Tân tổng thống Hassan Rowhani (thứ ba từ phải sang) được lãnh đạo tối cao của Iran trao quyền lực. Ảnh: AFP
|
Ông Hassan Rowhani, 64 tuổi, là một giáo sĩ, nhận chức vụ từ người tiền nhiệm theo đuổi đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad. Sau hai nhiệm kỳ 4 năm của cựu tổng thống, Iran trải qua nhiều thách thức trong nước, bị cô lập quốc tế và vật lộn với các khó khăn về kinh tế.
"Con đường duy nhất để tương tác với Iran là thông qua đàm phán trên cơ sở bình đẳng, dựa trên sự tin tưởng mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và làm giảm trạng thái thù địch", tân Tổng thống Rowhani phát biểu sau khi tuyên thệ trước quốc hội.
"Nếu muốn có một câu trả lời tích cực, đừng nói chuyện với Iran bằng giọng điệu trừng phạt mà hãy nói bằng những lời lẽ tôn trọng", ông nói và cho biết thêm rằng Iran sẽ "không đầu hàng trước trừng phạt và không bị dọa dẫm bởi chiến tranh". Tổng thống Iran nhắc đến những lệnh trừng phạt và đe dọa của các nước phương Tây với chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi bấy lâu nay.
Washington nhanh chóng có phản hồi trước tuyên bố của ông Rowhani, nói rằng Iran sẽ thấy Mỹ là một "đối tác sẵn sàng" nếu tân tổng thống Iran hợp tác.
"Nếu chính phủ mới của Iran lựa chọn thực hiện tích cực và nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế của mình và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề này, thì sẽ thấy rằng Mỹ là một đối tác luôn luôn sẵn sàng",AFP dẫn thông báo của Nhà Trắng cho hay.
Tại Tehran, Tổng thống Rowhani cũng nói rằng mục tiêu chính của ông là nâng cao đời sống của nhân dân Iran, và thừa nhận đất nước đang chịu "nhiều áp lực kinh tế" vì sự trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu vì chương trình làm giàu uranium của Iran.
Ông cũng cho biết chính phủ sẽ đi theo đường lối ôn hòa, tạo sự tin tưởng lẫn nhau và tương tác mang tính xây dựng. "Tôi xin nói một cách thẳng thắn rằng chưa bao giờ Iran có ý định khiêu chiến với thế giới".
Phát biểu của ông Rowhani trái ngược hẳn với người tiền nhiệm Ahmadinejad luôn có những lời lẽ thù địch với Israel.
Ông Rowhani chính thức bắt đầu công việc từ hôm 3/8 trong một buổi lễ nhỏ có sự tham dự của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran có quyền quyết định trong các vấn đề trọng đại của đất nước, bao gồm vấn đề hạt nhân. Tân tổng thống Iran đã đệ trình lên quốc hội đề cử thành phần nội các và quốc hội có 10 ngày để xem xét các đề cử.
Phát biểu của tổng thống mới của Iran cũng nhận được phản ứng từ Israel, quốc gia Trung Đông duy nhất có vũ khí hạt nhân mà không công khai, cũng là kẻ thù số một của Iran. "Vị trí tổng thống Iran có thể thay đổi nhưng mục tiêu của chính phủ thì không đổi", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp nội các của Israel.
Vũ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét