Edward Snowden, người đang bị Mỹ ráo riết truy nã, đã xuất hiện trước công chúng ngày 12/7 và gặp gỡ với các nhà hoạt động nhân quyền ở Moscow.
Theo Phó Giám đốc Tổ chức Bảo vệ nhân quyền (Human Right Watch) Tatyana Lokshina, tổ chức này đã nhận được được thư yêu cầu từ Snowden và đồng ý đến dự buổi họp bao gồm đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Human Rights Watch và các tổ chức khác, cũng như các luật sư về nhân quyền nổi tiếng của Nga.
"Người tố cáo" Snowden ngày 12/7 đã xuất hiện trước công chúng và gặp gỡ với các nhà hoạt động nhân quyền (Ảnh: RT) |
Bà Lokshina cũng cho biết, “người tố giác’ cho biết điều kiện sống ở sân bay rất tốt, và anh cảm thấy an toàn khi ở đó. Tuy nhiên “người thổi còi” cũng xác định rằng anh không thể ở lại đó mãi mãi.
Theo bà Lokshina, Snowden đang tìm cách để ở lại Nga vì anh ta không thể bay tới châu Mỹ Latin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Snowden có tiết lộ thêm bất cứ thông tin chi tiết nào nữa hay không, bà Lokshina cho biết “Snowden nói rằng công việc của anh ấy đã xong”.
Bà Lokshina cũng cho biết, Snowden đã đề nghị những nhà hoạt động nhân quyền kiến nghị với các tiểu bang của Mỹ và châu Âu không can thiệp vào quá trình xin tị nạn của mình. Cựu nhân viên CIA cũng đề nghị bà Lokshina trên danh nghĩa của mình giúp can thiệp với Tổng thống Putin.
Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Nikonov cho biết, Snowden đã sẵn sàng để yêu cầu Nga cho tị nạn chính trị và anh "không có ý định gây hại cho Mỹ".
Snowden cũng cho biết, không loại trừ khả năng anh có thể chuyển tới sống tại một quốc gia châu Mỹ La tinh. Tuy nhiên, vụ việc gần đây, trong đó có vụ chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales phải hạ cánh xuống Áo vì nghi vấn có mặt của người tố giác trên máy bay, đã làm anh chán nản.
Theo luật sư nhân quyền Anatoly Kucherena, Snowden đã viết đơn yêu cầu xin tị nạn chính trị. Luật sư Kucherena cũng cho biết ông sẽ hỗ trợ pháp lý cho “người thổi còi”.
Theo luật sư Kucherena, giới chức Nga có thể quyết định yêu cầu tị nạn Snowden trong thời gian từ hai đến ba tuần.
Trong khi đó, Thanh tra nhân quyền của Tổng thống Nga Vladimir Lukin cho rằng sẽ tốt hơn cho Snowden nếu anh yêu cầu Liên Hiệp Quốc hoặc ICRC cho tị nạn thay vì tìm kiếm tị nạn ở Nga. Hướng giải quyết này sẽ không gây tổn hại cho mối quan hệ Nga-Mỹ.
Còn Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết điện Kremlin vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu tị nạn chính thức nào từ Snowden. Các điều kiện để Snowden ở lại Nga như Tổng thống Putin từng tuyên bố, vẫn không thay đổi.
Ông Peskov nhấn mạnh, Snowden nên nộp đơn xin tị nạn, Nga sẽ xem xét yêu cầu của anh ta.
Nga là một trong hơn 20 quốc gia mà Snowden gửi yêu cầu xin tị nạn theo Wikileaks. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Snowden có thể ở lại Nga, nếu muốn, nhưng chỉ khi anh dừng các hoạt động nhằm chống lại Mỹ.
Theo ý kiến của ông Putin, Snowden tự coi mình là "một người chiến đấu cho nhân quyền" và có vẻ như không chắc rằng anh ta sẽ dừng việc tiết lộ các dữ liệu bí mật của Mỹ. Tuy nhiên, Nga sẽ không dẫn độ Snowden, ông Putin.
"Nga chưa bao giờ dẫn độ bất cứ ai và sẽ không làm như vậy. Giống như không ai có thể được dẫn độ sang Nga ", Putin nói./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét