Kỳ 4: Tàu chiến Việt Nam cần có tên lửa mạnh hơn
Tấn công cũng khó
Quá khứ từng chứng kiến tàu chiến (trang bị tên lửa có tầm bắn ngắn hơn) đánh chìm tàu có tên lửa đạt tầm bắn xa hơn. Đó là 2 trận đánh giữa Hải quân Isarel với Ai Cập (trận Baltim) và Syria (trận Latakia) trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Quá khứ từng chứng kiến tàu chiến (trang bị tên lửa có tầm bắn ngắn hơn) đánh chìm tàu có tên lửa đạt tầm bắn xa hơn. Đó là 2 trận đánh giữa Hải quân Isarel với Ai Cập (trận Baltim) và Syria (trận Latakia) trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Trong trận chiến này, tàu tên lửa Isarel chỉ được trang bị tên lửa Gabriel (tầm bắn 15-20km), trong khi tàu chiến Ai Cập – Syria có tên lửa P-15 Termit (tầm bắn 40km). Ở cự li 38km, các tàu Ai Cập - Syria đều phóng tên lửa, lợi dụng ưu thế về tầm bắn để đánh phủ đầu, tiêu diệt địch.
Tuy nhiên, tàu Isarel sử dụng biện pháp gây nhiễu đầu tự dẫn dẫn tên lửa P-15 bằng các đầu tạo xung gây nhiễu; đồng thời thành tàu được phủ lớp vật liệu hấp thụ sóng điện từ. Điều này khiến cho các tên lửa P-15 của Ai Cập – Syria mất phương hướng, đánh trượt mục tiêu. Sau đó, biên đội tàu tên lửa Isarel nhanh chóng tăng tốc, sử dụng tốc độ cao để thu hẹp khoảng cách và phóng tên lửa Gabriel tiêu diệt toàn bộ tàu Ai Cập – Syria, giành chiến thắng.
Thắng lợi do tàu Isarel giành được là do ưu thế về kĩ thuật gây nhiễu điện từ. Về nguyên nhân Ai Cập và Syria thất bại, trước hết do họ đã phóng hết đạn tên lửa P-15 Termit, không còn vũ khí đối phó. Thứ 2, hải quân các nước này kém cỏi về tổ chức đánh trận, hoàn toàn không có không quân, hay một biên đội tàu nào xuất kích ứng cứu, dẫn đến thất bại. Trong khoảng thời gian nửa giờ, nếu Ai Cập và Syria điều không quân đánh chặn, thì Hải quân Isarel chưa chắc đã thắng trận.
Trận hải chiến Baltim 1973, tuy trang bị tên lửa mạnh hơn nhưng Hải quân Ai Cập vẫn bị tàu chiến Israel với tên lửa yếu hơn đánh bại. |
Tất nhiên, trận hải chiến năm 1973 khác biệt hoàn toàn với tình huống giả định xảy ra trên Biển Đông. Khoảng cách mà biên đội tàu Isarel phải vận động để tiếp cận tàu địch là trên 20km. Với tốc độ rất cao, lên đến trên 50km/h của tàu tên lửa cao tốc, thì tàu Isarel chỉ mất chưa đầy nửa giờ đồng hồ để tiếp cận và phóng tên lửa kết liễu đối phương.
Còn trong cuộc chiến giả định trên Biển Đông, biên đội tàu Hải quân Việt Nam phải di chuyển trên 150km, trong khi tàu địch hiện đại, hỏa lực mạnh hơn. Về tác chiến điện tử, ta cũng không chiếm ưu thế so với địch như Isarel so với Ai Cập.
Về khả năng tàng hình trên biển, các tàu chiến của Hải quân Việt Nam dù đã có những cải tiến nhất định nhưng trước đối phương có cả vệ tinh, máy bay trinh sát thì rất khó có thể “lẩn tránh” trong thời gian dài. Và thời gian trong 2-3 giờ là đủ để quân địch có thể xuất kích các biên đội không quân hải quân, tiến công biên đội tàu ta bằng tên lửa diệt hạm. Khả năng phòng không của tàu ta hạn chế nên trước những đòn đánh liên tiếp của kẻ địch, khó có khả năng chống đỡ.
Ngoài ra, khác với năm 1973, 40 năm sau, tên lửa hành trình chống tàu đã có những bước tiến rất lớn trong công nghệ bắt bám, dẫn đường diệt mục tiêu bằng nhiều cơ chế: radar dẫn đường chủ động, hoặc thụ động bám theo tín hiệu radar tàu địch, hoặc dẫn đường quang truyền hình, dẫn bằng hồng ngoại … Nói cách khác, hiện không dễ để thực hiện các biện pháp đánh chặn, hay gây nhiễu điện tử.
Từ những phân tích trên đây, có thể nói việc các tàu hải quân ta xuất kích tiến công tiêu diệt địch mà không thiệt hại là khó. Điều này dẫn đến việc chúng ta ít có khả năng tổ chức một đòn hợp công giữa không quân, tàu ngầm với các hạm nổi cùng tiến công địch, giải vây cho Trường Sa (trong trường hợp xấu).
Nếu đối phương không bị tiêu diệt sau loạt đạn tấn công, biên đội tàu ta có thể bị thiệt hại lớn khi rút lui, nhất là khi còn nằm trong tầm hỏa lực địch. |
Còn nếu trong trường hợp, biên đội tàu ta vượt qua lưới lửa đối phương và tiếp cận tàu địch ở phạm vi hiệu quả của tên lửa Kh-35 Uran-E, vấn đề đặt ra là liệu sau khi phóng hết đạn thì chúng ta có rút lui an toàn; nhất là khi mà đối phương có thể chưa bị tiêu diệt hẳn (hoặc đông hơn) và lập tức phản công.
Hạm tàu ta chỉ thật sự an toàn khi ở cách bờ từ 200-300km. Ở đó, nếu tàu địch muốn tiến công tàu ta bằng tên lửa diệt hạm, chúng sẽ phải tiến vào tầm bắn của tên lửa 4K44 Redut (tầm bắn 460-550km). Nếu không quân địch tấn công, tàu ta có thể cơ động lùi về gần bờ, nơi có hỏa lực phòng không của tổ hợp tên lửa S-300PMU1.
Cần sức mạnh tương đương
Có ý kiến cho rằng, các tàu tên lửa tốc độ cao Project 12418/1241RE có thể lợi dụng khả năng tấn công nhanh để tăng tốc tiếp cận mục tiêu, phóng tên lửa và rút chạy an toàn trước khi địch kịp phản kích.
Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trong trường hợp mà hỏa lực của hai bên không quá chênh lệch. Ví dụ, trong trận đánh trên Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964, tàu phóng lôi 123K đối đầu với 6 khẩu trọng pháo 127mm của tàu Maddox. Tàu khu trục Maddox của Mỹ khai hỏa khi 2 bên cách nhau 6 hải lý. Với tốc độ lên đến gần 50 hải lí/h, tàu 123K của Việt Nam chỉ cần vài phút để áp sát, phóng ngư lôi, bắn đại liên 14,5mm quét sang tàu địch ở cự li chưa đầy 1 hải lí.
Đối với trận đánh của tàu Isarel với tàu tên lửa Ai Cập và Syria, khoảng cách để tàu Isarel vận động đến khi có thể tấn công mục tiêu chỉ là 20km.
Theo xu thế phát triển của công nghệ, tầm bắn của các vũ khí chống tàu ngày một xa, trong khi tốc độ của tàu chiến hầu như không thay đổi nhiều. Do đó xuất hiện đòi hỏi tầm bắn của hai bên cũng phải liên tục gia tăng, để đảm bảo là hiệu số tầm bắn không chênh lệch quá nhiều so với tốc độ của tàu.
Theo nhận định chủ quan, hiệu số về tầm bắn chỉ nên ở mức dưới 20-30 phút tốc độ chạy tàu, nghĩa là khoảng 20-30km. Thời gian đó là “hơi ngắn” để không quân địch kịp xuất kích tấn công, hạn chế được thiệt hại cho biên đội tàu chiến đấu của ta. Thời gian tàu ta ở trong khu vực nguy hiểm là khoảng trên dưới 1 giờ, cho phép ta khai thác các tính năng kĩ chiến thuật ở mức tối đa, đảm bảo khả năng chống trả lại các đòn tấn công của đối phương.
Nga đã có giải pháp trang bị tên lửa chống tầm siêu thanh tầm xa 300km lên chiến hạm Gepard. "Chiêu" này có thể áp dụng với các tàu Gepard của Việt Nam. |
Vậy, trước một kẻ địch trang bị tên lửa chống tàu bắn xa đến 300km, thì hạm tàu hải quân ta phải có trang bị tương đương, ví dụ như là trang bị các loại tên lửa chống tàu tầm xa hơn Kh-35 (P-800 Yakhont, Kaliber NK hoặc Brahmos).
Khi được trang bị vũ khí gần như tương đương với hạm tàu địch, thì tàu tên lửa cao tốc 1241.8/1241RE mới phát huy đầy đủ khả năng tấn công nhanh, hay tàu Gepard 3.9 mới có năng lực “đáng gờm”. Nó có thể đứng trong tầm bảo vệ của tên lửa bờ biển, cách bờ 300km và bất ngờ phóng tên lửa diệt tàu địch tại Trường Sa ở cự li 300km.
Nếu địch phản kích, các tàu sẽ nhanh chóng di chuyển vào gần bờ để nhận sự “che chở” từ tên lửa bờ biển. Có thể nói, yếu tố quyết định chiến thắng nằm ở trí tuệ con người, nhưng cũng cần những vũ khí tối thiểu, để đảm bảo lực lượng đôi bên không quá chênh lệch.
Qua các ví dụ và phân tích trên, có thể nhận thấy được hạn chế của tàu chiến đấu mặt nước của Việt Nam, trong thế trận bảo vệ quần đảo Trường Sa. Giải pháp để lực lượng này phát huy hơn nữa sức mạnh của mình, đó là chúng phải có số lượng lớn hơn, phải có khả năng tác chiến điện tử và phòng không mạnh hơn, để tự bảo vệ mình khỏi tên lửa chống tàu, không quân địch.
Trong tương lai, hải quân ta cần trang bị thêm tên lửa diệt hạm tầm xa như P-800 Yakhont, Kaliber NK hay Brahmos. Đó sẽ là bước tiến lớn để Hải quân Nhân dân Việt Nam đảm bảo chắc chắn khả năng bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Khi đó, cùng với lực lượng tên lửa bờ, không quân và tàu ngầm, hải quân hạm nổi, Việt Nam có đầy đủ khả năng giáng trả mạnh mẽ vào tàu địch, bảo vệ quần đảo Trường Sa.
(*) Kỳ sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lực lượng Không quân Việt Nam với tiêm kích Su-27/30, Su-22 sẽ tác chiến thế nào đánh địch giải vây Trường Sa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét