Đây là nhận định của ông Herbert Carlisle – vị tướng chịu trách nhiệm giám sát Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cái gọi là “chiến lược hướng trọng tâm vào châu Á” đang trở nên rất rõ ràng với Không lực Mỹ. Và ý tưởng là bao vây Trung Quốc bằng lực lượng Mỹ và các đồng minh giống như phương Tây đã làm với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Giới quan chức quân sự Mỹ liên tục khẳng định, họ không tìm cách để kiềm chế Trung Quốc mà hợp tác với Trung Quốc và các nước Thái Bình Dương khác để “duy trì sự ổn định” trong khu vực. Tuy nhiên, việc Mỹ thiết lập một vòng tròn căn cứ ở châu Á rất giống với những gì từng xảy ra trước đây.
Ví dụ, ở Australia, Không quân Mỹ sẽ triển khai một loạt “chiến đấu cơ, máy bay chở nhiên liệu và vào một thời điểm nào đó trong tương lai là cả máy bay ném bom” đến quốc gia này trên cơ sở luân phiên", Tướng Carlisle, chỉ huy các chiến dịch của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương tiết lộ trong khi ăn sáng cùng cánh phóng viên ở Thủ đô Washington hôm 29/7. Những chiếc máy bay quân sự của Mỹ có thể sẽ bắt đầu hiện diện ở Australia vào thời điểm nào đó trong năm tới tại căn cứ không quân Hoàng gia Australia (RAAF) ở Darwin.
Đây chỉ là màn khởi đầu cho kế hoạch của Không quân Mỹ nhằm mở rộng sự hiện diện tại châu Á, Tướng Carlisle nhấn mạnh. Ngoài triển khai lực lượng đến Australia, Không lực Mỹ còn đưa máy bay đến căn cứ không quân Changi East ở Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, một địa điểm khác ở Ấn Độ, và có thể là các căn cứ ở Kubi Point và Puerto Princesa ở Philippines cũng như các căn cứ ở Indonesia và Malaysia.
Tất cả những bước đi trên giúp Mỹ phát triển một mạng lưới căn cứ trong khu vực, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh đang vận hành thiết bị quân sự của Mỹ và biết cách hợp tác với quân đội Mỹ. "Một trong những nguyên lý chính trong chiến lược của chúng tôi là mở rộng sự hiện diện, can dự và tương tác với quân đội các nước bạn bè và đối tác của chúng tôi”, ông Carlisle nói.
"Những nước tăng ngân sách quốc phòng trên thế giới đều ở châu Á”, Tướng Carlisle cho biết. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang nỗ lực mở rộng mạng lưới các đồng minh Thái Bình Dương được trang bị vũ khí của Mỹ để từ đó giúp cường quốc số 1 thế giới tăng cường sự hiện diện ở khu vực quan trọng này.
"Chúng tôi tập trận cùng nhau, huấn luyện cùng nhau và giúp họ xây dựng năng lực và chúng tôi cũng làm quen với họ và môi trường khu vực”, ông Carlisle cho biết đồng thời cam kết những sự hợp tác như vậy “sẽ đem lại lợi ích to lớn”.
Mỹ sẽ "tung" những chiến đấu cơ hàng đầu đến châu Á
Tướng Carlisle nhấn mạnh, Không quân Mỹ không có kế hoạch xây dựng một số lượng lớn cơ sở hạ tầng trên khắp Đông Nam Á để hỗ trợ cho các đơn vị đồn trú của Mỹ trong khu vực. Thay vào đó, Mỹ sẽ đưa lực lượng của mình đến đóng luân phiên tại các căn cứ đã có sẵn.
Hiện tại, Không quân Mỹ có 9 căn cứ chính trên khắp Thái Bình Dương, từ Alaska, Hawaii đến Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi những căn cứ này đều sẽ đón nhận hoạt động triển khai của không quân Mỹ trên cơ sở luân phiên thì hiện tại, đã có một số lượng lớn máy bay Mỹ tập hợp tại đây. Điều đó có nghĩa là Không quân Mỹ sẽ thường xuyên phái máy bay đến đóng tại những nước mà họ chưa có sự hiện diện kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Ông Carlisle còn cho biết: “Những phi đội có khả năng nhất sẽ được phái đến làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương”. Như vậy, Không quân Mỹ chắc chắn sẽ cử một số lượng lớn máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 Raptors, tiêm kích hàng đầu F-35 và những chiếc máy bay ném bom tàng hình thiện chiến B-2 đến khu vực. Tướng Carlisle từng khẳng định, căn cứ nước ngoài cố định đầu tiên của loại máy bay hàng đầu thế giới F-35 của Mỹ sẽ là ở Thái Bình Dương.
Ngoài không quân, lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu thực hiện những bước đi nằm trong chính sách chuyển hướng trọng tâm vào châu Á. Hải quân đã đưa những tàu tuần duyên chiến đấu tối tân đầu tiên của họ đến Singapore trong khi thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai quân đến Australia. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ còn đang tân trang lại các căn cứ thời Chiến tranh thế giới II ở các quần đảo Thái Bình Dương. Những căn cứ này sẽ được quân Mỹ sử dụng đến trong trường hơn các căn cứ chính của họ bị tên lửa đạn đạo Trung Quốc tấn công.
Giới chức Mỹ liên tục khẳng định, các hoạt động triển khai quân sự của họ ở Thái Bình Dương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với việc các lực lượng được triển khai luân phiên đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên hỗ trợ đóng cố định tại các căn cứ, điều đó có nghĩa rằng, kế hoạch mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở châu Á không thể là tạm thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét