CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                                  TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ                    CHUYỆN LẠ              WEB                                    

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Đội nữ cận vệ của vua Thái Bình Thiên Quốc

Sau khi trải qua những cuộc chinh phục, chém giết và tàn sát lẫn nhau, những người phụ nữ này vẫn không thể bước ra khỏi giấc mộng “thiên quốc của họ”. Cho tới tận năm 1864, khi Thiên Kinh bị công hạ, quân đội nhà Thanh tấn công vào Thiên Vương Phủ, những người nữ binh này vẫn tin sùng tôn giáo của họ, quyết định tự thiêu mà chết…
Đội nữ cận vệ của vua Thái Bình Thiên Quốc

1. Năm 1856, hơn 3.000 phụ nữ Quảng Tây đứng chặn ngay trước mặt của vị “Bắc Vương” Vi Xương Huy đang sát khí đằng đằng, trở thành bức bình phong cuối cùng che chắn cho “Thiên Vương” Hồng Tú Toàn. Xét theo góc độ nào đó, 3.000 phụ nữ này cùng với những người phụ nữ của Thái Bình Thiên Quốc là đội nữ binh đầu tiên đồng thời cũng là cuối cùng trên thế giới.

Trước họ, những cái tên nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như “Hoa Mộc Lan”, “Mục Quế Anh” thực chất chỉ là hóa thân của đạo đức và dũng khí và chỉ dừng lại trong các tiểu thuyết, thi ca và các câu chuyện dân gian mà thôi.

Phụ nữ một khi quyết định hiến thân cho một tín ngưỡng hoặc chủ nghĩa nào đó thì sự cố chấp của họ vượt xa so với nam giới.

Những gì đã xảy ra trong lịch sử đã chứng minh rất rõ điều này. Sự xuất hiện của các đội nữ binh đã thay đổi toàn bộ xã hội mà người đàn ông nắm quyền làm chủ trong tất cả các lĩnh vực.

Khi những người phụ nữ bỏ kim chỉ để cầm cò súng, thì cũng là lúc họ can dự vào những tầng bậc sâu nhất của xã hội mà trước kia họ không có cơ hội chạm tới. Tuy nhiên, đó cũng là lúc số phận họ thay đổi hoàn toàn so với những gì họ đã tưởng tượng ra.

Hơn 3.000 phụ nữ trong đội nữ binh của Thái Bình Thiên Quốc được giao bảo vệ cho Phủ Thiên Vương chính là một sự hy sinh vô tình nhất của lịch sử. Năm 1864, khi Thiên Kinh của Thái Bình Thiên Quốc bị phá, quân đội nhà Thanh ùa vào Phủ Thiên Vương thì cũng là lúc đội nữ binh này tự thiêu mà chết.

 Trước đó, tháng 9 năm 1856, 3.000 binh sỹ giáp trụ sáng choang bao vậy Phủ Thiên Vương. Người chỉ huy nhóm binh sỹ này chính là “Bắc Vương” Vi Xương Huy, người anh em, đồng chí của “Thiên Vương” Hồng Tú Toàn. Trời vừa tờ mờ sáng, 3.000 binh sĩ này đã xông thẳng vào cung.

 Tuy nhiên, cửa cung vừa mở thì một đoàn phụ nữ, tay mang đạo lớn hò hét xông ra lao thẳng vào đám binh sỹ còn đang ngẩn ngơ chưa hiểu chuyện gì. Đám phụ nữ ấy chính là những người phụ nữ đến từ Quảng Tây, những tín đồ vào loại đầu tiên của Hồng Tú Toàn đồng thời cũng là đoàn nữ binh sỹ đầu tiên của Thái Bình Thiên Quốc

. Vào thời điểm phát triển nhất, Thái Bình Thiên Quốc có tới hơn 100 ngàn nữ binh sĩ. Có thể nói, vào thời điểm đó, đây là tổ chức quân sự của nữ giới lớn nhất trên thế giới.

2. Đội nữ binh của Thái Bình Thiên Quốc “ra đời”  vào 11 tháng 1 năm 1851. Ngày hôm đó, Hồng Tú Toàn tuyên thệ khởi khĩa đồng thời công bố 5 điều luật.

Trong đó, điều luật thứ 2 chính là “phân biệt đội nam và đội nữ”. Điều đó có nghĩa là, ngay từ những ngày đầu tiên, trong biên chế quân đội của “Thiên quốc” đã có đội nữ binh. Trong lịch sử Trung Quốc, đây là đội nữ binh đầu tiên được ghi chép.
Nữ phạm nhân Thái Bình Thiên Quốc
Nữ phạm nhân Thái Bình Thiên Quốc

Vào năm 1844, Phùng Vân Sơn, một trong những lãnh tụ của Thái Bình Thiên Quốc tới vùng phía Bắc của Quảng Tây để tuyên truyền cho tôn giáo thờ Thượng đế của mình.

Tự xưng là người đã rời xa khỏi trung tâm ảnh hưởng của giáo nghĩa Nho giáo, rời xa khỏi những phố chợ đông đúc dân cư, rời xa khỏi những đồng ruộng màu mỡ và những tên địa chủ có quyền, có thế ức hiếp người lành, Phùng Vân Sơn và Hồng Tú Toàn nhận được sự tin tưởng của không ít người.

Chính vì vậy, những thợ mỏ, nông dân và phụ nữ nông thôn trở thành những tín đồ đầu tiên của Thượng đế giáo của Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn. Trong số này, một bộ phận không nhỏ là phụ nữ. Vì vậy, cho tới ngày 11/1/1851, khi Hồng Tú Toàn quyết định khởi nghĩa vũ trang chống lại triều đình nhà Thanh, những nữ tín đồ này được mang thêm một vai trò hoàn toàn mới với họ - nữ binh.

Hầu hết những người phụ nữ này đều là những người Hẹ, những người gốc Hán nhưng đã dần di chuyển xuống phía Nam từ thời nhà Tấn. Do họ không theo tục bó chân như người Hán ở miền Bắc, vì vậy, họ chiến đấu nhiều khi còn dũng mãnh hơn cả nam giới.

Vị tướng nhà Thanh được giao nhiệm vụ trấn áp Thái Bình Thiên Quốc là Tăng Quốc Phiên cũng đã từng phải nếm mùi cay đắng với đội nữ binh từ “Thiên quốc” này. Thậm chí, họ Tăng còn phải ngao ngán mà gọi họ là “những mụ man di chân to”.

Vào năm Quang Tự thứ 32, tức năm 1906, một cuốn sách có tên “Truyện về những người phụ nữ vĩ đại của Trung Quốc” được xuất bản. Trong đó có một chương là “Hồng Tuyên Kiều tiểu truyện” viết về đội nữ binh của Thái Bình Thiên Quốc với nhân vật chính là Hồng Tuyên Kiều.

Mặc dù phần lớn nội dung của truyện là hư cấu, song từ đó, người ta vẫn có thể biết được phần nào hình ảnh của những nữ binh trong quân đội của Thái Bình Thiên Quốc:

“Hồng Tuyên Kiều là mẹ đẻ ra Tiêu Vương, chị gái của Thiên Vương, đồng thời là vợ của Tây Vương Tiêu Triều Quý. Tuổi chưa tới 30, xinh đẹp nổi tiếng nhưng cũng kiêu dũng khác người. Với đội quân gồm vài trăm nữ binh, Hồng Tuyên Kiều đã lập được rất nhiều chiến công.

 Những người phụ nữ này hầu hết đều quê quán ở Quảng Tây, rất tin sùng giáo phái của Hồng Tú Toàn, trước khi xuất trận bao giờ cũng làm lễ bái Thiên Đế…”

Đội nữ binh của Thái Bình Thiên Quốc thực sự trở thành vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Lúc bấy giờ, những người nước ngoài nhìn thấy họ cưỡi ngựa hay đi bộ đều hết sức sửng sốt mà nói rằng: “Đây là cảnh tượng mà trước đây chưa bao giờ thấy. Nếu như cuộc cách mạng này có thể phá bỏ chế độ hà khắc đối với phụ nữ thì thực là một điều may mắn”.

Thực tế thì cảnh tượng mới mẻ này bắt nguồn từ giáo lý “nam nữ bình đẳng” của Thái Bình Thiên Quốc. Hồng Tú Toàn, lãnh tụ của Thái Bình Thiên Quốc từng nói rằng: “Tất cả mọi người dù là nam hay nữ đều là con của Thượng Đế, đều bình đẳng với nhau” hay: “Bao nhiêu đàn ông trong thiên hạ đều là anh em, bao nhiêu phụ nữ trong thiên hạ đều là chị em, vậy vì cớ gì lại phân chia ranh giới này nọ?”

Chính vì lý do này, trong xã hội lý tưởng mà Thái Bình Thiên Quốc xây dựng, tất cả đều thay đổi so với xã hội cũ. Những người phụ nữ trước đây bị đàn ông nô dịch nay hộ có thể làm lính, đứng cùng hàng ngũ, hành quân, đánh trận như đàn ông. Chế độ gia đình nô dịch phụ nữ giờ đây bị những luật lệnh của Thiên Quốc phá vỡ toàn bộ.

Vì thế, bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa Kim Điền năm 1851, trong xã hội Thái Bình Thiên Quốc đã bắt đầu có sự phân biệt nam và nữ rất rõ. Hồng Tú Toàn nói rằng, nam và nữ có chuyện dan díu với nhau là phạm vào “thiên điều” và bị lên án.

Tuy nhiên, những “thiên điều” ấy lại chẳng có liên quan gì tới đời sống tình dục rất “thoáng” của các lãnh tụ Thiên Quốc. Sử liệu ghi chép rằng, khi rời khỏi Kim Điền, nơi Hồng Tú Toàn phất cờ khởi nghĩa, ông ta đã có tới 15 người vợ lớn bé khác nhau. Chỉ một năm sau đó, khi rời khỏi Vĩnh An, số phi tần của vị Thiên Vương này đã lên tới hơn 36 người.

3. Chế độ cấm dục, chính sách phân doanh trại nam nữ riêng cho tới những quy định mà Hồng Tú Toàn đặt ra cho Thái Bình Thiên Quốc không chỉ thực hiện trong “thiên quốc” này mà còn tồn tại ở tất cả các nơi mà Thái Bình Thiên Quốc đi qua.

Tháng 5 năm 1852, đội quân của Thái Bình Thiên Quốc vượt sông Ly Giang, rồi thông qua Cổ Vận Hà tới Toàn Châu vào lưu vực sông Trường Giang. Vào ngày 12 tháng 6 năm đó, sau thất bại lớn trong chiến dịch Soa Y Độ ở Toàn Châu, Hồng Tú Toàn chạy khỏi Quảng Tây, chiếm lĩnh Đạo Châu của Hồ Nam.

Tại Tương Nam, Thái Bình Thiên Quốc chiêu mộ khoảng hơn 50 ngàn tân binh. Hơn 50 ngàn người này sau khi được sung quân đều thực hiện nghiêm khắc chế độ phân doanh trại nam và nữ.

Ngày 12/1/1853, Thái Bình Thiên Quốc chiếm được Vũ Xương, một thị trấn trọng yếu tại Trường Giang. Sau khi Thái Bình Thiên Quốc tiến vào Vũ Xương, nha môn của Thanh triều bị giật đổ, niên hiệu của vua Hàm Phong nhà Thanh cũng được thay đổi bằng niên hiệu của Thái Bình Thiên Quốc.

Cùng với sự thay đổi của quốc hiệu, các chế độ xã hội dưới thời Thái Bình Thiên Quốc cũng thay đổi theo. Chính tại Vũ Xương, chế độ phân doanh trại, cấm dục cho tới việc phân nhỏ các gia đình không chỉ là một chính sách thời chiến mà được thực thi như một chế độ xã hội.

 Một loạt các chế độ xã hội từ tôn giáo, lễ nghi, gia đình, tài sản đều nhất loạt thay đổi. Hàng loạt các lệnh cấm từ cấm bó chân, cấm nuôi nô tì, cấm cưới vợ bé, cấm sử dụng nha phiến,… nhất loạt được ban hành.

Hồng Tú Toàn không chỉ thay đổi Vũ Xương. Chế độ đối với những người phụ nữ trong Thái Bình Thiên Quốc cũng bắt đầu thay đổi theo. Tại đây, các doanh trại nữ trước kia giờ biến thành nữ quán. Nữ binh của thiên quốc giờ đây không chỉ là những người sùng đạo mà còn là những người bị chinh phục bằng vũ lực của “thiên quốc”.

Theo ghi chép của sử sách, vào thời điểm lúc bấy giờ, ba thị trấn lớn của Vũ Hán vô cùng hỗn loạn. Sau khi Thái Bình Thiên Quốc tiến vào Vũ Xương, lập tức cho thành lập “nữ quán”, ra lệnh tất cả phụ nữ trong thành đều phải vào ở đây, ai chậm trễ sẽ bị cưỡng chế.
Nữ Thái Bình Thiên Quốc trên phim.
Nữ Thái Bình Thiên Quốc trên phim.

Cùng lúc với việc xây dựng các trại tập trung cho phụ nữ, chế độ “cách ly nam nữ” cũng được thực hiện rất triệt để. Nếu như chồng muốn thăm vợ, con trai muốn thăm mẹ thì bắt buộc phải đứng ở cửa nói chuyện.
Tất nhiên, không được phép đứng gần nhau mà phải cách nhau cả chục thước và nói thật to để tất cả mọi người xung quanh đều có thể nghe thấy. Nhờ việc thiết quân luật, Thái Bình Thiên Quốc đã phá vỡ toàn bộ chế độ tài sản, chế độ gia đình của xã hội cũ.

Nhưng mọi việc cũng chưa dừng lại ở Vũ Xương. Vào ngày 20 tháng 3 năm đó, khi Thái Bình Thiên Quốc chiếm được Vũ Xương thì các “nữ quán” quy mô càng lớn hơn tiếp tục được thành lập.

Hàng ngàn phụ nữ Quảng Tây, Hồ Nam cho tới hơn 30 ngàn phụ nữ ở Hồ Bắc và hơn 10 ngàn phụ nữ ở Nam Kinh, tất tật được chia vào các “trại tập trung nữ giới” này.

Nếu như từ Kim Điền tới Vũ Hán, những người phụ nữ chân to là nòng cốt của đội nữ binh “thiên quốc” thì từ Vũ Hán tới Nam Kinh, tổ chức này bắt đầu trở nên hỗn loạn và có sự phân chia đẳng cấp.

Những người phụ nữ đến từ Quảng Tây, nhờ là những thành viên của Thái Bình Thiên Quốc từ buổi sơ khai nên được coi là những “lão làng”, trở thành các nữ quan trong các “nữ quán” này. Kế tiếp là những người phụ nữ ở Hồ Nam, những người vẫn có thể coi là tự nguyện theo chân đội quân Thái Bình Thiên Quốc. Tiếp đến là những người phụ nữ bị chinh phục ở Hồ Bắc và Nam Kinh.

Một đạo luật được Hồng Tú Toàn công bố sau đó chứng tỏ rằng, những người lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc ngấm ngầm công nhận sự phân chia đẳng cấp này. Mùa hè năm 1854, đội quân trưng thu lương thực được Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh phái tới Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy quay trở về tay trắng, nói: “Những nơi Thái Bình Thiên Quốc tới đều không có lương thực”.

Thiếu lương thực, Hồng Tú Toàn đành phải “ăn dè” bằng cách ra lệnh: “Trong các nữ quán, những người gốc Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Châu), Hồ Nam mỗi người được phát 6 lạng gạo, những người gốc Hồ Bắc mỗi người được phát 3 lạng gạo. Tất cả đều phải ăn mạch để bù vào, ai không tuân lệnh đều bị giết”.

Vì sao Thái Bình Thiên Quốc đề cao sự “bình đẳng giữa con người với con người, không phân nam nữ” rồi phụ nữ trong thiên hạ như chị em mà lại đối xử bất công bằng giữa những người phụ nữ trong nữ quán?
Khi Hồng Tú Toàn thiết kế xã hội mới thì đồng thời cũng quyết tâm đoạn tuyệt hoàn toàn với xã hội cũ.

 Các chế độ, chính sách do Hồng Tú Toàn đặt ra trong Thái Bình Thiên Quốc, từ việc nam nữ phân cư, cấm nuôi nô tì, cấm lấy vợ bé, không dùng nha phiến,… đều nhằm tạo nên sự thay đổi triệt để đối với xã hội trước đó. Tuy nhiên, cũng vì thế, Hồng Tú Toàn và những người Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu hình thành tâm lý “không giống ta thì là kể thù”.

Đối với Thái Bình Thiên Quốc, thế giới bị phân làm hai bộ phận, một là tín đồ hai là bọn yêu nghiệt chứ không có phần tử trung gian. Phàm là những người không đi theo “thiên quốc” và vẫn tiếp tục cuộc sống như trước đây đều bị coi là di dân của Nho giáo.

 Trong mắt của những người “thiên quốc” họ là những “yêu nghiệt”. Không giống như anh em, chị em trong nội bộ “thiên quốc” những kẻ “yêu nghiệt” này ai cũng có thể xem thường, thậm chí giết bỏ.

Chính vì thế, tại Vũ Hán, mấy nghìn thiếu niên đã lấy dao gí vào cổ ép hàng chục vạn đàn ông Vũ Hán lên thuyền còn những người phụ nữ chân to thì dùng việc đốt nhà, thiêu người làm chiêu đe dọa buộc những người phụ nữ ở Vũ Hán theo mình.

Cái lôi cuốn họ không giống như những cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Sào hay Lý Tự Thành nữa mà là một hình thái thái ý thức mới. Chính vì thế, họ lại tiếp tục vung đao xông tới Nam Kinh.

4. Trước khi tiến quân vào Thiên Kinh, có người hỏi Dương Tú Thanh rằng, khi nào thì gia đình anh ta mới được đoàn tụ. Dương nói: “Phải đợi tới khi Thiên Kinh được xây dựng xong, chính quyền được củng cố thì mới có thể gỡ bỏ lệnh cấm”.

Tuy nhiên, khi quân Thái Bình Thiên Quốc tới sát Nam Kinh, Dương Tú Thanh dường như quên mất những gì mình đã hứa. Vì thế, khi lệnh thiết lập “nữ quán” tại Nam Kinh được công bố thì tại đất Quảng Tây, nơi bắt đầu cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc người ta bắt đầu bàn tán xôn xao.
Sự bất mãn không chỉ ở Quảng Tây.

Những người phụ nữ ở Hồ Bắc, Nam Kinh, những người phụ nữ có địa vị thấp trong nữ quán cũng vô cùng bất bình. Sau khi liên tục bị chèn ép và đối xử bất công, “thiên quốc” trở thành cơn ác mộng mà họ mong nhanh nhanh thoát ra. Sử chép, thời bấy giờ, “những người bị bức ép không lúc nào không muốn thoát ra”.

Vào lúc bấy giờ, ngay cả con trai của Hồng Tú Toàn cũng bị cấm không được gặp mẹ và các chị em của mình. Cậu bé chỉ biết tranh thủ lúc Hồng Tú Toàn lâm triều, lén lút đi gặp mẹ và các chị em của mình.

Con trai của Thiên Vương mà còn phải như vậy thì những người dân thường Nam Kinh làm sao có thể có được một cuộc sống gia đình bình thường, hạnh phúc được?

Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, các lãnh tụ của “thiên quốc” bắt đầu tuyển chọn phi tần, thê thiếp. Mỉa mai là ở chỗ, cùng với những sắc lệnh cấm dục, Hồng Tú Toàn còn ban bố một chiếu chỉ gọi là “Đa thê chiếu”, coi việc lấy nhiều vợ là một vinh dự.

Chiếu chỉ xác định: “Đông và Tây Vương mỗi người lấy 11 vợ, Nam Vương và Tượng Vương mỗi người lấy 6 vợ, các quan lại cao cấp lấy 3 vợ, trung cấp lấy 2 vợ. Những người cấp thấp lấy 1 vợ”. Riêng Hồng Tú Toàn thì “có 88 người vợ”.

Cứ như vậy, chế độ nam nữ phân cư tại “thiên quốc” ngày càng trở nên mâu thuẫn. Vì vậy, vào năm 1855, sau khi chiếm được Nam Kinh nửa năm, Hồng Tú Toàn quyết định hạ lệnh giải tán các “nữ quán”.

Đồng thời, cho phép nam nữ kết hôn với nhau và thành lập một chức quan cai quản vấn đề này. Thực tế, trên danh nghĩa là giải tán “nữ quán” nhưng thực ra là đem những người phụ nữ trong “nữ quán” ban phát cho các quan viên lớn nhỏ cho tới binh lính như một phần thưởng.

Tuy nhiên, Hồng Tú Toàn không giải tán toàn bộ đội nữ binh của Thái Bình Thiên Quốc. Do lo lắng những đội vệ binh nam giới sẽ dan díu với những người phụ nữ trong hậu cung, hơn 3.000 nữ binh vốn theo Hồng Tú Toàn từ Quảng Tây đã được giữ lại để trở thành những người bảo vệ Phủ Thiên Vương.

Lúc bấy giờ, Phủ Thiên Vương vô cùng xa hoa. Sách “Thái Bình Thiên Quốc Sử” của La Nhĩ Cương có chép về cung điện của “thiên quốc” như sau: “…

Bốn mặt là tường vàng, cao hơn 2 trượng, dày 4 tấc, chia làm 2 vòng, vòng ngoài gọi là Thái Dương thành, tầng trong gọi là Kim Long thành. Thái Dương thành mở cửa theo hướng Nam, gọi là cửa Chân Thần Vinh Quang…” Tuy nhiên, do những mâu thuẫn nội bộ, đến tháng 9 năm 1856, “Bắc Vương” Vi Xương Huy dẫn quân bao vây Thiên Vương Phủ.

Sử chép, đội nữ vệ binh của Thiên Vương Phủ đã điên cuồng chống trả đội quân nam giới của Vi Xương Huy.

 Điều đó chứng tỏ sự sùng bái mà họ dành cho Thiên Vương Hồng Tú Toàn vẫn chưa hề mảy may suy giảm. Tuy nhiên, khi chế độ “nữ quán” bị bãi bỏ, những nữ binh cuối cùng của “thiên quốc” không thể bảo vệ được Thiên Vương của mình.

 Những ngày tháng sau đó, họ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Thiên Vương Phủ. Sau khi trải qua những cuộc chinh phục, chém giết và tàn sát lẫn nhau, những người phụ nữ này vẫn không thể bước ra khỏi giấc mộng “thiên quốc của họ”.

Cho tới tận năm 1864, khi Thiên Kinh bị công hạ, quân đội nhà Thanh tấn công vào Thiên Vương Phủ, những người nữ binh này vẫn tin sùng tôn giáo của họ, quyết định tự thiêu mà chết.
 
  • Đại Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét