Năm 1376, vua Trần Duệ Tông cất 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền chiến tới cửa biển Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thì gặp gió to sóng lớn, không thể qua được. Quý phi Bích Châu đã quyết định hi sinh thân mình làm vật hiến tế cho thần sông để cầu sóng yên biển lặng cho nhà vua.
Quý Phi tài sắc vẹn toàn
Nguyễn Thị Bích Châu sinh năm 1356 tại vùng Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công, một ông quan rất mực thanh liêm.
Vì 40 tuổi mới sinh con nên gia đình Nguyễn Tướng Công rất vui mừng. Bởi vậy, ngay từ khi mới được sinh ra, bà được cha mẹ nâng niu đặt tên Nguyễn Thị Bích Châu, tự là Bích Lưu.
Nguyễn Tướng Công đặt tên con với ngụ ý con gái của ông bà quí giá sánh với châu ngọc, lưu ly ở trên đời. Ngay từ nhỏ, nàng Bích Châu đã sớm nổi tiếng là người thông tuệ.
Nàng giỏi văn chương thi phú, thạo âm nhạc. Đặc biệt là càng lớn, nhan sắc nàng Bích Châu càng diễm lệ. Nhan sắc đó đồng hành cùng với một trí tuệ minh mẫn. Chính bởi thế, vào năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi.
Lại nói về vua Trần Duệ Tông, vị vua thứ 9 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Trần Duệ Tông tên thật là Trần Kính, sinh ngày 2 tháng 6 năm 1337.
Ông là con thứ mười một của Trần Minh Tông, em của ba vị vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông.
Mẹ ông là Đôn Từ Hoàng Thái phi. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, truyền ngôi cho Nhật Lễ, con Cung Túc vương Trần Dục. Nhật Lễ làm vua nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết bà nội là mẹ Dụ Tông vì bà hối hận trong việc lập Nhật Lễ.
Nhật Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình. Năm 1370, các hoàng tử, thân tộc nhà Trần mưu khởi binh lật đổ Nhật Lễ. Trần Kính giúp anh là Trần Phủ đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.
Công chúa Bích Châu và vua Trần Duệ Tông. Ảnh minh họa |
Ông cùng Trần Phủ thực hiện đảo chính lật đổ giết chết Nhật Lễ. Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông.
Noi gương đời trước của nhà Trần thường giữ chế độ vua và thái thượng hoàng cùng trị nước, năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho Trần Kính để lên làm thượng hoàng. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thượng hoàng chỉ là anh của vua.
Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của cha ông, liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Sử cũ chép: “Ất Mão, tức năm 1375,... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật...”.
Vua rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm. Vua Trần Duệ Tông còn rất chú trọng đề cao ý thức dân tộc.
Ông hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào.
Theo ông, việc này vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, vừa biểu hiện ý thức tự lập, tự cường, ông còn quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.
Với tài năng và nhan sắc của mình, khi thì đàn ca, lúc lại ngâm vịnh nên Bích Châu được nhà vua rất đỗi thương yêu. Vua Trần Duệ Tông gọi Bích Châu là Nguyễn Cơ Bích Châu.
Sau đó, nhà vua lại phong tặng Bích Châu là ái phi, thường gọi ái phi Bích Lưu hay ái phi Bích Châu.
Không chỉ nổi tiếng là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, quý phi Bích Châu cũng là một trong những quý phi đóng góp vào việc trị nước an dân. Bà đã giúp vua Trần Duệ Tông trong các kế sách để đem lại tình hình ổn định và phát triển trong nước.
Chuyện kể rằng, một hôm, nhân tiết Trung Thu, nàng Bích Châu bày tiệc nhỏ trên gác tía, chung quanh treo lồng sắc trắng chen đủ màu rất đẹp.
Vua Duệ Tông tỏ vẻ hài lòng hết ngắm trăng lại ngắm đèn, bỗng nhà vua cao hứng ra câu đối: “Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng”.
Hàng trăm quan dự tiệc đều buông đũa suy nghĩ. Trong khi các quan lại vẫn đang mải miết tìm vần thì cung phi Bích Châu đã chắp tay, cất tiếng nói rằng: “Tâu thánh thượng, thần thiếp xin kính đối”.
Rồi quý phi Bích Châu đọc: “Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước”. Nghe câu đối, nhà vua Trần Duệ Tông đắc ý khen hay và thưởng cho quý phi Bích Châu đôi “ngọc long kim nhĩ”, tức là hoa tai vàng cẩn ngọc hình rồng nổi. Cũng nhân đó, nhà vua lại đặt biệt hiệu cho nàng là Phù Dung.
Sau thời gian ngắn ở chốn hoàng cung, ái phi Bích Châu nhận thấy vua Trần Duệ Tông tính nóng nảy, nhiều khi lại thiếu bản lĩnh. Chính bởi vậy mà triều chính đang có nguy cơ rạn nứt suy sụp.
Rất lo lắng về điều này, quý phi Bích Châu đã chăm chú và quyết tâm tâm soạn thảo bản điều trần dâng vua với nhan đề: “Kê minh thập sách”, trong đó nêu 10 kế sách trị nước an dân. Đại ý của quý phi Bích Châu là mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua.
Cũng chính trong “Kê minh thập sách”, những lời tâm huyết của Bích Châu đã được trải ra trong từng câu chữ.
Xem xong bản điều trần của ái phi Bích Châu, nhà vua cảm kích vỗ trán thốt lên rằng: “Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ Phi, vợ Đường Thái Tông bên Trung Quốc, vốn nổi tiếng văn chương”.
Thế nhưng, sau đó, vì nhiều lí do vua Trần Duệ Tông lại không để tâm đến bản mười điều khuyên răn đó nên không có điều nào mà nàng Bích Châu đã cố công suy nghĩ được thực hiện.
Hi sinh vì nước, nguyện hiến thân làm “vợ hà mã”
Do Đại Việt ta thời gian đó thường bị Chiêm Thành xâm lấn, Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội. Theo sử sách, tháng 8 năm 1374 vua cho dân đinh xung vào quân ngũ.
Hạng nhất xung vào Lan Đô rồi đến hạng nhì, hạng ba. Người thấp bé nhưng mạnh khỏe cũng được xung lên hạng trên. Trước đây, quân Túc vệ có quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần.
Sau đó, nhà vua cho đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực, Ý Yên, Thiên Trường, Bắc Giang, Điện Hậu, Long Tiệp, thích ba chữ đen vào trán.
Các quân Thị vệ, Tạc Ngạch, Hoa Ngạch, Tả Ban, Hữu Ban, Thanh Hóa Nghệ An, Hóa Châu, Thuận Châu, Lâm Bình đều đặt quân hiệu và có đại đội trưởng, đại đội phó làm tướng hiệu. Đến năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh.
Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông quyết định thân chinh đi đánh. Nghe được tin này, nàng Bích Châu bồn chồn lo lắng dâng biểu khuyên can.
Rồi nàng lại viết tiếp đoạn ngắn nhắc nhở nhà vua: “…Việc trị đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn. Trị cái rắn nên dùng cái mềm, phục rợ xa cốt lất đức… Đó là thượng sách, xin hoàng thượng xét đoán cho minh”.
Bài biểu dâng lên cũng không lay chuyển nổi nhà vua. Cung phi Bích Châu buồn lo than thở: “…Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng?”.
Đền thờ công chúa Bích Châu |
Biết nhà vua nhất định không chịu nghe, nàng đành xin đi theo hộ giá. Duệ Tông ưng cho. Bà là một trong mấy chục phi tần cung nữ đi theo ngự giá.
Quân Trần buổi xuất binh ngày ấy cờ xí rợp trời, chiêng trống dậy đất, truyền rằng trùng trùng lớp lớp, binh sĩ gương giáo sáng loáng, hùng khí chất ngất từng mây. Nhưng khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa bể Kỳ Hoa, Kỳ Anh, Nghệ Tĩnh thì trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp.
Đoàn thuyền đành tạm neo ngay lại đấy do mặt biển thường nổi sóng cao và xoáy lốc, ngay sát bờ đã là dãy vực thẳm đầy đá nhọn, ra càng xa thì vực càng sâu, lòng biển lởm chởm hàng khối đá ngầm. Binh thuyền phải vất vả và thương tổn khá nhiều mới ràng nổi dây neo.
Tuy nhiên, cơn dông bão vẫn dai dẳng càng lúc càng dữ dội hơn. Đoàn thuyền chiến nhấp nhô đập chúi vào nhau rầm rầm.
Nhiều cái bị đứt dây, lao đi vùn vụt đâm vào đá vỡ toang. Quân lính lớp chết, lớp kêu la chới với. Số còn sống ai nấy đều kinh hãi nản lòng. Nhà vua nhất quyết đợi tan cơn bão sẽ tiến binh tiếp. Vua lo lắng, cho đòi một số bô lão địa phương tới hỏi.
Một cụ tâu: “Mùa này vốn lặng gió. Dân chài chúng tôi thường ra khơi làm ăn. Trận gió lốc này là triệu chứng lạ. Trước mặt đây có một miếu thờ thần biển rất thiêng. Khách đi ghe mành qua lại thường ghé cầu cúng sẽ được yên ổn, nếu không thì thần phạt làm cho buồm gãy lái xiêu. Hoặc giả đó là do thần biển gây ra cũng chưa biết chừng”.
Rồi trong đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp.
Người này nói rằng nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Sáng hôm sau, mặt biển Kỳ Hoa vẫn tiếp tục nổi cuồng phong dữ dội. Các thuyền chiến chòng chành sắp bị nhấn chìm.
Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được giọt máu.
Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: “Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân”.
Thấy ái phi quyết liều mình, Duệ Tông rất thương, bèn nói: “Lành dữ có số, họa phúc do trời. Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt nàng sao. Không được. Kẻ kia muốn làm gì thì làm, ta quyết không sợ!”.
Bích Châu lại tiếp: “Sự thể đến nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân làm nhẹ. Chỉ tiêu một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả”.
Vua Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì nàng Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh: “Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước”.
Nàng vừa dứt tiếng thì từ nhà vua đến các quan có mặt quanh đó đều sửng sốt, nghẹn lời. Mặc hết những lời can ngăn, nàng Bích Châu vẫn một mực tha thiết tâu xin cho nàng có dịp được vinh hạnh phò vua, giúp quân, đền nợ nước. Không làm sao hơn, tất cả đều nén lòng nghe theo ý chí cương quyết của cung phi Bích Châu.
Một cung nữ tài sắc, mới kề cận nhà vua được bốn năm, được vua Duệ Tông sủng ái rất mực như vậy mà dám lìa bỏ tất cả, can đảm hy sinh tính mạng thì thật là một việc làm quá phi thường. Chiếc thuyền rồng chao đảo ngả nghiêng.
Nàng Bích Châu thản để thị nữ xông trầm, trang điểm cho mình. Thoáng chốc, nàng đã trâm thoa, xiêm gấm, hài thêu lộng lẫy bước ra. Trước mắt mọi người lúc này, vẻ đẹp của nàng Bích Châu đang tỏa ánh hào quang như một vị thiên thần.
Vua Duệ Tông xót trút bỏ giáp trụ, thương cảm trong lớp hoàng bào. Ngài trịnh trọng đội mũ triều thiên để kính cẩn đưa tiễn nàng ái phi dũng cảm ra đi. Nhà vua nén thương đau phong tặng nàng là Thần phi.
Mặc cho sóng đánh tối tấp, nước tràn lênh láng, nàng Bích Châu vẫn tươi tắn đến sụp quì lạy đức quân vương, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng. Quý Phi cũng khuyên vua: “Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn, nghĩ võ, tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ tới lâu dài cho đất nước...”.
Nói rồi, quý phi Bích Châu quay về hướng Bắc lạy cha mẹ, vái chào tử biệt hàng quan quân, trang nghiêm đến ngồi gọn vào trong lòng chiếc thuyền thoi nhỏ nhắn có cắm đại hoàng kỳ.
Chiếc thuyền được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển, giữa những cơn sóng thần liên tiếp quật nước lên cao.
Nàng Bích Châu bình tĩnh nắm dây nhắm mắt. Vừa đụng nước, chiếc thuyền lập tức quay vòng ngụp lặn với sóng cả rồi chìm nghỉm mất hút. Đem theo một trái tim rực rỡ ánh châu ngọc lưu ly nhập cõi thuỷ tận.
Hai ngày sau bão mới ngớt, xác phu nhân Bích Châu nổi trên mặt biển, vẫn uy nghi trong bộ triều phục, nhấp nhô theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa.
Cũng là lúc mà đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, chở đầy những bầu máu nóng sẵn sáng lao vào trận tiền với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của phu nhân Bích Châu trước giờ tử biệt.
Tuy nhiên, vì Trần Duệ Tông không nghe lời can gián, vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm, nên bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn, Qui Nhơn ngày nay. Sử sách ghi lại đó là ngày 23 tháng 1 năm 1377.
Cũng có một thuyết khác kể về cái chết của quý phi Bích Châu. Đó là vào tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành.
Ông sai Lê Quý Ly, tức Hồ Quý Ly đốc vận lương thảo đến cửa biển Di Luân, Quảng Bình rồi dừng quân 1 tháng để luyện sĩ tốt. Tháng giêng năm 1377, quân Trần tiến vào cửa Thi Nại, Quy Nhơn, đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.
Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người trá hàng nói rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn.
Duệ Tông muốn tiến quân ngay, đại tướng Đỗ Lễ can ngăn mãi nhưng ông không nghe, nói với quân sĩ rằng: “Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông, trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại đó là trời giúp.
Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói là “Dụng binh quý ở nhanh chóng”. Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác, thì hối không kịp?”.
Và vua Trần Duệ Tông thúc quân tiến vào thành. Quân Chiêm bốn phía phục binh đổ ra đánh, quân Đại Việt thua trận, mười phần chết đến bảy, tám phần. Vua Duệ Tông bị hãm trong trận, cùng các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận.
Chính trong trận chiến này, Quý phi Bích Châu cũng cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và không may bị trúng tên độc, sau đó từ trần.
Lúc này vua Trần Phế Đế mới lên ngôi nghe tin liền xuống chiếu rước linh cữu nhà vua về bằng đường bộ còn linh cữu quý phi đi bằng đường biển.
Sau mấy ngày thời tiết không thuận lợi triều đình xuống chiếu cho an táng Quý phi tại Cửa Khẩu, bến Kỳ La huyện Kỳ Hoa thuộc Châu Hoan. Dù có nhiều thuyết khác nhau, nhưng hình ảnh của quý phi Bích Châu vẫn là đại diện cho một người phụ nữ yêu nước, dám hi sinh thân mình để trong cuộc chiến với quân thù.
Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông lại ngự giá thân chinh cất quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Hai mươi sáu vạn đại quân Đại Việt theo đường biển thẳng về Phương Nam qua cửa biển Kỳ Hoa.
Tới đây, vua Lê Thánh Tông cho quân sĩ dừng lại trú quân. Phong cảnh nơi đây thật là huyền ảo làm cho Lê Thánh Tông cảm thấy có điều gì đó khác lạ.
Nhà vua bèn xuống thuyền đích thân tìm hiểu. Trong lúc du ngoạn, nhà vua phát hiện thấy có miếu thờ nằm bên bờ sông gần Cửa Khẩu.
Hỏi người dân địa phương, vua Lê Thánh Tông biết chuyện quý phi Nguyễn Thị Bích Châu cùng vua Trần Duệ Tông cất quân đi chinh phạt Chiêm Thành đã tử trận và được mai táng lập miếu thờ tại đây.
Vua Lê Thánh Tông bèn cho triệu các vị bô lão, chức sắc bản xứ đến để hỏi cho minh bạch. Các vị bô lão và chức sắc bản xứ đã dâng bản sự tích Trần Triều lên Lê Thánh Tông. Vua Lê Thánh Tông xem xong khen rằng: Đúng là nữ trung hào kiệt”.
Sau đó, vua Lê Thánh Tông hạ lệnh cho soạn đồ tế lễ, đích thân ngự giá vào dâng hương và viết bốn chữ “Nữ trung hào kiệt” dán lên bài vị.
Rồi vua Lê Thánh Tông khấn rằng: “Tiền triều, người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay Ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp Trẫm kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi ban sư về triều, Trẫm sẽ khởi công lập miếu thờ phong tặng”.
Đêm đó, được mộng lành, vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân. Khi thắng trận trở về đến đất Kỳ Hoa, vua cho quân đến trú tại Cửa Khẩu.
Rồi nhà vua sai quân sĩ vào rừng chặt gỗ, đào đá gọt thành từng viên, huy động thợ giỏi cùng dân chúng địa phương xây lại lăng mộ và 3 toà điện để dân chúng ngày ngày thờ phụng, hương khói. Vua Lê Thánh Tông ngự bút viết: “Chế Thắng Đại Vương Thượng Đẳng Thần”.
Từ đó, hàng năm, vào 12 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của quý phi Bích Châu – Chế Thắng Phu Nhân.
Đến nay, tại làng Kỳ Hoa vẫn còn thờ, thờ thần phi Bích Châu. Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng Đông Nam. Phía trước đền, từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần.
Vũng Áng còn gọi là “Cửa Cá” nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm hùm, mực, yến sào. Núi Cao Vọng có hang nhỏ tương truyền là nơi ẩn náu của Hồ Hán Thương vào năm 1407.
Sau lưng đền, xa xa là núi Bàn Độ có đầm Tiên nữ, có bàn cờ tiên, xưa là nơi có rất nhiều hươu sao. Đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển nên có tên là núi Bàn Độ.
- Hùng Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét