Giả Dịch vốn là một võ quan của triều Bắc Tống, tướng mạo khôi ngô, sức khỏe hơn người nhưng cũng rất đa tình lãng mạn, phong lưu tài tử. Thực ra, kiểu người như họ Giả vốn chẳng phải là loại “xưa nay hiếm”. Bởi lẽ những kẻ điển trai, tài mạo song toàn “đời nào cũng có”.
Vì thế, nếu như cứ theo lẽ thường thì cái tên Giả Dịch sẽ chìm vào dòng sông của lịch sử mà không để lại một chút dấu vết nào. Tuy nhiên, may mắn cho Giả Dịch, trong cuộc đời mình, ông ta lại có chuyện dính líu với một đôi nam nữ và nhờ thế mà được các sử gia cũng như người đời sau nhớ tới.
Câu chuyện mà họ Giả dính vào cũng chẳng phải chuyện gì xa lạ trong hàng ngàn năm của chế độ phong kiến: Vì người phụ nữ, Giả Dịch không thèm đếm xỉa tới hậu quả “dùng ngòi bút làm vũ khí” châm chọc người đàn ông.
Kết quả, xém chút nữa họ Giả mất đi cả tính mạng. Người phụ nữ ấy chính là kỹ nữ nổi tiếng thời Bắc Tống – Lý Sư Sư, còn người đàn ông không ai khác chính là hoàng đế của vương triều Tống - Tống Huy Tông Triệu Cát.
Lý Sư Sư thì có lẽ không ai không biết. Bởi lẽ, những người từng đọc qua tiểu thuyết “Thủy hử” của Thi Nại Am đều không khỏi buồn tiếc cho cuộc tình lãng mạn mà nhiều chua xót giữa Lý Sư Sư và chàng lãng tử Yến Thanh.
Hoàng đế Tống Huy Tông Triệu Cát (trên phim) |
Có điều, nếu như Yến Thanh là nhân vật hư cấu do tác giả họ Thi tưởng tượng ra thì Lý Sư Sư lại là nhân vật có thật trong lịch sử. Lý Sư Sư vốn là người họ Vương, cho tới khi bị đẩy vào chốn lầu xanh, do mụ chủ lầu xanh mang họ Lý nên Lý Sư Sư cũng đổi từ họ Vương thành họ Lý.
Còn việc vì sao Lý Sư Sư lại bị đẩy vào lầu xanh thì lại là một câu chuyện không mấy vui vẻ. Năm Lý Sư Sư lên bốn tuổi, cha cô phạm tội bị bắt rồi chết trong nhà lao. Mẹ Lý Sư Sư mất từ khi mới sinh ra cô, vì thế, mới bốn tuổi, Lý Sư Sư trở thành một đứa trẻ lang thang.
Cô bé xinh xắn được mụ tú bà họ Lý mang về nuôi với hy vọng sau này nó sẽ trở thành cái cây hái ra tiền cho mình. Để đào tạo Lý Sư Sư trở thành một kỹ nữ theo đúng chuẩn mực, tú bà họ Lý đã mời thầy dạy riêng Lý Sư Sư từ đàn hát cho tới cầm, kỳ, thi họa.
Vốn là một đứa trẻ thông minh, Lý Sư Sư chỉ cần học một lần là thành thạo ngay. Thậm chí nhiều bài hát do Lý Sư Sư tự phổ nhạc còn khiến cho những các nhạc sư cảm thấy xấu hổ vì tài năng thua kém. Đến tuổi trưởng thành, tài sắc đều hơn người, Lý Sư Sư nhanh chóng trở thành một kỹ nữ lừng danh khắp chốn kinh kỳ.
Danh tiếng của Lý Sư Sư vang vào tận chốn thâm cung của tử cấm thành, đến tận tai Tống Huy Tông. Người ta thường nói Tống Huy Tông là một nghệ sỹ bị đặt nhầm vào ngai vàng Hoàng đế. Bởi lẽ, mặc dù hoàn toàn bất tài trong cương vị một Hoàng đế nhưng Triệu Cát lại là một nghệ sỹ trời sinh.
Kỹ nữ Lý Sư Sư |
Vì vậy, dốt nát và chán ngán với việc triều chính bao nhiêu thì Tống Huy Tông lại dành bấy nhiêu sự hứng thú, nhiệt huyết và trí tuệ cho những thú chơi phong lưu thời bấy giờ. Từ cầm, kỳ, thi họa, cho tới đá cầu, ca vũ… không có món nào Tống Huy Tông không biết và không giỏi.
Đến khi trưởng thành, vị Hoàng đế triều Tống này lại có thêm một đam mê nữa, ấy là phụ nữ. Vì thế, khi nghe tới danh tiếng của Lý Sư Sư, vị Hoàng đế đa tình này không thể cầm được lòng, lần mò tìm tới chốn thanh lâu những mong gặp được nàng ca nữ họ Lý.
Thực tế thì, dù không phải là một Hoàng đế anh minh và sáng suốt, nhưng xét trên phương diện nào đó thì Tống Huy Tông lại là loại đàn ông “cực phẩm”. Vì thế, những mỹ nữ xung quanh Tống Huy Tông không hề thiếu.
Có điều, những mỹ nữ hậu cung quá dựa vào son phấn, quần áo lúc nào cũng là lượt khiến trăm người như một. Trong khi đó, Lý Sư Sư mỗi lần tiếp Tống Huy Tông đều để mặt “mộc”, không cầu kỳ chuyện trang điểm quần áo, chính vì thế, càng được ông vua nghệ sĩ yêu chiều hơn.
Người ta kể rằng, có lần, trong bữa tiệc có mặt đầy đủ cả Hoàng hậu và các phi tần, thấy hôm đó Huy Tông tinh thần vui vẻ, một quý phi đánh bạo hỏi Tống Huy Tông: “Con nhỏ nhà họ Lý có gì hơn người mà khiến bệ hạ phải thích thú nó?”.
Giả Dịch lưu danh sử sách như một khách làng chơi “to gan” bậc nhất. |
Tống Huy Tông cười nói: “Cũng chẳng có gì khác, chỉ là nếu như hơn một trăm người các ngươi đều bắt bỏ hết quần là áo lượt lẫn đồ trang sức, mặc những bộ quần áo bình thường vào sau đó đưa con nhỏ nhà họ Lý đặt vào giữa thì người ngoài chỉ cần nhìn một cái cũng sẽ biết rằng chỉ có cô ta là khác hoàn toàn. Sắc đẹp của cô ta những dung mạo bình thường không thể nào có thể so sánh được”.
Mặc dù sắc đẹp khuynh nước khuynh thành, dù là người tình rất được Hoàng đế yêu chiều, song dẫu sao đi nữa, Lý Sư Sư vẫn là một kỹ nữ. Chính vì thế, rất nhiều lần, Lý Sư Sư chỉ hận mình không hóa làm hai được.
Cũng may, Lý Sư Sư là cô gái thông minh, biết lúc nào phải “cấm cửa”, biết ai là kẻ nên “ẩn mình” dù điều đó vẫn khiến cho người ta thấy nàng “bên trọng bên khinh”. Và cũng vì thế, đã rất nhiều lần, Lý Sư Sư rơi vào tình trạng khó xử.
Cùng với Hoàng đế, Giả Dịch cũng rất mê nàng ca nữ nổi danh họ Lý. Theo lý thường, tránh voi chẳng xấu mặt nào, Giả Dịch nên nhường cho “cấp trên” của mình.
Tuy nhiên, có lẽ cũng vì không biết rõ “kế hoạch” của vị thượng cấp, một lần, trong lúc Lý Sư Sư và Tống Huy Tông đang xoắn xuýt bên nhau thì Giả Dịch tìm tới. Nhìn thấy hằn rõ trên cửa sổ phòng người tình hai chiếc bóng cứ quấn lấy nhau, vốn là võ tướng, Giả Dịch không kìm được cơn nóng giận, quát hỏi tú bà: “Ai đang ở trên lầu?”
Nóng giận là thế nhưng Giả Dịch cũng đâu dám vuốt dâu hùm. Thấy mụ tú bà dùng ngón tay chỉ chỉ lên trời, Giả Dịch đành ngậm ngùi cúi đầu bỏ ra về. Từ đó về sau, Giả Dịch không dám tới tìm Lý Sư Sư nữa.
Lẽ đời là vậy, thứ gì càng khó có được thì người ta càng thấy tiếc nuối vì thế, dù không dám đến lầu xanh tìm Lý Sư Sư, tuy nhiên, nỗi si tình của họ Giả thì vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ tới Lý Sư Sư, Giả Dịch lại không khỏi cảm thấy lực bất tòng tâm.
Bởi lẽ, không phải kẻ dũng tướng như ông ta không có bản lĩnh mà thực là vì đối thủ lần này của ông ta quá mạnh. Uất ức tích tụ, Giả Dịch đành trút hết tâm sự vào thơ. Vì thế, Giả Dịch đã viết một bài từ có tên là “Nam hương tử” với nội dung rằng: Chẳng qua vì ông là Hoàng đế nên mới chiếm được người đẹp.
Nhưng dựa vào ngôi vị Hoàng đế để chiếm người đẹp thì thật chẳng quang minh chính đại chút nào. Đã thế, khi có sứ đến báo đã tới giờ về cung dự buổi chầu sớm, thì ông mới hốt hoảng để lại chiếc đai lụa của mình làm tiền ngủ đêm trước, thật chẳng ra làm sao.
Tống Huy Tông xem xong bài hát này đương nhiên nổi trận lôi đình. Giả Dịch ngươi tuy là đại thần nhưng cả gan dám tranh người đẹp với trẫm, lại còn viết cả điệu hát để chế giễu trẫm thì tội đáng muốn chết.
Trong cơn tức giận, ông vua nghệ sĩ Tống Huy Tông lập tức ban chiếu chỉ giết chết Giả Dịch. Những tưởng số phận họ Giả đến đây là kết thúc.
Nhưng may nhờ có các đại thần trong triều đứng ra xin hộ, nói rằng, nếu vì chuyện của một cô kỹ nữ mà Hoàng đế giết võ tướng thì sau này ai sẽ vì nước mà quên thân nên Tống Huy Tông mới nguôi giận, đổi từ xử tử thành đi đày biệt xứ.
Thế mới biết rằng, người ta vẫn nói, “hồng nhan ấy là nguồn cơn của tai họa” thế nhưng thực chất thì nguồn cơn của tai họa không phải ở người phụ nữ. Dẫu sao, chỉ với điệu từ chế giễu Hoàng đế cũng đủ để Giả Dịch lưu danh sử sách như một khách làng chơi “to gan” bậc nhất.
- Đại Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét