Mao Trạch Đông muốn nói điều gì với Diệp Kiếm Anh lúc lâm chung? Là lời từ biệt hay còn chuyện gì muốn ủy thác cho Diệp Kiếm Anh làm hộ?
Hóa ra không phải.
Giây phút lâm chung
Trong suốt những năm cuối đời, Mao Trạch Đông bệnh nặng, gần như phải nằm liệt giường và luôn có người túc trực bên cạnh. Hôm đó, Tiểu Mạnh – người phụ nữ được phân công chăm sóc Mao Trạch Đông trên giường bệnh – xin phép nghỉ về nhà thăm chồng.
Đã hơn một năm nay kể từ ngày Mao Trạch Đông không đứng dậy và đi lại được như trước, Tiểu Mạnh đã luôn phải túc trực suốt ngày đêm tại Trung Nam Hải. Hai vợ chồng cô gần như không có nhiều cơ hội để gặp nhau. Mấy ngày đó, thấy sức khỏe của Mao Trạch Đông có phần khá hơn, ông đã bắt đầu nói chuyện sau một thời gian gần như không nói được gì, chính vì thế Tiểu Mạnh mới dám mạnh dạn xin phép lãnh đạo cho cô về thăm chồng.
Nói là về nhà thăm chồng, song thực chất nhà của Tiểu Mạnh cũng chẳng xa xôi gì. Nhà của vợ chồng cô nằm ở số 102 phố Phủ Hữu, cách Trung Nam Hải chỉ một con phố. Có điều, chồng cô do tính chất của công việc cũng ít bè bạn, thường xuyên ở một mình rất cô độc nên mỗi khi có thời gian, Tiểu Mạnh đều tranh thủ về thăm chồng.
Hôm đó, hơn 5 giờ chiều Tiểu Mạnh mới về tới nhà. Hai vợ chồng xa cách đã lâu, có rất nhiều chuyện để nói nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ chuyện gì, thành ra suốt cả bữa cơm chỉ ngồi nhìn nhau. Vừa ăn cơm xong không bao lâu, đúng 7 giờ 15 phút, bỗng nhiên có người tới tìm, yêu cầu Tiểu Mạnh ngay lập tức trở lại Trung Nam Hải.
Tiểu Mạnh chẳng kịp dặn dò chồng, hớt hải chạy tới phòng của Mao Trạch Đông thì mới biết cơ tim Mao Trạch Đông bị tắc, đang rất nguy kịch. Khi Tiểu Mạnh tới nơi, chỉ thấy mặt Mao Trạch Đông đã xám ngoét, môi đã chuyển sang màu xanh tía, hơi thở khò khè rất khó khăn. Các bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông đều đã có mặt, một số thành viên của Bộ Chính trị cũng đã tới, không khí vô cùng căng thẳng.
Các bác sĩ cố hết sức cấp cứu, hơn 20 phút sau, nhịp thở của Mao Trạch Đông mới trở lại bình thường, nhịp tim từ 110 giảm xuống 80. Trở lại bình thường được một lúc, Mao Trạch Đông bỗng nhiên mở mắt ra.
Một số ủy viên Bộ Chính trị túc trực bên cạnh Mao Trạch Đông thấy ông mở mắt liền tiến đến bên cạnh giường để hỏi thăm. Khi tướng Diệp Kiếm Anh bước tới, Mao Trạch Đông dùng hết sức lực còn trong người để nâng cánh tay lên ra hiệu. Tuy nhiên, lúc đó, Mao Trạch Đông đã quá yếu nên cánh tay chỉ khẽ rung rung nên rất khó có ai biết được ông muốn gì.
Tiểu Mạnh đứng ở đầu giường, hiểu rằng Mao Trạch Đông đang muốn nói chuyện với tướng Diệp Kiếm Anh nên cô đi vòng qua chỗ Diệp Kiếm Anh nói: “Đại tướng Diệp, tôi thấy có vẻ Mao Chủ tịch muốn nói chuyện với ông. Ông thử hỏi chuyện xem thế nào”. Diệp Kiếm Anh lúc này mới để ý tới hành động của Mao Trạch Đông, gật gật đầu đồng ý rồi bước tới ngồi sát giường của Mao Trạch Đông.
Khi ấy, Diệp Kiếm Anh ngồi rất sát Mao Trạch Đông. Vị tướng quân họ Diệp cúi người xuống rất thấp nhìn Mao Trạch Đông. Thấy Diệp Kiếm Anh ngồi sát bên cạnh, mắt Mao Trạch Đông bỗng nhiên sáng lên. Đã nhiều năm nay kể từ khi mắc bệnh, đôi mắt của Mao Trạch Đông chưa bao giờ sáng lên dị thường như vậy. Chắc chắn Mao Trạch Đông có rất nhiều điều muốn nói với vị thuộc cấp của mình, tuy nhiên lúc này sức lực không còn, Mao Trạch Đông không còn nói được gì nữa.
Tướng Diệp Kiếm Anh chẳng biết Mao Trạch Đông định nói gì với mình, chỉ biết cầm tay Mao rồi liên tục gật đầu như muốn khẳng định rằng dù Mao có nói gì đi nữa, ông ta cũng đồng ý.
Câu nói cuối cùng
Mao Trạch Đông muốn nói với Diệp Kiếm Anh điều gì? Là lời từ biệt trước lúc ra đi hay là còn chuyện gì muốn ủy thác cho Diệp Kiếm Anh làm hộ? Mao Trạch Đông khi còn sống từng khen ngợi Diệp Kiếm Anh là: “Lã Đoan (tức Diệp Kiếm Anh) làm việc lớn không hề hồ đồ”.
Trong cuộc cách mạng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ở Trung Quốc, tại rất nhiều thời điểm, Diệp Kiếm Anh là người cực kỳ quan trọng mà không ai có thể thay thế được. Tuy nhiên, lần này, vị đại tướng họ Diệp cũng chỉ biết nắm tay Mao Trạch Đông chứ không thể nào giữ được sinh mệnh của ông.
Bắt đầu từ cuối tháng 8 cho tới khi qua đời vào tháng 9, Mao Trạch Đông đã rất nhiều lần bị hôn mê. Mỗi lần như vậy, các bác sĩ đều phải tìm mọi cách để cấp cứu cho ông. Trong quá trình hôn mê – cấp cứu đó, Mao Trạch Đông cứ dần dần bước đi về một thế giới khác. Không ai có thể biết được trong những giây phút cận kề cái chết ấy, Mao Trạch Đông thực sự cảm thấy như thế nào.
Sau đó vài ngày, tới 7 giờ tối ngày 8 tháng 9, Tiểu Mạnh tới thay ca, túc trực bên giường bệnh của Mao Trạch Đông. Đã từ nhiều ngày qua, các ủy viên và thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã luân phiên nhau túc trực bên giường bệnh của Mao Trạch Đông. Các bác sĩ riêng cũng ở bên cạnh để quan sát mọi động tĩnh về bệnh tình của Chủ tịch Mao, từ huyết áp, nhịp tim cho tới cả việc tiểu tiện.
Tới 7 giờ 10 phút, Mao Trạch Đông đột nhiên thở gấp. Tiểu Mạnh cúi sát người,dùng tay xoa xoa lên ngực Mao Trạch Đông để ông dễ thở. Lúc này, chỉ nghe Mao dùng hết sức lực của mình nói rất nhỏ và khó khăn: “Tôi cảm thấy khó chịu, gọi bác sĩ tới”.
Các bác sĩ nghe tiếng gọi của Tiểu Mạnh vội vàng dùng ống dưỡng khí đặt lên mũi của Mao Trạch Đông. Mao dùng tay gạt đi, thể hiện là mình đang cảm thấy rất khó chịu. Qua vài phút sau, Mao Trạch Đông thở bình thường trở lại. Lúc này, các bác sĩ thấy trên mũi của Mao Trạch Đông bị chảy nước, vì thế mới tạm lấy ống dưỡng khí xuống, dùng bông lau sạch mũi cho Mao rồi đeo ống dưỡng khí trở lại.
Tuy nhiên, từ lúc tháo ống dưỡng khí ra, Mao chẳng hề có chút phản ứng nào nữa. Suốt bốn giờ sau đó, các bác sĩ tìm mọi cách để cấp cứu, đưa Mao Trạch Đông trở lại tuy nhiên Mao Trạch Đông không bao giờ tỉnh lại nữa.
Tới 12 giờ 10 phút ngày 9 tháng 9, các bác sĩ chính thức xác nhận Mao Trạch Đông đã qua đời. Trong những giờ cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay, câu nói duy nhất của Mao Trạch Đông chính là câu Mao nói với cô gái phục vụ Tiểu Mạnh: “Tôi cảm thấy khó chịu, hãy gọi bác sĩ tới”.
Vị lãnh tụ vĩ đại của người dân Trung Quốc đã không có một yêu cầu hay một câu nói nào cảm động lòng người như người ta vẫn mong đợi. Đó là một câu nói rất bình thường, song đúng với tính cách và hoàn cảnh của Mao Trạch Đông lúc bấy giờ. Hơn 10 ngày sau đó, người ta an táng Mao Trạch Đông ở lăng Mao Trạch Đông.
(BKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét