Chân dung vua Tống Thần Tông |
Chuyện xảy ra vào những năm vua Anh Tông nhà Bắc Tống trị vì. Tại một con ngõ nhỏ ở chốn kinh đô Khai Phong, gia đình họ Thôi đang chuẩn bị tổ chức hôn lễ cho cậu con trai Thôi Kiệt.
Nhà họ Thôi chỉ là một hộ buôn bán nhỏ ở kinh thành, gia cảnh cũng không mấy khá giả vì thế, hôn lễ được tổ chức khá đơn giản. Điều này khiến cô dâu không vừa lòng. Vì sao lại không vui? Vì rằng đám cưới như thế làm cô ta mất mặt.
Cô dâu vốn là con gái nhà họ Lý, một gia đình có thể liệt vào hạng “giai cấp tư sản dân tộc” ở chốn kinh thành, là một gia đình có của ăn, của để. Thời nhà Tống, người ta vẫn có phong tục là “Dùng vàng gả con gái, dùng bạc lấy vợ cho con trai”, vì thế, lễ vật mà nhà gái phải chuẩn bị để gả con gái về nhà trai vô cùng nhiều.
Thậm chí, số tiền mà phải bỏ ra để tổ chức lễ cưới, nhà gái cũng phải trả bằng hết. Vì thế, cô tiểu thư họ Lý trông thấy đám cưới đơn giản như vậy đương nhiên không thấy vui vẻ gì.
Có điều, chú rể Thôi Kiệt cũng có thể coi là một người đàn ông lý tưởng, vừa hiền lành lại khôi ngô. Điều này khiến tiểu thư nhà họ Lý rất lấy làm vừa ý. Vì thế, hai vợ chồng Thôi Kiệt bắt đầu những ngày tháng vui vẻ hạnh phúc bên nhau.
Một năm sau, Lý thị sinh cho nhà họ Thôi một cô con gái. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đây, những ngày tháng hạnh phúc của nhà họ Thôi bắt đầu biến mất.
Do Thôi Kiệt chỉ là một dân thường nên trong sử sách có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy ghi chép nào liên quan đến họ Lý. Vì thế, từ tính cách, quan điểm của Thôi Kiệt ra sao, người đời sau chỉ có thể đoán chừng mà thôi.
Theo lý thường, sinh ra trong một gia đình buôn bán, những điều mà Thôi Kiệt nghe được chỉ là làm sao để có thể làm ăn, sinh lợi, làm sao để có tiền nuôi sống gia đình. Vì thế, về phương diện tình cảm, có thể Thôi Kiệt là người đơn giản.
Thứ nữa, tính cách mềm mỏng, hiền lành cũng gần nghĩa với từ nhu nhược. Kiểu đàn ông như Thôi Kiệt, đương nhiên có vài phần đàn bà mà thiếu đi vài phần của đàn ông. Ngoài ra, có người nối dõi là quan niệm đã thâm căn cố đế của xã hội phong kiến nam quyền, do vậy, Thôi Kiệt cũng không ngoại lệ.
Vì thế, chuyện Lý thị sinh ra một cô con gái, đương nhiên khiến gia đình họ Thôi không mấy bằng lòng. Những nguyên nhân trên đây có thể là lý do dẫn đến những rạn nứt trong quan hệ vợ chồng Thôi Kiệt.
Sinh ra một cô con gái và bị gia đình nhà chồng ghẻ lạnh, Lý thị đương nhiên cũng cảm thấy mình oan ức. Sinh con trai hay con gái có phải là do một mình tôi quyết định đâu? Tại sao Thôi Kiệt không chịu tìm nguyên nhân ở chính mình? Anh muốn giở trò chiến tranh lạnh với tôi thì tôi cũng chiều.
Hóa ra, Lý thị trong một lần ra ngoài đã gặp gỡ một chàng trai họ Nhâm. Anh có tình, nàng có ý, vì thế, hai người nhanh chóng xoắn xít lấy nhau. Sau khi hai người thương lượng đã quyết định bỏ trốn cùng nhau.
Tuy nhiên, Lý thị đưa ra điều kiện bỏ trốn cùng nhau cũng được nhưng nhất định phải mang con gái mình theo. Đang lúc yêu nhau say đắm, họ Nhâm lập tức đồng ý điều kiện của Lý tiểu thư.
Do điều kiện giao thông khi đó còn rất khó khăn nên hai mẹ con họ Lý cùng họ Nhâm chẳng phải trốn đi đâu xa mà thuê một căn nhà ở ngoại ô thành Khai Phong rồi ở lại đó. Chồng cày ruộng, vợ dệt vải, những ngày tháng 3 người ở bên nhau không mấy sung túc, song lại hạnh phúc, vui vẻ.
Tuy nhiên, người ta nói đời người phúc họa khôn lường là vậy. Sống với nhau chưa được bao lâu thì họ Nhâm bỗng nhiên mắc bệnh lạ. Tìm đủ các thầy thuốc xa gần, tuy nhiên ai đến rồi cũng lắc đầu ra về.
Chẳng bao lâu sau, họ Nhâm trút hơi thở cuối cùng. Lý thị khóc nhiều tới mức chết đi sống lại nhiều lần. Có lẽ, nếu như không vì con gái còn nhỏ tuổi, cần có người chăm sóc thì Lý thị cũng đã chết theo họ Nhâm cho trọn tình trọn nghĩa.
Mất đi người đàn ông, mất đi chỗ nương tựa không chỉ là sự cô đơn lạnh lẽo mà còn là những thiếu thốn vật chất. Làm thế nào đây? Lại quay trở về nhà họ Thôi? Làm sao mà quay lại được khi chuyện bỏ nhà theo trai còn như trước mắt.
Hơn nữa, Thôi Kiệt lại cũng đã chết, còn ai chứa chấp dạng con gái hư hỏng như mình. Nghĩ vậy, Lý thị đành phải cắn răng chịu đựng, một mình nuôi con gái khôn lớn.
Khi con gái trưởng thành, cũng là lúc Lý thị gặp phải khó khăn. Con gái nên mang họ Thôi hay họ Nhâm? Đáng ra con gái phải mang họ Thôi bởi lẽ dù sao nó cũng mang dòng máu của Thôi Kiệt. Tuy nhiên, họ Nhâm cũng có công nuôi dưỡng nó, lại thêm, họ Nhâm mới là người chồng mà Lý thị yêu thương, nếu như con gái mang họ Nhâm thì cũng đâu có gì sai.
Đương lúc Lý thị không biết xử trí thế nào thì có một người khuyên Lý thị rằng: Nếu đã không mang họ Thôi, không mang họ Nhâm thì con gái của cô nên mang họ Chu. Người này chỉ biết tên là Triệu Viêm làm công việc mai mối.
Triệu Viêm giới thiệu cho Lý thị một người đàn ông họ Chu, tên là Chu Sĩ An, người Khai Phong, gia cảnh tương đối khá, đã từng có một đời vợ và một cậu con trai.
Một người đàn ông tốt như vậy, Lý thị đương nhiên chẳng có lý do gì để từ chối, gật đầu đồng ý để Triệu Viêm làm mối cho mình. Ít lâu sau, Lý thị lên kiệu hoa lần thứ 3 về nhà họ Triệu. Vì thế, cô con gái của Lý thị bắt đầu mang họ Chu từ đó.
Năm 1068, vua Anh Tông nhà Bắc Tống qua đời, vua Thần Tông lên ngôi hoàng đế. Để chuẩn bị cho thời kỳ cai trị của mình, vua Thần Tông ra lệnh tuyển chọn mỹ nữ trong khắp thiên hạ đưa vào cung.
Con gái của Lý thị, lúc này đã mang họ Chu, năm đó vừa tròn 16 tuổi, xinh đẹp nổi tiếng cả phủ Khai Phong vì thế nhanh chóng trở thành một ứng cử viên xuất sắc được lựa chọn để đưa vào cung.
Người ta kể rằng, ngay khi vua Thần Tông nhìn thấy cô gái 16 tuổi này lần đầu tiên đã chết mê chết mệt. Đêm đó, Thần Tông đã vội vàng sủng hạnh cô gái họ Chu. Ngày hôm sau, Thần Tông ban chiếu chỉ phong cho Chu thị làm Tài nhân.
Tiếp sau đó, lại phong cho Chu thị làm Tiệp dư. Tốc độ thăng tiến của Chu thị có thể nói là khiến người ta phải chóng mặt. Bởi lẽ, trong chế độ hậu cung thời Tống, Tiệp dư chỉ đứng dưới Chiêu nghi, có thể coi là vợ bé của hoàng đế.
Vợ bé của một quan lại hay một đại gia giàu có đã có thể coi là phú quý vạn phần, vinh hoa hưởng không hết huống hồ là vợ bé của hoàng đế, vị chúa tể của cả thiên hạ?
Từ khi con gái vào cung, được tấn phong làm Tiệp dư, cuộc đời Lý thị cũng thay đổi theo. Bởi lúc này, Lý thị muốn nói gì thì nói cũng đã là mẹ vợ của hoàng đế. Trong khi đó, từ khi được Thần Tông sủng ái, tiểu Chu cô nương cũng không hề phụ lòng đức lang quân của mình.
Chu thị lần lượt sinh cho Thần Tông hai trai một gái gồm: Hoàng tử Triệu Húc, người sau này lên ngôi hoàng đế trở thành Tống Triết Tông, Thái Vương Triệu Tự, Từ Quốc Trưởng công chúa.
Nhờ công lao ấy, Chu thị tiến thêm một bước, được phong làm Đức Phi. Địa vị của bà mẹ vợ Lý thị nhờ vậy cũng được củng cố thêm một phần.
Sau khi đứa cháu ngoại là hoàng đế Triết Tông lên ngôi hoàng đế, con gái được phong làm hoàng thái phi, Lý thị danh chính ngôn thuận trở thành bà ngoại của hoàng đế. Ngay cả những người đàn ông mà Lý thị gắn bó trong cuộc đời mình cũng nhờ đó mà vạn phần hiển quý.
Từ những người đã chết như Thôi Kiệt, họ Nhâm cho tới người con sống như Chu Sĩ An tất cả đều được phong làm thái sư hoặc thái bảo, những tước hàm rất tôn quý trong triều đình nhà Tống lúc bấy giờ.
Cuộc đời của một cô tiểu thư bỏ nhà theo trai Lý thị có thể nói là đã có một kết cục mỹ mãn ngoài mong đời. Điều duy nhất không hoàn mỹ chính là, việc họ Nhâm cùng Lý thị bỏ trốn, dẫu sao cũng là vi phạm nghiêm trọng vào lễ giáo, do vậy, khi chép sử, các sử gia thời Tống nhất định không chịu viết tên mà chỉ lưu lại họ.
Chính vì thế, thời nay, người ta chỉ biết tên của người đàn ông đã chiếm được trái tim của Lý thị là họ Nhâm chứ không biết tên. Đó cũng là một điều oan ức đối với họ Nhâm vậy.
- Phong Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét