CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996               CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                                  TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ                    CHUYỆN LẠ              WEB                                    

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Ông vua giết hết phi tần, bảo vệ ngai vàng cho con

Khi Vũ Đế bệnh nặng, không còn sống được bao lâu nữa thì người được lựa chọn kế nghiệp ông là thái tử Lưu Phất Lăng mới vỏn vẹn 7 tuổi đầu. Sợ rằng, thái tử còn quá nhỏ để nắm quyền và triều đình nhà Hán lại một lần nữa xảy ra nạn ngoại thích chuyên quyền như thời Lã hậu nên trước khi chết, Hán Vũ Đế đã ra một mệnh lệnh vô cùng tàn ác, đó là xử tội chết tất cả những hậu phi trong hậu cung của mình, đặc biệt là những người đã từng sinh con cho ông ta…

1. Hán Cảnh Đế có năm người vợ, gồm có Lật Cơ, Trình Cơ, Đường Cơ, Giả Cơ và Vương Phu nhân. Trước đó, Hán Cảnh Đế từng có một bà hoàng hậu họ Bạc, tuy nhiên, bà hoàng hậu này chỉ ngồi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ vỏn vẹn có 6 năm, không kịp sinh đứa con nào thì đã lâm bệnh nặng rồi qua đời. Trong số 5 người vợ của Hán Cảnh Đế thì Lật Cơ sinh được đứa con trai đầu tiên vì vậy, được Hán Cảnh Đế lập làm thái tử.

 Tuy nhiên, sau đó, khi sủng ái Vương Phu nhân, Cảnh Đế quyết định phế ngôi vị thái tử của con trai Lật Cơ, lập con trai của Vương Phu nhân là Lưu Triệt lên làm thái tử. Người đó sau này chính là Hán Vũ Đế.

Về đại thể bất kể là Lưu Bang hay Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế, số lượng phi tần của họ đều có giới hạn nếu như không muốn nói là không nhiều. Tuy nhiên, tới thời Hán Vũ Đế thì mọi chuyện đã trở nên khác hẳn. Lưu Triệt trị vì 54 năm, là ông vua trị vì lâu nhất trong số các ông vua Hán triều.

 Trong suốt thời gian này, ông ta liên tục mở các đợt tuyển mỹ nữ khiến số lượng phi tần trong hậu cung không ngừng tăng lên. Năm Thái Sơ thứ 4, tức năm 101 trước Công nguyên, sau khi Cung Quang Minh được xây dựng xong, Hán Vũ Đế lập tức ra lệnh cho tuyển chọn hơn hai ngàn mỹ nữ từ vùng Yến, Triệu đưa vào hậu cung. Những người được tuyển đều là những cô gái có độ tuổi từ 15-20.

Thời Hán Nguyên Đế, một đại thần tên là Cống Vũ dâng tấu chương nói về tình hình hậu cung của các triều vua Hán trước đó có nói: Thời xưa, cung nữ của Hoàng đế chưa tới 9 người, tới Hán Cao Tổ, Hán Văn Đế, Cảnh Đế cũng đều tuân theo tục lệ tiết kiệm này của người xưa. Tới Hán Vũ Đế thì khác hẳn, số lượng cung nữ, phi tần trong hậu cung có tới hàng ngàn, đầy ắp cả hậu cung.

Mặc dù phi tần dưới thời trị vì của Hán Vũ Đế rất đông song những người được sử sách nhắc tới nhiều đứng đầu vẫn là Hoàng hậu thứ nhất Trần A Kiều, Hoàng hậu thứ hai Vệ Tử Phu ngoài ra còn có Vương Phu nhân, Lý Phu nhân, Doãn Tiệp Dư, Hình Phu nhân và người cuối cùng là Câu Dực Phu nhân. Sử sách Trung Quốc ghi lại rất nhiều câu chuyện thú vị giữa ông vua nổi tiếng Hán Vũ Đế với 5 người đẹp được ông ta sủng ái nhất trong hậu cung này.

Câu chuyện được nhiều người nhắc tới nhất chính là chuyện giữa Lưu Triệt và vị Hoàng hậu đầu tiên Trần A Kiều. Sử chép, A Kiều là con gái của công chúa trưởng Quán Đào Lưu Phiếu, chị gái của vua Hán Cảnh Đế. Ban đầu, Lưu Phiếu muốn gả con gái của mình cho thái tử Lưu Vinh, tuy nhiên, mẹ ruột của thái tử Vinh là Lật Cơ nhất định từ chối. Không thành công trong mối lương duyên với thái tử, công chúa Quán Đào chuyể mục tiêu sang Lưu Triệt, con trai của Vương mỹ nhân, một phi tần đang rất được Cảnh Đế sủng ái.

Một lần, Lưu Phiếu ôm Lưu Triệt vào lòng nói: “Lưu Triệt sau này lớn lên muốn lấy vợ thì sẽ chọn cô nào trong số những cung nhân ở đây?” Lưu Triệt đương nhiên rất hiểu hàm ý câu nói này của công chúa Quán Đào vì vậy đã trả lời ngay: “Nếu như có thể lấy được A Kiều thì sẵn sàng xây nhà bằng vàng để cho nàng ở”.

Có được câu nói này của Lưu Triệt, trưởng công chúa Quán Đào hạ quyết tâm sẽ dùng cuộc hôn nhân này để trả thù mẹ con Lưu Vinh. Chính công chúa Quán Đào là người có vài trò rất lớn trong việc đưa Lưu Triệt lên ngôi Hoàng đế. Ban đầu, công chúa Quán Đào cầu xin Cảnh Đế đồng ý tác thành cho cuộc hôn nhân này. Tiếp đó, trưởng công chúa Quán Đào tìm mọi cách xúc xiểm khiến Lưu Vinh bị phế truất khỏi ngôi vị thái tử, và người được lựa chọn để thay thế đương nhiên là Lưu Triệt.

Sau khi Cảnh Đế bệnh nặng qua đời, Lưu Triệt kế vị trở thành Vũ Đế nhà Hán. Đúng như lời hứa năm xưa, Lưu Triệt đã xây dựng một ngôi nhà bằng vàng để A Kiều đến ở. Không chỉ có vậy, A Kiều còn được phong làm Hoàng hậu, được tôn xưng thiên tuế, vinh hoa phú quý chỉ đứng sau Hoàng đế.
Hán Vũ Đế trên phim.
Hán Vũ Đế trên phim.

 Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng bao lâu sau khi lên ngôi khi bắt đầu biết cách tận hưởng những quyền lực mà minh đang có trong tay, Lưu Triệt đã nhanh chóng chán ngán người vợ từ thuở xe tơ kết tóc của mình và tìm thú vui với những mỹ nữ đang được đưa vào cung ngày một nhiều.

Và đối thủ của Trần A Kiều nhanh chóng xuất hiện. Vũ Đế Lưu Triệt vô cùng sủng ái một phi tần gọi là Vệ Phu nhân, kể từ khi có được người đẹp họ Vệ, Lưu Triệt gần như không còn ngó ngàng gì tới những những mỹ nữ mơn mởn trong khắp hậu cung chứ đừng nói gì tới bà Hoàng hậu họ Trần vốn đã không còn tươi trẻ như ngày nào.

Vốn là con gái của một công chúa đầy quyền lực, lại được nuông chiều từ nhỏ nên Trần A Kiều là một người rất kiêu ngạo và hay đố kỵ với những người xung quanh. Tuy nhiên, Trần A Kiều cũng có một điểm yếu chết người của là dù ngồi ở ngôi Hoàng hậu, là bậc mẫu nghi thiên hạ song vào cung đã nhiều năm mà Trần A Kiều không hề có con.

Sử sách chép rằng, để chữa được căn bệnh vô sinh, một căn bệnh vô cùng “nguy hiểm” đối với cuộc cạnh tranh khốc liệt trong chốn hậu cung phong kiến thời bấy giờ, Trần A Kiều đã tiêu tốn không biết nhiêu vàng bạc và châu báu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của bà Hoàng hậu họ Trần gần như không được mảy may đền đáp.

Sau khi Vệ phu nhân đắc sủng, một bà Hoàng hậu hay đố kỵ như Trần Hoàng hậu đương nhiên không bao giờ có thể để yên, liên tục kiếm chuyện khiến hậu cung lúc nào cũng ồn ã vì những chuyện mâu thuẫn, cãi vã. Điều này khiến Vũ Đế Lưu Triệt cảm thấy vô cùng phiền phức và bực bội.

Ngoài những cuộc cãi vã vì ghen tuông, rất nhiều lần, Trần Hoàng hậu còn ngấm ngầm hãm hại Vệ phu nhân, tuy nhiên, đều bị Vệ phu nhân may mắn phát hiện. Khi Vệ phu nhân đem mọi chuyện nói lại với Vũ Đế, Vũ Đế vô cùng tức giận định phế truất Trần Hoàng hậu. Tuy nhiên, nghĩ rằng trưởng công chúa Quán Đào có công trong việc đưa mình lên ngôi vì vậy đành phải nguôi giận, không xử lý Trần A Kiều. Thế nhưng, cũng kể từ đó, đối với Vũ Đế Trần Hoàng hậu gần như không còn tồn tại. Mang tiếng là bà chủ hậu cung thế nhưng, cung điện của Trần Hoàng hậu lúc nào cũng lạnh lẽo, không bao giờ được Vũ Đế đoái hoài tới.

Người ta kể rằng, để lấy lại sự sủng ái của Hán Vũ Đế, Trần A Kiều đã dùng rất nhiều vàng bạc nhờ một  nhà thơ nổi tiếng đương thời tên là Tư Mã Tương Như làm bài “Trường Môn phú” đưa cho Vũ Đế xem. Hán Vũ Đế xem xong rất cảm động, từ đó Trần A Kiều lại bắt đầu được sủng ái trở lại. Nhiều người không tin chuyện này, cho rằng, người đời sau vì muốn ca ngợi tài làm thơ của Tư Mã Tương Như nên mới thêu dệt nên câu chuyện này.

Trên thực tế, theo những gì sử sách thì đúng là Trần A Kiều có lại được sự quan tâm của Hán Vũ Đế dù nguyên nhân không biết có phải là do bài phú của Tư Mã Tương Như hay không. Tuy nhiên, sau đó, do Trần A Kiều vẫn không chừa được thói đố kỵ, đã mời thầy phù thủy vào cùng tìm cách dùng bùa chú nguyền rủa Vệ Phu nhân, thậm chí còn nguyền rủa cả Hán Vũ Đế. Mọi chuyện vỡ lở, Hán Vũ Đế vô cùng tức giận, ngay lập tức ra lệnh phế truất ngôi vị của Trần A Kiều, lập Vệ Phu nhân lên làm hoàng hậu.

2. Vệ Hoàng hậu tên thật là Vệ Tử Phu, vốn là một ca nữ trong phủ của Bình Dương Công chúa, chị gái của Hán Vũ Đế. Sau khi Vũ Đế Lưu Triệt lên ngôi, nhiều năm vẫn không có con trai. Bình Dương Công chúa thấy vậy bèn lựa chọn hơn chục cô gái con nhà lành đưa về phủ dạy dỗ cẩn thận. Một lần, sau khi tổ chức lễ tế trời đất trên đường trở về, Hán Vũ Đế tiện đường mới ghé vào phủ của Bình Dương Công chúa chơi.

 Cơ hội đã tới, Bình Dương Công chúa mới cho gọi những cô gái xinh đẹp mà mình đã dạy công dạy dỗ ra cho Hán Vũ Đế xem mặt và lựa chọn. Tuy nhiên, Hán Vũ Đế nhìn cô nào cũng lắc đầu tỏ vẻ chán nản. Sau khi uống rượu xong, khi ca nữ bước vào, Vũ Đế vừa nhìn thấy đã thích ngay Vệ Tử Phu. Ngay tại nhà của Bình Dương Công chúa, Vệ Tử Phu đã được Lưu Triệt sủng hạnh trong phòng thay đồ.

Khi trở lại bữa tiệc, Vũ Đế rất vui vẻ, thưởng cho Bình Dương Công chúa một ngàn cân vàng để thưởng công. Bình Dương cũng nhân cơ hội đó, bèn xin Vũ Đế đưa Vệ Tử Phu vào cung để tiện việc hầu hạ. Không ngờ, Vệ Tử Phu vào cung hơn một năm lại một lần nữa có được sự sủng hạnh của Vũ Đế.

Một thời gian sau, khi Vũ Đế chuẩn bị cho “sa thải” những cung nhân có tuổi, cho họ rời cung trở về quê để chuẩn bị đợt tuyển mỹ nữ mới thì Vệ Tử Phu tìm tới gặp Vũ Đế khóc lóc, xin được rời cung. Hán Vũ Đế thấy thương, nên đêm hôm đó giữ Vệ Tử Phu ở lại bên mình.

Lần sủng hạnh đó, Vệ Tử Phu đã mang thai. Cũng kể từ đó, Vệ Tử Phu ngày càng được Hán Vũ Đế sủng hạnh nhiều hơn. Tổng cộng, Vệ Tử Phu sinh cho Hán Vũ Đế 1 người con trai và ba người con gái. Người con trai chính là Lưu Cư, sau này được phong làm thái tử.

Sau khi Trần A Kiều thất thế, Vệ Tử Phu được phong làm hoàng hậu thì em trai của Vệ thị là Vệ Thanh được thăng tới chức Đại tướng quân. Sau đó, nhờ có công chống người Hồ nên được phong tới tước hầu, gọi là Trường Bình hầu. Chị gái của Vệ Tử Phu là Vệ Thiêu Nhi sinh được một đứa con trai tên là Hoắc Khư Bệnh, lập được chút công trạng, cũng được phong làm Quán Quân hầu và làm tới chức Phiêu Kỵ Đại tướng quân.

Gia tộc họ Vệ kể từ đó trở thành một nhà danh gia vọng tộc, có tới 5 người được phong hầu cùng lúc. Đây là một điều cực kỳ hiếm hoi mà ít có gia tộc nào trong lịch sử Trung Quốc có được. Chính vì vậy, thời bấy giờ mới lưu truyền một câu đồng dao rằng: “Sinh con trai cũng chớ vội vui mừng, sinh con gái cũng đừng vội tức giận. Há chẳng thấy người phụ nữ họ Vệ đang làm bá chủ cả thiên hạ đó hay sao?”.

Tuy nhiên, con người vốn không chống lại được thời gian vì vậy, Vệ Hoàng hậu rồi cũng tới lúc già, nhan sắc dần tàn phai. Lúc bấy giờ, một người đàn ông đam mê nữ sắc như Hán Vũ Đế đương nhiên lại tìm cho mình một người phụ nữ khác. Một trong những người đó chính là Câu Dực Phu nhân.

Năm 94 trước Công nguyên, phu nhân Câu Dặc sinh được người con trai út là Lưu Phất Lăng. Hán Vũ Đế vì yêu Câu Dực nên cũng rất yêu quý Phất Lăng, có ý muốn lập Phất Lăng làm thái tử thay Lưu Cứ, con của Vệ Hoàng hậu được lập làm thái tử trước đó. Giữa lúc đó trong triều nảy sinh mâu thuẫn giữa Hán Vũ Đế và thái tử Lưu Cứ. Do Hán Vũ Đế tuổi cao, sa vào hưởng lạc, xây cất nhiều cung điện và tin vào chuyện mê tín.

Năm 91 trước Công nguyên, vì tin vào chuyện trong một giấc mơ, Vũ Đế sai cận thần Giang Sung mở một cuộc điều tra. Giang Sung từng đắc tội với thái tử Lưu Cứ, thấy Hán Vũ Đế đã cao tuổi, sợ Lưu Cứ lên ngôi thì khó toàn mạng, bèn bí mật tố cáo với Hán Vũ Đế rằng có người mong hoàng thượng chết sớm, dùng bùa chú để nguyền rủa vua. Hán Vũ Đế tin lời Giang Sung, bèn cho làm sứ giả, giao cho quyền xét xử các sai lầm của hoàng thân quốc thích.

Từ cuộc điều tra của Giang Sung đã hãm hại và thảm sát nhiều người, trong đó có cả cha thừa tướng Công Tôn Hạ (anh rể Vệ Tử Phu), các công chúa là chị em gái vua như Chư Ấp, Dương Thạch, cháu Vệ hoàng hậu là Vệ Nguyên,... Giang Sung cùng Hàn Thuyết và Chương Cán tìm đến cả cung của thái tử Lưu Cứ, rao lên rằng đào tìm được nhiều tượng phỗng gỗ, bùa yểm. Lưu Cứ sợ Giang Sung hại mẹ con mình, bèn hỏi kế Thiếu phó Thạch Đức.

Theo lời Thạch Đức, thái tử Cứ vội vã chạy tới cung Vị Ương cầu cứu Vệ hoàng hậu điều ngự mã và xạ sĩ của hoàng hậu tới. Ngày 9 tháng 7 âm lịch năm 91 trước Công nguyên, Lưu Cứ có quân sĩ, bèn giả lệnh vua bắt bè đảng Giang Sung giết chết, rồi mang quân chiếm cứ các vị trí trọng yếu trong kinh thành Tràng An, đánh phá kho vũ khí ở cung Trường Lạc. Kinh thành hoảng loạn.

Người cùng phe cánh của Giang Sung là Tô Văn chạy thoát, tới cung Cam Tuyền báo cho Hán Vũ Đế rằng thái tử dấy quân khởi loạn. Hán Vũ Đế đang dưỡng bệnh, nghe tin bèn sai thừa tướng Lưu Khuất Mạo đem quân bắt thái tử.

Cuối cùng thái tử Lưu Cứ bị thua, phải chạy trốn khỏi kinh thành Tràng An. Thiếu phó Thạch Đức cũng bị giết. Ba hoàng tử, 1 công chúa khác cũng bị xử tử. Vệ hoàng hậu không có cách nào giải thích với Hán Vũ Đế. Bà bị phế truất và bị buộc phải tự sát.

Gia tộc họ Vệ một thời lừng lẫy bị diệt vong. Ít lâu sau, thái tử Lưu Cứ bị phát hiện trốn trong nhà dân ở Văn Hương, bị Hán Vũ Đế mang quân vây bắt, phải tự vẫn, hai người con thái tử (cháu nội của Vệ Tử Phu) cũng bị giết. Hàng ngàn người khác bị liên lụy đều bị xử tử.

Một năm sau, Hán Vũ Đế mới tỉnh ngộ ra rằng những chuyện yểm bùa phần nhiều do Giang Sung bày đặt ra, nên dù Giang Sung đã chết vẫn bắt giết cả nhà Giang Sung. Thái tử cũ Lưu Cứ được truy tặng là Lệ thái tử, còn hoàng tử út Lưu Phất Lăng được lập làm thái tử kế nghiệp.

3. Trên thực tế, trước khi Câu Dực Phu nhân đắc sủng và xảy ra biến cố với gia tộc của Vệ Hoàng hậu, Hán Vũ Đế còn có hai người phi tần khác cũng rất được sủng ái. Một người là Vương Phu nhân người nước Triệu.

Nhờ sự sủng hạnh của Vũ Đế dành cho mẹ mình mà đứa con trai do Vương Phu nhân sinh ra được phong làm Tề Vương. Tuy nhiên, Vương Phu nhân không sống đủ lâu để nhận sự sủng hạnh của Hán Vũ Đế. Chỉ một thời gian sau, Vương Phu nhân bệnh năng rồi qua đời. Và người thay thế vị trí của Vương Phu nhân chính là Lý Phu nhân.

Anh trai của Lý Phu nhân là Lý Diên Niên là một người rất tinh thông âm nhạc, được Hán Vũ Đế tuyển vào cung để phục vụ mình. Một lần, Lý Đình hát một bài hát rằng: “Bắc phương hữu giai nhân, Tuyệt thế nhi độc lập, Nhất cố khuynh nhân thành, Tái cố khuynh nhân quốc.
 
Trần A Kiều trên phim
Trần A Kiều trên phim

Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc. Giai nhân nan tái đắc”. Nghĩa là: Phương Bắc có người đẹp, Đẹp tuyệt thế mà còn đơn chiếc, Quay nhìn một lần làm nghiêng thành, Quay nhìn lần hai thì nghiêng nước. Thà là không biết cái đẹp khuynh thành khuynh quốc. Người đẹp khó gặp đến hai lần”. Hán Vũ Đế nghe xong, rất thích thú hỏi Lý Diên Niên rằng: “Lẽ nào có người đẹp như vậy thật ư?”.

Chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa nói: “Lý Diên Niên có người em gái, là một người đẹp khuynh thành khuynh quốc như thế”. Thế là nhờ có bài hát của Lý Diên Niên mà cô em gái của ông ta được đưa vào cung và trở thành một vị phu nhân được Hán Vũ Đế rất mực sủng ái.

Chuyện kể rằng, một lần, Hán Vũ Đế tới cung của Lý Phu nhân chơi, đột nhiên cảm thấy da đầu rất ngứa ngáy. Chẳng biết làm thế nào bèn tiện tay vớ chiếc trâm bằng ngọc của Lý Phu nhân để gãi vào chỗ ngứa. Ngay hôm sau, chuyện Hán Vũ Đế dùng trâm ngọc gãi đầu được truyền khắp kinh thành.

 Kể từ đó, tại kinh thành nhà Hán, bất kể là cung nữ hay phi tần trong cung hay những cô tiểu thư, những bậc mệnh phụ phu nhân đều dùng chiếc trâm bằng ngọc để cài lên đầu. Giá ngọc ở Trường An cũng vì thế mà tăng lên gấp cả trăm lần.

Một chuyện khác lại kể rằng, Lý Phu nhân vốn rất yếu đuối, vì vậy, sau khi sinh hoàng tử Lưu Bác không bao lâu thì qua đời. Khi Lý Phu nhân bị bệnh, Hán Vũ Đế rất quan tâm, thường xuyên tới tận nơi thăm nom.

Lý Phu nhân dùng chăn che lấy mặt nói: “Thần thiếp bị bệnh đã lâu, dung mạo đã xấu xí, không còn như trước nên không muốn để hoàng thượng nhìn thấy. Tâm nguyện duy nhất của thần thiếp là giao phó người anh và em trai của mình cho hoàng thượng”. Hán Vũ Đế nói: “Phu nhân bệnh đã lâu, có thể đây là lần gặp cuối giữa ta và nàng”.

Ý của Hán Vũ Đế là muốn nhìn mặt Lý Phu nhân lần cuối, tuy nhiên bà vẫn quyết từ chối, nói: “Thần thiếp chưa trang điểm, không dám gặp hoàng thượng”. Hán Vũ Đế một lần nữa muốn gặp mặt nhưng Lý Phu nhân nhất định không cho. Không còn cách nào khác, Hán Vũ Đế đành phải thở dài ra về.

Sau khi Hán Vũ Đế ra về, chị gái của Lý Phu nhân trách bà đã làm phật lòng Hán Vũ Đế. Lý Phu nhân nói: “Chúng ta đều là những người lấy nhan sắc mà phục vụ hoàng đế,  một khi nhan sắc đã tàn thì sẽ không còn giá trị gì nữa. Hoàng thượng lâu nay vẫn không quên được em là vì trong ấn tượng của ông ấy, em rất đẹp.

 Nếu như nay em để cho ông ấy nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của mình thì sau này chắc chắn ông ấy sẽ không còn nhớ gì tới em nữa. Như vậy, ông ấy làm sao lo lắng cho những người anh em của em được”. Lý Phu nhân đã đoán trúng tâm lý của Hán Vũ Đế, mà thực tế là tâm lý của toàn bộ thế giới đàn ông.

Sau khi Lý Phu nhân qua đời, Hán Vũ Đế một thời gian dài vẫn không quên được bà, còn làm một bài phú để bày tỏ sự thương xót của mình dành cho Lý Phu nhân. Nhớ lời dặn dò của Lý Phu nhân, nên sau bà qua đời, anh trai của bà là Lý Diên Niên nhờ tinh thông âm nhạc nên được phong làm Hiệp luật quan, phụ trách quản lý những người nghệ nhân ca múa trong cả nước.

 Người anh cả của Lý Phu nhân là Lý Quảng Lợi cũng được phong làm Nhị Sư tướng quân, sau đó nhờ có công được phong làm Hải Tây hầu. Tuy nhiên, sau này, Lý Diên Niên dâm loạn làm ô uế hậu cung còn Lý Quảng Lợi đầu hàng quân Hung Nô nên nhà họ Lý bị diệt vong.

Cả năm người hậu phi của Hán Vũ Đế đều có kết thúc không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, dẫu sao họ cũng được sử sách nhắc tới rất nhiều và những người thân của họ vẫn nhờ họ mà được hưởng một phần vinh hoa phú quý. Tuy nhiên, những hậu phi khác trong hoàng cung của Hán Vũ Đế lại không được may mắn như vậy. Khi Vũ Đế bệnh nặng, không còn sống được bao lâu nữa thì người được lựa chọn kế nghiệp ông là thái tử Lưu Phất Lăng mới vỏn vẹn 7 tuổi đầu.

Sợ rằng, thái tử còn quá nhỏ để nắm quyền và triều đình nhà Hán lại một lần nữa xảy ra nạn ngoại thích chuyên quyền như thời Lã hậu nên trước khi chết, Hán Vũ Đế đã ra một mệnh lệnh vô cùng tàn ác, đó là xử tội chết tất cả những hậu phi trong hậu cung của mình, đặc biệt là những người đã từng sinh con cho ông ta.

Người ta thường nói, Hán Vũ Đế là ông vua trị vì lâu nhất và cũng là ông vua có nhiều phi tần nhất thời nhà Hán, tuy nhiên, với mệnh lệnh tàn bạo này thì phải nói rằng, Hán Vũ Đế còn là ông vua tàn bạo nhất của triều đình vốn được coi là thịnh trị này.

Phong Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét