Quyền lực của vị tướng quân đội 4 sao
Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có trụ sở đặt tại căn cứ Fort Meade, bang Maryland. Nơi đây được xây dựng vô cùng hoành tráng, có hẳn bưu cục riêng, sở cứu hỏa và một lực lượng cảnh sát với hàng chục ngàn người được phân bố khắp thành phố thu nhỏ này, giữa hơn 50 tòa nhà nằm san sát nhau. Xung quanh “thành phố” là những hàng rào điện, những chướng ngại vật chống tăng, camera an ninh và thiết bị dò chuyển động cực kỳ nhạy cảm được cài đặt khắp nơi.
Thậm chí, để ngăn ngừa bất cứ tín hiệu điện tử nào rò rỉ ra ngoài hoặc đề phòng các tin tặc tấn công vào mạng máy tính nội bộ, những bức tường trong “thành phố” còn được phủ một lá chắn bằng đồng và các ô cửa sổ lắp mắt lưới đồng mảnh.
“Thành phố NSA” cũng là nơi vị tướng quyền lực nhất Hoa Kỳ – Tướng Keith Alexander “ẩn náu”. Quả thật, Alexander có quyền lực rộng lớn, bao trùm cả ba tổ chức lớn: Giám đốc NSA – Cơ quan tình báo lớn nhất thế giới, lãnh đạo cơ quan An ninh Trung ương (CSS), chỉ huy Bộ tư lệnh Không gian mạng US CYBERCOM, đứng đầu Hạm đội 10 của hải quân Mỹ, lãnh đạo đơn vị số 24 thuộc Không quân Mỹ và lực lượng Quân đội số 2. Hiện nay, vị tướng quân đội bốn sao này đang cùng với lực lượng khổng lồ của mình nắm giữ những trang thiết bị, có thể dễ dàng phá hủy trang thiết bị và cơ sở hạ tầng của bất cứ kẻ thù nào. Ông từng nhấn mạnh, những vũ khí mạng trong thế kỷ XXI mang tính quyết định hệt như vũ khí hạt nhân.
Ông cùng NSA nhiều lần tạo nên những “chiến tích” được cả thế giới biết đến và mang lại những kết quả thay đổi cục diện thế giới. Trong khi khái niệm chiến tranh mạng vẫn còn là một điều gì đó hết sức mới mẻ đối với nhiều người, thì Tướng Alexander đã và đang chuẩn bị một kịch bản về một cuộc chiến như vậy trong suốt gần 8 năm qua.
Điển hình là siêu vũ khí mạng Stuxnet – mã độc được phát triển bởi NSA với sự hợp tác của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và tình báo Israel tấn công phá hủy các máy ly tâm được sử dụng trong chương trình hạt nhân của Iran vào năm 2007, chỉ là bước đầu tiên trong các kế hoạch chiến tranh mạng của ông. Nhóm hacker của phòng Chiến dịch xâm nhập thích ứng (TAO) – một bộ phận tuyệt mật của NSA chịu trách nhiệm xâm nhập vào cơ sở đó.
Nhờ sự chuyên nghiệp sẵn có, TAO đã xâm nhập thành công hàng ngàn hệ thống máy tính nước ngoài, đọc lén e-mail của nhiều mục tiêu đáng ngờ trên khắp thế giới và tìm kiếm những lỗ hổng an ninh mạng của Natanz. Phần còn lại do CIA thực hiện và chiến dịch Stuxnet được đánh giá là chiến dịch khó khăn nhưng hết sức thành công của NSA.
Theo hãng tin Bloomberg, tướng Alexander đã yêu cầu bổ sung gần 4,7 tỷ USD vào nguồn kinh phí cho năm 2014 chỉ để thúc đẩy thực hiện “các hoạt động trên không gian mạng” của Mỹ. Với quyền lực đáng gờm của tướng Alaxander, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản tiền lên đến 4,7 tỷ USA vào năm 2014 cho NSA để mở rộng các chiến dịch không gian mạng này.
Nhờ đó, Tướng Alaxander đã tuyển mộ thêm hàng ngàn chuyên gia máy tính, hacker để có điều kiện thực hiện thêm nhiều vụ tấn công quan trọng khác, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ và thế giới.
Quyền lực của tướng Alexander còn thể hiện ở việc bất chấp tình trạng bị cắt giảm nhân sự lẫn tài chính trong chính quyền liên bang, đế chế Keith Alexander vẫn phát triển mạnh và bền vững. Nhiều công trình mới được xây dựng lên. Một trong những công trình đó là Site M., một khu phức hợp mới trị giá 3,2 tỷ USD tại Fort Meade. Site M. bao gồm trạm phát điện riêng, 14 tòa nhà chiếm diện tích gần 100 hecta, 10 khu đỗ xe rộng lớn cùng không gian chứa các siêu máy tính do 50 chuyên viên điều khiển, cùng trung tâm chiến dịch mạng hơn 1.300 người.
“Chuyên gia trí não” của các hoạt động bóng tối
Nhiều chuyên gia về an ninh mạng công nhận, tướng Alexander là người có đầu óc tính toán vô cùng tài giỏi. Khả năng của ông được biết đến từ thời Chiến tranh lạnh khi NSA cho xây dựng hàng trăm trạm nghe lén bí mật trên khắp thế giới phục vụ cho Bộ chỉ huy Tình báo tín hiệu của Mỹ (SIGINT). Nhưng rồi, sau khi khối Đông Âu tan rã, sự ra đời của những công nghệ tiên tiến như vi sóng và điện thoại di động khiến các trạm nghe lén trở nên kém hiệu quả.
Với sự quan sát sắc bén và đầu óc tài tình, Keith Alexander đã chuyển hướng hoạt động của NSA đến mạng lưới các vệ tinh của SIGINT mang các tên mã như là Vortex, Magnum, Jumpseat và Trumpet. Mạng lưới các vệ tinh này đã phục vụ đắc lực cho NSA trong hoạt động tình báo, giúp cơ quan này phát hiện và triệt phá nhiều vụ khủng bố lớn.
Gần đây nhất, sau khi vụ chương trình do thám mạng Internet PRISM bị phanh phui, tướng Alexander đã phải ra điều trần trước Thượng viện Mỹ về sự việc này. Nhưng lý lẽ của Alexander dường như không sai, ông một mực khẳng định, chương trình do thám này hoạt động trong tầm kiểm soát, chỉ theo dõi những đối tượng tình nghi để kịp thời ngăn chặn các vụ khủng bố có thể xảy ra, đảm bảo an ninh cho toàn nước Mỹ. Chính bởi vậy, bên trong chính quyền Mỹ, Keith Alexander là nhân vật vừa được nể trọng vừa được mọi người kinh sợ.
Một cựu sĩ quan cao cấp CIA giấu tên cho biết: “Chúng tôi gọi ông ta là Hoàng đế Alexander bởi những gì ông muốn đều trở thành hiện thực. Ông ta có thể yêu cầu được nhiều thứ từ Quốc hội và Nhà Trắng”.
Alexander cho biết, ông sẽ về hưu vào năm 2014. Sau khi rút lui khỏi NSA, Alexander chắc chắn để lại đằng sau cả một đế chế rộng lớn, nơi tạo ra ranh giới ngày càng mờ ảo giữa chiến tranh quy ước và chiến tranh không gian mạng. Với quyền lực và đầu óc hết sức tinh khôn của mình, Keith Alexander được gán cho biệt danh là Alexander “chuyên gia trí não”.
Mối đe dọa không gian mạng vượt qua tầm kiểm soát
Theo tướng Keith Alexander, các mối đe dọa trên không gian mạng nguy hiểm đến nỗi mà Mỹ gần như đã không còn sự lựa chọn, ngoài việc phải đặt toàn bộ mạng Internet dân sự dưới sự bảo vệ của ông và toàn bộ nội dung đăng tải trực tuyến cũng như thông tin liên lạc trong email đều phải đi qua bộ lọc do ông kiểm soát. Ông cho biết, các hoạt động trên không gian mạng đang gia tăng đến một cấp độ có thể vượt quá giới hạn mà khu vực tư nhân có thể tự xử lý, do đó Chính phủ sẽ phải hành động.
AM (Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét