Hết phi tần lại đến hoàng hậu của vua Mông Cổ tìm đến với Hoàng Thái Cực - hoàng đế nhà Thanh, kẻ tiêu diệt chồng họ - xin làm vợ ông.
Vào đầu thời kỳ nhà Thanh, các cuộc hôn nhân của hoàng đế hầu hết đều mang màu sắc chính trị. Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người được coi là ông vua sáng lập nên triều Thanh, có 14 người vợ được ghi chép trong sử sách thì 7 người là kết quả của những cuộc liên minh chính trị. Tới thời Thanh Thái tông Hoàng Thái Cực, cũng có tới 7 người vợ Mông Cổ, chiếm tới một nửa số phi tần chính thức.
Thời Thanh Thế tổ Phúc Lâm, số phi tần xuất thân từ Mông Cổ cũng có tới 6 người, chiếm tới một phần ba hậu cung… Chính vì phong trào hôn nhân chính trị rất thịnh hành mà các cuộc hôn nhân của vua triều Thanh trở nên vô cùng lạ lùng. Trong số đó, có lẽ chuyện hôn nhân của Thanh Thái tông Hoàng Thái Cực là kì lạ nhất.
Ông vua tài ba và tham vọng
Hoàng Thái Cực sinh năm 1592, là con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, và là hoàng đế thứ hai của nhà Thanh. Mặc dù xếp ở vị trí thứ hai song thực chất chính Hoàng Thái Cực chứ không phải cha mình đã xây dựng nên Thanh triều. Năm 1627, ở tuổi 35, sau khi đánh bại tất cả những người anh em của mình trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực, Hoàng Thái Cực đã chính thức lên ngôi Đại Hãn nhà Hậu Kim. Sau khi lên ngôi, Hoàng Thái Cực không ngừng củng cố quyền lực.
Năm 1631, 4 năm sau khi nắm quyền Đại Hãn, Hoàng Thái Cực quyết định tiêu diệt thế lực của anh trai là Đại bối lặc Đại Thiện, người nắm giữ một quyền hành rất lớn trong triều đình, có quyền ngồi ngang hàng với Đại Hãn. Tới năm 1635, nhân một lỗi nhỏ của Đại Thện, Hoàng Thái Cực đã hợp các Kỳ chủ Bát Kỳ và quan lại sáu bộ để định tội Đại Thiện. Ông ta bị tước bỏ ngôi vị Đại bối lặc, bị thu lại quyền kiềm soát 2 kỳ. Tuy không mất mạng, nhưng qua sự kiện này, thế lực của Đại Thiện không còn cách nào hồi phục được nữa. Đối thủ lớn cuối cùng của Hoàng Thái Cực đã bị tiêu diệt. Kể từ đây, ông trở thành người có quyền lực tối cao trong triều đình Hậu Kim
Sau khi nắm được toàn bộ quyền lực trong triều đình, ông bắt đầu tính chuyện bành trướng lãnh thổ. Trong đó, mục đích lớn nhất của Hoàng Thái Cực chính là vùng Trung Nguyên giàu có, nơi triều đình nhà Minh đang ngày trở nên suy yếu. Ngày 15.5.1636, ông quyết định lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước từ Hậu Kim thành Đại Thanh, lấy niên hiệu là Sùng Đức, đồng thời đổi tên bộ tộc mình từ Nữ Chân thành Mãn Châu. Một năm sau đó, ông tự mình dẫn quên tấn công Triều Tiên, buộc triều đình Triều Tiên phải quy phục.
Từ sau đó, Triều Tiên trở thành một chốn phên dậu của triều Thanh, phái thân triều Minh ở Triều Tiên cũng bị tiêu diệt. Ông bắt đầu chuyên tâm vào công cuộc thu phục Minh triều. Mặc dù cho tới lúc chết, ông vẫn chưa hoàn thành được tham vọng thu phục Trung Nguyên (phải tới đời con ông là Thuận Trị, nhà Thanh mới tiêu diệt nhà Minh, hoàn thành công cuộc chinh phục Trung Nguyên ), song Hoàng Thái Cực chính là người đặt nền móng quan trọng cho công cuộc chinh phục này.
Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến ông dễ dàng thành công trong con đường chinh phục quyền lực của mình chính là nhờ vào những cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị. Trong cuộc đời mình, ông có tổng cộng 15 người vợ, trong số đó có tới 7 người xuất thân từ thảo nguyên Mông Cổ. Điều đáng nói hơn chính là, trong số 5 hậu phi này thì 2 người là quả phụ trước khi được đưa vào cung của ông.
Hình minh họa
Tuy nhiên, sự kỳ lạ trong hôn nhân của ông không chỉ có như vậy. Trong cuộc đời mình, Hoàng Thái Cực từng gả một hậu phi từng sinh cho mình hai người con cho một người khác. Đó là điều mà chưa có bất kỳ vị vua nào trong lịch sử phong kiến Trung Quốc từng làm
Nạp hai góa phụ làm quý phi
Vì sao một Hoàng đế như Hoàng Thái Cực, người vốn được coi là cửu ngũ chí tôn, chúa tể thiên hạ, lại phải hạ mình lấy hai góa phụ về làm hậu phi? Trên thực tế, hai góa phụ này có thân phận cực kỳ dặc biệt. Họ vốn là hai người vợ của Sát Hợp Nhĩ Lâm Đan Hãn, vị Đại Hãn thống trị các bộ tộc của người Mông Cổ.
Sau chiến dịch chinh phục Triều Tiên lần thứ nhất năm 1623, Hoàng Thái Cực đã tổ chức nhiều chiến dịch tấn công các đội quân của Mông Cổ do Lâm Đan Hãn đứng đầu. Tới năm 1628, sau 5 năm chinh phạt, quân của Lâm Đan Hãn bị quân của Hoàng Thái Cực đánh bại, bản thân Lâm Đan Hãn bị giết trên đường chạy trốn sang Tây Tạng. Sự kiện này đã dẫn tới việc con trai của Lâm Đan Hãn phải đầu hàng người Mãn Châu. Các bộ tộc Mông Cổ đã suy tôn Hoàng Thái Cực thành Đại Hãn của Mông Cổ.
Sau thất bại của cha con Lâm Đan Hãn, thuộc hạ của vị Đại Hãn Mông Cổ tứ tán khắp nơi. Ngay cả những người vợ của Lâm Đan Hãn cũng tự tìm cho mình những người chủ mới để nương tựa. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, người chủ mới đáng tin cậy nhất đương nhiên là Hoàng Thái Cực.
Tháng 8 năm 1634, Đậu Thổ Môn, một hậu phi của Lâm Đan Hãn, dưới sự bảo vệ của Đa Ni Khố Lỗ Khắc, đã dẫn một đoàn quân tới doanh trại của Hoàng Thái Cực xin được đầu hàng. Ông đã đồng ý và giao cho Đậu Thổ Môn và Đa Ni Khố Lỗ Khắc đóng quân, cai quản ở vùng Mộc Hồ Nhĩ.
Kỳ thực, lúc bấy giờ, Đậu Thổ Môn rất muốn được gả về cho Hoàng Thái Cực nhưng không dám nói ra. Đại bối lặc Đại Thiện thấy vậy, biết rõ mục đích của Đậu Thổ Môn lặn lội tới doanh trại người Mãn Châu không chỉ để đầu hàng và xin đất phong. Vì vậy, Đại Thiện đã nói với Hoàng Thái Cực rằng, người phụ nữ này là quà tặng của trời, nên nạp cô ta làm phi tử.
Trên thực tế, Đậu Thổ Môn là một mỹ nhân hiếm có, không chỉ nhan sắc hơn người mà còn thông minh, sắc sảo. Ngay từ khi Đậu Thổ Môn bước vào, Hoàng Thái Cực đã rất vừa ý với vị mỹ nhân đến từ thảo nguyên này. Tuy nhiên, là người thống lĩnh triều đình Hậu Kim, tiêu diệt Lâm Đan Hãn, ông rất sợ người đời sẽ nói rằng, ông ta phát động chiến tranh với người Mông Cổ thực chất chỉ để cướp vợ người khác nên nhất định từ chối, không chịu nghe theo lời khuyên của Đại thiện.
Đại Thiện thấy vậy liền nói: “Không thể có chuyện đó, ngược lại, nếu như ta làm như vậy thì thậm chí còn lôi kéo được một bộ phận người Mông Cổ tới đầu hàng, trở thành liên quân của chúng ta”. Các bối lặc (tương đương tước vương hoặc chư hầu, trong triều đình nhà Thanh, bối lặc có quyền tham gia nghị bàn chính sự ) khác cũng cho rằng, nếu làm như vậy thì sẽ có lợi trong việc thu phục những thuộc hạ trước đây của Lâm Đan Hãn. Nói cách khác, việc nạp vợ của Lâm Đan Hãn làm thiếp là một “nhu cầu cấp thiết về mặt chính trị” vào thời điểm lúc bấy giờ.
Tới lúc này, Hoàng Thái Cực bắt đầu dao động. Sau ba ngày suy nghĩ, cuối cùng, ông quyết định nạp Đậu Thổ Môn làm phi tần. Để hợp lý hóa hơn nữa việc nạp một góa phụ, vốn là vợ của kẻ địch, làm vợ, trong buổi sáng đưa ra quyết định, nhà vua đã kể với các bối lặc một câu chuyện ly kỳ rằng: Trong một lần trên đường hành quân, ông đã đóng trại gần sông Nạp Lý Đắc, đột nhiên, có một con chim trĩ không biết từ đâu bay tới xông thẳng vào trong lều của mình. Ông cho rằng, đó là điềm lành báo hiệu rằng, sẽ có mỹ nhân tìm tới với mình. Việc Đậu Thổ Môn tìm tới chính là điều ứng với điềm báo này.
Nói cách khác, việc Đậu Thổ Môn tìm tới chính là “ý chỉ của trời”, do vậy nhà vua buộc phải chấp nhận. Ngay sau đó, Hoàng Thái Cực đã phái thuộc tướng của mình tới đón Đậu Thổ Môn. Đa Ni Khố Lỗ Khắc sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình là đưa Đậu Thổ Môn tới doanh trại của ông, cũng vì cuộc hôn nhân này mà quyết định đầu hàng Hoàng Thái Cực.
Tuy nhiên, Đậu Thổ Môn không phải là mỹ nhân duy nhất ứng với điềm báo. Chưa đầy một năm kể từ khi Đậu Thổ Môn được đưa vào hậu cung, tháng 3 năm 1635, vợ cả của Lâm Đan Hãn là Đa La cũng mang một đoàn người gồm 1500 hộ dân tới quy hàng. Tháng 4 năm đó, một phi tần khác của Lâm Đan Hãn là Tô Thái và con trai là Ngạch Triết, người kế vị Lâm Đan Hãn, cũng mang hơn 1.000 hộ dân tới đầu hàng, đồng thời dâng ngọc tỷ truyền quốc của các bộ tộc Mông Cổ.
Sau 2 vị phi tần được xếp hàng đầu trong hậu cung của Lâm Đan Hãn, rất nhiều phi tần khác của ông ta cũng lần lượt tìm tới, bao gồm hai người thiếp là Bá Kỳ và Nga Nhĩ Triết Y Đồ. Ngoài ra còn có Thái Tùng công chúa, em gái của Lâm Đan Hãn, cũng tới quy hàng Hoàng Thái Cực.
Trong số những người phụ nữ vốn trước kia thuộc về Lâm Đan Hãn này, người có địa vị quan trọng nhất đương nhiên là Đa La. Cô không chỉ xuất thân trong một gia đình quận vương Mông Cổ mà còn là vợ cả của Lâm Đan Hãn. Vậy ai có thể là người xứng đôi vừa lứa với một vương hậu Mông Cổ tôn quý như Đa La? Đương nhiên không có ai khác ngoài vị tân Đại Hãn vừa lên ngôi – Hoàng Thái Cực. Khi quần thần kiến nghị, ban đầu, ông cũng từ chối chuyện hôn nhân này. Tuy nhiên, khi các bối lặc và đại thần cố nài nỉ, ông đành phải chấp nhận, đón Đa La vào thành rồi tổ chức nghi lễ nạp thiếp cực kỳ long trọng.
Lấy ba cô cháu ruột làm vợ
Trong số 5 vị hậu phi có địa vị cao nhất trong hậu cung thời Hoàng Thái Cực, ngoài 2 góa phụ vốn là vợ của kẻ thù nói trên, ba người còn lại cũng đều xuất thân từ Mông Cổ. Điều kỳ quái nhất, ba người này là ba cô cháu ruột.
Trong số các bộ tộc Mông Cổ, Khoa Nhĩ Tâm là một trong những bộ tộc quy phục Hậu Kim sớm nhất. Vào năm 1614, Mãng Cổ Tư, anh trai của bối lặc Minh An, thủ lĩnh của tộc Khoa Nhĩ Tẩm, đã đem con gái của mình gả cho Hoàng Thái Cực làm vợ. Đây chính là Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu hay còn gọi là Triết Triết Hoàng hậu.
Việc kết hôn với con gái một thủ lĩnh Mông Cổ đã giúp ông củng cố quan hệ giữa hai bộ tộc Mãn và Mông. Vì thế, tới năm 1629, khi Hoàng Thái Cực dẫn quân tấn công nhà Minh, 23 vị bối lặc của bộ tộc Khoa Nhĩ Tẩm đã dẫn quân của mình đi theo, giúp ông lập không ít công trạng.
Năm 1625, tức năm Thiên Mệnh thứ 10 triều Hậu Kim, con trai của Bối lặc Tể Tang là Ngô Khắc Thiện mang em gái của mình là Bố Mộc Bố Thái đang cho Hoàng Thái Cực làm vợ. Đó chính là người sau này trở thành Trang phi nổi tiếng trong sử sách Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là, bối lặc Tể Tang chính là con trai của Mãng Cổ Tư, là anh em với Triết Triết hoàng hậu của Hoàng Thái Cực. Như vậy, Trang phi chính là là cháu ruột gọi Triết Triết hoàng hậu là cô.
Trang phi chính là mẹ ruột của hoàng đế Phúc Lâm, hoàng đế thứ ba của triều đình nhà Thanh. Cuộc đời của Trang phi trải qua ba đời hoàng đế, chứng kiến triều đình nhà Thanh từ thời loạn đến thời trị. Trong hoàn cảnh đó, Trang phi chính là người đã trợ giúp hoàng đế, điều hòa các mâu thuẫn trong nội bộ triều Thanh, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thống nhất của quốc gia. Chính vì thế, người đời sau vẫn gọi Trang phi là “quốc mẫu thời nhà Thanh”.
Chuyện ly kì chưa dừng lại ở đó. Vào năm 1634, Ngô Khắc Thiện lại dâng một người em gái khác của mình tới Thẩm Dương làm vợ Hoàng Thái Cực. Người này chính là em gái ruột của Trang phi, Hải Lân Châu, người được ông phong làm Thần phi. Nếu như Trang phi là người phụ nữ thông minh và quyền biến thì Thần phi lại là mỹ nhân tuyệt sắc.
Chính vì thế, sau khi vào cung, Thần phi nhanh chóng trở thành phi tần được Hoàng Thái Cực sủng ái nhất. Ông cho Thần phi vào ở tại cung điện được đặt tên là “Quan Tuy cung”. Thần phi đứng thứ 2 trong số 5 người có vị trí tôn quý nhất trong Hậu cung, chỉ đứng sau người cô của mình là Triết Triết Hoàng hậu.
Không may là hồng nhan thường bạc mệnh. Năm 33 tuổi, Thần Phi mắc bệnh qua đời. Vì chuyện này, Hoàng Thái Cực đau đớn tột cùng, thậm chí có lúc khóc ngất đi. Sau đó, Hoàng Thái Cực tổ chức tang lễ cho Thần phi rất long trọng, ban thụy hiệu cho bà là “Mãn Huệ Cung Hòa nguyên phi”. Đây là phi tần có thụy hiệu (tước hiệu sau khi chết) dài nhất trong số các phi tần của triều đình nhà Thanh.
Mất đi người đẹp mà mình sủng ái nhất, Hoàng Thái Cực vô cùng buồn bã, cả ngày không ăn, không uống khiến sức khỏe ngày một suy giảm, nhiều lúc cứ ngồi lảm nhảm một mình. Các đại thần thấy vậy bèn nghĩ ra cách mời ông đến sông Bồ Hà đi săn để giải khuây.
Không ngờ, đường tới Bồ Hà lại phải đi qua mộ của Thần Phi. Khi Hoàng Thái Cực vừa nhìn thấy mộ của Thần phi, nỗi đau buồn lại trỗi dậy, ông vua triều Thanh lại ngồi khóc lên khóc xuống một trận ngay trước mộ của người thiếp yêu. Có lẽ vì quá yêu thương Thần phi nên sau khi bà chết chưa đầy hai năm, Hoàng Thái Cực cũng theo bà xuống suối vàng. Tình cảm si mê mà ông dành cho bà thực sự là cực kỳ hiếm thấy đối với những vị hoàng đế thê thiếp đầy đàn trong thời phong kiến.
Ngoài việc lấy cả ba cô cháu gái ruột làm vợ, Hoàng Thái Cực thậm chí còn để cho một người vợ của mình đi kết hôn với người khác. Một phi tần là Bác Nhĩ Tề Cát Đắc thị, con gái của bối lặc Đại Thanh, thuộc bộ tộc Trát Lỗ Đắc của Mông Cổ, từng sinh cho ông hai người con gái. Tuy nhiên, sau đó, chính ông đã ra lệnh cho Bác Nhĩ Tề Cát Đắc thị kết hôn với Nam Chử, con trai của Đức Nhĩ Cách của bộ Diệp Hách.
Sử sách chép rằng: “Phúc tán (phi tần) thứ ba của ông là con gái của Đại Thanh bối lặc Ba Nhã Nhĩ Đồ không hợp ý nên ông đã gả bà cho Nam Chử, con trai của Đức Nhĩ Cách, thuộc bộ Diệp Hách”. Là một hoàng đế, chúa tể thiên hạ nhưng ông lại gả vợ mình cho người đàn ông khác. Có lẽ đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét