình hình theo ý muốn của mình.
Mỹ đang bất lực?
Theo một số nhà phân tích, thời điểm này, Mỹ đâu còn trong tay quyền lực "khuynh đảo' thế giới như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nữa. Và khả năng áp đặt chính sách đối với một quốc gia khác, chưa nói là một nước lớn và nằm ở cách xa như Ai Cập, dường như ngày càng xa tầm với của 'chú Sam'.
Tình hình Ai Cập cho thấy Mỹ không thể tìm tiếng nói chung với giới quân sự cũng như Tổ chức Anh em Hồi giáo. Chính quyền Obama cũng chưa có lựa chọn thay thế nào hợp lý khi mà các nhân vật trẻ có khả năng kỹ trị, nói tiếng Anh và chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khó có thể xoay sở trong vai trò lãnh đạo đất nước. Thực tế, cuộc bầu cử vừa qua đã chứng minh rằng số nòng cốt trẻ tuổi này chỉ nhận được một phần nhỏ sự ủng hộ của dân chúng Ai Cập, và người ta không biết Tổng thống Barack Obama sẽ làm thế nào để biến họ thành các nhân vật lãnh đạo có sức lôi cuốn hơn.
Trên thực tế, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có rất nhiều yếu tố đã tác động lớn đến các chính sách của Trung Đông. Ngay cả khi Mỹ đã trở thành một nhân tố quan trọng trong nền chính trị Ai Cập, thì với nước này, Mỹ còn lâu mới trở thành nhân tố duy nhất.
Cũng có thể nhận định tương tự nếu xét tình hình ở góc độ kinh tế thuần túy. Chẳng hạn, vài ngày trước khi Tổng thống Mohamed Morsi bị quân đội phế truất, các nhà lãnh đạo của các nền quân chủ vùng Vịnh - gồm Arabia Saudi, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đã nhất trí viện trợ tổng cộng 12 tỷ USD cho Ai Cập, một khoản tiền cao gấp 8 lần viện trợ của Mỹ trong năm 2013. Điều này nói lên rằng nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ai Cập, Cairo sẽ bị giáng một đòn mạnh nhưng chắc chắn đó không phải là thảm họa.
Thực tế, Mỹ đã không quyết định như vậy và đây là lý do giải thích tại sao chính quyền Obama đã tìm mọi cách tránh gọi việc phế truất ông Morsi là đảo chính, nhằm lách quy định pháp lý của nước này (luật pháp Mỹ quy định Mỹ sẽ tự động ngừng viện trợ cho một chính phủ nước ngoài nếu chính phủ đó được hình thành từ một cuộc đảo chính).
Lời giải nào cho Ai Cập
Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn chưa có thái độ dứt khoát là ủng hộ bên nào tại Ai Cập mà chỉ nói chung chung là mong muốn một nền dân chủ thực sự tại quốc gia này. Mới đây thôi, ngày 3/8, trong chuyến thăm Ai Cập, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns lại tiếp tục điệp khúc tương lai của Ai Cập là do người dân nước này tự quyết định và không nên có bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài.
Thái độ lập lờ của Mỹ khiến mọi người nhớ lại hồi đầu năm 2011, khi dân chúng Ai Cập tràn ngập đường phố thủ đô Cairo đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, ông Obama là người đầu tiên trong hàng ngũ lãnh đạo các quốc gia đồng minh lên tiếng “gợi ý” ông Mubarak phải ra đi. Gần 2 năm rưỡi sau đó, khi người dân Ai Cập lại tràn ra đường đòi lật đổ chính vị tổng thống họ đã bầu lên, không thấy ông Obama có thái độ cương quyết như trước.
Ngay cả khi quân đội đưa tối hậu thư buộc Tổng thống Morsi phải từ chức cũng không thấy phản ứng gì từ Nhà Trắng, ngoài lời tuyên bố cho biết từ lâu nước Mỹ "không phải còn giữ vai trò chọn người lãnh đạo cho Ai Cập" vì quyết định đó "là quyết định của chính người dân Ai Cập".
Giờ đây, phần lớn giới phân tích đều thừa nhận Mỹ không còn duy trì đầy đủ ảnh hưởng từng có trước đây tại Trung Đông. Tuy thế, Washington vẫn muốn duy trì một ảnh hưởng nhất định Cairo cũng như một quan hệ tổng thể với chính phủ Ai Cập, cho dù người đứng đầu là ai, năng lực và uy tín như thế nào cũng không mấy quan trọng. Để làm điều này, chính quyền Tổng thống Obama cần phải nỗ lực hơn và với một tư duy sáng tạo hơn nữa.
Lê Hoàng (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét