Trong quan niệm của nhiều người, hình tượng Cao Lực Sĩ không mấy tốt đẹp. Mọi người đều cho rằng, chính sự chuyên quyền của Cao Lực Sĩ đã hủy hoại tiền đồ chính trị của thi nhân Lý Bạch. Tuy nhiên, sự thực lại không hẳn thế…
Xuất thân danh gia vọng tộc
Xuất thân danh gia vọng tộc
Cao Lực Sĩ vốn tên thật là Phùng Nguyên Nhất, là người Cao Châu, Quảng Đông ngày nay. Phùng Nguyên Nhất vốn sinh ra trong một gia đình quan lại vào loại “danh gia vọng tộc”.
Ông cố nội của Phùng Nhất Nguyên là Phùng Ang từng là quan Tổng đốc Cao Châu được phong tới tước Cảnh Quốc Công, được coi là một tướng giữ biên giới quan trọng của triều đình.
Tuy nhiên, tới đời cha Phùng Nguyên Nhất thì gia cảnh họ Phùng đã sa sút đi nhiều. Phùng Quân Hành chỉ làm tới chức Thích sử Phan Châu và vẫn phải dựa vào thế tập những quân công của ông nội.
Sau đó, Phùng Quân Hành còn bị liên lụy vào một vụ án mưu phản, nhà họ Phùng bị giết cả nhà. Phùng Nguyên Nhân cũng suýt mất mạng song do tuổi còn quá nhỏ nên bị hoạn để đưa vào cung làm thái giám. Năm đó, Phùng Nguyên Nhất chỉ là cậu bé 10 tuổi.
Sau khi vào cung, vận mệnh của cậu công tử họ Phùng có vẻ tốt hơn khi liên tục gặp may mắn. Võ Tắc Thiên vừa gặp lần đầu đã thấy thích khuôn mặt của Phùng Nguyên Nhất, cho rằng, Phùng là người thông minh, lanh lợi mới sai người dạy dỗ riêng cho Phùng. Từ đó Phùng Nguyên Nhất ở bên cạnh phục vụ cho Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, vốn sinh ra trong gia đình quan lại, quen sai phái người khác, nay lại phải khom lưng phục vụ người, có phần chưa quen, thành ra Phùng Nguyên Nhất liên tiếp mắc lỗi.
Trong một lần tức giận, Võ Tắc Thiên đã đuổi Phùng ra khỏi cung. Số phận Phùng Nguyên Nhân đến đó tưởng như chấm dứt.
Thế nhưng may mắn lại đến. Phùng Nguyên Nhất được một thái giám tên là Cao Đình Phúc nhận làm con nuôi.
Cũng từ đó, Phùng Nguyên Nhất đổi tên thành Cao Lực Sĩ. Sở dĩ gọi Cao Đình Phúc đặt cho Phùng cái tên Lực Sĩ này là vì tuy nhỏ nhưng Phùng lại rất cao lớn, sức khỏe hơn người.
Cao vốn là người của Võ Tam Tư, cháu họ Võ Tắc Thiên do vậy Cao Lực Sĩ thường xuyên qua lại nhà của Võ Tam Tư.
Một lần Võ Tắc Thiên tới nhà Võ Tam Tư bắt gặp Cao Lực Sĩ, nhớ lại chuyện cũ, Võ Tắc Thiên lại cho gọi Cao Lực Sĩ vào cung hầu hạ.
Lần thứ 2 vào cung, do được dạy dỗ bởi Cao Đình Phúc, Cao Lực Sĩ trở nên cẩn trọng và ngoan ngoãn hơn đồng thời cũng bắt đầu biết cách nói chuyện và lấy lòng chủ nhân của mình hơn.
Những mưu lược sau này của Cao Lực Sĩ cũng đều là do học được trong thời gian phục vụ trong hậu cung của Võ Tắc Thiên.
Cao Sĩ Lực trên phim |
Mặc dù bị hoạn làm thái giám từ khi còn rất nhỏ tuy nhiên, Cao Lực Sĩ vẫn cao lớn, khỏe mạnh và dũng mãnh hơn người chứ không oặt ẹo như những thái giám khác.
Cao không chỉ giỏi cưỡi ngựa, bắn cung mà còn không hề sợ chuyện đao kiếm. Có lẽ đây là lý do khiến sau này Đường Huyền Tông nhiều lần phong cho Cao chức tướng quân mặc dù Cao chỉ là một thái giám.
Một Vi Tiểu Bảo trong hiện thực
Mối quan hệ giữa Cao Lực Sĩ và Đường Huyền Tông giống như mối quan hệ giữa Vi Tiểu Bảo và vua Khang Hy được Kim Dung miêu tả trong “Lộc Đỉnh Ký”. Tuy nhiên, khác với Vi Tiểu Bảo, Cao Lực Sĩ là kẻ có mưu lược và tầm nhìn chính trị.
Khi Lý Long Cơ hãy còn là Lâm Tri Vương, Cao Lực Sĩ đã nhìn thấy tiền đồ chính trị xán lạn của ông.
Ngược lại, Lý Long Cơ cũng rất thích năng lực của Cao Lực Sĩ nên coi Cao như kẻ tâm phúc. Từ đó, Cao Lực Sĩ luôn tìm mọi cách để bợ đỡ Lý Long Cơ.
Lúc bấy giờ Vĩ Hoàng hậu lộng quyền, Lý Long Cơ phát động chính biến, giết chết Vĩ Hoàng hậu. Trong cuộc chính biến này, Cao Lực Sĩ lập công đầu.
Sau khi chính biến, Duệ Tông trở lại ngai vàng, Lý Long Cơ trở thành thái tử, Cao Lực Sĩ cũng được thăng quan tiến chức, trở thành Triều tán Đại phu, Nội cấp sự, quản lý hàng trăm việc trong chốn hậu cung. Đây không chỉ chức vụ dành cho một thái giám.
3 năm sau, Cao Lực Sĩ lại một lần nữa giúp Lý Long Cơ phát động chính biến tiêu diệt phe cánh của Thái Bình Công chúa. Sau sự kiện này, Cao Lực Sĩ lại một lần nữa được thăng quan.
Không chỉ như vậy, Cao Lực Sĩ còn rất được Đường Huyền Tông Lý Long Cơ tin tưởng.
Huyền Tông trực tiếp gọi Cao là tướng quân, mặc dù trong lịch sử chưa có tướng quân nào xuất thân từ thái giám như Cao. Tất cả những tấu sớ không mấy quan trọng, Huyền Tông đều giao cho Cao Lực Sĩ xử lý.
Điểm mà Cao Lực Sĩ khác Vi Tiểu Bảo trong tiểu thuyết của Kim Dung chính là Cao không phải là kẻ vô học như Vi Tiểu Bảo.
Ngược lại, Cao thực sự là một thái giám, do vậy, Hoàng đế hoàn toàn yên tâm là y không bao giờ có chuyện bậy bạ. Nhờ được Huyền Tông tin tưởng, Cao Lực Sĩ trở thành kẻ có quyền thế vô biên.
Thập chí các công chúa, hoàng tử, thậm chí là thái tử cũng rất ngưỡng mộ và phải kính nể Cao vài phần. Có chuyện kể rằng, thái tử còn phải gọi Cao là “nhị huynh” còn các công chúa và hoàng tử khác thì đều gọi Cao là “ông”.
Ngoài ra, dù là thái giám thực sự song Cao Lực Sĩ cũng không thua kém Vi Tiểu Bảo về mặt đào hoa.
Cao cũng có một người vợ họ Lã. Sử chép rằng, khi mẹ vợ của Cao qua đời, các vương công đại thần tấp nập tới viếng, lễ tang do vậy được tổ chức một cách rất long trọng và tốn kém. Điều đó đủ cho thấy quyền lực của Cao Lực Sĩ lúc bấy giờ lớn tới mức nào.
Hãm hại Lý Bạch: Chuyện đùa?
Hình tượng Cao Lực Sĩ không mấy tốt đẹp. Một trong những nguyên nhân chính là do mối quan hệ giữa Cao và thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ: Lý Bạch. Mọi người đều cho rằng, chính sự chuyên quyền của Cao Lực Sĩ đã hủy hoại tiền đồ chính trị của thi nhân họ Lý. Tuy nhiên, sực thực lại không hẳn thế.
Lý Bạch bản tính thích uống rượu, đánh kiếm, làm chuyện nghĩa hiệp. Lý tưởng của Lý Bạch chính là trở thành một hiệp khách chứ không phải làm quan.
Trước khi được Đường Huyền Tông biết tới và triệu vào cung, Lý Bạch chưa bao giờ tỏ ra rằng mình có hoài bão về chính trị.
Ngay cả nhà chính trị mà Lý Bạch rất ngưỡng mộ là Tạ An thì mỗi khi nhắc tới, Lý Bạch cũng chỉ nói tới sự phóng khoáng của họ Tạ chứ không phải những thành tích chính trị của ông ta.
Một người như Lý Bạch rõ ràng rất khó được Hoàng đế yêu thích. May mắn là Đường Huyền Tông lại rất thích phổ nhạc mà Lý Bạch lại là một thiên tài thi ca.
Do vậy dù Lý Bạch không trải qua bất cứ kỳ thi nào nhưng nhờ chỗ quen biết vẫn được gặp Huyền Tông và trở thành một vị quan của Hàn Lâm Viện.
Việc Lý Bạch trêu chọc Cao Lực Sĩ là có thực. Theo ghi chép của “Tân Đường Thư” thì khi hầu Đường Huyền Tông, Lý Bạch lỡ uống quá nhiều, đã bắt Cao Lực Sĩ phải tháo giày cho mình.
Cũng vì chuyện này mà Lý Bạch đắc tội với Cao. Cao thù Lý Bạch nên trước mặt Dương Quý Phi đã nói rằng Lý Bạch làm thơ để “nói xéo” Dương Quý Phi.
Dương Quý Phi là sủng thiếp số một của Đường Huyền Tông, một khi không được lòng Dương Quý Phi, đương nhiên Lý Bạch sẽ không bao giờ được trọng dụng.
Từ tình hình thực tế lúc bấy giờ có thể nói nguyên nhân Lý Bạch không được trọng dụng chủ yếu là do Lý Bạch đã không chuẩn bị tốt để tham gia vào những việc chính sự.
Thứ nhất, một chính trị gia làm sao cả ngày uống rượu được? Hơn nữa, Lý Bạch mặc dù là một người lãng mạn song cũng có hoài bão chính trị, mơ được làm quan góp sức cho triều đình chứ không phải là một nhà thơ ngự dụng của Đường Huyền Tông.
Tuy nhiên, đối với Đường Huyền Tông thì vị trí thích hợp nhất dành cho Lý Bạch lại chính là làm một nhà thơ ngự dụng như vậy. Lý Bạch cảm thấy tuyệt vọng vì hoài bão không được đáp trả đã tự xin lui về quy ẩn.
Cao Lực Sĩ quả có hiềm khích với Lý Bạch nhưng không hẳn là người hủy hoại tiền đồ của Lý Bạch. Người chịu trách nhiệm chính ở đây có lẽ trước hết phải là Lý Bạch.
Chết vì nghe tin Hoàng đế băng hà
Cao Lực Sĩ dù quyền lực và sức ảnh hưởng rất lớn, song vẫn chưa đạt tới mức nắm được triều chính.
Cách mà Cao Lực Sĩ tham dự vào những việc triều chính cơ bản vẫn là “tát nước theo mưa”, hay “mượn gió bẻ măng”. Tại triều đình nhà Đường, việc chính sự triều đình chủ yếu do Tể tướng nắm giữ.
Khi Đường Huyên Tông bắt đầu đam mê tửu sắc thì toàn bộ việc triều chính đều do Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung nắm giữ.
Vấn đề bức thiết nhất của Đường Huyền Tông chính là lực lượng nơi biên giới quá mạnh. Trước tình hình này, Đường Huyền Tông thấy chẳng có gì vội. Cao Lực Sĩ đương nhiên cũng vậy.
Cao Lực Sĩ cũng từng phản ánh điều này với Đường Huyền Tông nhiều lần. Có lần, Huyền Tông hỏi Cao Lực Sĩ để Lý Lâm Phủ làm tể tướng có thích hợp không. Cao Lực Sĩ khuyên Đường Huyền Tông nên chọn người khác.
Tuy nhiên, nhìn ánh mắt không vui của Huyền Tông, Cao Lực Sĩ vội vàng quỳ xuống xin lỗi, rút lại lời nói của mình. Vào thời kỳ đầu khi Đường Huyền Tông lên ngôi, tể tướng Tống Hoàn cực kỳ lo lắng về lực lượng biên giới quá mạnh.
Lý Bạch |
Trước loạn An Lộc Sơn, Cao Lực Sĩ cũng nói với Huyền Tông về chuyện này. Tuy nhiên, thấy Đường Huyền Tông chẳng có gì lo lắng, Cao Lực Sĩ cũng không muốn để ý tới nữa. Dẫu sao, việc lớn nhất của Cao Lực Sĩ cũng chính là làm sao để Huyền Tông được thoải mái nhất.
Ngoài việc đó ra thì chỉ còn việc làm sao để làm giàu cho chính mình, những việc khác không nên quan tâm. Với một thái giám, làm được như Cao Lực Sĩ đã là không tệ chút nào.
Cao Lực Sĩ một lòng một dạ trung thành với Đường Huyền Tông vì tất cả những gì Cao có đều do Đường Huyền Tông mang tới.
Chính vì vậy, sau khi bị lưu đày tới Hồ Nam và được phóng thích, trên đường trở về Trường An, Cao Lực Sĩ nghe tin hai vị Hoàng đế đều đã chết, tinh thần Cao Lực Sĩ lập tức suy sụp.
Cao chết ngay trên đường trở về kinh đô. Sau khi chết, lăng mộ của Cao được đặt ngay gần lăng mộ của Đường Huyền Tông.
- Hà Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét