Hiện nay, ngoài tàu chiến Gepard 3.9, các tàu tên lửa cỡ nhỏ Project 1241RE Tarantul, Project 12418 Molniya và tàu pháo TT400TP đều có trang bị tên lửa phòng không tầm thấp (biến thể của tổ hợp phòng không vác vai trên bộ).
Các tên lửa được đặt trên cơ cấu giá phóng phục vụ phóng đạn một cách tự động bằng điều khiển từ xa. Tuy nhiên, điểm yếu là cơ cấu phóng này không được tích hợp tổ hợp ngắm mục tiêu ở cự ly xa, mà chủ yếu là diệt mục tiêu trong tầm nhìn.
Mới đây, tại Triển lãm Hải quân quốc tế IMDS 2013 (tổ chức tại Saint Peterburg), Viện nghiên cứu thiết bị điện tử và thông tin liên lạc hải quân Altair (hay còn gọi là Phòng thiết kế MNIIRE Altair) có trụ sở tại Moscow, đã phát triển thành công hệ thống phòng không tầm gần mới, mang tên 3M-47 Gibka, có thể tích hợp trên tàu chiến cỡ nhỏ có lượng giãn nước từ 200 tấn trở lên.
3M-47 Gibka được trang bị tổ hợp ngắm quang – điện cho phép phát hiện mục tiêu ở cự ly xa, đặc biệt nó có thể nhận thông tin mục tiêu từ radar của tàu, qua đó phát hiện sớm để đánh chặn hiệu quả mục tiêu ở cự ly xa. Đây có lẽ phương án nâng cấp sức mạnh phòng không hiệu quả cho tàu chiến cỡ nhỏ Việt Nam.
Theo thông tin từ nhà thiết kế, 3M-47 Gibka là một module chiến đấu điều khiển từ xa hoạt động trên môi trường tự động hoàn toàn. Hệ thống cung cấp sự bảo vệ cho các tàu chiến có lượng giãn nước từ 200 tấn trở lên trước mối đe dọa của tên lửa chống hạm, máy bay cánh cố định bay thấp, trực thăng.
Module chiến đấu bao gồm: hệ thống ngắm mục tiêu quang điện có thể di chuyển lên xuống một góc từ ±60 độ; 2 bên có 2 “cánh tay” để gắn các tên lửa phòng không tầm thấp Igla hoặc Igla-S. Toàn bộ khối chiến đấu có thể tham chiến với mục tiêu ở góc phương vị ±150 độ.
Phòng điều khiển được trang bị máy tính điều khiển với một màn hình LCD đa chức năng hiển thị các thông số về mục tiêu cùng các phím thao tác. Một hệ thống máy trạm để kết nối thông tin với hệ thống điều khiển hỏa lực của tàu và hệ thống cung cấp điện.
Điểm độc đáo của hệ thống 3M-47 Gibka là sử dụng thông tin từ radar trên tàu để tìm kiếm và theo dõi mục tiêu. Hệ thống tương thích với các radar trên tàu như: Positiv, Furke hoặc Fregat. Đặc biệt, trong đó radar Positiv đang được sử dụng trên các tàu tên lửa Gepard 3.9, Project 12418/1241RE của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Cảm biến quang – điện trên hệ thống có thể phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay trong phạm vi từ 12-15km. 3M-47 Gibka hoạt động trong môi trường tự động hoàn toàn trong việc bám bắt và tiêu diệt mục tiêu.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 9M39 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại thụ động có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 5,2km với tầm cao 3,5km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu trong điều kiện không có gây nhiễu chủ động khoảng 30-48% và bị gây nhiễu xác suất tiêu diệt mục tiêu khoảng 24-30%.
3M-47 có thể dùng đạn tên lửa 9M342 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại thụ động với tầm bắn tối đa 6km, tầm cao tối đa 4km. Đạn tên lửa 9M342 được trang bị đầu đạn lớn hơn kết hợp với ngòi nổ vô tuyến cận đích mới cho phép tiêu diệt từ khoảng cách 1,5m đến mục tiêu. Thời gian phản ứng với mục tiêu chỉ 8 giây, thời gian tái nạp đạn bằng tay mất khoảng 3 phút. Hệ thống có thể bắn phát một hoặc phóng loạt tùy thuộc vào điều kiện thực tế.
Hiện, 3M-47 Gibka được sản xuất với 2 biến thể: biến thể với 4 đạn tên lửa và biến thể sử dụng 8 đạn tên lửa. Tuy nhiên số lượng mục tiêu có thể tham chiến cùng lúc chỉ 1 mục tiêu. Toàn bộ hệ thống có khối lượng chiến đấu chỉ 650kg.
Hệ thống 3M-47 Gibka đang được sử dụng trên tàu hộ tống Project 21630 Buyan và Project 21631 Buyan-M. Sắp tới, hệ thống có thể được trang bị trên tàu đổ bộ đa năng Mistral.
3M-47 Gibka là một giải pháp rất hợp lý trong việc nâng cao khả năng bảo vệ tàu chiến trước mối đe dọa từ tên lửa chống hạm. Việc tích hợp hệ thống lên các tàu chiến của Hải quân Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện một cách dễ dàng mà không gặp nhiều khó khăn về không gian hay hệ thống điều khiển hỏa lực. Trang bị hệ thống này kết hợp cùng với các pháo cao tốc AK-630 sẽ tạo nên “lá chắn” tầm gần, tầm thấp bảo vệ hiệu quả cho các tàu chiến cỡ nhỏ của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
(BKY)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét