Tân Tổng thống Iran Hasan Rohani đã đi những bước đầu trong việc cắt giảm sự hiện diện của quân đội trong chính phủ, ngoài ra ông bổ sung một loạt quan chức có đường lối ôn hòa.
Trong những ngày gần đây, cách lựa chọn nội các của ông Rohani đã cho thấy một bước ngoặt lớn, dần thoát khỏi sự thống trị hơn một thập kỷ qua của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) cả về mặt kiểm soát đất nước lẫn kinh tế.
Trong chính phủ của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad có đến 9/18 bộ trưởng là người của IRGC, cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu. Nhưng các chuyên gia Iran lẫn quan chức châu Âu dự đoán ông Rohani sẽ chỉ giữ lại khoảng 3 người, trong đó Chuẩn tướng Hossein Dehghan, chỉ huy cấp cao của IRGC, được nhắm vào ghế bộ trưởng quốc phòng.
Một sĩ quan khác đã nghỉ hưu của IRGC được giới truyền thông Iran dự đoán là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân kế tiếp của Iran.
Trước đó, Tổng thống Rohani đã bổ nhiệm ông Bijan Namdar Zanganeh giữ chức vụ bộ trưởng dầu mỏ. Ông Zanganeh từng đảm nhận chức trên từ năm 1997 - 2005 dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami. Dư luận dự đoán ông Rohani muốn thông qua Zanganeh để phát triển quan hệ với các nước OPEC.
Mục tiêu đầu tiên mà ông Rohani muốn thực hiện là ổn định kinh tế đất nước, xóa bỏ những trừng phạt mà Iran đang phải hứng chịu |
Chức vụ ngoại trưởng được dành cho ông Mohammad Javad Zarif, người đã từng là đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc từ năm 2002 - 2007, đồng thời là thành viên nhóm đàm phán hạt nhân từ năm 2003 - 2005 dưới quyền trưởng đoàn Rohani.
Điều đáng chú ý, ông Zarif lớn lên ở Mỹ và đã từng hợp tác cùng chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush trong việc tổ chức chính phủ mới ở Afghanistan sau khi lật đổ chế độ Taliban năm 2001.
Với ưu tiên hàng đầu là tập trung hồi phục kinh tế và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, ít nhất 10 thành viên trong danh sách đề cử nội các của ông Rohani là các nhà kỹ trị và chuyên gia kinh tế. Ông Rohani cho rằng chỉ có biện pháp ôn hòa, hợp tác và gỡ bỏ trừng phạt mới có thể mang lại sự ổn định cho kinh tế Iran và đảm bảo an ninh cho quốc gia này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại hành động của ông Rohani ảnh hưởng quá nhiều đến lợi ích của IRGC, khiến cho lực lượng này có thể ngấm ngầm phá hoại. Song, ông Rohani có được sự ủng hộ rất lớn từ nhân vật 74 tuổi Khamenei.
Khamenei là người rất có tiếng nói trong nội bộ IRGC, ông và tổ chức này như hình với bóng, nhưng vị đại giáo chủ này đã lên tiếng ông cùng quan điểm với Tổng thống Rohani rằng mối đe dọa lớn nhất của Iran là kinh tế bất ổn.
“Có thể Khamenei cũng lo ngại trước sức mạnh của IRGC và đang cố khống chế lực lượng này” - ông Ali Alfoneh, một chuyên gia về IRGC của Mỹ phân tích.
Hành động này được giới chức Mỹ và châu Âu xem như dấu hiệu đáng mừng đối với nỗ lực hạn chế chương trình hạt nhân Iran của cộng đồng quốc tế.
Mỹ và Liên Hiệp Quốc tin rằng IRGC đóng vai trò chủ chốt trong chương trình phát triển hạt nhân của Iran, đồng thời trực tiếp tham gia thiết kế vũ khí nguyên tử. Tiếng nói bảo thủ của IRGC giảm bớt đồng nghĩa với việc những thỏa thuận đàm phán sẽ được xúc tiến dễ dàng hơn.
Khi kết quả bầu cử tại Iran được công bố, phương Tây đã vô cùng hân hoan đón nhận chiến thắng của ông Rohani. Giới chức Mỹ cho rằng dấu chấm hết của chủ nghĩa bảo thủ tại Iran đã điểm và Rohani sẽ là cầu nối cho mối quan hệ mới mang tính thân Mỹ. Một loạt động thái của tân Tổng thống Iran sau khi chính thức nắm quyền càng làm người Mỹ vui mừng hơn.
Nhưng trong một diễn biến phức tạp khác, tạp chí quốc phòng Jane’s số ra ngày 8/8 cho biết, qua những hình ảnh chụp từ vệ tinh, có thể thấy Iran đang xây dựng một bãi phóng tên lửa mới gần thị trấn Shahrud, cách thủ đô Tehran khoảng 100km về phía Đông Bắc. Bãi phóng trên có thể được dùng để thử tên lửa đạn đạo.
Đồng thời, Tân tổng thống Iran hôm 4/8 đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al Assad tại Syria, khẳng định rằng sẽ không có thế lực nào trên thế giới có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập niên qua của Iran và Syria.
Giữa tháng 8 tới, Tổng thống Nga sẽ có chuyến công du Iran. Rất có thể những vấn đề về hợp tác kinh tế, hợp đồng vũ khí và Syria sẽ là chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống này.
Những việc làm trên của tân Tổng thống Rohani đang khiến Mỹ và đồng minh thực sự băn khoăn, Iran sẽ ôn hòa hơn, hay vẫn bảo thủ một cách khéo léo?
Minh Tú (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét