VOV.VN - Có nhiều ý kiến cho rằng nước Pháp phải có chính sách riêng, không nên bị phụ thuộc vào IMF.
Trong báo cáo về nền kinh tế Pháp công bố ngày 5/8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)chỉ trích quốc gia này đã sai lầm khi giảm thâm hụt ngân sách bằng việc đánh thuế cao và sinh ra các loại thuế mới. Bản báo cáo này đã thổi bùng những tranh cãi tại Pháp – quốc gia đang lập kỷ lục tại châu Âu về thuế cao.
Báo cáo hôm đầu tuần của Quỹ Tiền tệ quốc tế được báo chí đánh giá là “món quà có tẩm thuốc độc” đối với chính phủ Pháp. Gọi là “quà’’ là bởi báo cáo đánh giá cao kế hoạch giảm chi tiêu ngân sách của chính phủ Pháp và lạc quan nhận định Pháp có thể đạt tăng trưởng 0,8% trong năm tới 2014.
Việc IMF yêu cầu Pháp ngừng tăng thuế được coi là "thuốc độc" đối với nước này (Ảnh: Le monde) |
Lý giải cho sự lạc quan này, Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng Pháp có khả năng tận dụng được những chuyển biến tích cực của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ trích nặng nề chính sách đánh thuế cao của Pháp để giảm thâm hụt ngân sách, thay vì tập trung vào việc cần làm là giảm những chi tiêu không cần thiết cho một bộ máy hành chính cồng kềnh. Mỗi năm Pháp chi nhiều hơn các quốc gia láng giềng khoảng 100 tỷ Euro cho các dịch vụ công cộng, dù hiệu quả mang lại không hơn.
Một ví dụ khác là ở Pháp, tính trung bình một triệu dân thì có 500 đơn vị hành chính; trong khi con số này ở Đức chỉ là 150 và ở Anh là 10. Do đó, cải cách hệ thống hành chính công quá cồng kềnh là việc mà theo Quỹ tiền tệ quốc tế và báo chí, Pháp phải làm đầu tiên.
Về việc đánh thuế, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo Pháp về một ngưỡng giới hạn, vượt quá giới hạn đó, thuế sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” theo kiểu “thuế giết chết thuế”. Có nghĩa là thuế quá cao khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư nản lòng, từ đó gây hại đến tăng trưởng. Và nếu tăng trưởng không tăng thì cũng có nghĩa là khoản thuế nộp lại cho nhà nước cũng sẽ giảm.
Bên cạnh đó, nước Pháp cũng bị chỉ trích vì nền kinh tế không mềm dẻo, thiếu sức cạnh tranh. Mặt khác, trong khi chính phủ Pháp đang tập trung vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế như dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực này khi cho rằng mức độ thất nghiệp ở Pháp sẽ còn nhỉnh thêm so với năm nay, có thể lên mức 11,6 % vào năm 2014.
Báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế đã thổi bùng lên tranh cãi giữa các đảng phái ở Pháp về chiến lược giảm thâm hụt ngân sách. Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đối lập tận dụng thời cơ này để chỉ trích chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đã đi sai đường.
Ông Jean-Michel Fourgous, đại biểu đảng Liên minh vì phong trào nhân dân nhấn mạnh : “Chính phủ đã hứa vào năm 2012 là đó là lần cuối cùng, sẽ không có đợt tăng thuế nào nữa, nhưng nay là năm 2013 rồi và vẫn tiếp tục tăng thuế, nghĩa là chính phủ không giữ lời hứa. Tại sao không tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mà chỉ đánh thuế cao để bù vào thôi ? Chính sách đó đã làm ít nhất 5.000 người Pháp ra đi làm ăn ở nước khác”.
Thế nhưng đảng Xã hội cầm quyền cũng hoàn toàn có lý khi nhấn mạnh rằng mức thâm hụt ngân sách khổng lồ hiện giờ là di sản nặng nề của nhiều đời lãnh đạo của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân để lại.
Đại biểu Yann Galut của đảng Xã hội khẳng định: “Con số 6 tỷ Euro tiền thuế thêm mà chính phủ nêu ra thực chất là lấy lại từ việc kiểm soát các khoản trốn thuế, chứ không phải là nhằm tăng thuế thêm nữa. Còn một số mức thuế tăng thêm chỉ là do tính toán cơ học theo các luật quy định trước đó. Tôi khẳng định không có sự tăng thuế lớn nào”.
Báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế đã khơi lên một vấn đề đau đầu đối với người dân Pháp là Pháp đang giữ kỷ lục thuế khóa cao nhất trong châu Âu.
Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều tranh cãi tại Pháp về báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế. Nhiều người cho rằng những nhận định này là đúng với suy nghĩ và mong muốn của người dân Pháp muốn giảm các khoản thuế cao. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế có phần nặng nề, không tích cực đối với nước Pháp, dù Tổng giám đốc quỹ này là cựu Bộ trưởng tài chính Pháp Christine La Garde ; và rằng nước Pháp phải có chính sách riêng, không nên bị phụ thuộc vào IMF.
Trong những phản ứng đầu tiên, Bộ trưởng kinh tế Pháp Pierre Moscovici đã khẳng định đồng ý với những khuyến nghị trong báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande, phát biểu trong chuyến thăm vùng Vendee ngày 6/7, vẫn bày tỏ sự lạc quan với khả năng kinh tế đạt tăng trưởng vào năm 2014./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét