Tổng thống Obama vẫn giữ im lặng, còn các chính khách Mỹ phản ứng quyết liệt về việc Nga trao quy chế tị nạn cho cựu nhân viên CIA Snowden. Thượng nghị sĩ J. McCain cho rằng, Nga đã tát vào mặt người Mỹ.
Snowden đang gây sóng gió trong quan hệ Nga - Mỹ. |
Tị nạn
Ngày 1/8, sau buổi trưa, nhân viên phân tích thông tin Eduard Snowden nhận được quy chế tị nạn tạm thời tại nước Nga, và rời khỏi khu quá cảnh sân bay Sheremetievo trên một chiếc taxi.
Theo một nguồn tin khác, Snowden đi trên chiếc xe sơn màu xám không có các dấu hiệu nhận dạng. Vấn đề an toàn cá nhân giờ đây được cho là ưu tiên số một đối với cựu nhân viên CIA và NSA này.
Báo Nga trích dẫn ITAR-TASS, thông tin, Eduard Snowden rời sân bay Sheremetievo lúc gần 15h30 (giờ Moscow). Nguồn tin tại cơ quan biên phòng cho biết: “Các giấy tờ, công văn cần thiết từ Cục nhập cư liên bang, mà căn cứ vào đó người này được phép hiện diện trên lãnh thổ Liên bang Nga, đã được chuyển tới các cơ quan kiểm soát biên phòng”.
Đài tiếng nói nước Nga đặt các câu hỏi về chủ đề Snowden cho các chuyên gia phân tích. Luật sư của cựu nhân viên mật vụ Mỹ Anatoli Kucherena cho biết, Snowden rời khỏi sân bay một mình trên chiếc taxi thông thường.
Ông bổ sung thêm: “Snowden được cấp giấy chứng nhận về việc tị nạn tạm thời trên lãnh thổ Liên bang Nga. Theo pháp luật hiện hành của nước Nga, giấy phép được cấp này có giá trị 1 năm. Nghĩa là, anh ta được phép ở trên lãnh thổ Liên bang Nga trong 1 năm”.
* Những cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, 43% người Nga được hỏi, ủng hộ việc trao quy chế tị nạn cho Snowden, còn 51% hoan nghênh hành vi tố giác của cựu nhân viên CIA.
* Luật sư Kucherena nói, ông nhận được rất nhiều thư của người Nga, đề nghị cấp nhà ở cho Snowden, bảo vệ và chu cấp tiền cho người này. Ông cũng nói, có nhiều bức thư của những phụ nữ quan tâm đến Snowden một cách vô cùng lãng mạn.
* The Guardian thông tin, Snowden có ý định gặp cha mình, ông Lone Snowden. Luật sư Kucherena cho biết, ông đã gửi giấy mời đến "Snowden cha", để ông có thể nhận được thị thực đến Nga.
|
Luật sư cũng nhận định rằng, Snowden có những người bạn Mỹ ở Nga, họ sẽ giúp đỡ.
Ông Sergei Markov - Thành viên Viện xã hội - Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế Nga mang tên Plekhanov, cho rằng, Snowden sẽ ở lại nước Nga một khoảng thời gian.
Ông này phân tích: “Người Mỹ tiếp tục phong tỏa sự hiện diện của Snowden ở Nga, trong khi ông ta buộc phải ở lại nước Nga. Chúng tôi không thể trao trả Snowden vì một số nguyên nhân. Thứ nhất về mặt luật pháp, chúng tôi không có thỏa thuận với Mỹ về việc nhất thiết phải trao trả tội phạm cho nhau, mặc dù đã nhiều lần đề nghị họ ký kết một hiệp định như thế. Ngoài ra, Snowden không hề vi phạm bất cứ bộ luật nào của chúng tôi. Mà ở Mỹ, người ta dọa tra tấn, tòa án bất công và tử hình”.
Aleksandr Sorkin (Đài tiếng nói nước Nga) thông tin, các tổ chức bảo vệ pháp luật Đức đã trao tặng Eduard Snowden “Giải thưởng tố giác 2013”.
“Giải thưởng tố giác” được Liên đoàn các nhà khoa học Đức và Phân hội Đức của Hội luật gia quốc tế chống vũ khí hạt nhân chuẩn y. Tổ chức này cho rằng, Snowden đã hành động dũng cảm và xã hội rất cần những con người như thế. Bằng cách đó, họ muốn nhấn mạnh vấn đề phải bảo vệ các nhân viên thông tin đứng ra tố giác.
"Phát điên"
Fox News đưa tin, việc Snowden được trao quy chế tỵ nạn tại Nga làm các đại biểu Quốc hội Mỹ “phát điên”. Thượng nghị sỹ (đảng Cộng hòa) Lindsey Graham cho rằng, ông Putin không tôn trọng ông Obama.
“Nếu thông tin nêu trên phù hợp với thực tế, thì Washington cần coi điều này như một sự đứt gãy trong các mối quan hệ với Nga”- InoTV trích dẫn lời thượng nghị sỹ Lindsey Graham.
Ông này gọi quyết định của Nga là sự khiêu khích và “biểu hiện thiếu tôn trọng Tổng thống Obama của ông Putin”. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ “đáp lại quyết định của nước Nga một cách cứng rắn”.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney phát biểu: “Chúng tôi vô cùng thất vọng vì quyết định của chính phủ Nga, bất chấp yêu cầu chính thức rõ ràng và hợp lý của chúng tôi đề nghị dẫn độ Snowden về Mỹ trong các cuộc hội đàm riêng”.
Ông cũng xác nhận, Moscow không thông báo trước cho Mỹ về quyết định cấp cho Snowden quy chế tỵ nạn chính trị.
Thượng nghị sỹ John McCain còn tuyên bố cứng rắn hơn: “Quyết định của nước Nga hôm nay là điều không thể chấp nhận được. Mục đích của quyết định đó là hạ nhục nước Mỹ. Đó là cái tát vả vào mặttất cả người Mỹ. Đã tới lúc chúng ta phải xem xét lại một cách căn bản các mối quan hệ với nước Nga thời Putin”.
Ông McCain đưa ra loạt đề nghị chống lại nước Nga: Đề nghị mở rộng danh sách Magnitski (Đạo luật Magnitski cấm nhập cảnh vào Mỹ những công dân Nga vi phạm quyền con người), kiên quyết ủng hộ kết nạp Georgia vào NATO và xúc tiến chương trình phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Ông Obama đang đau đầu vì vụ Snowden. |
Im lặng
Tổng thống Obama chưa có phát ngôn đáp trả quyết định của Moscow về Snowden. Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Yemen, một số nhà báo đề nghị ông Obama bình luận về trường hợp Snowden. Thay cho lời đáp, ông chỉ mỉm cười và nói: “Cám ơn tất cả”.
Phóng viên The Guardian là A Long, L. Harding và P. Lewis nhận định, Tổng thống Nga V.Putin cũng không đưa ra bình luận nào về vụ Snowden. Nhưng ông đã cân nhắc, trong vòng vài tuần lễ, tất cả phương án có thể diễn ra.
Các tác giả cho rằng, dường như ông đã khẳng định giá trị tuyên truyền của Snowden lớn hơn tất cả mọi hậu quả dự kiến liên quan các mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Cảm ơn
Snowden đã cảm ơn nước Nga trao cho mình quy chế tỵ nạn. Trên website Wikileaks, người này nói, chính phủ Mỹ bị buộc tội không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của Snowden nêu rõ: “Trong khoảng thời gian 8 tuần qua, tôi thấy chính quyền Obama thể hiện thái độ thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và luật pháp Mỹ như thế nào. Nhưng cuối cùng, công lý đã chiến thắng. Tôi cám ơn Liên bang Nga vì đã cho phép tôi tỵ nạn phù hợp với luật pháp của đất nước và những cam kết quốc tế”.
|
Đỗ Ngọc Inh
Theo Bình luận quân sự - Nga
Theo Bình luận quân sự - Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét