Vốn là một anh bán thuốc dạo hàng ngày lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành Lạc Dương, song nhờ có cơ thể tráng kiện, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lại giỏi thuật ái ân, Phùng Tiểu Bảo bỗng chốc trở thành người tình nhỏ của thái hậu Võ Tắc Thiên, được phong quan tước, trở thành kẻ quyền lực nhất trong triều đình của Võ Tắc Thiên. Song, dù làm quan cao to tới bao nhiêu, địa vị cao tới thế nào thì rốt cuộc bên trong Tiết Hoài Nghĩa vẫn là bản chất của một anh bán thuốc dạo. Điều đó, tất cả mọi người đều biết, duy chỉ mình Tiết Hoài Nghĩa không biết, và chính điều đó đã giết chết y…
1. Có người cho rằng, sở dĩ Võ Tắc Thiên có nhiều “nam sủng” như vậy là vì nhu cầu tâm lý, lại có người nói rằng, điều đó bắt nguồn từ nhu cầu sinh lý, có người lại đứng giữa, nói rằng có cả hai. Theo những ghi chép của sử sách thì Đường Cao Tông Lý Trị - chồng của Võ Tắc Thiên - qua đời vào năm Hoằng Đạo thứ nhất, tức năm 683. Năm đó, Võ Tắc Thiên đã 61 tuổi, một độ tuổi đã già cho những nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, thực tế thì từ trước khi Đường Cao Tông qua đời, thời kỳ mà người ta gọi là “nhị thánh lâm triều” thì Võ Tắc Thiên đã không có được một đời sống tình dục bình thường.
Sử sách chép rằng, tới độ tuổi trung niên, Lý Trị bị mắc chứng đau đầu. Khi bệnh phát, đầu đau rất dữ dội. Căn bệnh này cũng gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hệ thống tiêu hóa. Ăn ngủ không ngon, tinh thần tự nhiên cũng suy nhược theo. Sau đó, thị lực của Lý Trị cũng bắt đầu giảm sút, cả ngày chỉ biết nằm trên giường tĩnh dưỡng, nói chung chẳng khác nào một ông lão hom hem, đang đợi cái chết tới đón mình đi. Với sức khỏe và tinh thần như vây, không những bản thân Lý Trị không thể có ham muốn chuyện phòng the mà cũng chẳng thể gây được chút cảm hứng nào đối với Võ Tắc Thiên.
Tính toán theo niên biểu thì khoảng thời gian kể từ những năm cuối khi Lý Trị còn nắm quyền cho tới khi ông hoàn toàn nằm liệt trên giường kéo dài khoảng 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian này, Võ Tắc Thiên hoàn toàn thiếu một cuộc sống ái ân của một người phụ nữ bình thường. Tất cả tinh lực và tâm sức được Võ Tắc Thiên dồn vào việc tiêu diệt quân phản loạn, loại bỏ những người chống đối, củng cố quyền lực của mình. Vì vậy, không thể nói giống như cách nói của nhiều người rằng “quả phụ một khi có quyền thì lập tức trở nên dâm loạn”, song có một điều có thể khẳng định rằng, cuộc đấu một sống một chết để giành quyền lực đã khiến Võ Tắc Thiên trở thành một người tràn đầy sức lực, và chính điều này khiến nữ hoàng họ Võ trở lại với thời kỳ thanh xuân của một người phụ nữ.
Phải nói rõ rằng, Võ Tắc Thiên là một người phụ nữ mang tâm lý chiếm hữu và thâu tóm của một người đàn ông. Vì vậy, tình yêu của Võ Tắc Thiên cũng giống như ở một người đàn ông, nghĩa là đầy tính chủ động và tấn công. Sử sách chép rằng, trong phòng ngủ của Lý Trị và Võ Tắc Thiên treo rất nhiều tấm gương đồng lớn. Khi Lý Trị còn khỏe mạnh, những cuộc ân ái thâu đêm suốt sáng của hai người đều diễn ra tại đây. Họ vừa mây mưa vừa nhìn những tấm gương đồng để thưởng thức cảnh tượng ái ân của chính mình.
Tuy nhiên, niềm vui hoan lạc của Võ Tắc Thiên với căn phòng gương này không kéo dài như mong đợi. Sau khi Lý Trị mắc bệnh qua đời, Võ Tắc Thiên chỉ còn chuyên tâm vào làm một việc duy nhất, ấy là thâu tóm quyền lực. Sự hưng phấn và kích thích trong cuộc đấu đá sống mái để tranh giành quyền lực này khiến Võ Tắc Thiên phần nào quên đi cảm giác cô độc của một người góa phụ. Nói cách khác, Võ Tắc Thiên không phải là một quả phụ thông thường, do vậy không thể áp dụng những suy đoán thông thường để áp đặt cho vị nữ hoàng họ Võ này được.
Tuy nhiên, cũng là thói thường, một khi quá chuyên tâm và dành tất cả sức lực vào một việc gì đó thì cũng sẽ tới lúc người ta cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Điều này có lẽ đúng với trường hợp của Võ Tắc Thiên. Sau một thời gian dài luôn ở trong trạng thái căng thẳng của những cuộc đấu tranh chính trị, khi đã phần nào nắm được ưu thế về chính trị, Võ Tắc Thiên tự nhiên cảm thấy trống rỗng và mệt mỏi.
Lúc này mới là lúc Võ Tắc Thiên tìm tới người tình trẻ với khát vọng tìm lại thời kỳ tuổi trẻ tràn đầy sức sống của mình, đồng thời lấy niềm vui thể xác để lấp đầy chỗ trống trong tâm lý của mình. Nói theo cách nói của các cụ xưa thì đây gọi là no cơm ấm cật, dâm dật khắp nơi. Chỉ khác là, với Võ Tắc Thiên thì “no cơm ấm cật” chính là khi bà ta có được quyền lực tối cao vô thượng.
2. Là một Hoàng đế, muốn gì là được nấy, điều này từ lâu đã là đặc quyền của bậc đế vương, là nghĩa vụ của triều thần và các thần dân trong thiên hạ. Vì vậy, cho dù là bậc trung thần hay chỉ là kẻ nịnh hót thì tất cả mọi người đều phải tìm mọi cách để lấy lòng Hoàng đế. Vì vậy, cô con gái ruột của Võ Tắc Thiên là Thái Bình công chúa, để lấy lòng mẹ mình, mới dâng cho bà một người đàn ông rất khôi ngô tuấn tú. Người đàn ông này tên là Phùng Tiểu Bảo. Phùng Tiểu Bảo thực tế chẳng phải là người có xuất thân cao sang gì.
Anh ta vốn chỉ là một kẻ bán thuốc rong trên đường phố Lạc Dương, suốt ngày đi khắp phố phường rao bán thứ thuốc mà bản thân anh ta cũng biết là chẳng có tác dụng gì. Những người làm nghề này phải có hai điều kiện, một là phải mồm mép, hai là phải có sức khỏe, nếu không thì không thể kiếm được bát cơm ngon lành. Và hẳn nhiên, Phùng Tiểu Bảo là một người có đầy đủ hai điều kiện nói trên, vừa mồm mép lại rất khỏe mạnh, tráng kiện. Thêm vào đó, họ Phùng còn rất khôi ngô tuấn tú với vẻ đẹp mà khó có người phụ nữ nào cưỡng nổi.
Một lần rất ngẫu nhiên, Phùng Tiểu Bảo quen biết Thái Bình công chúa. Khi Thái Bình công chúa nhìn thấy vẻ ngoài điển trai, tráng kiện, cơ thể cuồn cuộn những cơ bắp của họ Phùng thì có ý định giữ Phùng Tiểu Bảo lại bên mình. Với cơ thể của mình, Phùng Tiểu Bảo đương nhiên làm thỏa mãn cô công chúa nổi tiếng triều Đường. Tuy nhiên, Thái Bình công chúa vốn là một người con hiếu thuận, nên sau khi “dùng thử” Phùng Tiểu Bảo thì cảm thấy mình không thể “lộc bất tận hưởng”, do vậy đã quyết định dâng Phùng Tiểu Bảo cho Võ Tắc Thiên.
Trong sách “Cựu đường thư” có ghi chép rõ ràng rằng, khi Thái Bình công chúa giới thiệu Phùng Tiểu Bảo với Võ Tắc Thiên, đã nói: “Tiểu Bảo có tài phi thường, có thể hầu hạ bên mình được”. Câu nói ngắn gọn này nói rất rõ ràng ý của Thái Bình công chúa, một người đàn ông có “tài phi thường”, lại có thể “hầu hạ bên mình” của nữ hoàng thì còn có thể làm gì khác ngoài việc phục vụ nhu cầu chăn gối cho Võ Tắc Thiên?
Võ Tắc Thiên trên phim |
Phùng Tiểu Bảo đương nhiên là một món quà đắt giá, Võ Tắc Thiên vừa nhìn đã thích ngay, song lại không dám đưa tay ra nhận. Dẫu sao, thi thể của Cao Tông cũng chưa lạnh, mà kể cả là đã lạnh rồi, thì thân là một thái hậu, Võ Tắc Thiên cũng phải chú ý tới những dị nghị của bàn dân thiên hạ, vì vậy nếu như thẳng thừng đưa “món quà” của Thái Bình công chúa vào cung, e là không hợp cả tình lẫn lý. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng Võ Tắc Thiên cũng nghĩ ra được một chủ ý, đó là cho Phùng Tiểu Bảo xuất gia, sau đó mới đưa vào cung.
Vào thời bấy giờ, việc tăng nhân đạo sỹ ra vào cung đình là chuyện rất thường, do vậy đây là một cách “thập toàn thập mỹ” để Phùng Tiểu Bảo có thể đường đường chính chính vào cung. Sau khi đã có chủ ý, Võ Tắc Thiên lệnh cho Phùng Tiểu Bảo xuất gia làm sư, còn tự mình ban cho Phùng Tiểu Bảo một pháp danh gọi là Hoài Nghĩa. Nghĩ ra cách này, thực chất bắt nguồn từ chính trải nghiệm của Võ Tắc Thiên. Khi trước, Võ Tắc Thiên vốn là cung nữ trong hậu cung của Đường Thái Tông - cha đẻ của Cao Tông. Sau khi Thái Tông chết, Cao Tông đã nghĩ ra cách để Võ Tắc Thiên xuất gia làm ni cô sau rồi sau đó mới đưa vào hậu cung của mình.
Tuy nhiên, đến lúc này lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là việc Phùng Tiểu Bảo xuất thân quá thấp hèn. Một gã bán thuốc rong, dù cho đã cạo đầu xuất gia đi chăng nữa thì xuất thân cũng không thể thay đổi được, việc đưa một người có xuất thân như thế vào hoàng cung cũng là một chuyện chẳng lấy gì làm “quang minh chính đại”. Lại phải nghĩ ra cách để Phùng Tiểu Bảo có một xuất thân danh giá, trở thành một quý tộc. Lúc này, Võ Tắc Thiên nhớ tới cậu con rể Tiết Thiệu - chồng của Thái Bình công chúa. Võ Tắc Thiên sai Tiết Thiệu nhận Phùng Tiểu Bảo làm chú. Cũng từ đó về sau, trong thiên hạ nhà Đường không còn ai tên là Phùng Tiểu Bảo nữa mà chỉ còn một người gọi là Tiết Hoài Nghĩa.
Sau khi đã có một xuất thân danh giá, vừa mới xuất gia được vài ngày, Tiết Hoài Nghĩa trở thành trụ trì chùa Bạch Mã của Lạc Dương. Phật giáo dạy con người có lục căn thì Tiết Hoài Nghĩa dứt được ngũ căn, còn lại một căn thì do thái hậu buộc phải giữ lại, vì vậy hàng ngày Tiết Hoài Nghĩa tất bật ra ra vào vào nơi cung cấm của Võ thái hậu.
Ở độ tuổi 60, Võ Tắc Thiên giống như ruộng hạn gặp mưa, những ẩn ức dồn nén bấy lâu nay được dịp bung nở. Giống như trở lại những năm tháng thanh xuân, Võ Tắc Thiên ngày đêm quấn quýt bên người tình trẻ khoác áo cà sa của mình. Những cuộc ái ân với Tiết Hoài Nghĩa không chỉ giúp Võ Tắc Thiên có lại sức sống của tuổi thanh xuân mà còn thỏa mãn những nhu cầu cả về sinh lý lẫn tâm lý. Tuy nhiên, giữa một góa phụ đầy ham muốn và quyền lực với một anh chàng bán thuốc rong xuất thân ti tiện liệu có tạo ra một câu chuyện huyền thoại hay không? Điều này cho tới nay vẫn còn là một câu đố.
3. Nói một cách chính xác thì mối tình giữa Võ Tắc Thiên và Tiết Hoài Nghĩa là một mối tình không cân xứng. Vì sao lại nói là không cân xứng? Bởi lẽ, với Tiết Hoài Nghĩa, Võ Tắc Thiên không có tình yêu mà chỉ có sự ái mộ. Tiết Hoài Nghĩa cũng vậy, với Võ Tắc Thiên, họ Tiết chỉ có sự ngưỡng mộ và sùng kính mà thôi. Tuy nhiên, hai loại xúc cảm này khi gặp nhau thì lại hình thành một trạng thái yêu đương hỗn hợp rất khó giải thích.
Tiết Hoài Nghĩa từ một kẻ bán thuốc rong, bỗng nhiên trở thành người tình số một được sủng ái bậc nhất của Võ Tắc Thiên, điều này với Tiết Hoài Nghĩa thực sự giống như một câu chuyện cổ tích. Tuy nhiên, sau khi đã trở thành người tình của nữ hoàng, nghĩa là có quyền lực và tiền của trong tay thì những thói xấu vốn đã ăn vào máu Tiết Hoài Nghĩa trong những năm còn lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành Lạc Dương bán thuốc mới bắt đầu lộ ra.
Sách “Tư trị thông giám” có đoạn chép rằng, Tiết Hoài Nghĩa mỗi khi ra vào cung cấm đều ngồi xe ngựa dành cho vua, theo xe là hàng chục thái giám theo hầu, người dân hễ gặp xe của Tiết đều phải tránh dẹp sang hai bên, nếu như có người nào đó cả gan đứng gần xe thì ngay lập tức bị những tên lính hộ vệ theo hầu xúm lại đánh cho một trận rồi vứt ra rìa đường, không quản sống chết ra sao.
Do là một hòa thượng nên Tiết Hoài Nghĩa không thích các đạo sĩ. Vì vậy, mỗi lần trên đường gặp đạo sĩ, dù chẳng vì lý do gì, Tiết Hoài Nghĩa cũng ra lệnh cho tay chân bắt lại, đánh cho một trận nhừ tử. Đánh chán, Tiết Hoài Nghĩa ra lệnh cho thủ hạ cạo trọc đầu các đạo sĩ rồi mới tha cho đi. Tiết Hoài Nghĩa được Võ Tắc Thiên sủng ái thành ra đến các triều thần trong triều cũng muốn tranh thủ lấy lòng Tiết Hoài Nghĩa để ông ta nói tốt về mình với nữ hoàng. Ngay đến cả Võ Thừa Tự và Võ Tam Tư là cháu của Võ Tắc Thiên cũng phải cúi mình, cầm giây cương ngựa cho họ Tiết để lấy lòng y.
Tuy nhiên, Tiết Hoài Nghĩa vẫn chẳng coi những người này ra gì. Đồng thời, họ Tiết tập hợp một lũ những tên vô lại, du thủ du thực quen khi còn bán thuốc rong trên phố, cho chúng cạo đầu làm sư rồi biến thành thủ hạ giúp y làm những chuyện càn quấy. Lúc đó, Tiết Hoài Nghĩa đang được Võ Tắc Thiên rất mực sủng ái nên không ai dám lên tiếng chỉ trích họ Tiết. Chỉ có Hữu đài ngự sử Phùng Tư Húc là dũng cảm lên tiếng, chủ trương chính nghĩa, lấy luật pháp quốc gia để trị tội những hành vi phạm pháp. Tiết Hoài Nghĩa cũng từ đó rất căm hận Phùng Tư Húc. Một lần, họ Tiết gặp Phùng Tư Húc trên đường đã ra lệnh cho tay chân của mình xông vào đánh mà chẳng cần lý do. Trận đòn thù đó suýt chút nữa thì lấy mạng của Phùng Tư Húc.
Tiết Hoài Nghĩa dựa vào điều gì mà được Võ Tắc Thiên sủng ái tới mức tới trọng thần triều đình hắn cũng không coi ra gì như vậy? Nhiều người cho rằng, tất cả bản lĩnh của họ Tiết chỉ là nhờ công phu trên giường của y, và chính bản lĩnh này khiến Võ Tắc Thiên vui, nhờ vậy mà họ Tiết mới dám tác oai tác quái. Thực tế không hoàn toàn như vậy.
Thứ nhất, Võ Tắc Thiên và Tiết Hoài Nghĩa không phải là quan hệ xác thịt thông thường, cũng chẳng phải là loại tình cảm qua đêm đưa tiền là “đường ai nấy đi”. Mối quan hệ giữa họ là tình yêu, mà đã là tình yêu thì cũng tức là người rất thân cận. Vì vậy, Võ Tắc Thiên vui, Tiết Hoài Nghĩa cũng vui và sự nghiệp của Võ Tắc Thiên cũng tức là sự nghiệp của Tiết Hoài Nghĩa. Thứ nữa, cũng phải nhớ rằng, thời điểm lúc bấy giờ là thời điểm nào.
Đó chính là thời điểm Võ Tắc Thiên chuẩn bị xưng đế. Lý Hiển bị phế và bị đày tới Phòng Châu làm Lư Lăng Vương, Lý Đán bị giam lỏng ở Đông cung, tất cả mọi công việc của triều đình đều do một tay Võ Tắc Thiên nắm giữ. Vào thời điểm ấy, ai là người đáng tin nhất? Ai là người có thể chia sẻ những lo lắng? Người này còn ai khác ngoài người tình nhỏ của mình. Vậy thì phải cho y làm việc gì đó, bởi không làm việc gì thì không thể có cớ mà đề bạt y lên một chức vụ nào đó. Muốn thăng quan thì phải có công trạng gì đó, đây là nguyên tắc trong quan trường thời phong kiến. Vì vậy, ngoài việc phục vụ bản thân vào buổi tối, Võ Tắc Thiên còn sắp xếp cho Tiết Hoài Nghĩa một công việc để y có thể làm vào ban ngày. Đó chính là xây Minh đường.
Một trong những ưu thế của Võ Tắc Thiên chính là giỏi dùng người. Và Tiết Hoài Nghĩa cũng không ngoại lệ. Chỉ chưa tới nay từ khi được giao nhiệm vụ, Tiết Hoài Nghĩa đã hoàn thành một tòa Minh đường hoành tráng và rất vừa ý Võ Tắc Thiên.
Tòa Minh Đường này cao 294 thước, rộng vừa vặn 300 thước, tổng cộng 3 tầng. Tầng một trang trí mô phỏng theo bốn mùa, tầng hai mô phỏng theo 12 giờ. Tầng thượng là cầu kỳ nhất với 9 con rồng cùng chầu về, ngoài ra còn có một con phượng hoàng bằng sắt, cao tới một trượng, bên ngoài được dát vàng toàn bộ. Căn cứ trên những ghi chép của sử sách thì có thể khẳng định rằng đây chính là tòa Minh đường hoành tráng nhất trong lịch sử.
Võ Tắc Thiên gọi tòa Minh đường này là Vạn Tượng thần cung, cho phép nhân dân trăm họ có thể vào đây để tham quan, chiêm ngưỡng. Tiếp đó, Võ Tắc Thiên lại giao cho Tiết Hoài Nghĩa xây dựng một tòa Thiên đường ở phía Bắc của Minh đường, hoàng tráng và hùng vĩ hơn rất nhiều. Tòa Thiên đường này tổng cộng có tới 5 tầng.
Đứng trên tầng ba của Thiên đường có thể nhìn thấy trên nóc của tòa Minh đường. Tòa tháp này được Võ Tắc Thiên xây dựng để chuyên dùng vào việc thờ cúng tượng Phật. Tượng Phật rất lớn, theo mô tả, chỉ một ngón tay của tượng Phật này có thể chứa được tới vài chục người.
4. Võ Tắc Thiên cảm thấy rất vui và có hứng, liền tổ chức một buổi lễ tế ngay tại Minh đường. Tất cả các loài chim thú quý hiếm cho tới những bảo vật quý từ khắp nơi trong thiên hạ được đưa về tập trung trong buổi lễ tế hôm đó. Theo lịch sử ghi chép, đó là buổi lễ tế vô tiền khoáng hậu trong lịch sử triều Đại Đường. Tuy nhiên, dù có hoành tráng thực, song những công trình như Minh đường và Thiên đường làm hao tổn không ít của cải và sức dân. Khi tòa Thiên đường mới bắt đầu xây dựng thì bị gió thổi phá hỏng cả.
Võ Tắc Thiên cho người xây dựng lại một lần nữa, mỗi ngày huy động tới cả ngàn công nhân tới khu vực núi ở Trường Giang để lấy gỗ. Sau nhiều năm, tiêu tốn hàng triệu lượng vàng, bạc, tới mức quốc khố gần như trống rỗng, không còn gì. Được giao toàn quyền trong việc xây dựng hai tòa Minh đường và Thiên đường, Tiết Hoài Nghĩa không ngại ngần tiêu tiền như nước, coi tiền như cỏ rác. Võ Tắc Thiên thì không hề hỏi qua, tất cả đều để cho Tiết Hoài Nghĩa tự quyết định tất cả.
Tuy nhiên, việc xây dựng cung điện lâu đài cho Võ Tắc Thiên của họ Tiết vẫn được coi là một công trạng lớn. Vì vậy, để tưởng thưởng cho Tiết Hoài Nghĩa, Võ Tắc Thiên đã thăng chức cho Tiết Hoài Nghĩa làm Tả uy vệ Đại tướng quân, hàm chính tam phẩm, tước Lương quốc công. Thế nhưng, đã là tướng quân thì ắt phải có chiến công về mặt quân sự mới có thể thăng tiến. Chính vì vậy, Võ Tắc Thiên lại một lần nữa phái người tình nhỏ của mình làm một công việc cho triều đình.
Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này nguy hiểm hơn những lần trước rất nhiều, đó là dẫn quân thảo phạt Đột Quyết. Tiết Hoài Nghĩa bản thân là một kẻ bán thuốc dạo, phung phí chi tiêu để xây dựng hai tòa lâu đài nguy nga tráng lệ còn khả dĩ, nay lại giao cho y cầm quân đánh giặc thì chẳng phải là rước họa vào mình hay sao? Võ Tắc Thiên nổi tiếng mưu lược và giỏi dùng người, vì sao lại đưa ra quyết định xuẩn ngốc như vậy? Thực ra, lúc bấy giờ chỉ có một nguyên nhân mà thôi. Đó là thời điểm năm Vĩnh Xương thứ nhất, tức năm 689, một năm trước khi Võ Tắc Thiên xưng đế và lên ngôi Hoàng đế. Đó cũng là thời điểm Võ Tắc Thiên rất bận rộn với công việc thay đổi cơ cấu triều đình.
Tuy nhiên, cũng vào thời điểm ấy, quân Đột Quyết liên tiếp quấy nhiễu ở vùng biên giới. Đây là một thời điểm rất nhạy cảm mà Võ Tắc Thiên lại hoàn toàn không tin tưởng ở những người võ tướng trong triều đình nhà Đường. Thêm vào đó, đây chính là cơ hội để Tiết Hoài Nghĩa có thể lập được công trạng khả dĩ, xứng đáng với tước vị vừa được phong. Chính vì lý do này, Võ Tắc Thiên mới phái Tiết Hoài Nghĩa cầm quân dẹp quân Đột Quyết.
Bề ngoài là tư lệnh của đoàn quân viễn chính phương Tiết Hoài Nghĩa, tuy nhiên, thực chất bên trong thì chỉ là một tên bán thuốc dạo, Phùng Tiểu Bảo làm sao có thể đánh trận được. Nhưng đã lỡ nhận lời rồi, không đi không được. Song, Tiết Hoài Nghĩa không có cơ hội để chứng tỏ lòng can đảm của mình. Khi đoàn quân tới nơi thì một bóng binh lính của quân Đột Quyết cũng không có.
Người Đột Quyết là một dân tộc du mục, họ có một đặc điểm là rất giỏi trong việc đánh du kích, tới cũng không ai biết mà đi cũng chẳng ai hay. Thời điểm mà Tiết Hoài Nghĩa tới nơi thì cũng là lúc họ rời đi nơi khác mà chẳng ai biết được họ đi tới đâu. “Được, quân ta không đánh các người mà các người cũng chẳng đánh quân ta thì ta tới địa bàn của các người, đi một vòng là có thể coi như đã thắng”.
Nghĩ vậy, Tiết Hoài Nghĩa lập tức dẫn quân trở về kinh. Tuy nhiên, khi gặp được Võ Tắc Thiên để báo cáo thì khẩu khí của Tiết Hoài Nghĩa ngày một mạnh hơn. Y nói rằng, quân Đột Quyết vừa nghe thấy tên của mình hồn vía đã khiếp đảm, chưa kịp đánh đuổi thì quân địch đã bỏ chạy bán sống bán chết. Võ Tắc Thiên ngồi nghe Tiết Hoài Nghĩa báo cáo thì vui lắm, luôn miệng nói: “Tốt! Người là kẻ có tài!”. Nhân lúc cao hứng, Võ Tắc Thiên một lần nữa thăng quan cho họ Tiết trở thành Phụ quốc Đại tướng quân, hàm chính nhị phẩm.
Tới năm Diên Tải, tức năm 694, vua Đại Hãn là Cốt Đốc Lộc qua đời. Do con của ông ta còn quá nhỏ nên em trai là Mặc Suyết tự lập mình lên ngôi Hãn rồi đem quân xâm lược Linh Châu. Võ Tắc Thiên lại một lần nữa sai Tiết Hoài Nghĩa dẫn quân thảo phạt quân Đột Quyết. Lần này, Tiết Hoài Nghĩa vẫn gặp may. Quân triều đình chưa lên đường thì quân Đột Quyết đã rút chạy mất. Võ Tắc Thiên hỏi nguyên nhân thì Tiết Hoài Nghĩa vẫn câu trả lời như xưa, rằng quân Đột Quyết nghe tiếng y đã sợ rụng rời chân tay nên chạy tháo thân.
Dẫu sao, nhờ vậy, Tiết Hoài Nghĩa cũng có thể nói là lập đại công với triều đình, quan ngày một chức to, địa vị ngày càng cao. Tuy nhiên, dù làm quan cao tới bao nhiêu, địa vị cao tới thế nào thì rốt cuộc, bên trong Tiết Hoài Nghĩa vẫn là bản chất của một anh bán thuốc dạo. Có điều, Tiết Hoài Nghĩa không hề biết điều đó. Chính vì không biết mình là ai mà cuối cùng người tình của vị nữ hoàng quyền lực nhất Trung Quốc đã phải bỏ mạng. Tuy nhiên, cho tới nay, sự thực về cái chết của Tiết Hoài Nghĩa vẫn còn là một bí ẩn.
Hà Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét